Các nghiên cứu về yếu tố gây chậm tiến độ

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 26 - 31)

Có rất nhiều nghiên cứu đi tìm nguyên nhân của việc chậm tiến độ các dự án, trải dài trong khoảng thời gian từ những năm 1990 đến năm 2010. Các nghiên cứu này có thể phân thành 02 loại chính: nghiên cứu tìm những nguyên nhân cụ thể hoặc nghiên cứu tìm những nhóm nguyên nhân của việc chậm tiến độ các dự án.

Ogunlana và Promkuntong (1996) đã nghiên cứu nguyên nhân sự chậm trễ trong các dự án xây dựng tại Bangkok, Thái Lan và so sánh kết quả với các nghiên cứu khác trên thế giới, từ đó tìm ra các nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong xây dựng ở các nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây chậm trễ của ngành xây dựng ở các nước đang phát triển phải đối mặt, bao gồm: (i) Các vấn đề về

thiếu hụt hoặc bất cập trong cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp (chủ yếu là việc cung cấp các nguồn nguyên vật liệu); (ii) Các vấn đề gây ra bởi khách hàng và phía tư vấn và (iii) Các vấn đề gây ra do nhà thầu thiếu năng lực thực hiện.

Cũng với cách tiếp cận để tìm các nguyên nhân của sự chậm trễ, Al-Momani (2000) tiến hành phân tích định lượng về sự chậm trễ trong xây dựng ở Jordan. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính của sự chậm trễ trong xây dựng công trình công cộng có liên quan đến vấn đề thiết kế, thay đổi người sử dụng, thời tiết, điều kiện thi công, chậm bàn giao công trình, các vấn đề về kinh tế và sự gia tăng về số lượng công trình. Tương tự, Odeh và Battaineh (2002) nghiên cứu nguyên nhân của sự chậm trễ các dự án xây dựng ở Jordan từ quan điểm của các nhà thầu xây dựng và tư vấn cho thấy sự can thiệp của chủ đầu tư, sự thiếu kinh nghiệm của nhà thầu, tài chính và thanh toán, năng suất lao động, ra quyết định chậm, quy hoạch không phù hợp và quá nhiều nhà thầu phụ là những yếu tố quan trọng nhất của sự chậm trễ.

Tổng quát hơn, Sambasivan và cộng sự (2007) xác định 10 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự chậm trễ từ một danh sách 28 nguyên nhân khác nhau và 06 tác động của sự chậm trễ. 10 nguyên nhân quan trọng bao gồm: (i) Lập kế hoạch không đầy đủ của nhà thầu; (ii) Giám sát thực hiện kém; (iii) Kinh nghiệm yếu kém của nhà thầu; (iv) Tài chính yếu kém của đối tác và khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành; (v) Vấn đề với các nhà thầu phụ; (vi) Thiếu hụt nguyên liệu; (vii) Thiếu hụt cung lao động; (viii) Thiết bị lạc hậu và hư hỏng; (ix) Thiếu sự phối hợp giữa các bên và (x) Các sai lầm trong giai đoạn thi công.

Ở cách tiếp cận theo từng nhóm nguyên nhân ảnh hưởng đến chậm tiến độ các dự án, Ogunlana và Promkuntong (1996) đi tìm nguyên nhân của sự chậm trễ trong các dự án xây dựng tại Bangkok, Thái Lan, bao gồm: (i) Vấn đề thiếu hụt hoặc bất cập trong cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp (chủ yếu là cung cấp các nguồn lực); (ii) Vấn đề gây ra bởi chủ đầu tư và tư vấn; (iii) Vấn đề gây ra do nhà thầu thiếu năng lực. Các nguyên nhân phát sinh từ các bên liên quan đến dự án cũng được Ahmed và cộng sự (2003) thừa nhận và bổ sung một số nguyên nhân gây chậm trễ khác như từ chính phủ, các nhà cung cấp nguyên vật liệu, hoặc thời tiết.

Sau đó, Chan và Kumaraswamy (1997) đã nghiên cứu những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời gian xây dựng các dự án ở Hồng Kông. Nghiên cứu đưa ra 83 yếu tố chậm trễ được tập hợp thành 08 nhóm lớn để khảo sát. Các nhóm khác nhau được phân loại trên cơ sở: (i) Vai trò của các bên trong ngành công nghiệp xây dựng (khách hàng/chủ đầu tư, tư vấn hoặc nhà thầu) và (ii) Loại dự án. Kết quả cho thấy 05 nguyên nhân chủ yếu và phổ biến của sự chậm trễ là “yếu kém trong quản lý rủi ro và giám sát”; “những điều kiện ảnh hưởng đến dự án mà không lường trước được”; “sự chậm trễ trong việc ra quyết định liên quan đến dự án”; “các nhu cầu khác nhau của khách hàng” và “sự thay đổi thời gian thực hiện dự án”.

