Năng lực yếu kém trong quản lý dự án của chủ đầu tư

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 113 - 115)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ GÂY CHẬM TIẾN ĐỘ VÀ VƯỢT DỰ TOÁN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG TẠ

4.8.2. Năng lực yếu kém trong quản lý dự án của chủ đầu tư

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra năng lực năng lực yếu kém trong quản lý dự án của chủ đầu tư có tác động lớn dẫn đến tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán.

Đặc điểm chung của các chủ đầu tư dự án công tại Việt Nam là phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công. Trong chu trình quản lý dự án, có một số nội dung chủ đầu tư không được chủ động quyết định mà phải trình và được các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chấp thuận trước khi thực hiện. Ngoài ra, Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành quy định việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho dự án theo kế hoạch hàng năm chứ không quy định kế hoạch vốn trung hạn theo thời gian thực hiện dự án. Do đó, chủ đầu tư dự án công không thể chủ động trong khâu bố trí vốn ngân sách để thực hiện dự án (Luật Ngân sách sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2017 và Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 01/01/2015 bắt đầu quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn, mới bước đầu triển khai nên chưa thể đánh giá).

Các tác nhân cụ thể thuộc về chủ đầu tư làm chậm tiến độ và vượt dự toán được các chuyên gia chỉ ra là: Không am hiểu các quy định rất phức tạp của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị định của Chính phủ; tổ chức bộ máy quan liêu, năng lực bộ phận quản lý dự án không tương xứng; có xu hướng thích ký

nhiều hợp đồng; đặt giá hợp đồng theo hướng thấp, áp đặt thời gian thực hiện hợp đồng phi thực tế.

Các dự án lớn, dự án ODA thì chủ đầu tư thường là các Bộ ngành hoặc các Ủy ban nhân dân thành phố, tỉnh thuộc trung ương. Các chủ đầu tư thành lập các Ban Quản lý dự án để giúp tập trung triển khai thực hiện dự án. Với mô hình quản lý này, việc quản lý dự án phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Khi phát sinh vấn đề trong quá trình thực hiện dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA không đủ thẩm quyền giải quyết mà phải trình chủ đầu tư (là Thủ trưởng cơ quan Bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Để được chủ đầu tư giải quyết, hồ sơ phải được các cơ quan chuyên môn (Vụ, Sở chuyên ngành) thẩm định, đề xuất. Chính vì quy trình này mà các dự án lớn, dự án ODA thường không hoàn thành đúng tiến độ.

Các dự án quy mô nhỏ, dự án xây dựng cơ sở vật chất của khối hành chính, sự nghiệp công lập thì cấp có thẩm quyền giao cho đơn vị thụ hưởng, quản lý sử dụng tài sản sau khi xây dựng hoàn thành làm chủ đầu tư. Thủ trưởng các cơ quan này thường là công chức, viên chức quản lý được đào tạo các ngành khác nhau và không liên quan đến đầu tư xây dựng. Do đó, trong quản lý điều hành dự án họ thường phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn quản lý dự án; hoặc cũng do không nắm chắc vấn đề nên chủ đầu tư thường kéo dài thời gian ra các quyết định liên quan đến dự án. Quy định hiện hành và áp lực xã hội về tiết kiệm, về chống tham nhũng lãng phí buộc chủ đầu tư đặt giá hợp đồng theo hướng thấp. Kết quả xét trúng thầu đa phần được xét trên tiêu chí “Giá đánh giá thấp nhất”. Từ kẽ hở quy định này, các nhà thầu có khuynh hướng bỏ giá dự thầu thấp để trúng thầu; sau đó tìm đủ lý do để đề xuất chi phí phát sinh.

Một biểu hiện thiếu chuyên nghiệp nữa là việc áp đặt thời gian thực hiện hợp đồng phi thực tế. Các chủ đầu tư thường thích chọn các ngày lễ lớn của quốc gia, ngày kỷ niệm của ngành, địa phương làm thời điểm khởi công hoặc thời điểm khánh thành. Họ có mong muốn phải hoàn thành nghiệm thu công trình trước ngày lễ hay ngày kỷ niệm. Kết quả là không thể thực hiện đúng tiến độ hoặc công trình đúng tiến độ nhưng chất lượng không đạt yêu cầu, phát sinh chi phí sửa chữa ngay sau khi nghiệm thu.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 113 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)