Thay đổi về hình thức nghệ thuật

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 85 - 86)

6. Bố cục luận văn

3.1.2.1 Thay đổi về hình thức nghệ thuật

Những biến đổi của tranh dân gian Đông Hồ ngày nay được các nhà nghiên cứu và họa sĩ đánh giá là: “…tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ, nguyên nhân là người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên “thường”, màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, các bản khắc mởi có bản không được tinh tế như bản cổ” [76].

Chúng tôi qua khảo sát cũng thấy chất liệu làm tranh hiện nay có nhiều điểm đáng nói, các nghệ nhân đều sản xuất tranh điệp và theo mẫu tranh truyền thống. Tuy nhiên, tranh điệp giờ kém độc đáo so với tranh điệp trước kia. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là sự thay thế của vật liệu và các nguyên liệu dùng chế tạo màu. Giấy dó dùng để in tranh hiện nay không còn độ dai và bền như trước vì có sự can thiệp của máy công nghiệp trong quy trình sản xuất. Màu xanh chàm trước đây được chế biến từ lá cây chàm nay được làm từ lá khoai, lá dọc mùng hoặc các loại lá thân mềm khác. Vỏ con điệp dùng làm màu trắng, điệp đang cạn kiệt dần do sự ô nhiễm của các dòng sông, cửa biển và các vùng biển. Do vậy, màu điệp bây giờ quét mỏng hơn nhiều so với trước kia, hơn nữa kỹ thuật chế biến không gia công cầu kỳ như trước. Màu đỏ vang trước đây được nấu từ gỗ cây vang lấy trên rừng, nay được làm bằng vỏ cây báng súng,…. Đáng chú ý là một số lượng màu hóa chất, màu công nghiệp nhất định được sử dụng vào việc pha chế màu và in tranh. Bởi vậy, “tranh dân gian hiện nay thiếu đi cái vẻ rực rỡ mà đằm thắm của màu thuốc cái, cái óng ánh và xốp của chất điệp, màu đen đậm chắc mà dung dị của than lá tre” [31; tr 105].

Ván in tranh hiện nay hầu như được in bằng ván in mới. Các ván này đều do những người thợ trẻ khắc, do đó không tránh khỏi tình trạng các nét khắc không còn trung thực với bản khắc cổ, đặc biệt là nét chữ đề trên tranh.

Một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình ảnh của tranh khiến tranh ít nhiều bị thiếu khuyết về mặt ý nghĩa.

Hiện nay, các gia đình làm tranh đều chú ý tới việc đào tạo con cháu học nghề khắc ván. Ván khắc hay bản khắc ván in tranh là bảo vật vô cùng quý giá đối với nghề làm tranh Đông Hồ. Trước đây, khi nghề làm tranh còn hưng thịnh, các bản khắc là vật gia bảo của các gia đình, còn ngày nay đã trở thành báu vật của quốc gia. Tất nhiên, đó phải là các bản khắc cổ “đích thực” được sản xuất từ các thế kỷ trước. Song, hiện nay về Đông Hồ, người ta có thể mua các bản khắc (trông như bản khắc cổ) trị giá vài trăm nghìn đồng (tương đương vài chục đô la Mỹ), cũng có khách mua tới vài trăm triệu đồng một bản. Ở gia đình ông Sam, ông Chế đều còn lưu giữ được những ván khắc cổ sưu tầm được, có những bản cũ quá, mòn, hỏng thì được phục chế hay chế tác lại. Những bản cổ đó đều được giữ gìn cẩn thận, nhưng trong điều kiện khí hậu của Việt Nam, nóng ẩm mưa nhiều, thì những ván khắc tranh đó nếu không được dùng in tranh thường xuyên hay không được bảo quản đặc biệt thì rất khó có thể tồn tại lâu dài về sau.

Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (người con thứ hai của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ở Đông Hồ đã và đang kế thừa sự nghiệp làm tranh dân gian của cha ông), về chất liệu giấy không có sự thay đổi nhiều. Màu tranh cũng thế, vẫn tôn trọng màu sắc truyền thống. Độ tinh xảo của bản khắc gỗ cũng không thay đổi nhiều so với trước. Gia đình nghệ nhân Quả hiện giờ vẫn giữ gìn và phát huy tất cả quy trình làm tranh truyền thống. Chú coi trọng chất lượng tranh hơn là làm theo số lượng. Bản thân chú cũng xác định là làm tranh cũng là làm nghề truyền thống của ông cha, mình phải có trách nhiệm, có tâm với nghề.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 85 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)