Các nghiên cứu về yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 32 - 36)

Bên cạnh những nghiên cứu riêng về chậm tiến độ hoặc nghiên cứu riêng về vượt dự toán các dự án đầu tư, trên thế giới cũng có những nghiên cứu kết hợp cả chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án đầu tư bởi vì chúng có mối quan hệ mật thiết và gắn bó. Mansfield và cộng sự (1994) đã xác định được 16 yếu tố chính gây ra sự chậm trễ và vượt dự toán ở Nigeria. Một bảng câu hỏi khảo sát được thực hiện với các nhà thầu, tư vấn và các khách hàng ở Nigeria. Họ chỉ ra rằng nguyên nhân của sự chậm trễ và vượt dự toán trong các dự án xây dựng tại Nigeria là do vấn đề về tài chính và phương thức thanh toán, quản lý kém, tình trạng thiếu nguyên liệu, dự toán không phù hợp và biến động giá cả.

Trong một nghiên cứu khác, Frimpong và cộng sự (2003) đã tiến hành một cuộc khảo sát để xác định và đánh giá tầm quan trọng của các yếu tố chính góp phần làm gia tăng chi phí và chậm trễ tiến độ của các dự án xây dựng đường ống nước ngầm ở Ghana. Một bảng câu hỏi với 26 yếu tố được thiết kế cẩn thận để điều tra sơ bộ các dự án nước ngầm từ năm 1970 đến năm 1999. Các câu hỏi hướng về 03 nhóm trong cả các tổ chức công và tư: (i) Chủ đầu tư của các dự án, (ii) Văn phòng tư vấn và (iii) Các nhà

thầu làm việc trong các công trình. Các câu hỏi đã được phân phối ngẫu nhiên cho 55 chủ đầu tư, 40 nhà thầu và 30 nhà tư vấn. Kết quả của nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính của sự chậm trễ và vượt dự toán trong xây dựng công trình là: khó khăn trong việc thanh toán hàng tháng từ chủ đầu tư; giám sát nhà thầu kém; chậm trễ trong cung cấp nguyên liệu; hiệu suất thi công kém và sự leo thang của giá cả nguyên vật liệu. Sau đó, Frimpong và Oluwoye (2003) tiếp tục kế thừa nghiên cứu trước đó và bổ sung các yếu tố về tài chính dự án, điều kiện kinh tế, điều kiện tự nhiên và vật liệu là bốn nguyên nhân chính của sự chậm trễ và vượt dự toán ở các dự án nước ngầm của Ghana. Đồng thời, tất cả các nhóm khảo sát đều xếp hạng tài chính dự án là nguyên nhân cao nhất của chậm trễ và vượt dự toán, trong khi yếu tố lao động được xếp hạng thấp nhất.

Han và cộng sự (2009) tìm ra nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ và vượt dự toán của một “siêu dự án” tại Hàn Quốc – Tuyến tàu nhanh liên tỉnh. Quá trình nghiên cứu thực nghiệm và các bài học kinh nghiệm đối với các dự án lớn cho thấy dù Chính phủ Hàn Quốc rất cố gắng quản lý nghiêm ngặt về tiến độ và chi phí của các dự án lớn và “siêu dự án”, nhưng theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy hầu hết các dự án thực hiện từ năm 1990 trở lại đây đều vượt dự toán và chậm tiến độ. Dự án tuyến tàu nhanh liên tỉnh vượt dự toán 12,6 tỷ USD (tăng từ 5,8 tỷ lên 18,4 tỷ USD) và chậm tiến độ 5,5 năm. 06 dự án lớn còn lại có thời gian chậm tiến độ trung bình là 3,6 năm và mức chi phí vượt trung bình là 122,4%. Trong đó, vượt dự toán cao nhất là 4,1 tỷ USD, thấp nhất là 810 triệu USD. Do dự án đường sắt có tổng chiều dài 412 km, để thực hiện hoàn thành dự án cần phải thực hiện 11.411 hoạt động khác nhau. Do vậy, rất khó để xác định đâu là nguyên nhân chậm tiến độ và khâu nào là chủ yếu trong 11.411 hoạt động nói trên. Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp “Zoom – in approach”, tập trung chủ yếu vào các phân khúc công việc quan trọng của dự án hoặc các tiểu dự án thành phần chứ không xem xét toàn bộ dự án.

Về cách thức, nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn những người thực hiện trong từng khâu của dự án. Người được phỏng vấn sẽ giúp chỉ ra những vấn đề phát sinh gây ra chậm tiến độ và những phản ứng dây chuyền gây ra chậm tiến độ từ các bộ

phận, các khâu liên quan. Cách tiếp cận “Zoom – in approach” bao gồm 02 bước: (i) So sánh sự khác nhau giữa biểu đồ găng theo kế hoạch và biểu đồ găng thực tế để tìm ra những giai đoạn, những khâu, những phần việc quan trọng chậm tiến độ; (ii) Phân tích kỹ về thủ tục, định lượng về các nguyên nhân gây ra chậm tiến độ và tác động của việc chậm tiến độ của bộ phận này đối với các bộ phận, giai đoạn khác có liên quan. Thông qua việc phân tích này, nhóm nghiên cứu chỉ ra ai là người phải chịu trách nhiệm về những nguyên nhân của sự chậm trễ. Cuối cùng, kết quả sẽ được đánh giá lại một cách tổng quát thông qua một cuộc khảo sát đối với các chuyên gia trong ngành công nghiệp.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 26 nguyên nhân cơ bản liên quan đến trách nhiệm của 03 chủ thể: Chủ đầu tư, nhà thầu và những tác động ngoại vi.

