Tranh Đông Hồ mang nội dung chúc tụng, thể hiện ước mơ tốt đẹp

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 49 - 52)

6. Bố cục luận văn

2.1.2.1Tranh Đông Hồ mang nội dung chúc tụng, thể hiện ước mơ tốt đẹp

của người lao động

Từ bao nhiêu thế kỉ nay, người Việt Nam có phong tục treo tranh dân gian ngày Tết, đó là tập quán từ lâu đời mà ông cha ta từng trân trọng, nay còn thịnh hành khắp kẻ chợ làng quê mỗi dịp xuân về. Trong bài “Xuân thật ngẫu hứng” cụ Tú thành Nam đã tức cảnh thốt lên: …“ Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà/ Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà” hay “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh ”. Đây là những thứ không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền. Từ tết Ông Công 23 tháng Chạp, gia đình nào cũng bắt đầu dọn dẹp, quét vôi trang hoàng nhà cửa để “tống cựu nghinh tân” tống tiễn năm cũ, đón chào năm mới, một năm hứa hẹn nhiều may mắn, mùa màng bội thu, đời sống khấm khá. Tranh dân gian làng Hồ xưa đã đáp ứng ước mơ chính đáng ấy.

Từ hai bên cánh cổng ta đã bắt gặp những Tiến tài- Tiến lộc [Phụ lục;

ảnh 1, 2] vẽ hình hai vị thần mũ áo triều phục văn quan, một vị mang biển Tiến tài, một vị mang biển Tiến lộc. Theo tục lệ của dân làng, dán hai bức tranh này ngoài cổng, tài lộc sẽ kéo vào trong nhà và tới năm mới, hai vị thần Tiến tài, Tiến lộc sẽ mang lại sự thịnh vượng. Cũng có gia đình dán ngoài cổng là hai bức tranh Vũ Đinh- Thiên Ất [Phụ lục; ảnh 3, 4]. Đây là hai vị thần phục võ tướng, mỗi vị vác một thanh long đao. Hai vị thần này trừ tà ma quỷ quái. Người dân dán hai bức tranh này ngoài cửa để ma quỷ không dám vào trong nhà quấy nhiễu, đó cũng là ước vọng cho gia đình được bình an, hạnh phúc.

Vào trong nhà, trên các vách tường (nhà vách đất xưa), có treo nhiều tranh chúc tụng vui vẻ, tốt đẹp bao gồm cả tranh chúc Tết. Tác giả Toan Ánh có nói đến tranh Tết Đông Hồ, “tranh Tết không phải chỉ riêng trẻ con chơi, người lớn cũng chơi tranh Tết, duy tranh Tết của người lớn có khác với tranh

Tết trẻ con” [3, tr.23]. Tranh Tết người lớn là những tranh nhắc lại những điển tích trong truyện cổ, đề cao tinh thần độc lập cũng như nền đạo đức của phương Đông.

Người nông dân cầu mong sinh được con trai để lấy người nối dõi dòng tộc qua bức tranh Vinh hoa có hình em bé như một tiên đồng, hình dáng mập mạp, tóc để trái đào, tay ôm con gà trống [Phụ lục; ảnh 5]. Họ cầu mong một gia đình quây quần đầm ấm, chan hòa hạnh phúc như ý nghĩa của hai bức tranh Gà đàn [Phụ lục; ảnh 11] và tranh Gà thư hùng [Phụ lục; ảnh 26] là bức tranh toàn cảnh của gia đình đoàn tụ, mẫu mực cho sự thủy chung và tinh thần trách nhiệm.

Tranh “Gà dạ xướng” hay “Dạ xướng ngũ canh hòa” [Phụ lục; ảnh 12] nhắc đến đêm năm canh, ngày sáu khắc, con gà làm bầu bạn, đánh thức, nhắc nhở giờ giấc giúp con người dậy làm việc. Gà gáy báo hiệu một ngày mới, gà trống sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho cả năm. Gà vừa là vật nuôi thân thuộc vừa là chiếc đồng hồ gọi cả làng dậy ra đồng mỗi sớm mai. Đây cũng là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai. Đó là đức tính người đời cần ghi nhớ và làm theo. Chính vì thế trở thành con vật gắn bó, gần gũi trong tâm linh của nhà nông từ ngàn xưa.

Tranh “Gà trống hoa hồng” tả vẻ đẹp của chú gà trống choai, tràn trề sức sống, vươn ngực đứng trước bụi hoa hồng [Phụ lục; ảnh 13]. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức- là năm đức tính quý của con người: văn (vẻ đẹp của mào gà), (cứng rắn của cựa gà), nhân (lòng thương yêu đồng loại- khi kiếm được mồi luôn gọi đàn con đến cùng ăn),

dũng (sức mạnh – gặp kẻ thù thì kiên quyết chống lại), tín (hàng ngày báo giờ rất đúng). Đó là những đức tính cần có của một dũng sĩ. Tranh đẹp và ý nghĩa như vậy nên nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã viết trong bài thơ Chợ Tết có hai câu thơ rất hay là: “Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi….”

