Giải pháp tạo vốn và xuất khẩu tranh cho Trung tâm

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 116 - 147)

6. Bố cục luận văn

3.2.5Giải pháp tạo vốn và xuất khẩu tranh cho Trung tâm

hóa dân gian tranh Đông Hồ và làng tranh Đông Hồ

Vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng và không thể thiếu được trong quá trình sản xuất ở làng nghề nói chung. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào sản xuất ở làng nghề Đông Hồ cũng như Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ còn thấp, chủ yếu là vốn tự có. Vậy, trước mắt cần đảm bảo cung cấp vốn cho làng nghề Đông Hồ, tạo lập môi trường kinh tế ổn định và có chính sách tăng tích lũy để đầu tư phát triển làng nghề. Mở rộng và phát triển hệ thống ngân hàng phục vụ làng nghề, cho làng nghề vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ngoài hệ thống ngân hàng, nên phát triển lành mạnh quỹ tín

dụng nhân dân, công ty tài chính tư nhân. Nhà nước phải có chính sách bảo hộ quyền lợi của người cho vay và người đi vay. Khai thác triệt để các khoản vốn hỗ trợ từ bên ngoài thông qua các chương trình, dự án doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làng nghề. Nghiên cứu sửa đổi quy định thế chấp khi vay vốn cho sát với từng loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong làng nghề.

Vốn là một loại thị trường cần thiết cho mỗi làng nghề để tồn tại và phát triển. Đây là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu của các chủ doanh nghiệp, chủ hộ gia đình kinh doanh. Vậy làng Đông Hồ có tiềm năng gì để huy động được tối đa vốn tự có cũng như từ nguồn vốn của ngân hàng và các quỹ tín dụng. Như thực tế đã thấy, làng Đông Hồ hiện nay đang phát triển mạnh mẽ nghề làm hàng mã. So với nghề làm tranh dân gian thì nghề mã có thể coi là một nghề mới phát triển trong giai đoạn hiện nay. Theo lịch sử để lại và qua lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, nghề mã đã có từ lâu đời, là một nghề truyền thống của làng từ xa xưa. Nhưng hiện nay nghề mã đã và đang phát triển «phi mã », trở thành một trụ cột vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội của làng. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi thì nghề mã cũng có nhiều khó khăn, thử thách. Vậy thì, làng Đông Hồ cùng duy trì hai nghề truyền thống này như thế nào cho thích hợp nhất?. Đó là một bài toán khó nếu không biết lấy thế mạnh của những lợi thế làm nền tảng cốt lõi.

Nghề mã đang rất phát triển và thịnh hành rộng khắp nhưng không phải không có sự cạnh tranh của các làng nghề làm mã khác. Hơn nữa, hạn chế của nghề này là hàng hóa cồng kềnh, khó có thể chuyên chở đi xa, nên để duy trì và phát triển bền vững nghề làm mã song cùng với nghề làm tranh tại làng Đông Hồ, thì cần có hướng nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhằm nâng cao tính nghệ thuật của sản phẩm hàng mã. Cần phải biến hàng mã thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ cao, vừa phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của xã hội, vừa có thể xuất khẩu. Bài toán khó này đặt ra cho làng nghề, hay cũng chính là cho những người dân làng Đông Hồ, đang hàng ngày cặm cụi trổ, vẽ, ra

mẫu những hàng mã độc và lạ, làm sao để đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng khắt khe của người tiêu dùng. Họ, những người thợ khéo tay, cần cù chịu khó, cần có tầm nhìn xa rộng, để làm sao hàng mã của mình làm ra vừa có tính hữu dụng, vừa đạt được tính thẩm mỹ độc đáo. Đây cũng là một cách để làm tăng thu nhập cho người lao động trong nghề làm mã, cũng là một cách để kích thích sự sáng tạo nói chung, kể cả nghề tranh thì sáng tạo và khéo léo là đức tính cần thiết để phát triển nghề nghiệp ở làng cổ Đông Hồ.

Cần phải quy định không sử dụng các chất liệu hóa học trong quá trình làm tranh, phải sử dụng mọi nguyên liệu lấy từ thiên nhiên nhằm đem lại cho du khách những bức tranh chất lượng nhất, thấm đậm chất dân gian.

