Các nghiên cứu về yếu tố gây vượt dự toán

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 31 - 32)

Các yếu tố gây vượt dự toán các dự án đầu tư được đề cập khá sớm trong một nghiên cứu thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ của Arditi và cộng sự (1985, dẫn từ Ogunlana và Fromkuntong, 1996). Nghiên cứu này chỉ ra những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vượt dự toán là: áp lực của lạm phát; việc tăng giá của nguyên vật liệu và tiền lương công nhân; khó khăn do khan hiếm vật liệu xây dựng; sự chậm trễ trong xây dựng; thiếu hụt trong việc ước tính chi phí của dự toán được lập bởi các cơ quan Nhà nước và những nguyên nhân không dự đoán được từ đất đai. Khởi nguồn của các nguyên nhân này chính là cầu vượt quá cung do tình trạng tăng trưởng nóng và lạm phát. Điều này cũng được nhắc đến trong nghiên cứu của Kaming và cộng sự (1997): các tác giả nhận định rằng, ở các nước đang phát triển “quá nóng”, việc có quá nhiều các dự án xây dựng có thể dẫn đến tình trạng thiếu vật liệu làm cho cầu sẽ vượt cung, chi phí vật liệu xây dựng sẽ leo thang, làm gia tăng chi phí của dự án, ảnh hưởng đến lạm phát, sự phức tạp của dự án và sự suy giảm hiệu quả hoạt động trong ngành xây dựng.

Còn theo Robert F. Cox (2007, dẫn theo Nega, 2008), có 05 lý do để dự án vượt chi phí bao gồm: (i) Bản vẽ thiết kế chưa đầy đủ, (ii) Yếu kém trong quá trình lập dự toán, (iii) Chi phí vật liệu tăng, (iv) Thiếu những quyết định kịp thời và (v) Đơn đặt hàng thay đổi quá nhiều. Sau đó, Cantarelli và cộng sự (2012) bổ sung các điểm mới khi tiến hành phân tích vấn đề vượt dự toán của các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Hà Lan. Nghiên cứu xem xét các dự án cơ sở hạ tầng của Hà Lan so với kết quả nghiên cứu trên toàn thế giới ở cả ba yếu tố: loại dự án (đường bộ, đường sắt, và các dự án giao thông ngầm), quy mô dự án (tính theo chi phí ước tính) và độ dài của giai

đoạn thực hiện dự án. Kết quả cho thấy: mức vượt dự toán trung bình là 10,6% đối với đường sắt, 18,6% đối với đường bộ và 21,7% cho các dự án giao thông ngầm. Điều này trái ngược với kết quả nghiên cứu trên toàn thế giới, đó là mức vượt dự toán của đường sắt thông thường là lớn nhất và vượt dự toán xảy ra cho tất cả các dự án không phân biệt quy mô. Nghiên cứu cũng chỉ ra chiều dài của giai đoạn thực hiện và đặc biệt là chiều dài của giai đoạn tiền xây dựng là yếu tố quyết định quan trọng dẫn đến vượt dự toán ở Hà Lan. Đây là một đóng góp quan trọng đối với kiến thức hiện tại liên quan đến vấn đề vượt dự toán của dự án tại từng quốc gia khác nhau.

Các nghiên cứu khác nhau về vấn đề vượt dự toán các dự án đầu tư đều chỉ ra rằng có 02 nhóm nguyên nhân dẫn đến vượt dự toán thông thường là: (i) Nhóm nguyên nhân bên trong là năng lực dự toán của các bên tham gia dự án; (ii) Nhóm nguyên nhân bên ngoài đến từ lạm phát, sự khan hiếm nguyên vật liệu và nhân công hoặc từ chính sách của Chính phủ.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)