Lịch sử nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 28 - 32)

6. Bố cục luận văn

1.2.3.2Lịch sử nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Về thời điểm xuất hiện của tranh dân gian, chúng tôi nghiêng về ý kiến tranh dân gian xuất hiện khoảng thế kỉ XVI, XVII bởi những lí do sau:

Thứ nhất, tư liệu trong cuốn Phong thổ Hà Bắc thời Lê [18] và cuốn

Bắc Ninh phong thổ tạp kí [5] đều không nhắc đến nghề làm tranh, chỉ nói tới nghề làm mã. Nghề mã có tồn tại truyền thuyết về tổ nghề, trong gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng có bài văn tế tổ sư công nghệ giấy mã. Những cứ liệu về nghề làm mã ở Đông Hồ có thể cho chúng ta nghĩ rằng nghề làm mã ở đây

4

Thôn Đông Khê được hình thành từ việc sáp nhập thôn Đông Hồ, Tú Khê và một phần của Đạo Tú [6, tr.13]

5

Thôn Lạc Hoài được hình thành từ việc nhập ấp Lạc Đạo và một số dân di cư của xã Hoài Thượng [6, tr.14].

có trước nghề làm tranh. Một số người cao tuổi ở Đông Hồ cũng nói điều này. Do đó nghề làm tranh phải có sau thời Lê sơ (thế kỉ XV).

Thứ hai, bài thơ Tứ thời khúc vịnh [27, tr 577] của Hoàng Sĩ Khải (khoảng thế kỉ XVI) có nói đến phong tục dán tranh vẽ gà để yểm trước cửa ra vào trong những ngày Tết. Mặt khác, hai tác giả Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ trong cuốn Tranh dân gian Việt Nam ghi rõ: Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng, họ này đã hành nghề in tranh ở đây được 20 đời, tức vào khoảng trên dưới 500 năm, gần với thời gian Hoàng Sĩ Khải nói đến các bức tranh Gà, tranh Chung Quỳ và Bùa Đào [63, tr 34]. Như vậy, mốc thời gian 20 đời hay 500 năm tương ứng với thế kỉ XVI, XVII.

Thứ ba, thế kỉ XVI, XVII xu hướng thẩm mỹ dân gian phát triển thể hiện rõ ở các loại hình nghệ thuật. Nhiều ngôi đình dựng vào nửa sau thế kỉ XVII, và đầu thế kỉ XVIII có nhiều hình chạm mà đề tài và cách thể hiện gần với tranh Đông Hồ như: Đánh ghen, đánh vật, hình gà, lợn, chuột, mèo, cá…

Những điểm trên cho phép chúng ta suy luận về sự xuất hiện tranh dân gian ở thời điểm này.

Trong cuốn Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề

viết: “Dựa vào các thư tịch cổ thì chắc chắn rằng nghề in mộc bản đã khá thịnh hành ở nước ta vào thế kỉ XII” [68, tr 135].

Qua đây có thể thấy, ở những thế kỉ trước, tranh khắc gỗ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo, song, nó chỉ tham gia vào việc thể hiện những bản kinh Phật, in sách hoặc tranh thờ. Có lẽ phải đến thế kỉ XVI, XVII tranh khắc gỗ mới hình thành phong cách rõ ràng và được phổ cập rộng rãi trong nhân dân.

Từ những trình bày khái quát về lịch sử tranh dân gian như vậy, chúng tôi trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu về cội nguồn và lịch sử phát triển của tranh Đông Hồ. Về nguồn gốc tranh dân gian, nghệ nhân Trần Nhật Tấn cho biết, Đông Hồ vốn có truyền thống hiếu học, các nhà nho rất coi trọng việc khai bút đầu năm. Trong nhiều cách khai bút đón xuân, có lối khai bút viết chữ đại

tự. Sau khi viết xong, người viết có thể khéo léo điểm nét vẽ vài cành hoa, lá, cánh chim, làm cho bức tranh thêm sinh động.

Theo ý kiến của cụ Nguyễn Đăng Triện (là người cao tuổi của dòng họ Nguyễn Đăng- làng Đông Hồ, hiện nay cụ 78 tuổi), tranh Đông Hồ ra đời “từ sự minh họa cho những lời cầu chúc đầu năm có kèm theo nhiều họa tiết là cành lá, khi là cành đào, khi là một con vật nào đó. Thí dụ tờ “Hoa tiên” có một thời in bán rộng rãi với 4 câu:

Bút niên khai bút, bút khai hoa Phú quý khang thành thọ thọ đa Đa tử, đa tôn, đa tài lộc

Tứ thời xuân kết khí yên hòa.

