Tính dị bản của tranh dân gian Đông Hồ

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 64 - 66)

6. Bố cục luận văn

2.2.5Tính dị bản của tranh dân gian Đông Hồ

Nằm trong xu thế biến đổi chung của các ngành nghệ thuật dân gian, tranh Đông Hồ do nhiều thế hệ cùng sáng tác và được đông đảo quần chúng tham gia trong quá trình in, tiêu thụ và thưởng thức tranh. Một bức tranh thông thường cần có một bản khắc nét và vài ba bản khắc màu. Tính thủ công trong kỹ thuật làm tranh và phương pháp khắc ván in tranh là nguyên nhân làm tranh dân gian Đông Hồ có nhiều dị bản. Sự khác nhau của các tờ tranh có cùng tên gọi là do sự thêm bớt một vài tình tiết như chữ đề trên tranh, thơ họa tranh, số lượng nhân vật, trang phục, tư thế,…. hay cũng có thể thay đổi một vài sắc độ, màu nền tranh, màu sắc các họa tiết trong tranh,….Tiêu biểu cho dị bản về bố cục là tranh “Hứng dừa”, có hai dị bản khác nhau. Có tranh vẽ hai người trèo, hai người hứng và một đứa trẻ. Tranh khác vẽ một người trèo, một người hứng và hai đứa trẻ. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì bức tranh sau được nhiều người đón nhận và yêu thích hơn.

Tranh “Hứng dừa” cũng có dị bản về chữ đề trên tranh khác nhau, có khi là: “Khen ai khéo dựng lên dừa

Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”

Có khi còn được đọc:

Khen ai khéo dựng lên dừa Đấy trèo đây hứng cho vừa lòng nhau

Có bức còn có hai câu ngắn gọn: “Trong như ngọc; Trắng như ngà” Họa sỹ Nguyễn Thuần còn trích dẫn được bài thơ khác về bức tranh này:

“Ông đồ tỉnh, hay ông đồ say

Đang cơn cả gió trèo cây hứng “dừa” Cô “đồ” sao khéo hững hờ

Theo lý giải của cụ Nguyễn Thuần [53; tr 11, 12], đây là bài thơ do những người bán tranh ứng khẩu đọc tặng thêm cho người mua tranh, gần như giải thích rõ ràng cho bức tranh “Hứng dừa”. Phải chăng, đó cũng là cái tài văn thơ hay chữ nghĩa của người Đông Hồ, tài hoa và lịch thiệp thời trước.

Trong tranh châm biếm “Đánh ghen” cũng có nhiều dị bản. Có bức vẽ cảnh ông chồng là người đàn ông trung niên đang ôm vợ lẽ để ngăn cản cơn thịnh nộ của người vợ cả, trong khi đứa con quay mặt đi. Trên tranh có lời tựa:

Thôi thôi bớt giận làm lành; Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta

Có tranh đề thơ khác là: “Thôi thôi bớt giận làm lành; Chi điều sinh sự thiệt mình, hại ta

Có bức tranh “Đánh ghen” khác lại vẽ ông chồng có râu già, đang ôm cô vợ lẽ, còn hai đứa bé đang níu áo bà vợ cả. Dưới bức tranh có đề tựa:

Nhân lão, tâm bất lão

Tham vẻ thanh, chuộng vẻ quý

Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp đâu đó những câu thơ như lời đối đáp của hai bà vợ:

Măng non nấu với gà đồng

Chơi nhau một trận xem chồng về ai” Hay: “Trăm quan tiền tốt bó mo Làm tờ ký chỉ chị cho chuộc chồng

Tính dị bản trong tranh dân gian là một đặc trưng văn hóa dân gian nói chung, phản ánh thuộc tính cơ bản của yếu tố dân gian truyền miệng ở Việt Nam. Tranh dân gian Đông Hồ có dị bản này, dị bản kia nhưng đều bộc lộ được ý tưởng của người sáng tác tranh. Có thể tất cả đó không phải là chủ ý ban đầu của người làm tranh- hay tác giả, nhưng qua thời gian, những chủ thể thưởng thức tranh như người mua, người bán tranh đã sáng tác thêm cho tranh những lời thơ mới, tạo nên không khí mới mẻ cho bức tranh tưởng đã cũ. Hay cũng có thể, những thế hệ sau có trình độ vẽ mẫu, khắc ván in, họ cũng sáng

tạo theo cách riêng của mình và làm nên các dị bản của tranh và cả những bức tranh mới khác. Đó cũng là cái tài hoa, khéo léo của người Đông Hồ, đồng thời thể hiện sự tinh tế trong việc lưu giữ bản sắc, chắt lọc tinh hoa và sự tiếp nối nghề nghiệp một cách sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân ở Đông Hồ. Tuy vậy, việc có nhiều dị bản tranh khác nhau sẽ tạo cho người thưởng thức tranh thế hệ sau cảm thấy bối rối, vì không biết đâu là bản gốc, bản cổ và đâu là bản mới, bản phát sinh thêm. Do đó, đòi hỏi người thưởng thức tranh phải có con mắt tinh tế, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về tranh dân gian nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng mới thấy được hết cái hay và giá trị đích thực của dòng tranh này.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 64 - 66)