6. Bố cục luận văn
2.1.2.2 Tranh Đông Hồ ca ngợi truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo đã có từ lâu trong lịch sử dân tộc ta. Tranh Đông Hồ nổi tiếng cũng bởi phản ánh nội dung này trong tranh. Tranh Lý ngư vọng nguyệt, có hai con cá chép đối nhau, nhìn bóng trăng. Tranh này nhắc lại sự tích Cá chép vượt vũ môn để hóa rồng. Đây là sự khuyến khích các trẻ em phải cố gắng học hành để một mai thi đỗ cũng như
con người ta hãy kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, bền gan, lập chí thì đến một ngày sẽ đạt được thành công.
Bức tranh vừa mang nhiều ẩn ý phê phán và cả khuyến khích việc học hành là Thầy đồ cóc [Phụ lục; ảnh 19]. Tranh có nhiều ẩn dụ, với ý nghĩa khuyên con cháu học hành thì khung cảnh trường học tấp nập như vậy là niềm mơ ước của nhiều trẻ em thời bấy giờ. Tranh Thầy đồ cóc (hay Lão Oa giảng độc) hướng đến đề tài giáo dục- một chủ đề mang tính thời đại, quy luật tất yếu của xã hội, nhằm đào tạo lớp người kế cận thành những con người mới có đạo đức, có kiến thức, có năng lực. Đề tài có tầm cỡ và quan trọng như vậy, lại lấy “xã hội” loài cóc làm đối tượng phản ánh, ít nhiều mang chất trào lộng, hài hước và chấm biếm, tưởng phi lý, nhạo báng nhưng lại có lý và tâm đắc. Tâm đắc và hợp lý ở tính nhân văn sâu sắc của bức tranh. Là loại tranh cổ, đã có từ trước khi Pháp sang xâm lược nước ta, thời Nho học và đức Khổng Tử đang được tôn thờ. Các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình học được ít chữ Thánh hiền để nên người, cũng không dám mơ ước đến đỗ đạt, đăng khoa hay chức cao vọng trọng.
Không chỉ có ý nghĩa nhân văn như vậy, bức tranh còn thể hiện được sự kính trọng của trò với thầy. Trong tranh có một chú Cóc dáng vẻ nghiêm chỉnh, cung kính, lễ phép, một tay chống gối, tay kia xách siêu nước sôi pha trà dâng thầy. Đây là một hành vi đẹp, có văn hóa, thể hiện sự “tôn sư trọng đạo” của người đi học. Ngoài ra, tranh Lý Ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) cũng muốn khuyên người học trò chăm chỉ học tập rồi thi đỗ như truyền thuyết “cá chép vượt vũ môn” hóa rồng. Tranh Đám cưới chuột [Phụ lục; ảnh 20], tranh Rước ông nghè vinh quy bái tổ [Phụ lục; ảnh 21] hay
Mục đồng đọc sách [phụ lục; ảnh 23] cũng nhằm khuyến học mạnh mẽ. Tranh dân gian chú ý đến loại Tứ bình (bốn bức) mang tính lãng mạn và nghệ thuật cao, hoàn toàn giải quyết được nhu cầu thẩm mĩ của người xem về vẻ đẹp thiên nhiên, có thể chia làm hai loại: tranh phong cảnh và tranh truyện. Theo quan niệm phương Đông, về thời tiết có bốn mùa Xuân, Hạ,
Thu, Đông tương ứng với bốn loại hoa cỏ là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Loại tranh “díu tư” kèm theo là những bài thơ ngâm ngợi cho bốn mùa, sự kết hợp giữa tranh và thơ thật hòa đồng và ý nghĩa (nhắc lại ý của nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thuần viết về tranh Đông Hồ: thơ là tranh bằng lời, tranh là thơ bằng hình vẽ). Chữ đề xuân sang, hè qua, thu tới hay đông về…., ngoài cỏ hoa còn có các loại chim như khổng tước, sơn ca, trĩ, hạc, công). Tranh Tố nữ
[Phụ lục; ảnh 31, 17, 32], mỗi bộ gồm bốn cô, có bộ dáng ngồi với những nhạc cụ khác nhau, có bộ là bốn tố nữ tóc “phi dê” tay buông thả,….Nhưng đẹp hơn cả là bộ bốn cô mặc quần lĩnh hoa chanh, lĩnh chữ thọ, khăn áo xênh xang, mặt hoa, da phấn, tóc bỏ đuôi gà, yếm thắm cổ xẻ, tay cầm nhạc cụ: xênh tiền, sáo, đàn, quạt, đằng sau kê chiếc đôn trên để lọ hoa sen, mỗi cô một dáng, nét mặt thanh và tươi. Bốn cô mặc bốn màu áo khác nhau: tía, lục, cam, trắng. Điều này tô điểm thêm cho tài năng cầm, kỳ, thi, họa của người con gái thời xưa.