Hầu như tất cả các giải pháp ở trên một phần nào đó đã giúp cho việc tìm kiếm đầu ra cho tranh Đông Hồ được thực hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào việc tiêu thụ sản phẩm ngay tại làng Đông Hồ thì vẫn không đảm bảo được cuộc sống cho người dân mà cần phải hướng tới xuất khẩu trong và ngoài nước. Khi đó cần phải có sự giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng trực thuộc Chính phủ. Các Bộ, Ban, Ngành kinh tế, văn hóa cần phải tạo điều kiện tốt hơn cho các làng nghề trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm truyền thống. Chỉ khi nào sản phẩm có đầu ra thì khi đó người nghèo mới có thể thoát khỏi nghèo đói dựa trên chính sức lao động của mình.

Trong tất cả các giải pháp đưa ra thì điều quan trọng nhất, có khả năng quyết định nhất vẫn là ở chính người dân Đông Hồ. Nội lực cũng như khả năng đứng vững trên đôi chân của người Đông Hồ sẽ quyết định sự khởi sắc của làng tranh trong tương lai không xa.

Tiểu kết chƣơng 3:

Thực trạng tranh dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền là một tiếng kêu cứu của một làng nghề truyền thống. Nguyên nhân có nhiều, nhưng thực tế đang diễn ra tình trạng nghề làm mã phát triển nhanh chóng những năm gần đây, vì những lợi ích trước mắt mà người dân làng Đông Hồ đang quay lưng với nghề tranh. Song một điều thấy rất rõ là nghề làm tranh dân gian là yếu tố tạo nên thương hiệu cho làng nghề Đông Hồ từ trước tới nay. Vì vậy, để phát triển bền vững làng nghề trong tương lai thì cần vực dậy thực trạng mai một của nghề tranh, trước tiên là đi lên từ phát triển du lịch làng nghề. Du lịch làng nghề được phục dựng thì đó là một bước đệm thành công cho những hoạt động tiếp theo của nghề làm tranh dân gian. Nhưng để thu hút được du khách nhiều hơn nữa, thì bản thân nghệ nhân làm tranh cần khôi phục lại những cách làm tranh truyền thống, trả lại những bức tranh nguyên vẹn về màu sắc và quy trình cổ truyền của nó. Có như vậy, uy tín và tiếng vang mới là sự khẳng định một nghề truyền thống vẫn hiện hữu và phát triển được trong tương lai không xa. Đánh giá được vai trò của làng tranh Đông Hồ với văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa làng nghề truyền thống nói riêng là một hướng đi đúng, để từ đó thực hiện được những quyết sách quan trọng về phát triển làng nghề trong tương lai. Vai trò gìn giữ, bảo tồn những vốn văn hóa cổ, truyền thống trong mỗi làng nghề là điều không thể phủ nhận được. Hơn thế, làng nghề Đông Hồ có tiềm năng lớn đóng góp cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch làng nghề nói riêng. Để đạt được những mục tiêu phát triển lâu dài, hay trước mắt đến năm 2020 như các Nghị quyết Trung ương của Đảng và Nhà nước ta đã nêu ra (Như: Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành về phát triển ngành nghề nông thôn), các cấp Sở, Ban, Ngành của tỉnh Bắc Ninh và huyện Thuận Thành nói chung cũng như Ban lãnh đạo xã Song Hồ, thôn Đông Khê nói riêng cần thiết phải phối hợp thực hiện các biện pháp hữu hiệu và cụ thể. Đường hướng và giải pháp mà

luận văn nêu lên đó là những gợi ý hữu ích và quan trọng, làm căn cứ để các cơ quan hữu trách quan tâm phát triển bền vững nghề, làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Mong muốn của tác giả luận văn cũng nhằm chú ý hơn đến phát triển du lịch làng nghề tại chính làng Đông Hồ. Bởi tiềm năng và thực tế, du lịch Việt Nam sẽ là một điểm đến tuyệt vời đối với du khách quốc tế nếu như chúng ta có thể thực hiện được những giải pháp phát triển du lịch làng nghề một cách hiệu quả. Hy vọng trong một tương lai không xa, với sự nỗ lực của toàn quốc gia, mọi làng nghề truyền thống của chúng ta sẽ khởi sắc, du lịch cộng đồng sẽ đưa mọi người dân Việt Nam thoát khỏi đói khổ, nghèo khó. Khi đó làng tranh Đông Hồ sẽ quay trở lại thời kỳ vàng son, nhà nhà làm tranh, người người biết tới và yêu thích tranh dân gian Đông Hồ.

