Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 38 - 41)

3. Những vấn đề đặt ra

1.1.2. Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1919 cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ, nền kinh tế thuộc địa đang trên đà phát triển ở những năm trước nhờ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và sự mở rộng một số ngành sản xuất phục vụ chiến tranh có những bước phát triển mới. Hầu hết các ngành kinh tế đều phát triển, từ nông nghiệp, đến công, thương nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ tài chính... trong đó phải kể đến sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế nông nghiệp.

Đi liền với sự phát triển của các ngành kinh tế, cơ cấu của nền kinh tế cũng thay đổi, mang tính chất thực dân - tư bản. Chế độ đại sở hữu tư nhân tư bản phát triển. Nền sản xuất được thương mại rõ rệt, với sự xuất hiện và mở mang của những vùng kinh tế thương phẩm lớn, nhất là những vùng trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, chè, cà phê... Mối quan hệ giữa tư bản và công nhân trở thành mối quan hệ chi phối quan trọng trong nền sản xuất.

Sự chuyển biến của nền kinh tế, cùng với sự thay đổi trong chính sách thuộc địa - lấy “hợp tác với người bản xứ” làm cho xã hội Việt Nam có sự thay đổi về kết cấu dân cư, sự phân hóa xã hội trở nên phức tạp hơn, mâu thuẫn xã hội quyết liệt hơn xung quanh vấn đề cách mạng dân tộc, dân chủ. Tùy vào địa vị kinh tế và xã hội trong hệ thống thuộc địa, mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp có vai trò và tiếng nói chính trị khác nhau.

Ở khu vực nông thôn, địa chủ tăng cường tích tụ ruộng đất, người nông dân chịu thuế khóa nặng nề, phu phen tạp dịch. Quá trình chiếm đoạt ruộng đất của chính quyền thực dân đã làm cho số ruộng đất dành cho việc mở rộng diện tích canh tác của nông dân cũng như dành cho sự gia tăng dân số bị thu hẹp, gây nên tình trạng manh mún hơn về ruộng đất ở các vùng thôn quê, nhất là ở những vùng đồng bằng đông dân. Mặt khác, công cuộc khai thác thuộc địa được mở rộng khiến cho nông dân buộc phải đáp ứng những nhu cầu

không giới hạn về nhân công cho các cơ sở kinh tế (đồn điền, hầm mỏ, nhà máy...) ở cả trong và ngoài nước và dù ở đâu họ cũng bị bóc lột thậm tệ. Đời sống của nông dân ngày càng lầm than, cơ cực. Có thể nói, chính cuộc sống vật chất cơ cực, giá trị tinh thần bị xúc phạm đã khiến cho nông dân giác ngộ hơn về quyền lợi cũng như ý thức dân tộc.

Giai đoạn này, giai cấp địa chủ gia tăng về số lượng và đa dạng hơn về thành phần, gồm: địa chủ “nhà quê” là địa chủ nước ngoài và địa chủ người Việt. Thành phần của giai cấp địa chủ ngày càng trở nên phức tạp. Một bộ phận xuất thân từ các tầng lớp “trên” của xã hội thuộc địa, là các quan lại trong bộ máy chính quyền, là các trí thức Đông - Tây học, các doanh nhân, thương gia trung thành với chủ nghĩa “Pháp - Việt đề huề” quay lưng lại với quyền lợi quốc gia, dân tộc, chống lại nhân dân. Bộ phận khác là tầng lớp địa chủ nhỏ và vừa, trong đó có một số xuất thân từ nông dân có những quan điểm khác nhau đối với các phong trào giải phóng dân tộc. Trong khi đó, địa chủ người nước ngoài, trên thực tế cũng có tham gia vào việc cướp đoạt ruộng đất và bóc lột nông dân. Giữa những năm 20, giai cấp địa chủ, một lần nữa đã trỗi dậy nhằm phục hưng dân tộc, nhưng đó chỉ là sự trỗi dậy muộn màng, giai cấp này thực sự mất vai trò lịch sử, cùng với sự thất bại của Đảng Lập hiến ở Nam Kỳ.

