3. Những vấn đề đặt ra
3.3. Phổ biến và phát triển tiếng Việt
Trong thời kỳ bắt đầu phát triển chữ quốc ngữ ở Việt Nam, giới sĩ phu người Việt, do từng gắn bó với Nho giáo và Hán học, đã phải trải qua nhiều khó khăn trong thay đổi nhận thức để có thể thừa nhận hệ chữ latin phiên âm tiếng Việt là chữ quốc ngữ của cộng đồng mình. Họ đã phải vượt lên hàng loạt những băn khoăn được đặt ra, như, mối bận tâm vì nguồn gốc Âu Tây của dạng chữ viết mới này của tiếng Việt, hay là sự gần gũi của chữ viết này với kẻ thực dân đang cai trị đất mình… Những năm 20 của thế kỷ XX, nhà văn
Đông Hồ, thuộc lớp trí thức trẻ hơn, đã khẳng định: Cái mà giờ đây ghi bằng thứ chữ viết mới ấy chính là tiếng mẹ đẻ của người Việt, do vậy việc học thứ chữ viết mới này chính là học tiếng mẹ đẻ; dùng chữ quốc ngữ và tiếng Việt làm công cụ chính thức trong giáo dục thì mới giúp phát triển được tư duy của các thế hệ người Việt. Đông Hồ cho rằng: Phàm một dân tộc nào đều có riêng một tiếng nói, đã có riêng một tiếng nói tất có riêng một thứ chữ. Chữ của nước nào là quốc ngữ của nước ấy. Người trong một nước mà không thông chữ của một nước, là không đủ tư cách làm người dân trong nước ấy.
Khi Đông Hồ viết những bài báo này thì nền báo chí tiếng Việt (bằng chữ quốc ngữ) ở Nam Kỳ đã có độ dài năm, sáu chục năm tồn tại và phát triển; tại miền Nam và miền Bắc, mỗi nơi đã có vài chục tờ nhật báo chữ quốc ngữ (tiếng Việt), số lượng phát hành của những tờ được đọc nhiềt nhất lên đến gần chục ngàn bản mỗi số…; điều đó khẳng định, trong xã hội đã có một cộng đồng sử dụng chữ quốc ngữ khá đông đảo. Tuy nhiên, lúc này, ở hệ thống nhà trường phổ thông đương thời, vị trí chữ quốc ngữ còn rất hạn hẹp. Sau nhiều vận động, đề đạt của dư luận báo chí, từ 18-9-1924 Nha Học chính Đông Pháp mới sửa đổi học quy, cho lấy chữ quốc ngữ dạy ở ba lớp dưới của bậc tiểu học; còn các lớp và cấp học khác vẫn dùng tiếng Pháp như cũ. Giới nhân sĩ giàu tinh thần dân tộc không đồng tình với mức độ của những sửa đổi ấy, họ tiếp tục vận động đưa chữ quốc ngữ vào nhà trường ở các lớp và cấp học cao hơn. Đối tượng vận động của họ không chỉ là các quan chức của chính quyền thực dân và các quan chức người Việt trong bộ máy cai trị; họ còn phải đương đầu với một bộ phận không ít phụ huynh học sinh vốn có những tính toán riêng về lợi ích và tương lai con cái. Những người này tính rằng cho con cái học tiếng Pháp chừng trên chục năm rồi đi làm thông ngôn ký lục… kiếm mỗi tháng ngót trăm bạc lương - là thiết thực hơn so với việc đeo đuổi chữ “mẹ đẻ” vốn không hứa hẹn lợi ích gì đáng kể. Theo chiều hướng tính toán đó, việc chữ quốc ngữ được đưa vào dạy ở một số lớp ở cấp
tiểu học phổ thông chẳng những không khiến họ vui, ngược lại, khiến họ lo lắng. Một thái độ và tâm trạng phản đối việc đưa chữ quốc ngữ vào nhà trường đã hình thành ngay trong công chúng người Việt với những lý do là: tiếng Việt nghèo vốn từ, phạm vi sử dụng hẹp, khó diễn tả các kiến thức cơ xảo kỹ nghệ mới từ phương Tây đưa tới…, tóm lại học tiếng Việt không lợi bằng học tiếng Pháp, đưa tiếng Việt vào nhà trường càng với liều lượng nhiều bao nhiêu lại càng làm mất thời giờ học tiếng Pháp của học sinh bấy nhiêu…