Bộ tranh Tứ bình truyện rất phong phú, từ Tống Trân- Cúc Hoa [Phụ lục; ảnh 18], Lưu Bình- Dương Lễ, Thạch Sanh, đến Nhị Độ Mai, Truyện Kiều…, từ nội dung của các truyện này, nghệ nhân làng Hồ đã chuyển tải trên tranh qua những nét vẽ tinh tế về hình thức và cách biểu hiện. Nhưng điều đặc biệt là, cả một câu chuyện dài không dễ để đưa hết cốt truyện vào một bộ tranh bốn bức, những cốt truyện ấy đã được phổ cập (phổ thông) trong quần chúng qua văn thơ, nên họ đã thuộc. Vì thế mà qua tranh dân gian Đông Hồ, một lần nữa nó càng gợi lên và tô đậm trong họ những đức tính đẹp, ý hay, càng xem họ càng nhớ lâu.
Bộ tranh “Tứ quý”, gồm bốn bức (Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý) ngoài việc thể hiện những giá trị đạo lý và mơ ước của con người, còn thể hiện sự hòa nhập giữa con người và thiên nhiên qua hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm- thể hiện sự phú túc và tính ngây thơ thiên thần- và những sinh vật gần gũi trong cuộc sống. Theo cách nhìn của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Từ bài “Bộ Tứ quý" trong sách “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt
Nam”, Nguyễn Vũ Tuấn Anh [2]: Bốn bức tranh này thể hiện “Tứ quý” ngay từ cái tên gọi của nó (phú quý, vinh hoa, nhân nghĩa, lễ trí), đồng âm với “Tứ quý” tức là bốn tháng của bốn mùa trong năm. Tất cả bốn tranh đều có hình ảnh các con vật được cường điệu lớn hơn so với tỉ lệ, và những đứa bé cho thấy một hình tượng của sự hòa nhập giữa con người với thiên nhiên. Ngoài ra, trong tranh “Lễ trí”, qua hình tượng con rùa – phương tiện chuyển tải tri thức dưới thời Hùng Vương vào thời kỳ đầu lập quốc – chính là biểu tượng của sách học. Phải chăng, ý tưởng “Tiên học lễ” bắt đầu từ nền văn minh Lạc Việt?. Trong tranh “Nhân nghĩa”, hình tượng con cóc chính là biểu tượng của người thầy của chú bé (“Thầy đồ Cóc”, vì chỉ có Cóc mới có chữ Khoa đẩu – nòng nọc – để dạy cho đời). Nhân nghĩa chính là hai đức tính đầu tiên trong đạo lý cổ Đông phương. Phải chăng những ý niệm về “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ, hậu học văn” của Nho giáo, chính là những ý tưởng đã có từ lâu trong thời Hùng Vương? Bởi vì hình tượng con Cóc và con Rùa bắt đầu và thuộc về nền văn minh Văn Lang.