Trên đó điểm xuyết cành đào và nhành lá non, hay một chú hùng kê đứng co chân oai phong với hai chữ “Đại cát”” [59, tr 3]

Đó là một gợi ý để chúng ta có hướng tìm ra nguồn gốc của tranh Đông Hồ. Thêm nữa, theo ý kiến của cụ Nguyễn Đăng Triện, cụ cho biết “Cho đến thời điểm hiện nay chưa ai khẳng định rõ thời điểm ra đời của dòng tranh. Vì từ bi kí cho đến chính sử không hề chép” [59, tr 3]. Song, theo cụ và nhiều người cao tuổi ở làng đều thống nhất thời điểm ra đời của tranh Đông Hồ ra đời khoảng cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII. Bởi vì, theo những cứ liệu về nghề làm mã (một trong hai nghề của làng nghề truyền thống Đông Hồ), nghề mã có quan hệ chặt chẽ với nghề tranh, bởi mã cần nhiều họa tiết gần giống tranh, gia phả dòng họ Nguyễn Đăng cũng nói tới điều này. Theo các cụ kể lại thì nghề mã ra đời trước nghề làm tranh, mà nghề mã mới thịnh hành từ thời Lê Sơ, khoảng thế kỷ XVI.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, “cho đến nay làng Đông Hồ vẫn còn lưu lại dấu tích bằng những tấm bia đá tìm được ngoài bãi sông Đuống trên nền chùa cổ có bia dựng từ thời Mạc thế kỉ XVI, bia khắc vào năm 1680, ở giữa chán bia trong vành mặt nguyệt có chạm hai con chuột đang giã gạo. Đó là những con vật quen thuộc đã được nghệ nhân Đông Hồ thể hiện trên

nhiều tranh, phần nào đã khẳng định sự tồn tại cùng với quan hệ của nghề tranh và ngôi chùa” [8, tr 4-5].

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, trước biến động của thời cuộc, tranh dân gian cũng như hầu hết các loại hình Folklore khác đã nhanh chóng thay đổi từ hình thức đến nội dung để phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Tranh dân gian Đông Hồ cũng không nằm ngoài xu hướng đó và đã có những thay đổi nhất định về nội dung và hình thức. Về đề tài, thời Pháp thuộc, các nghệ nhân làng Hồ đã sáng tác một số đề tài mới nhằm tố cáo, châm biếm, đả kích chủ nghĩa thực dân Pháp, đó là các tranh: Cóc Tây múa kì lân, Văn minh tiến bộ, Phong tục cải lương, nhảy đầm…Đến thời kỳ kháng chiến có Việt Nam độc lập, sản xuất tự túc, bình dân học vụ, rồng lửa Thăng Long, bắt sống giặc lái máy bay, được mùa lúa xuân, lúa ngô khoai sắn, Bác Hồ về thăm làng…Về chất liệu, ngoài tranh điệp còn xuất hiện loại tranh hàng do sự du nhập của giấy báo nước ngoài. Ưu điểm của tranh hàng là khổ giấy lớn, dùng phẩm màu để vẽ nên thao tác rất đơn giản, nhanh, nhiều, tốt, rẻ chỉ cần một ván in nét, một ít dụng cụ và phẩm màu. Loại tranh này phát triển rất mạnh, từ cuối thế kỉ XIX đến gần Cách mạng tháng Tám. Làng Đông Hồ trở thành nơi sản xuất tranh tấp nập, nơi trao đổi hàng hóa phồn thịnh gần như độc quyền cung cấp tranh dân gian cho cả nước. Điều này cũng đồng quan điểm với cụ Nguyễn Đăng Triện: “Đến những năm 30 của thế kỉ XX do nhu cầu tiêu dùng cao nên xuất hiện một số tranh không tuân thủ quy trình truyền thống mà đã dùng giấy xước, in phẩm màu, có lẽ chính vì sự phát triển mạnh ấy mà chợ tranh tại đình làng càng tấp nập nên đã xuất hiện một vế câu đối tại hàng Đồng Trụ đình làng: Cận thị, cận giang bức tấu chu hàng đô hội xứ (Gần chợ, gần sông làm cho không khí vui vẻ, nhộn nhịp do sự trao đổi hàng hóa ở nơi dân cư đông đúc này)” [59, tr 3].

Loại tranh hàng này phát triển mạnh từ cuối thế kỉ XIX cho đến gần cách mạng tháng Tám- 1945. Đến năm 1947 thì dừng hẳn do có chiến tranh. Theo tài liệu của Roudof Mayer thì: “Việc in tranh ở Đông Hồ bị sút đi một

cách đáng kể, bắt đầu từ năm 1940, khi Nhật chiếm đóng Việt Nam. Một người thợ in đã kể lại rằng gia đình anh trong những năm sau chiến tranh chỉ sản xuất chừng một phần năm số lượng trước đây. Khả năng bán bị giảm sút dần vì số người buôn tranh ngày càng ít” [44, tr 5].

Từ năm 1985- 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn. Người dân làm tranh chuyển dần sang làm hàng mã. Trước nhu cầu của tín ngưỡng và tâm linh ngày càng tăng cao, nghề làm hàng mã ở Đông Hồ có cơ hội khôi phục. Đặc biệt là từ thập kỉ 90 trở lại đây, nghề hàng mã ở Đông Hồ phát triển mạnh cả về số lượng mẫu mã và chủng loại. Hầu hết những người làm tranh trước kia nay chuyển sang làm mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề tranh như: gia đình ông Nguyễn Đăng Chế, gia đình ông Nguyễn Hữu Sam… Đến nay, nhờ công sức gìn giữ của các nghệ nhân ấy mà tranh dân gian này được khôi phục lại. Cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ, tranh dân gian Đông Hồ lại chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến Đông Hồ.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 28 - 32)