Chính Đông Hồ cũng chưa thấy rõ sức sống mạnh mẽ thực sự của tiếng Việt và chữ quốc ngữ ngay trong đời sống dân sự đương thời; và trong việc tham gia “tài bồi quốc văn” bằng mở trường dạy chữ quốc ngữ, Đông Hồ cũng đã chưa quan niệm và xác định đúng phương hướng, nên mấy lần phải đóng cửa trường. Giữa năm 1931, nhân đọc thấy một bài trên tạp chí Nam phong nói việc Trí đức học xá (ở Hà Tiên, do Đông Hồ chủ trương) đóng cửa lần thứ ba, tác giả bài báo ấy lấy đó làm buồn vì “quốc ngữ không phải món đắc dụng”, Phan Khôi, dưới bút danh Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy trên nhật báo Trung lập, nêu một nhận định khác:
Thình lình mở tạp chí Nam phong số 162 ra coi, mới hay rằng Trí đức học xá ở Hà Tiên đóng cửa. Trí đức học xá là trường chuyên dạy quốc văn. Theo lời rao đó thì Trí đức học xá lập ra năm Nhâm Dần đến nay năm Tân Tỵ, kể đã 5 năm. Trong 5 năm ấy có đóng cửa hai lần, rồi lại mở. Nay đóng cửa lần nầy là lần thứ ba. Người báo tin đó cho rằng tại Học phong tiêu điều, sĩ khí vắng vẻ. Vì thấy quốc ngữ không phải là món đắc dụng ở đời mưu lợi, cho nên thôi học [131].
Phan Khôi cho rằng, đó không phải lý do chính đáng. Thậm chí, theo ông, nếu nói người học thấy quốc ngữ “không phải món đắc dụng ở đời mưu lợi nên thôi học” là sự đổ lỗi. Ông phân tích: Ngày nay quốc văn tuy chưa thông hành cho lắm chớ cũng đã đứng lên cái địa vị khá khá rồi. Nói một sự mưu lợi mà nghe, đã thấy biết bao nhiêu kẻ sanh nhai nhờ quốc ngữ? Ấy là
như bọn chúng tôi viết báo đây, cùng những người viết tuồng cải lương, viết và dịch tiểu thuyết, đều là hạng sống về quốc ngữ cả. Sao lại gọi là không đắc dụng? Chỉ sợ có các ông chủ trương Trí đức học xá dạy bấy lâu nay đó, là dạy cái gì, chớ không phải dạy văn chương Quốc ngữ đó thôi. Nếu quả vậy thì chớ trách học trò không học!
Rồi, ông tiếp tục lấy ví dụ ở bài báo tin ở Nam phong số 162 - đề là Bông hoa cuối mùa - có câu văn như sau: “Lại nhân buổi nhàn tảo tiểu song, trong cái cảnh điểm điểm dương hoa mà cảm về mối bất tri xuân khứ”. Ông khẳng định: “Đọc câu văn đó, tôi không còn nghi ngờ chi nữa, tôi nói: Nhằm (nhầm) rồi, nếu các ổng đổ cả đống Hán văn vào trong quốc ngữ như vầy thì dầu cho tôi làm anh học sinh trong Trí đức học xá là tôi cũng phải ôm sách ra về. Đi dọc đường, tôi nói lẩm bẩm: Dạy cái gì đâu, chớ nào có phải là văn quốc ngữ?” [84].
Trên Phụ nữ tân văn, Phan Khôi trong vai trò nhà ngôn ngữ thực hành đã đề xuất “viết chữ quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho trúng” [78]. Ông cho rằng: “Những người phản đối sự cổ động của chúng tôi, trong tay họ chỉ cầm có một cái lẽ rất mong manh và yếu đuối, ấy là họ nói: Viết thế nào hiểu được thì thôi. Song họ quên lửng đi rằng viết mà không đúng, thì làm sao cho người ta hiểu được? Văn viết ra là cốt để phô bày ý tứ mình cho kẻ khác hiểu, mà nếu không hiểu thì viết ra làm chi? Phô bày cái ý tứ tầm thường mà nếu còn không hiểu thay thì mong gì đến sự giải cho người ta nghe những lẽ cao thâm huyền diệu?