 Về trách nhiệm của chủ đầu tư có 04 nguyên nhân chính gồm: (i) Thay đổi thiết kế: Thay đổi về các thiết kế đặc thù, thay đổi do điều kiện về nền đất, thay đổi về vị trí đường tạm thời, thay đổi bán kính các khúc cua, thay đổi điểm giao cắt, thay đổi vị trí nhà ga…; (ii) Thu hồi đất: Khó khăn trong nhận, giao mặt bằng xây dựng chính và mặt bằng thi công phụ cho nhà thầu; (iii) Trở ngại vật lý: Các công trình ngầm, trụ điện, tháp tín hiệu, mồ mả và các di sản dưới lòng đất; (iv) Chậm phê duyệt và cấp phép.

 Về trách nhiệm của nhà thầu gồm: (i) Vấn đề tài chính: Phá sản của nhà thầu phụ, xung đột lợi ích của các bên trong công ty liên danh; (ii) Vấn đề về kỹ thuật: Phải thực hiện lại do thay đổi tiêu chí kỹ thuật, an toàn lao động và thiếu người lao động có kỹ năng.

 Về tác động ngoại vi gồm: (i) Vấn đề môi trường (khói, bụi, rung động); (ii) Lãng phí nước ngầm; (iii) Thiếu thông tin đối với người dân; (iv) Xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua; (v) Việc cấp phép chậm trễ…

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra việc chủ đầu tư sử dụng phương pháp sơ đồ găng CPM (Critical Path Method) để quản lý tiến độ dự án là sai lầm. Phương pháp CPM không phù hợp với những dự án quy mô lớn như dự án này vì nó không giúp cho

chủ đầu tư kịp thời nhận ra những bộ phận quan trọng, những giai đoạn quan trọng bị chậm tiến độ, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân gây chậm tiến độ và vượt dự toán đối với dự án đầu tư công siêu lớn thông qua cách tiếp cận “Zoom-in approach”. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào những dự án đầu tư công lớn nên các nguyên nhân gây chậm tiến độ và vượt dự toán được xác định không đại diện cho các dự án có quy mô nhỏ. Ngoài ra, thể chế chính trị và sự ổn định về mặt pháp lý có sự khác biệt giữa Hàn Quốc và Việt Nam cũng là một điểm lưu ý lớn trong khi thảo luận các kết quả nghiên cứu.

Ở Việt Nam, Long và cộng sự (2004) nghiên cứu các vấn đề trong các dự án xây dựng lớn ở các nước đang phát triển, trường hợp tại Việt Nam. Các tác giả phân nhóm các vấn đề theo 05 yếu tố chính: (i) Nhà thiết kế/nhà thầu không đủ năng lực; (ii) Khả năng đánh giá dự án kém và sự thay đổi trong quản lý; (iii) Các vấn đề về xã hội và công nghệ; (iv) Các vấn đề liên quan đến hoạt động và (v) Kỹ thuật và các công nghệ không phù hợp. Sau đó, Long và cộng sự (2008) so sánh các nguyên nhân của tình trạng chậm trễ và vượt dự toán của các dự án xây dựng tại Việt Nam với các ngành công nghiệp xây dựng khác nhau ở châu Á và châu Phi. 21 nguyên nhân của sự chậm trễ và vượt dự toán của các dự án xây dựng công nghiệp đã được đưa ra và xếp hạng. Kết quả phân tích cho thấy không có sự khác biệt trong quan điểm giữa các bên tham gia dự án (chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thi công). Dựa trên 21 nguyên nhân đó, các tác giả đã phân thành 07 nhóm nguyên nhân quan trọng nhất bao gồm: (i) Chậm và thiếu ràng buộc; (ii) Thiếu năng lực; (iii) Thiết kế; (iv) Thị trường và Dự báo; (v) Năng lực tài chính; (vi) Chính phủ; (vii) Nhân công lao động.

Tổng kết lại, cũng giống như các nghiên cứu riêng lẻ về chậm tiến độ hoặc vượt dự toán các dự án đầu tư, các nghiên cứu về chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án đầu tư đều xoay quanh các nhóm yếu tố chính như sau: nhóm yếu tố liên quan đến chủ đầu tư; nhóm yếu tố liên quan đến nhà thầu; nhóm yếu tố liên quan đến tư vấn; nhóm yếu tố liên quan đến tài chính (của chủ đầu tư, nhà thầu hoặc tư vấn) và các yếu tố ngoại vi.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)