Lao động và phân công lao động

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 76 - 81)

6. Bố cục luận văn

3.1.1.1 Lao động và phân công lao động

Thường thấy, một đặc điểm cơ bản của lao động trong làng nghề truyền thống là lao động thủ công, lao động chân tay kết hợp với sự sáng tạo và kỹ năng tinh xảo, tự nó đã tạo ra một loại lao động có nét đặc thù riêng, vừa là lao động vật chất, vừa là lao động nghệ thuật. Xuất phát từ đặc điểm đó nên quá trình sản xuất cần đến nhiều lao động. Nghề càng phát triển thì số lượng và chất lượng lao động càng tăng lên. Nghề làm tranh Đông Hồ cũng vậy, người nghệ nhân thế hệ sau được kế thừa những kinh nghiệm của cha ông và

biết cách nâng cao nghệ thuật làm tranh để sản phẩm ngày càng đa dạng, đẹp mắt hơn, đáp ứng cho nhu cầu của nhiều người trong xã hội hiện đại.

* Số lượng lao động

Trong các khâu đoạn của quá trình tạo ra sản phẩm tranh dân gian, có những khâu có thể huy động được lao động của nhiều thành viên trong gia đình, cả nam cả nữ, từ trẻ em 12, 13 tuổi đến những người tuổi cao. Đặc thù của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công truyền thống có yếu tố nghệ thuật cao, nên về tuổi lao động không giới hạn, bởi sự đam mê với nghề và khả năng đặc biệt, nên có nghệ nhân trên 70 hay đến 80 tuổi vẫn tham gia làm tranh. Mỗi người tùy vào sức khỏe và khả năng chuyên môn của mình mà tham gia vào các khâu của quy trình sản xuất. Nghề làm tranh dân gian ở Đông Hồ tỷ lệ lao động giữa nam và nữa khá cân bằng nhau, không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, làng tranh dân gian Đông Hồ chỉ có nam nghệ nhân, không có nữ nghệ nhân.

Những năm trước cách mạng tháng Tám, ở Đông Hồ cả làng làm tranh, có 15 hộ gia đình, tất cả đều làm tranh. Hiện nay, làng Đông Hồ chỉ còn hai gia đình nghệ nhân còn gắn bó với nghề làm tranh truyền thống. Từ năm 2008 đến nay, số lao động thường xuyên, hàng ngày ở trung tâm của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là 10 người. Độ tuổi đều từ trên 30 tuổi trở lên. Đa số đều là con cháu trong nhà nghệ nhân, ngoài ra còn có 3 lao động làm thuê, 2 người bồi giấy điệp là người làng và 1 người thợ khắc ván ở xã khác đến. Ngày công được tính trả theo sản phẩm hoặc công nhật cũng tương đối cao theo giá trị lao động hiện tại. Còn lại, lao động là con cháu trong nhà nghệ nhân, được trả lương theo tháng hay thời vụ. Nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, số lao động thường xuyên và không thường xuyên trong gia đình là 10 người, chủ yếu gồm con cháu trong nhà. Ông năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông rất tự hào về người con trai thứ hai là chú Nguyễn Hữu Quả, đã theo nghiệp làm tranh truyền thống từ nhỏ. Từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, chú đã phát

huy được lợi thế của người đi sau để kế thừa và phát triển tranh truyền thống của gia đình, dòng họ, làng xã mình.

* Chất lượng lao động

Khi nhắc đến nghề thủ công người ta thường ca ngợi đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người thợ mà nổi bật là những nghệ nhân. Danh tiếng của họ vang xa khắp cả trong và ngoài nước. Vai trò của nghệ nhân đối với nghề và làng nghề thủ công là rất lớn. Bằng tài năng của mình, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm quý giá, độc đáo, có giá trị văn hóa cao. Có thể nói, “không có nghệ nhân thì không có làng nghề, hay ít nhất cũng không thể có làng nghề lừng danh” [66; tr 18]. Làng tranh Đông Hồ có nhiều nghệ nhân giỏi, nổi tiếng từ xưa đến nay, dù hiện nay một số không còn nữa, nhưng các nghệ nhân vẫn được nhiều người biết đến như: nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm, Nguyễn Đăng Sần, họa sĩ Nguyễn Đăng Dũng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, nghệ nhân Trần Nhật Tấn, nghệ nhân Vương Chí Long, Vương Chí Lượng, nghệ nhân Nguyễn Thế Lãm, Nguyễn Thế Giác,…..

Hiện nay, cả làng Đông Hồ chỉ còn hai gia đình nghệ nhân lâu đời vẫn duy trì công nghệ khắc ván, in tranh. Trong đó có 2 nghệ nhân có tay nghề cao, là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế- là đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn Đăng nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống lâu đời làm tranh dân gian. Bằng tài năng và tâm huyết với nghề tranh truyền thống, hai nghệ nhân đã vừa nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, vừa sáng tác nhiều tranh dân gian, góp phần vào công cuộc bảo tồn và giữ gìn nghề truyền thống của cha ông ta. Như vậy, hiện nay do thực trạng nghề làm tranh có rất ít người theo nghề nên số lao động có tay nghề cao chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng số lao động. Trong làng xã chỉ còn 2 nghệ nhân giỏi còn bám trụ với nghề. Cả thợ phụ và thợ chính của hai gia đình nghệ nhân Sam và nghệ nhân Chế là khoảng gần 20 người. Số người thừa kế được khâu đoạn công phu rất ít, chí có 1, 2 người con trong gia đình.

