Hoạt động lễ hội truyền thống

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 38 - 42)

6. Bố cục luận văn

1.2.5.3Hoạt động lễ hội truyền thống

- Hội làng:

Hội làng là một hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian của làng Đông Hồ. Xứ Kinh Bắc vốn là vùng có hội nổi tiếng cả nước, với nhiều hình thức hoạt động hấp dẫn. Ở vùng đất Song Hồ xưa cũng có khá nhiều hình thức hoạt động hội hè nổi tiếng một vùng, như hội lên đồng, xuống đồng, hội thi mã, thi thả chim.

Hội lên đồng, xuống đồng là một sinh hoạt văn hóa gắn liền với những người làm nông nghiệp. Bắt đầu từ những sinh hoạt tín ngưỡng, hội làng ngày càng phát triển và cuối cùng những ngày hội này đã trở thành những ngày “ra quân sản xuất” hay ngày “tổng kết” thời vụ của người lao động. Đây là sinh hoạt tín ngưỡng, đồng thời là sinh hoạt văn hóa dân gian của những người làm nông nghiệp. Vì thế các hoạt động này được bảo lưu một cách chắc chắn trong sinh hoạt làng xã thời xưa.

Hội thi mã là một sinh hoạt tinh thần nhưng mang đậm tính nghề nghiệp của những người làm mã Đông Hồ. Hội được tiến hành từ ngày 14 đến hết ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm. Hội mã, tên chữ là “Kỳ Yên”, nôm na gọi là hội “cầu mát”, với ý nghĩa là cúng tế trời đất để cầu cho dân làng được bình an, thịnh vượng và mạnh khỏe.

Hội làng được tổ chức tại đình (ở Đông Hồ gọi là Lễ hội Đình tranh9). Mặc dù Đông Hồ nổi tiếng là trung tâm sản xuất tranh dân gian nhưng mọi nghi thức diễn ra trong hội làng không liên quan đến nghề tranh. Dân làng Hồ không thờ ông tổ nghề tranh. Do đó nếu nói rằng nghề làm mã có trước nghề tranh không phải là không có cơ sở.

9

Đánh dấu thời kì phát triển của nghề làm tranh, đình là nơi buôn bán tranh truyền thống. Từ ngày 6 tháng Chạp đến 26 Tết, chợ tranh được mở tại đình. Từ sân đình ra khu vực xung quanh, nhiều lều tranh được dựng lên. Trong làng khách xa về mua tại các nhà hoặc ra “chợ tranh” đông vui, nhộn nhịp.

Trước kia hội mã được chia làm 9 vé mã (là đồ mã cúng do 9 gia đình chịu trách nhiệm làm). Mỗi vé mã do một người chịu trách nhiệm chính, chuyên làm một số nội dung mẫu mã. 9 người này gọi là những ông “am hiểu”. Những người có vé mã sẽ được miễn đi phu, tạp dịch, đắp đê, canh nước…., quyền lợi của họ như những ông hương trưởng của làng nhưng không được quyết định việc dân.

Ông chủ hội có thể được bầu từ 9 ông “am hiểu”. Ngày nay, làng chỉ còn 6 vé mã được chia cho các dòng họ, các hộ gia đình trong làng.

Sáng mùng 1 tháng 3 âm lịch, ông chủ hội sửa lễ ra đình cúng, gọi là lễ cắt nứa10. Nứa chọn để làm các vé mã phải là nứa không sâu, gióng thẳng, dài, không già, không non và phải là nứa bánh tẻ. Từ hôm đó, người dân trong làng tự nguyện đến làm giúp các gia đình có vé mã.

Ngày nay, lễ hội Đông Hồ diễn ra trong hai ngày, ngày 14 bầy đàn (bày hàng mã) và sáng 16 hóa đàn (đốt đồ mã). Đồng thời, theo lệ làng cứ 5 năm tổ chức rước nước 1 lần. Hàng năm, chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội làng là Ban Khánh tiết. Ban này gồm những người đại diện các dòng họ trong làng. Dòng họ lớn sẽ có hai người tham gia, dòng họ nhỏ một người. Những thành viên của Ban Khánh tiết sẽ bầu một người làm chủ hội. Thỉnh thoảng có năm Ban Khánh tiết do dân bầu.

