Sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 83 - 85)

6. Bố cục luận văn

3.1.1.3Sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm

Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, trước đây tranh dân gian Đông Hồ có bốn loại tranh chính gồm: tranh truyền thống vẽ bằng tay (tranh in nét và vẽ thủy mặc, vờn màu), tranh vừa in vừa vẽ, tranh in bằng ván khắc gỗ, tranh khắc gỗ. Trong đó thông dụng và phổ biến nhất là tranh đen trắng (tranh vẽ thủy mặc, vờn màu) và tranh màu được in bằng bản khắc gỗ. Các loại sản phẩm tranh này hiện nay vẫn được duy trì ở các gia đình làm tranh, đó là những đặc sản riêng của tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng và hiện nay còn được phát huy. Đáng chú ý hiện nay là tranh dương bản, tức tranh khắc gỗ được các du khách ưa chuộng và mua nhiều. Đồng thời, tranh in màu, hay in đen trắng lồng trong khung kính cũng được đón nhận tích cực. Đó là sự phát triển và tự thích nghi theo quy luật vận động tự nhiên trong quá trình phát triển của làng tranh Đông Hồ.

Trước đây, tranh Đông Hồ chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu trang trí và thưởng thức vào dịp Tết của tầng lớp bình dân, những người lao động nghèo ở vùng nông thôn nước ta. Sau đó, tranh dân gian Đông Hồ đi vào thơ ca, nhạc tiền chiến, trở thành vũ khí đấu tranh, cổ động phong trào sản xuất, hay

đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển, đời sống được nâng cao thì nhu cầu thẩm mỹ cũng càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng các bức tranh khắc gỗ hay tranh màu lồng trong khung kính để trang trí nhà cửa, văn phòng, trường học,… cũng tăng cao đáng kể. Những hộ gia đình còn lại làm tranh ở Đông Hồ đã nắm bắt được xu thế đó để cải tiến hình thức, mẫu mã tranh cho phù hợp, nhưng không làm mất đi tính chất dân gian truyền thống của tranh. Từ đó, họ đã tạo ra được nhiều sản phẩm tranh phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Về sản phẩm và tiêu thụ tranh thì có sự thay đổi so với trước. Không chỉ có sản phẩm đa dạng hơn mà các kênh thông tin giúp cho việc tiêu thụ tranh cũng rộng khắp so với trước kia. Nếu như trước kia, tranh được gánh, hay chở ra các chợ quê để bán, hay các thương lái từ khắp các nơi về buôn tranh thì nay, tranh được bán tại nhà, hay qua các phương tiện truyền thông, các trang mạng, website,….Có rất nhiều cách để tiếp cận với nhà sản xuất tranh và đặt hàng. Nhờ phương tiện truyền thông phát triển, cộng với công nghệ thông tin, dịch vụ phục vụ con người ngày càng phát triển, nên sự trao đổi cũng như sự vận chuyển hàng hóa cũng nhanh chóng hơn trước. Sản phẩm tranh Đông Hồ cũng được thừa hưởng những thành tựu mới đó trong quá trình phát triển sản phẩm tranh ra thị trường rộng lớn. Hiện nay, sản phẩm tranh được cải biến nhiều hơn về chủng loại, mẫu mã, một số tranh được làm với kích thước lớn. Do kích thước lớn nên tranh thường được vẽ bằng tay. Những tranh được in nhỏ dạng bưu thiếp được người nước ngoài ưa chuộng. Ngoài ra, các nghệ nhân còn dùng giấy dó, quét điệp đóng thành quyển để ghi thơ, nhật ký cũng được các du khách trong và ngoài nước ưa thích. Sản phẩm mới nữa là các quyển lịch bằng tranh Đông Hồ (khổ bằng giấy dó pha tư) có in ngày, tháng, năm ở phía dưới tranh, được treo trên mành tre cũng bán rất chạy. Mỗi quyển khoảng 5 tờ tranh điệp, gắn trên mành tre để treo có giá khoảng từ 90 đến 100 nghìn đồng. Giá cả rất phải chăng, phù hợp với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 83 - 85)