Tranh dân gian Đông Hồ mang nội dung phê phán, đả kích

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 57 - 61)

6. Bố cục luận văn

2.1.2.4Tranh dân gian Đông Hồ mang nội dung phê phán, đả kích

Tranh dân gian Đông Hồ có những bức tranh về sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao ở các miền quê xưa là lễ hội làng. Những cảnh trong tranh Đánh đu, Đánh vật, Rước trống, Múa rồng, Hội làng…khiến mỗi chúng ta đều rung cảm, một cảm giác thật quyến luyến, thân quen, bởi như tìm thấy ở đây hình ảnh các chàng trai, cô gái khỏe mạnh, lạc quan, với không khí vui tươi và các trò chơi truyền thống. Bên cạnh đó, về phương diện xã hội, tranh dân gian Đông Hồ thành công trong việc phê phán, đả kích sâu cay tầng lớp phong kiến thống trị với những thói hư tật xấu. Hai bức tranh tiêu biểu là Thầy đồ cóc Đám cưới chuột được nghệ sĩ dân gian thể hiện rất tài tình. Tranh

Thầy đồ cóc bên cạnh ý nghĩa khuyến khích việc học và “tôn sư trọng đạo”, còn được diễn giải bằng bốn câu thơ với ẩn ý đả kích:

Tìm thầy hỏi bạn nhái chi mà Thấy học xem bằng ếch thấy hoa Mở mắt chão chàng soi vũ trụ Đem gan cóc tía đối sơn hà

Tuy có bốn câu thơ, nhưng có đủ cả ếch, cóc, nhái, chão chàng làm ta liên tưởng đến bài “Rắn đầu biếng học” của Lê Quý Đôn trong câu “Thấy học xem bằng ếch thấy hoa” có ý tương tự, chung nỗi chán chường mỉa mai; hay với cụ Tú Xương trong bài “Nào có ra gì cái chữ Nho”, học hành đỗ đạt dưới chế độ cũ có ra sao, thi đỗ làm quan tức là làm tay sai cho bọn thống trị, để hà hiếp bóc lột dân nghèo. Ở đây còn có ý nói, có khi làm tay sai mà không biết vì “mắt chão chàng” nhìn trừng trừng nhưng không tinh tường. Thế mà dám đem gan và sức ấy ra để phản Tổ quốc, hại nhân dân. Thầy đồ cóc quả là một bài học triết lý với miền Nam nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và đến nay, ý nghĩa sâu sắc đó vẫn còn tác dụng.

Bức tranh Đám cưới chuột [Phụ lục; ảnh 20] nổi tiếng, cũng mang tính đả kích sâu sắc, đánh một đòn rất trúng, rất hiểm vạch mặt bọn thống trị không hề khoan nhượng. Mặc dù trên tranh không có thơ nhưng bài thơ sau của nghệ nhân Nguyễn Thế Thức lại được truyền tụng:

Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi

Đỗ cao cưới vợ tiếng rầm (bản khác viết là vang) trời Chú mèo vừa mới nghiêng đầu ngó

(Bản khác viết là: Chú mèo mới vểnh nhô đầu ngó) Lễ cá sai quân đệ tới nơi

(Có bản viết: Sai quân lễ cá đến tận nơi)

“Khôn đã có đuôi” là thành ngữ dân ta thường dùng, chính có sự khôn ngoan ấy mà chuột nhắt mới “Đại đăng khoa và tiểu đăng khoa” cùng một lúc kèn, trống ầm ĩ vang trời “Ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau” rước xách nhộn nhịp. Bức tranh hài hước ở chỗ, chuột đi rước dâu, lấy vợ; nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa con chuột để nó mang dáng dấp con người. Còn châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống nộp cho mèo. Trên bức tranh có chữ Nghinh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa, còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi luôn cảnh giác với mèo, kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ diệt chuột. Chi tiết đó trên bức tranh cho thấy cái tài tình của người xưa. Người dân Việt Nam xưa sống trong xã hội phong kiến, không dám công khai công kích, phản kháng lại bọn quan tham nhũng, ức hiếp dân lành, nên đã mượn bức tranh chuột cưới vợ để gián tiếp lên án bọn quan tham và bày tỏ thái độ của mình. Vì vậy, tranh Đám cưới chuột là một minh chứng sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội.