Ví dụ: Hai chữ “triết lý”, nghĩa là cái lý thuộc về triết học, mà nếu theo như nhiều người Bắc Kỳ hay lẫn lộn ch với tr, viết thành ra “chiết lý”, thì nghĩa nó là “bẻ lẽ”, dùng lý lẽ mà bẻ bác nhau; vậy có phải bởi mình viết không đúng mà làm cho người ta hiểu nghĩa nầy ra nghĩa khác không? Hết thảy trên trái đất nầy, bất kỳ thứ chữ nào, nếu dùng nó để phô bày ý tứ mà lại có thể làm cho lộn nghĩa nầy ra nghĩa khác, thì thứ chữ ấy không thành lập
được; nó sẽ không dùng được để viết một cái khế vay, chớ đừng nói dùng để mà viết sách triết học”[78].
Cũng trong bài báo này, ông còn đề cập đến cách dùng danh từ sao cho đúng “sự dùng danh từ cho đúng, lại còn quan hệ lắm nữa, quan hệ cũng chẳng kém gì sự viết đúng nói trên kia.
Theo luận lý học (logique), khi người ta suy nghĩ một sự vật gì trong lòng hoặc trong óc mình rồi phán đoán nó là gì, thì cái đó gọi là “khái niệm”; đoạn dùng ngôn ngữ mà phát biểu cái khái niệm ấy ra, thì gọi là “từ” hay là “danh từ”. Danh từ và khái niệm chỉ là một vật, có điều khi nó còn ở trong lòng thì kêu bằng khái niệm, đến khi phát ra bằng tiếng nói thì gọi là danh từ. Hễ danh từ mà dùng sai, tức là mình nghĩ sai, tức là cái khái niệm của mình không đúng. Nghĩ không đúng và nói ra không đúng, là sự nguy hiểm lắm, theo như lời Khổng Tử mà tôi đã dẫn ra trong một bài trước kia: “Danh chẳng chánh thì nói ra chẳng thuận; nói ra chẳng thuận thì việc làm chẳng nên; việc làm chẳng nên thì lễ nhạc chẳng dấy; lễ nhạc chẳng dấy thì hình phạt chẳng nhằm; hình phạt chẳng nhằm thì dân không chỗ đặt tay chơn.”
Trong bài phê bình sách Nho giáo, Phan Khôi có chỉ ra một số danh từ mà tác giả dùng sai: “Như dùng chữ “lương tri” mà cho rằng tức là “lý trí”, dùng chữ “quân quyền” thay vì chữ “chủ quyền”. Do sự dùng sai ấy mà thành ra kết luận thiên lệch đi, như tôi đã chỉ ra đó. Độc giả coi đó thì đủ thấy sự dùng danh từ nó quan hệ là dường nào” [78]; “đính chánh lại cách xưng tên của người Việt Nam"(Phụ nữ tân văn, ngày 26-6-1930), cảnh tỉnh đồng bào đừng thổi phồng khác biệt phương ngữ mà vô tình chia rẽ dân tộc (“Tiếng hay văn Việt Nam cũng chỉ có một mà thôi”, Phụ nữ tân văn, ngày 11-6-1931), phản đối chủ trương dạy tiểu học bằng chữ Nho (Phụ nữ tân văn, ngày 24-3-1932); “Vì sự phát âm cho trúng” (Đông tây, Hà Nội, số 132 (16-12-1931), bàn sự thống nhất, cụ thể là thống nhất về phát âm chữ quốc ngữ giữa các miền. Ông chỉ ra, người Bắc đọc văn của người Nam, thấy t với c lẫn nhau, người Nam đọc văn của người Bắc, thấy tr với ch lẫn nhau, đã sinh chán mà vứt cuốn
sách hoặc tờ báo đi rồi. “Thế thì có tư tưởng hay, không bón tưới được cho nhau; có tri thức mới, không trao đổi được cho nhau; chữ quốc ngữ, nói là cái lợi khí tuyên truyền, mà té ra không còn phải là lợi khí nữa. Nếu cứ mãi thế, tôi tưởng cũng là một điều mà chúng ta đáng lấy làm thất vọng. Bởi vậy, sự phát âm về quốc ngữ cần phải thống nhất là thế”. Ông cho rằng, trong khi đọc và viết cũng phải cần phát âm cho trúng. Mỗi người tự sửa lấy cho mình và cũng sửa cho người khác nữa, như thế dần dần chúng ta sẽ đạt đến sự thống nhất về phát âm. Như người Nam Kỳ ra ở Hà Nội, phải có ý bắt chước chỗ đúng của người Bắc mà sửa chỗ sai của mình; người Trung Bắc vào Nam cũng vậy. Hay là có thể thì sửa cái chỗ sai của nhau lại càng tốt hơn.