Tranh Gà đại cát [Phụ lục; ảnh 14] hay Gà đại cát nghinh xuân (đón xuân tốt lành): hai con gà đối xứng nhau, hình thể, lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ Đại cát được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày của mọi người nông dân. Người nông dân trồng lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hòa; chăn nuôi mong được các con vật nuôi hay ăn chóng lớn, cuộc đời mong khỏe mạnh, con cháu đầy đủ, đông vui….Tất cả đều là những ước mơ giản dị- điều lành lớn. Đôi tranh này có bố cục khác hẳn những tranh còn lại ở chỗ: nếu như các tranh khác, chữ cũng là một phần trong bố cục của tranh, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ, còn ở đây chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh- tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân- đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.

Tranh Tờ tiền vẽ vẽ những đồng tiền xếp liền nhau. Dán tranh này trong nhà, người ta tin rằng làm ăn sẽ kiếm ra tiền, nếu mang tặng nhau thì là lời chúc làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Đó là lời chúc về tiền bạc, về của cải vật chất.

Bộ tranh Tứ quý gồm bốn bức tranh được nhiều người biết đến và yêu thích mua về treo trong nhà. Đây là bộ tranh tiêu biểu cho những ước vọng của người nông dân.

Tranh Lễ trí [Phụ lục; ảnh 8] vẽ hình ảnh em bé ôm con rùa. Ý nghĩa của tranh được thể hiện ở chữ “Lễ trí”- cầu mong em bé có được cái “lễ” để ứng xử phải phép với mọi người và cái “trí” giỏi dang sau này. Tranh còn có tên gọi dân dã khác là “Gái sắc bế rùa xanh” với ý nghĩa cầu cho bé gái lớn lên được xinh đẹp, nhu mì, hiền dịu, chăm chỉ, đảm đang như con rùa.

Tranh Nhân nghĩa [Phụ lục; ảnh 9, 7, 10] vẽ hình ảnh em bé ôm cóc. Trong văn chương truyền miệng Việt Nam đã nhắc đến nhiều hình ảnh con cóc trong truyện “Cóc kiện trời” hay câu ca dao: “Con cóc là cậu ông trời. Ai mà đánh cóc thì trời đánh cho”. Theo quan niệm dân gian, ông Trời là chúa tể của vũ trụ, linh thiêng và uy dũng, mỗi khi con người gặp chuyện chẳng lành sẽ kêu trời cứu giúp. Tranh có chú thích chữ nhân nghĩa ấy chính là lời cầu

chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân, cái Nghĩa như con cóc tía trong truyện cổ: mình mẩy tuy có xấu xí, bé nhỏ song dám kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng. Tranh Nhân nghĩa vì vậy còn được gọi là tranh

Trai tài ôm cóc tía, đối xứng với tranh Gái sắc bế rùa xanh.

Tranh Vinh hoa [Phụ lục; ảnh 5] là hình bé trai ôm gà trống. Gà trống chữ Hán là đại kê, đọc đồng âm với chữ đại cát/ đại kiết. Đại cát cũng là tên một quẻ bói tốt nhất trong Bát quái.

Tranh Phú quý [Phụ lục; ảnh 6] vẽ hình em bé ôm Vịt. Hình ảnh này tượng trưng cho ước muốn duyên dáng, dịu hiền, sinh nhiều. Bông hoa sen phía sau tượng trưng cho sự tinh khôi, trong trắng của con người.

Ý nghĩa chúc tụng của bốn bức tranh này đều được nghệ nhân thể hiện rõ ràng ở tên tranh. Trong bộ tứ quý này lại được chia làm hai cặp bé trai – bé gái: Lễ trí – Nhân nghĩa và Vinh hoa – Phú quý với hàm ý chúc cho có con cái thì phải có đủ cả trai lẫn gái, hay “có nếp có tẻ” như cách nói của các cụ xưa, như vậy mới là tròn đầy.

Không thể kể hết các tranh thể hiện những mơ ước của người dân qua tranh Đông Hồ, nhưng những bức tranh tiêu biểu đó sẽ mãi là dấu ấn trong tâm thức của con người. Họ mơ những điều giản dị, chân chất, cũng có khi là mơ ước cao xa vời vợi, khó đạt được nhưng đó là niềm vui, là nguồn hy vọng trong cuộc sống đời thường. Trên hết là tâm hồn phong phú, nhạy bén của người nghệ sĩ thể hiện trong tranh, cũng là cuộc sống và ước vọng của mọi người dân nước Việt.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 49 - 52)