Còn lại là gia đình thuê lao động từ nơi khác đến. Đặc biệt là người khắc ván tranh, phải là người có tay nghề khéo và hiểu biết về tranh mới có thể khắc được những tác phẩm hoàn chỉnh, đạt được độ tinh tế, sắc xảo. Khi tay nghề cao và khâu đoạn đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo thì thu nhập của người lao động cũng theo đó tăng cao.

* Dạy nghề và đào tạo nghề

Các làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề tranh Đông Hồ nói riêng rất coi trọng phương pháp dạy nghề, chủ yếu là truyền nghề qua thực tế lao động. Theo phương thức này, người thợ vừa học vừa làm, hoặc được các nghệ nhân có tay nghề cao kèm cặp, học cho đến khi thành nghề, có thể tự làm ra sản phẩm được. Nghề làm tranh đòi hỏi một khả năng đặc biệt về cả năng khiếu nghệ thuật và cả sự chịu khó, bền bỉ không ngừng học hỏi. Quá trình làm nghề cũng là quá trình sáng tạo và học tập liên tục, đặc biệt là óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ và sự nhanh nhạy với thời cuộc. Các nghệ nhân đều cho rằng, học nghề làm tranh đã khó nhưng theo nghề và giữ gìn nghề này còn khó hơn. Đó không chỉ bằng tâm huyết, yêu nghề mà còn là sự cố gắng rèn luyện con người trong mỗi khâu đoạn làm nghề. Do đó học nghề cũng chính là học cách làm người, học cách sống đúng mực nhất.

Hai gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đều truyền dạy trực tiếp cho các con cháu trong nhà học nghề, theo nghề. Nếu ai đi học, đi làm công chức, không theo nghề truyền thống, thì các con cháu họ đều biết làm và tham gia một khâu đoạn nào đó, tùy theo khả năng của mỗi người. Ngoài ra, nếu người nào có nhu cầu học nghề, các nghệ nhân đều vui vẻ truyền dạy. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng đã mở được hai khóa học cho những người yêu thích nghề tranh, chủ yếu là các cháu thiếu niên, các bạn trẻ say mê.

* Phân công lao động

Quá trình phân công lao động đi liền với quá trình đào tạo, dạy nghề và học nghề, đó cũng chính là cách thức tổ chức nghề nghiệp của người làm chủ.

Bởi, người nghệ nhân là chủ doanh nghiệp hay chủ gia đình, vừa làm vừa phân công các việc cần làm cho từng người ở từng khâu đoạn nhất định, đồng thời chỉ dạy cho người mới học nghề đảm nhận vừa học vừa làm khâu đoạn đó. Đến khi người thợ có thể thạo việc được thì cứ theo dây chuyền để sản xuất tranh.

Trước đây, khi nghề tranh thịnh đạt, mỗi gia đình đều tấp nập in tranh Tết, không khí nhộn nhịp, bận rộn nhưng vui tươi. Nhà nào cũng như một xưởng sản xuất thu nhỏ, trong đó có các dây chuyền sản xuất, chính là các khâu đoạn làm tranh, có người chịu trách nhiệm chính và phân công hợp lý công việc cho từng thành viên. Đến nay, dù nghề tranh không còn thịnh đạt như trước, nhưng tính chất phân công lao động khoa học vẫn được duy trì ở mỗi gia đình. Qua tìm hiểu, ở hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đều kế thừa truyền thống làm tranh truyền thống theo cách thức của cha ông để lại, kể cả việc tổ chức phân công lao động. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam hiện giờ đã bàn giao nghề làm tranh cho người con trai thứ hai là chú Nguyễn Hữu Quả. Chú Quả chính là người kế thừa và phát huy truyền thống làm tranh của gia đình. Mọi việc tổ chức phân công lao động trong nhà đều do chú đảm nhiệm. Nhà chú Quả hàng ngày không nhiều người làm, nhưng mỗi khâu đoạn đều được phân chia rõ ràng. Chú gần như là trụ cột, là thợ cả trong gia đình, từ khâu vẽ mẫu, pha chế màu, nhập nguyên liệu về đến khâu sản xuất, đóng gói và bán hàng đều do chú cùng vợ chú đảm nhiệm.

Doanh nghiệp của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, với cơ ngơi rộng lớn trên 5000 m2 rộng rãi. Ông cũng là người đứng ra phân công, tổ chức lao động cho từng người trong doanh nghiệp của mình. Hàng ngày có hơn 10 lao động cùng làm. Gồm 2 người quét giấy điệp, 2 người in tranh, 2 người vẽ tranh thủy mặc, 2 người giới thiệu và bán tranh, 1 người thợ khắc ván, 1 người bảo vệ. Ông Chế là người pha màu và chỉ đạo các khâu đoạn sản xuất, khi có khách ông tiếp chuyện và giới thiệu sản phẩm tranh, bán tranh

cho khách. Các khâu đoạn đều được chuyên môn hóa tối đa, ông phân công cho các con của mình lo khâu nguyên liệu đầu vào, rồi sản xuất và cả đầu ra. Ông có một người con trai và các con gái, con rể cũng theo nghề làm tranh này. Và gia đình ông cũng có một cửa hàng ở phố Cổ Hà Nội, là nơi giới thiệu, quảng bá và bán tranh dân gian Đông Hồ cho du khách. Như thế, cơ ngơi và sự nghiệp của gia đình ông đang dần phát triển.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)