6. Bố cục luận văn
2.1.2.3 Tranh Đông Hồ ca ngợi những anh hùng dân tộc, phản ánh
kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc
Tranh Đông Hồ phản ánh quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước rất oanh liệt, vẻ vang của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử. Qua các bức tranh Đông Hồ về lịch sử phong phú, đa dạng, chúng ta thấy lịch sử dân tộc bằng tranh hiện lên thật sinh động và sâu sắc. Những bức tranh ca ngợi lịch sử thời kì đầu - sau công nguyên với các nhân vật như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo…., cụ thể là các bức tranh: tranh
Bà Triệu cưỡi voi, Bà Triệu đánh giặc, tranh Hai Bà Trưng, Vua Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền đánh giặc, Trần Hưng Đạo, Ngựa Hồng,… Đến thời kì lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có các tranh: Văn minh tiến bộ tọa đăng xương- Phong tục cải lương moa tăng phú (Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận- Phong tục thay đổi, tôi cóc cần), Tranh Bắt giặc lái Mỹ, Tranh Hòa bình,…
Thời kì lịch sử Hai Bà Trưng được phản ánh nhiều trong tranh Đông Hồ, có thể thấy sự yêu mến của người nghệ sĩ dân gian với những nữ anh hùng thời kì mở đầu độc lập này. Đó cũng là sự kính trọng của nhân dân với những bậc anh hùng làm nên lịch sử đất nước này. Số lượng tranh Đông Hồ về nội dung lịch sử không nhiều nhưng đủ để phản ánh thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc, giai đoạn đấu tranh chống giặc kiên cường nhất. Thể hiện sự kiên cường ấy rõ ràng hơn là các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, nên không khó hiểu là có ba bức tranh diễn tả về thời khắc này: Tranh Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi, Bà Triệu đánh giặc [Phụ lục; ảnh 27, 24, 28 ]
Tranh Vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng qua sông [Phụ lục; ảnh 29] là ca ngợi công lao của vua Đinh. Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, lập ra nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của nước Việt sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ mới- quân chủ tập quyền- ở Việt Nam. Cùng với các tư liệu chính sử khác, như trong văn học, trên phim nhựa,….hình ảnh vua Đinh cũng được khắc họa trên tranh Đông Hồ. Đó là nét đẹp văn hóa, lịch sử độc đáo vừa thật gần gũi, giản dị vừa oai phong lẫm liệt.
Chiến thắng vang dội của tướng lĩnh Trần Hưng Đạo qua trận đánh quân Nguyên Mông cũng được khắc họa trên tranh Đông Hồ. Bức tranh Trần Hưng Đạo [Phụ lục; ảnh 30] chỉ có tính minh họa nhưng phần nào đã thể hiện được hình ảnh một đại tướng lĩnh quân sự tài ba, lỗi lạc trong lịch sử dân tộc. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300) là danh tướng thời Trần, danh tướng trong lịch sử Việt Nam, có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông là tác giả của bộ Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc). Ông còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.
Nói đến tranh dân gian Đông Hồ không thể không kể đến bức tranh
Đấu vật, vừa mang nội dung phản ánh lịch sử vừa thể hiện niềm tự hào về tinh thần chuộng võ của cha ông ta. Tranh Đấu vật (hay Đánh vật) thuộc loại tranh cổ in màu qua ván khắc, tranh in trên giấy dó quét điệp cỡ không to lắm nên dân làng gọi là “tranh lá mít”. Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng của làng Đông Hồ, vẽ cảnh đấu vật của nam giới trong ngày xuân. Các đô vật đều mình trần đóng khố- theo đúng phong tục của người Việt trong cái giá rét của mùa xuân để lộ thân hình vạm vỡ, tráng kiện [Ảnh 22; phụ lục ảnh]. Nhìn bức tranh, ba đôi vật đang rất căng thẳng, “bên tám lạng, người nửa cân”, chưa phân thắng bại. Đấu vật là một môn võ cổ truyền của Việt Nam xuất hiện từ khi lập quốc, tồn tại gắn liền với hoạt động bảo vệ Tổ quốc và lễ hội xuân. Không chỉ từ triều Lý tuyển dụng người tài bằng đô vật kỳ tài, mà các triều đại sau cũng dùng môn vật để tuyển chọn những tướng lĩnh giỏi như Yết Kiêu, Dã Tượng….Đó là những đô vật nổi tiếng đã trở thành võ tướng giỏi từ các sới vật. Là đô vật trước hết phải có sức khỏe và mưu trí, nhất là phải có tinh thần thượng võ. Môn vật rèn luyện cơ thể cường tráng, tích cực góp phần giữ vững an ninh Tổ quốc. Đất Kinh Bắc xưa rất nổi tiếng về môn vật này, đã có nhiều võ sĩ chiến thắng trong các cuộc thi vật do nhà nước phong kiến tổ chức. Vì thế, nghệ sĩ dân gian xứ Bắc phản ánh nét đẹp quê hương lên tranh là điều đáng ngợi khen để lưu truyền đời sau.
Còn nhiều bức tranh Đông Hồ khác phản ánh lịch sử đất nước qua những thời kì đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển mạnh giàu. Điều đó cho thấy, sự thành công không chỉ là sự nhanh nhạy trong cảm hứng và sự tài hoa của bàn tay các nghệ nhân sáng tác tranh dân gian làng Hồ, mà còn là sự gửi gắm hy vọng của thế hệ tiền nhân với con cháu về sau, khi xem tranh phải hiểu hơn về lịch sử dân tộc mình.