Hình thức tổ chức sản xuất

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 81 - 83)

6. Bố cục luận văn

3.1.1.2Hình thức tổ chức sản xuất

Làng nghề tranh dân gian Đông Hồ hiện nay có 2 hình thức tổ chức sản xuất là: doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình.

* Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân của gia đình ông Nguyễn Đăng Chế đã ra đời và hoạt động được hơn 3 năm, lấy tên là “Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ”. Trung tâm được khánh thành tháng 7 năm 2008, dưới sự bảo trợ và giúp đỡ của các Sở, ban, ngành tỉnh Bắc Ninh và chính quyền địa phương xã Song Hồ. Các Sở, Ban ngành đã tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính và hành lang pháp lý, còn chính quyền địa phương cấp cho ông Chế hơn 5000 m2 tại địa phận thôn Đông Khê hiện nay. Trên khuôn viên đó, ông Chế đã xây dựng 4 tòa nhà, 1 tòa nhà đầu tiên vừa là nơi lưu giữ các ván khắc cổ, các bức tranh hay các tài liệu tranh Đông Hồ, vừa là nơi in tranh, vẽ tranh và tiếp khách. Sau đó là 1 toà nhà 2 tầng vừa trưng bày sản phẩm vừa để xem chiếu phim về Đông Hồ. Một tòa rộng rãi bên cạnh là nhà bái đường để treo tranh và đón tiếp khách quý, tổ chức hội thảo, nghiên cứu cho du khách hay các nhà khoa học. Một tòa cuối cùng nhà lợp lá cọ, nơi khắc ván và in tranh, ngâm điệp, giã điệp. Ngoài ra, khuôn viên còn có nhiều cây xanh và vườn hoa, cây cảnh. Có thể nói, trung tâm khang trang, rộng rãi của gia đình ông Chế là tài sản quý giá để bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ. Doanh nghiệp tư nhân của gia đình ông vừa là nơi sản xuất, tham quan, trưng bày vừa bán sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ. Ông Chế là người có tài vẽ tranh, khắc ván tranh, đồng thời cũng là người quán xuyến tất cả mọi khâu từ nguyên liệu đầu

vào và sản phẩm đầu ra. Vì thế, thành quả đạt được ngày hôm nay thật xứng đáng với những cố gắng nhiều năm qua của ông Chế và gia đình ông.

* Hộ gia đình

Ngoài gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam hiện vẫn giữ hình thức tổ chức sản xuất tranh là hộ gia đình. Gia đình ông Sam có các con đều theo nghề làm tranh, trong đó có gia đình người con thứ 2- chú Nguyễn Hữu Quả là kế thừa được tất cả các khâu đoạn của nghề. Còn các con dâu, con gái, con rể ông đều tham gia làm các khâu đoạn riêng như in, vẽ hay bồi giấy điệp. Còn một số cô chú khác tham gia làm hàng mã, làm ruộng hay bác trai lớn đang làm cán bộ trên Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh. Gia đình chú Quả là một hộ gia đình làm tranh, hoạt động khá độc lập. Tuy hiện giờ ông Sam đã nghỉ làm, nhưng mọi việc ông đều sát xao, chỉ đạo mọi việc cho con cháu yên tâm, việc gì cần hỏi thì chú Quả đều hỏi ý kiến ông, ngược lại ông cũng chủ động nắm bắt tình hình và động viên con cháu làm việc ở xưởng tranh. Vì thế, hộ gia đình ông cùng đoàn kết làm tranh, sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của thế hệ đi sau như chú Quả là niềm hy vọng lớn của ông để phục hồi và phát triển nghề làm tranh truyền thống này.

Trước năm 1980, xã Song Hồ vẫn còn hình thức Hợp tác xã nông nghiệp trong đó có sản xuất và buôn bán tranh. Xã viên tham gia Hợp tác xã rất đông, có cả các gia đình làm tranh trong làng Đông Hồ. Lúc đó, sản phẩm tranh Đông Hồ chủ yếu là để xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các nước Châu Âu như Liên Xô, Pháp, Đức,…. Sau đó, vì đầu ra ít dần nên người dân vừa làm tranh vừa làm hàng mã, bồi giấy màu, làm đồ chơi, đèn ông sao,….để duy trì cuộc sống. Vì thế, sau đổi mới không lâu thì Hợp tác xã Song Hồ giải thể, kinh doanh tranh không đem lại hiệu quả, việc sản xuất tranh bị đình trệ, bế tắc, thu nhập và đời sống của các thành viên giảm nhiều. Sau năm 1990 đến nay, không còn Hợp tác xã Song Hồ.

Như vậy, ba hình thức lao động ở Đông Hồ (kể cả Hợp tác xã Song Hồ trước đây) là ba hình thức cơ bản, phổ biến của các làng nghề Việt Nam. Theo xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, tác giả cho rằng, làng Đông Hồ cần có nhiều hơn nữa các công ty tư nhân hay các doanh nghiệp tư nhân, các cửa hàng thương mại, hay đại lý phân phối sản phẩm tranh ra thị trường. Bởi thị trường đầu ra là sự sống còn của mỗi doanh nghiệp, hay mỗi làng nghề. Đầu ra tốt mới kích thích được nguồn cung dồi dào và hộ gia đình ông Sam hay doanh nghiệp tư nhân của ông Chế mới tiếp tục phát triển bền vững, chuyên tâm vào sản xuất và sáng tạo tác phẩm tranh có chất lượng cao nhất khi lợi ích kinh tế của họ được đảm bảo và ổn định. Đó cũng là việc cấp bách cần làm được để bảo tồn và phát huy làng nghề tranh Đông Hồ trước nguy cơ bị mai một dần.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 81 - 83)