Sáng ngày 14, các nhà có vé mã bắt đầu rước mã ra đình để bầy đàn. Đồ mã của ngày lễ hội có hai loại chính là đàn nội đàn ngoại. Những đồ mã được bày cúng ở trong đình gọi là đàn nội, còn đàn ngoại bày cúng ở sân đình. Đàn nội gồm cây vàng, cây bạc và 13 cỗ mũ.

Đàn ngoại gồm có thuyền rồng, ngựa, núi, hình nhân, mũ, hia, hài, nón…. Trên thuyền rồng có nhà thuyền trang trí rất đẹp, giống như thuyền của vị vua quan. Hình nhân là tướng Chu Diện và bà La Sát. Trước đây, đàn ngoại còn có voi, núi, trên núi có hình thầy Đường Tăng đi lấy kinh. Vật phẩm dâng cúng trong lễ hội theo lễ nhà Phật, bao gồm: xôi, gà, oản, hoa quả.

10

Lễ tiết được diễn ra tại đình làng. Quan viên, bồi tế cùng toàn thể dân làng, những người đến dự hội đều hướng về vị thành hoàng với tất cả tấm lòng thành kính.

Lễ hội ngày nay ở Đông Hồ tổ chức đơn giản hơn, nhưng không bị mất đi sự linh thiêng vốn có của hội làng. Những nghi thức trong lễ hội tổ chức theo quy mô hẹp hơn. Ví dụ lễ cúng mông sơn thí thực trước đây được thay thế bằng lễ cúng ru già. Về ý nghĩa của nghi lễ này cũng tương tự như lễ cúng mông sơn thí thực, song không phải mời tới năm thầy cúng giỏi như trước. Có chăng là lễ rước nước 5 năm mới có một lần thì làng mở hội lớn, sự tổ chức rất trang trọng, uy nghiêm và linh thiêng hơn các năm khác. Rất may cho chúng tôi là năm 2009, chúng tôi về điền dã được tham dự từ đầu đến cuối trình tự của lễ hội rước nước này liên tục trong 3 ngày 3 đêm liền. Không phụ công sức những ngày miệt mài tham dự hội làng, chúng tôi đã có trong tay những tư liệu bổ ích, những bức ảnh và thước phim quay về lễ hội rước nước trong lễ hội làng năm này.

Cho dù lễ hội làng Đông Hồ được tổ chức theo quy mô rộng hay hẹp, lớn hay nhỏ thì cũng không làm mờ đi ý nghĩa thật sự của nó. Hội mã Đông Hồ không chỉ là lễ hội cầu mát mà còn mang tính chất là lễ hội trình nghề,

phần lễ nhiều hơn phần hội. Đây là dịp để các thế hệ nghệ nhân Đông Hồ truyền dạy, học hỏi lẫn nhau và tranh luận về các ngón nghề làm hàng. Đây cũng là dịp để các bí quyết làm nghề, kĩ thuật, mẫu mã được trao truyền và bảo tồn từ đời này sang đời khác.

Nói về lễ hội ở Đông Hồ, sách Địa chí Hà Bắc viết:

“Ở Lạc Thổ, Đông Hồ và Đạo Tú có hội thi hàng mã đẹp. Loại bỏ yếu tố mê tín, quảng cáo cho đồ mã thì hội này đã khuyến khích sự khéo chân tay, sự sáng tạo vẻ đẹp trong nghệ thuật tranh cắt giấy, trong sự tìm tòi, phối hợp màu sắc, chất liệu….để lại những ảnh hưởng tốt cho nghệ thuật tranh dân gian làng Hồ” [39, tr 569].

Như vậy, lễ hội ở Đông Hồ thực chất là phản ánh ước vọng tâm linh của con người trong xã hội nông nghiệp nhằm cầu mong một cuộc sống bình an, thịnh vượng. Mặt khác nó còn chứa đựng tư tưởng chủ yếu của Đạo Phật là khuyến thiện, trừ ác. Đây còn là dịp để người Đông Hồ bộc lộ sự khéo léo và năng khiếu thẩm mĩ của mình.