Ở một cách phân loại khác, Odeyinka và Yusif (1997) đã phân loại các nguyên nhân của sự chậm trễ thành các yếu tố có tác động trực tiếp và các yếu tố có tác động gián tiếp trong nghiên cứu về những nguyên nhân của sự chậm trễ của các dự án xây dựng ở Nigeria. Các yếu tố trực tiếp gây ra sự chậm trễ đến từ nhóm: (i) Khách hàng bao gồm sự thay đổi trong đơn đặt hàng, ra quyết định và các vấn đề về dòng tiền; (ii) Nhóm nhà thầu (do khó khăn về tài chính, vấn đề quản lý nguyên liệu, lập và thực thi kế hoạch chưa chính xác, thiếu kiểm tra giám sát hoạt động, vấn đề về quản lý thiết bị và tình trạng thiếu nhân lực); (iii) Yếu tố gián tiếp có liên quan đến sự chậm trễ của dự án được xác định là thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, các tranh chấp lao động và đình công; (iv) Tư vấn chậm hoàn thành các bản vẽ thiết kế.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Majid và McCaffer (1998, dẫn theo Claire và cộng sự, 2004) đã phân loại các yếu tố ảnh hưởng đến sự chậm trễ thành 12 nhóm: sự chậm trễ liên quan đến nguyên vật liệu; sự chậm trễ liên quan đến lao động; sự chậm trễ liên quan đến thiết bị; sự chậm trễ liên quan đến tài chính; quy hoạch không phù hợp; thiếu kiểm soát; sự chậm trễ liên quan đến nhà thầu phụ; phối hợp kém; giám sát không đầy đủ; phương pháp xây dựng không đúng; tình trạng thiếu nhân viên kỹ thuật và giao tiếp kém.

Chi tiết hơn, Alaghbari và cộng sự (2005) đề cập những yếu tố có thể gây ra sự chậm trễ trong các dự án xây dựng ở Malaysia như sau: (i) Trách nhiệm của nhà thầu, gồm: sự chậm trễ trong việc cung cấp nguyên vật liệu cho công trường; thiếu nguyên

liệu trên công trường; sai lầm trong xây dựng và làm việc khiếm khuyết; lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm; thiếu lao động tại chỗ; năng suất lao động thấp; vấn đề tài chính; vấn đề phối hợp với những người khác; nhà thầu phụ thiếu các kỹ năng; thiếu cán bộ của nhà thầu tại công trường; quản lý công trường kém; thiếu thiết bị và công cụ trên công trường. (ii) Trách nhiệm của tư vấn, gồm: sự vắng mặt của nhân viên tư vấn tại công trường; các chuyên gia tư vấn thiếu kinh nghiệm; đội ngũ nhân viên công trường của nhà tư vấn thiếu kinh nghiệm quản lý và giám sát; trì hoãn, chậm đưa ra quyết định; tài liệu không đầy đủ; chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn. (iii) Trách nhiệm của chủ đầu tư, gồm: thiếu kiến thức làm việc; chậm trễ trong việc đưa ra quyết định; thiếu sự phối hợp với các nhà thầu; sửa đổi hợp đồng (thay thế và bổ sung các công việc mới cho dự án và thay đổi thông số kỹ thuật); vấn đề tài chính (các khoản thanh toán bị chậm trễ, khó khăn tài chính và các vấn đề kinh tế). (iv) Các yếu tố bên ngoài, gồm: thiếu nguyên liệu trên thị trường; thiếu trang thiết bị và các công cụ trên thị trường; điều kiện thời tiết xấu; điều kiện công trường kém (vị trí, mặt bằng, …); điều kiện kinh tế kém (tiền tệ, lạm phát, …); những thay đổi về pháp luật và các quy định; các cơ quan công ích (đường giao thông, các tiện ích và dịch vụ công cộng).