Ngoài ra, các bức tranh khác về nội dung châm biếm, đả kích thói hư tật xấu của bọn quan tham cũng như lũ giặc xâm lược nước ta như: Tranh Trê và Cóc; Cóc múa kì lân; Chuột Tầu rước rồng vàng; hay “Văn minh tiến bộ toa tăng xương- phong tục cải lương moa tăng phú” (nghĩa là: Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận; Phong tục thay đổi, tôi cóc cần),...

Về phương diện gia đình, tranh phê phán, đả kích cũng đa dạng, nhiều đối tượng, nhiều khía cạnh. Tiêu biểu là tranh Đánh ghen, là bức tranh sinh hoạt dí dỏm mang tính phê phán và giáo dục cao [Phụ lục; ảnh 16, 15]. Trong gia đình, tình cảm vợ chồng rất đáng quý trọng, nhưng vì nhiều lý do mà không ít gia đình sinh cảnh lục đục, không yên ấm, trong đó có một nguyên nhân là do ghen và đánh ghen. Bằng tài năng khéo léo và cách nhìn sâu sắc, nghệ sĩ làng Hồ đã chộp đúng lúc cao trào của trận đánh ghen. Bố cục chắc, đường nét khỏe, sống động. Lời chú trên tranh là chơi chữ tuyệt vời mang nhiều hàm ý sâu xa: “Măng non nấu với gà đồng; Ngon thì vô thử xem chồng về ai”. Măng non nấu với gà đồng quả là ngon thật.

Ở đây nó còn ẩn chứa một nghĩa khác, ám chỉ người chồng lăng nhăng như “mèo mả, gà đồng”, đi kiếm gái tơ (măng non). Mọi rắc rối là từ đây. Bà vợ xắn váy quá gối rồi xông tới, cầm kéo đòi cắt tóc cô gái kia (thời xưa, bị cắt tóc là một hình phạt rất nặng đối với người phụ nữ lẳng lơ), cô nhân tình vẫn không mảy may run sợ lại còn thách thức, chanh chua, mặt mày nhơn nhơn, tay giơ thẳng dải tóc thách cắt, hơn nữa phần người trên không mặc áo, để lộ ngực trần ra, bán khỏa thân giữa thanh thiên bạch nhật. Hơn nữa bàn tay sàm sỡ của ông chồng kia làm bà cả càng thêm điên tiết. Đứa bé thì chắp tay van lạy, xin phụ mẫu thôi đừng giằng co, cũng có thể là cậu đang vào hùa với mẹ để tấn công tình địch của bố. Bố mẹ chú bé như vậy thì suy nghĩ ngây thơ, trong sáng của con trẻ còn được nguyên vẹn? Sự kiện này sẽ đi vào tâm thức con trẻ và khó mà phai nhạt được trong quá trình hình thành nhân cách của con.

Trong kho tàng tranh dân gian làng Hồ diễn tả con người, chưa thấy có tranh nào tác giả mạnh tay tả thực đến như vậy. Thật là một bi kịch đời thường, vừa hàm ý phê phán mạnh mẽ thói trăng hoa của người đàn ông, vừa là sự châm biếm và khuyên nhủ những bậc làm cha mẹ nói chung. Sự cường điệu trong mô tả làm cho tranh mang tính hài hước nhẹ nhàng. Có các dị bản tranh với câu thơ như: Thôi thôi bớt giận làm lành; Chi điều sinh sự nhục

mình nhục ta; đó cũng là sự khuyên răn và can ngăn để tránh một bi kịch gia đình cho người đời sau. Tranh Đánh ghen còn là phản ánh hiện thực và góp thêm tiếng nói phê phán, thái độ phản đối quyết liệt của người nông dân lao động trước cảnh chồng chung của chế độ phong kiến.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 57 - 61)