Tư sản dân tộc chính thức trở thành một giai cấp, trên cơ sở một nền kinh tế phát triển, ít nhiều có tính chất “Việt hóa”. Giai đoạn này, vượt qua thời kỳ hoạt động riêng lẻ, phân tán, các nhà doanh nghiệp Việt Nam đã biết liên kết thành hội đoàn để mở rộng sản xuất và bảo vệ quyền lợi của mình trước sự cạnh tranh của tư bản nước ngoài. Cùng với sự phát triển về số lượng, ý thức giai cấp trong giới này đã hình thành và ngày càng bộc lộ rõ nét. Từ những cuộc đấu tranh đòi được bình đẳng về quyền lợi kinh tế, giai cấp tư sản đã tiến sang đòi được hưởng quyền tự do - dân chủ theo kiểu tư sản, đòi có tiếng nói và vai trò về chính trị. Lúc này, chính sự ra đời của báo

chí tư sản đánh dấu một bước trưởng thành của giai cấp tư sản Việt Nam về tư tưởng và ý thức giai cấp.

Tuy nhiên, do sinh sau đẻ muộn, lại là con đẻ của một nền kinh tế thuộc địa kém phát triển - hậu quả của chính sách khai thác thuộc địa mang tính chất ăn bám của tư bản Pháp, giai cấp tư sản Việt Nam nhanh chóng bộc lộ sự yếu ớt về kinh tế và bạc nhược về chính trị. Sau một thời gian ngắn, các cơ sở sản xuất của tư sản Việt Nam đã bị các ngành công nghiệp của tư bản nước ngoài đè bẹp, nhất là khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra. Còn về chính trị thì những ý tưởng của nó đã nhanh chóng bị phá sản. Cuối cùng thì một số đại tư sản đã về với nguồn gốc xuất thân của mình là các địa chủ, đại địa chủ, kinh doanh về ruộng đất và bóc lột nông dân theo kiểu phong kiến và gắn với chế độ thuộc địa.

Cũng trong bối cảnh đó, giai cấp tiểu tư sản hình thành, cùng với sự bổ sung về số lượng và sự trưởng thành về ý thức giai cấp. Là một bộ phận gắn với hệ thống hành chính và các thiết chế của bộ máy chính quyền thuộc địa, nhưng giai cấp tiểu tư sản có tinh thần dân tộc, căm ghét chế độ thực dân. Bao gồm phần lớn là các trí thức, đại trí thức Đông - Tây học, đây cũng là giai cấp nhạy cảm nhất trong xã hội và dễ tiếp thu những tư tưởng mới. Vì vậy, họ luôn luôn là những người đi đầu trong các hoạt động cách mạng. Về chính trị, giai cấp tiểu tư sản thực hành chủ nghĩa quốc gia cách mạng. Về tổ chức, họ đã có các đảng phái, nhưng lại không lập ra được một chính đảng bền vững, có tôn chỉ mục đích rõ ràng, có đường lối tập hợp quần chúng đúng đắn. Cuối cùng, do yếu ớt và thiếu kiên định, không có khả năng tập hợp quần chúng, tất cả mọi hoạt động mang tính đảng phái của giai cấp này đều rơi vào tình trạng thất bại hoặc bị phân hóa, đi đến tan rã bởi sự đàn áp của kẻ thù, hoặc cũng là bởi sự cảm hóa của phong trào cộng sản.

Giai cấp công nhân phát triển thêm một bước về số lượng do sự mở rộng quy mô của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở trong nước, cùng với

số công nhân hết hạn hợp đồng từ chính quốc và từ các thuộc địa khác trở về. Số lượng hơn 20 vạn công nhân trong các hầm mỏ, xí nghiệp, nhà máy, đồn điền... lớn gấp hơn 2 lần so với trước chiến tranh và hơn 4 lần so với thời gian đầu thế kỷ. Con số này mới chỉ tính đến những công nhân chuyên nghiệp và cũng chỉ là công nhân trong các cơ sở kinh tế của tư bản Pháp, mà chưa kể đến công nhân của các cơ sở kinh tế của tư sản dân tộc và tư sản ngoại quốc khác. Về số lượng, đây thực sự là sự tăng lên đáng kể, mặc dù so với dân số, công nhân mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Vẫn như từ trước, công nhân được bổ sung chủ yếu từ giai cấp nông dân, nên họ càng dễ dàng trong việc lôi kéo khối quần chúng nông dân đông đảo và liên minh chống đế quốc, phong kiến với mình.

Ở giai đoạn trước, mặc dù đã hình thành một giai cấp, nhưng phong trào công nhân vẫn trong giai đoạn “tự phát”, tức là giai cấp công nhân chưa trở thành lực lượng chính trị độc lập. Thế nhưng sau chiến tranh, với số lượng được bổ sung đông đảo, sự tác động của những yếu tố bên ngoài, sự tích cực hoạt động của các chiến sĩ cách mạng đã làm cho giai cấp công nhân Việt Nam trưởng thành, phong trào công nhân chuyển sang giai đoạn tự giác.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w