Tổng quát hơn, Assaf và Al-Hejji (2006) đã tiến hành một cuộc khảo sát về thời gian thi công của các dự án xây dựng lớn ở Vương quốc Ả Rập Saudi. Cuộc khảo sát chỉ ra 73 nguyên nhân khác nhau của sự chậm trễ, phân theo nhóm nhà thầu, nhà tư vấn và chủ đầu tư. Nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân quan trọng nhất là do sự chậm trễ trong việc chuẩn bị và phê duyệt bản vẽ thi công, sự chậm trễ trong tiến độ thi công của nhà thầu và thanh toán của chủ đầu tư. Ngoài ra, việc thay đổi thiết kế dự án cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của công trình.

Al-Kharashi và Skitmore (2009) đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến việc các dự án trong khu vực công tại Vương quốc Ả Rập Saudi hoàn thành không đúng tiến độ kế hoạch ban đầu trong vòng 03 thập kỷ. Nghiên cứu này khảo sát 07 nhóm đối tượng khảo sát khác nhau: khách hàng, nhà thầu, tư vấn, nhà cung cấp vật tư, người lao động, hợp đồng và các yếu tố liên quan đến “mối quan hệ”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chậm tiến độ của bất cứ một dự án nào cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư của

chính dự án đó và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chi tiêu của Chính phủ, của nhà thầu và dẫn đến 03 hệ quả: (i) Thời gian thi công sẽ dài hơn; (ii) Chi phí đầu tư xây dựng phát sinh tăng; (iii) Vốn lưu động của nhà thầu sẽ “chôn” vào dự án chậm tiến độ.

Bảng câu hỏi của nghiên cứu được Al-Kharashi và Skitmore thiết kế để khảo sát với thang đo 05 bước từ 0 đến 4 với ý nghĩa từ “Không có tác động” đến “Tác động mạnh” được gửi đến những người có liên quan. Kết quả khảo sát bao gồm: 40% nhà thầu, 36% tư vấn, 24% chủ đầu tư, trong đó có 81% có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, 86% có bằng cử nhân, 14% có bằng thạc sỹ. Hầu hết nội dung được hỏi liên quan đến các dự án trị giá hơn 20 triệu USD. Kết quả, ngoài 112 nguyên nhân do nhóm nghiên cứu gợi ý trong bảng câu hỏi, những người được phỏng vấn đã cung cấp thêm 18 nguyên nhân khác có liên quan. Nghiên cứu đã nhận diện và ước lượng được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư công tại Ả Rập Saudi. Đặc biệt hơn, nghiên cứu đã chỉ ra 03 ảnh hưởng rất quan trọng của việc chậm tiến độ:

 Sai lầm trong việc đầu tư chậm tiến độ hôm nay sẽ dẫn đến khủng hoảng trong xây dựng, có liên quan đến vật liệu và lao động.

 Quá trình đầu tư dự án công có nhiều chủ thể tham gia, mỗi chủ thể đều có ảnh hưởng khác nhau đến thời gian xây dựng công trình. Trong đó, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đến trình độ quản lý của chủ đầu tư (trong trường hợp này là cơ quan Chính phủ). Sự thiếu am hiểu về kỹ thuật của chủ đầu tư dẫn đến việc không giám sát được các đơn vị tư vấn và cũng không hiểu được những gì đang xảy ra tại công trình.

 Sự bất đồng giữa 03 bên liên quan (chủ đầu tư – nhà thầu – tư vấn) là nguyên nhân sâu xa của việc chậm tiến độ. Trong đó, thiếu các phương tiện để đo lường chất lượng công trình là nguyên nhân cần quan tâm.

Đây là một nghiên cứu kế thừa các nghiên cứu trước đó và khá toàn diện về sự chậm trễ của dự án đầu tư công tại Ả Rập Saudi. Nghiên cứu cho rằng trình độ quản lý của chủ đầu tư, sự phối hợp giữa 03 bên có liên quan và số lượng cũng như chất lượng của vật liệu và lao động là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn hạn chế khi chỉ khảo sát các dự án lớn (trên 20 triệu USD)

mà bỏ qua các dự án quy mô nhỏ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chưa đề cập đến các yếu tố ngoại vi vốn có những ảnh hưởng nhất định đến tiến độ dự án.

Nhìn chung, các nghiên cứu trước đó về chậm tiến độ các dự án đầu tư đều xoay quanh các nhóm yếu tố chính như sau: nhóm yếu tố bên trong bao gồm nhóm yếu tố liên quan đến chủ đầu tư, nhóm yếu tố liên quan đến nhà thầu, nhóm yếu tố liên quan đến tư vấn; nhóm yếu tố bên ngoài bao gồm nhóm yếu tố liên quan đến chính sách (của Chính phủ) và nhóm yếu tố liên quan đến các yếu tố ngoại vi khác.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)