KẾT LUẬN

Làng nghề tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng vùng Kinh Bắc, là một trong những trung tâm sản xuất tranh dân gian và hàng mã lớn nhất của Việt Nam. Nằm trên huyết mạch giao thông khá thuận lợi, vị trí của làng Đông Hồ là một lợi thế cho giao lưu và phát triển kinh tế xã hội. Nghề làm tranh dân gian ở Đông Hồ đã trải qua quá trình thăng trầm cùng với sự biến thiên lịch sử của làng. Những bức tranh dân gian còn lại đến nay trở thành nguồn tài sản quý giá của dân tộc. Đó là hiện thực đời sống sinh động được phản ảnh qua tranh dân gian, những sinh hoạt, quan niệm và ước mơ của người Việt. Các bức tranh đẹp có hồn, vừa chân chất, mộc mạc vừa gần gũi, thân quen được lưu truyền trong đời sống người Việt từ đời này qua đời khác. Tranh Đông Hồ cùng với tranh Hàng Trống có thời kỳ tồn tại khá thịnh vượng nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn, trải khắp các tỉnh từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc vào Nam. Với tuổi đời hơn năm thế kỷ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã và đang để lại những dấu ấn đậm nét, mang sắc thái riêng trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa làng và mối giao lưu nghề nghiệp. Nghề làm tranh còn là nhân tố gắn liền với tên làng, tên nghề và di tích “đình tranh”, danh tiếng “làng tranh dân gian Đông Hồ” quả thật đáng tự hào.

Tranh dân gian Đông Hồ mang nhiều đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình, được xếp vào dòng nghệ thuật đồ họa, một loại hình ra đời sớm trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình phát triển, các nghệ nhân làng Đông Hồ đã bổ sung và sáng tác nhiều mẫu tranh mới, nhằm phục vụ nhu cầu chơi tranh của khách hàng. Tranh Đông Hồ trải qua nhiều giai đoạn thịnh suy khác nhau, song ngay từ lúc khai khởi, tranh dân gian Đông Hồ đã mang đầy đủ các đặc trưng của một dòng tranh riêng biệt. Về nội dung, tranh Đông Hồ đa dạng về thể loại, đề tài. Đó là tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh sinh hoạt, tranh đả kích, châm biếm, tranh tuyên truyền cổ động,…. Mỗi loại tranh có nội dung và cách thức biểu đạt khác nhau, song nó là tấm gương

phản ánh một cách trung thực nhất, biểu hiện cốt cách tình cảm của con người Việt Nam. Về hình thức nghệ thuật, nét nổi bật của dòng tranh dân gian Đông Hồ là phương pháp in tranh bằng cả ván in nét và ván in màu. Tranh dân gian Đông Hồ in nét và in màu đều in úp ván theo kiểu đóng dấu trên giấy dó quét nền điệp. Màu dùng để in tranh là những sản vật và nguyên liệu lấy từ tự nhiên được chế biến bằng kỹ thuật thủ công, nghệ nhân làng Hồ gọi là màu