- Truyền thống trọng người già:

Truyền thống trọng người già (trọng xỉ) là một truyền thống đạo đức vô cùng quý giá. Thông qua việc trọng người già, văn hóa hành vi, văn hóa học vấn của “người trẻ” có những chuẩn mực để quy chiếu. Lòng kính trọng người già được thể hiện thường xuyên trong sinh hoạt gia đình, làng xóm. Song đối với quan niệm phong kiến, đình trung - nơi được quan niệm là “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”; hoặc các sinh hoạt giáp, hội,… mới là nơi lòng kính trọng đó được coi như những biểu hiện cụ thể về chuẩn mực. Từ trong hương ước, từ trong các quy định của các tổ chức tự trị của Song Hồ xưa, truyền thống trọng người già được thể hiện rất sinh động. Có thể lấy những dẫn chứng điển hình:

Khi làng vào đám, các lão làng được ngồi ở khu vực riêng (tòa các cụ), các cụ cùng với chức dịch trong làng mới được quyền quyết định các công việc trong làng. Đây còn là sự đan cài, phối hợp giữa lực lượng nhà nước (Hương lý) với quyền lực truyền thống của cộng đồng làng xã (lão làng). Về địa vị, những cụ nhiều tuổi cũng được coi ngang như những người có học vị cao (được coi là danh vọng cao quý). Ở các làng quê khác, cao nhất là ngôi tiên chỉ, nhưng ở Đông Hồ cụ Thượng (người cao tuổi nhất làng) là cao nhất, sau mới đến ngôi tiên chỉ. Khi làng có việc, theo quy định của Đông Hồ, cứ 6 người ngồi 1 cỗ. Nhưng đối với cụ Thượng được ngồi 1 mình 1 mâm. Với các cụ 55 tuổi được bố trí 3 người một cỗ, đến 70 tuổi bố trí 2 người một cỗ, và đến thượng thọ thì một mình một mâm cỗ, lại còn được cả cỗ dựa (một cỗ làm phần)- ngang như Chánh tổng của làng.

Thứ hai là ngôi tiên chỉ. Tiên chỉ phải là những người cao tuổi, có chức sắc trong xã, trong tổng (như Lí trưởng, chánh phó tổng…) có hàm phẩm. Khi làng vào đám, cụ tiên chỉ được đọc văn tế. Thứ ba là ngôi ông đám. Mỗi năm làng cử một người đàn ông không có tang ma, không có hành vi “bất hảo” ra đình làm nhiệm vụ phục vụ việc cúng tế ở đình. Đối với nhiều nơi, ông đám phải ở đình suốt cả năm, trông nom, quét dọn đồ thờ, riêng ở Đông Hồ không có tục lệ như vậy. Năm ông đám làm lễ cũng được ngồi một mình một mâm cỗ. Không những được ưu đãi về địa vị, danh vọng mà các cụ còn được ưu đãi về quyền lợi. Từ khi lên lão, các cụ hoàn toàn không phải chịu phu phen, tạp dịch với làng, với nước.

Đông Hồ còn có hội kì anh: gồm những người đến tuổi 49 phải sửa lễ ra nhập nóc các cụ, nghĩa là hội những người lên lão (hay khao lão), tương đương với hội những người cao tuổi ngay nay. Hiện nay ở Đông Hồ đã thành lập hội những người cao tuổi thu hút rất nhiều người tham gia (bao gồm cả những người sống xa quê hương). Chủ nhiệm hội là ông Nguyễn Đăng Triện, năm nay 78 tuổi. Những người tham gia hội hoàn toàn tự nguyện, luôn được chi hội quan tâm, thăm hỏi lúc ốm đau, chúc mừng khi Tết đến.

Từ sự xem xét, sự ứng xử của làng xã thời xưa với tuổi thọ và địa vị, danh vọng, mà phổ biến ở các địa phương khác hoặc là “trọng xỉ bất trọng tước” (trọng người già chứ không trọng chức tước), hoặc “trọng tước bất trọng xỉ”, chúng ta đều nhận thấy sự ứng xử rất tốt đẹp của người dân Đông Hồ về phương diện này. Đối với dân làng, tất cả các lĩnh vực: tuổi thọ, địa vị, chức danh đều được đối xử công bằng và chu đáo, lịch sự. Đông Hồ còn luôn có chính sách khuyến học. Những ai có bằng sơ học, có cơi trầu mời dân (vọng dân) sẽ có ngôi thứ ở đình, được ở trong nóc kì hào và được bầu Lí phó chánh tổng.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 38 - 42)