thuốc cái, như màu đen làm từ than lá tre, lá chàm; màu vàng làm từ hoa hòe, màu cam, đỏ làm từ sỏi son, màu trắng làm từ điệp….Màu tự nhiên in tranh mềm, xốp, không bị phai màu. Cùng với chất điệp óng ánh làm cho màu in tranh trong và sâu, khiến những mảng màu nguyên chất trở thành màu độc đáo. Đường nét trong tranh dân gian Đông Hồ cũng to, đậm, đơn giản nhưng cô đọng, chắc khỏe. Tranh dân gian trải qua những thăng trầm, tuy có một số thay đổi nhất định về hình thức nghệ thuật, hay về nội dung, về sản xuất và tiêu thụ, nhưng nhìn chung thì những thay đổi đó là tích cực, là sự thích ứng trước thời đại mới. Thay đổi đó không làm mất đi đặc trưng cơ bản của tranh dân gian Đông Hồ, hơn thế còn khẳng định được những bước đi riêng của một làng tranh đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền. Thách thức với làng tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là rất lớn, tuy chỉ còn hai gia đình nghệ nhân còn gắn bó với nghề và quyết tâm bảo tồn, phát triển nghề tranh này, nhưng những việc họ làm thật ý nghĩa và thật đáng trân trọng. Về mặt ý nghĩa, tranh dân gian Đông Hồ vẫn luôn là sản phẩm tinh thần độc đáo của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, là đối tượng quan tâm tìm hiểu của nhiều người ở trong và ngoài nước.

Nhà nước và chính quyền địa phương cùng với các ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới sự phát triển của làng tranh dân gian Đông Hồ, coi đó là tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với những người nghệ nhân giỏi của Đông Hồ. Họ là những người còn lại vẫn giữ vững tâm huyết, hết lòng yêu nghề và có ý thức giữ gìn nghề truyền thống trên quê hương mình. Để

khắc phục những khó khăn về thị trường tiêu thụ, trước hết các nghệ nhân cần khôi phục nguyên gốc dòng tranh dân gian truyền thống. Đồng thời, các nghệ nhân cũng cần phối hợp với các họa sĩ chuyên nghiệp nhằm tạo ra những mẫu tranh mới, đáp ứng thị hiếu của người chơi tranh hiện nay.

Bên cạnh nghề làm tranh dân gian, Đông Hồ cũng là một trong những trung tâm phát triển nghề mã vào bậc nhất ở Việt Nam. Nhờ có hai nghề này, Đông Hồ là nơi thu hút và lan tỏa ảnh hưởng nghề nghiệp với các làng nghề khác. Hiện nay, nghề mã đang thịnh vượng hơn nghề tranh và trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống kinh tế cộng đồng. Các nghệ nhân ở Đông Hồ luôn biết cải tiến, bổ sung nhiều mẫu mã, sản phẩm hàng hóa đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Như vậy, Đông Hồ không những là nơi bảo tồn và lưu giữ các nghề thủ công truyền thống mà còn bảo lưu nhiều truyền thống tốt đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng, văn hóa nghề, trong hội hè, lễ thức, phong tục tập quán truyền thống. Sự phục hưng làng tranh Đông Hồ còn có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, học tập và khai thác vốn văn hóa cổ. Đồng thời, điều đó góp phần vào hướng đầu tư, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở nước ta, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A.A. Radugin (chủ biên) (2002), Từ điển bách khoa Văn hóa học, người dịch: Vũ Đình Phòng, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Hà Nội. 2. Nguyễn Vũ Tuấn Anh (2002), Tính minh triết trong tranh dân gian Việt

Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Toan Ánh (2001), Tranh Tết, Xưa & nay, số 84- 85 tr 23-27

4. Huỳnh Công Bá (2007), Lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế.

5. Bắc Ninh phong thổ tạp ký, Nguyên bản Hán- Nôm, Thư viện KHXH: A425, 2 tập

6. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Song Hồ (2002)- Lịch sử truyền thống cách mạng xã Song Hồ, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

7. Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.09, Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010) Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long- Hà Nội, NXB Hà Nội.

8. Nguyễn Đăng Chế (2008), “Khai mạc hội thảo Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ”- Trích Hội thảo khoa học- Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ- Tài liệu lưu hành nội bộ.

9. Du Chi, Nguyễn Bá Vân (1978), “Làng Đông Hồ với nghề làm tranh dân gian”- Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập II.

10. Nguyễn Đổng Chi (1971), “Một số cổ tục và trò chơi ngày Tết”, Tập san văn học số xuân Tân Hợi- NXB Sài Gòn, tr 52-57 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 116 - 147)