Ông cũng đảm nhận vai trò người sửa văn, dọn vườn văn mà ông tự phong cho mình “vai ngự sử trên đàn văn”. Ông vừa thử vai hương sư dạy cách làm văn quốc ngữ (tập bài hướng dẫn Phép làm văn của ông đăng Phụ nữ tân văn (từ 23-10 đến 30-11-1930) đến hết bài thứ tư thì dừng lại), vừa lặp lại vai trò "thày đồ" dạy chữ Nho (tập bài giảng nhan đề Hán văn độc của ông được báo Đuốc nhà Nam in và phát hành như một phụ trương trước khi đăng trên Phụ nữ tân văn liền trong 20 kỳ, từ 18-8 đến 29-12-1932, sau nữa Phan Khôi cho đăng lại trên Sông Hương, 1936-1937).
Riêng ở Trung lập, Phan Khôi còn có những bài về ngôn ngữ, về thể loại văn chương; ông tham gia cuộc thảo luận về văn nghị luận của báo chí ngoài Bắc, bênh vực lối văn Hoàng Tích Chu (khác với Ngô Tất Tố là người khởi lên cuộc bài xích lối văn này), nhận xét chỗ được và chưa được ở Bộ Việt Nam tân tự điển của Hội Khai trí Tiến đức.
Bằng những hoạt động của nhà ngôn luận, Phan Khôi đã góp sức vào việc khẳng định vai trò và những yêu cầu về chất lượng chương trình dạy chữ quốc ngữ ở các trường phổ thông; dùng báo chí làm phương tiện chuyển tải, chuyên chở những kiến thức để phổ biến và phát triển tiếng Việt trong công chúng xã hội.
Tiểu kết chương 3
Qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ khả năng của một nhà ngữ học vừa nghiên cứu tiếng Việt vừa tác động đến sự phát triển của tiếng Việt trong thời hiện đại.
Có thể nói Tiếng Việt đã giúp Phan Khôi “công hiến cả đời cho sự nghiệp báo chí” [35, tr.57] và chính sự nghiệp báo chí đã giúp Phan Khôi thêm yêu tiếng Việt, trăn trở với tiếng Việt, nghiên cứu tiếng Việt và đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp Việt ngữ học nói chung và phát triển tiếng Việt trong báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX nói riêng. Thậm chí, đến những năm tháng cuối đời, “Phan Khôi vẫn nặng lòng với tiếng Việt, nhưng không đủ thì giờ, nên sau đó ông thiên về việc sưu tầm, ghi chép các câu nói, các thổ ngữ chợt nghe được từ đồng bào dân tộc hoặc trong ca dao tục ngữ, để làm tư liệu cho việc nghiên cứu” (Phan An Sa, “Nắng được thì cứ nắng”, Nhà xuất bản Tri thức, 2013). Từ số lượng khổng lồ các tác phẩm báo chí của ông trong gần 40 gắn bó với nghiệp viết, có thể thấy những đóng góp quan trọng của ông đối với phát triển tiếng Việt trong báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX:
Một là, bằng hoạt động báo chí, Phan Khôi chuyển tải những tri thức có tính nguyên tắc, quy tắc về sự ra đời và phát triển của tiếng Việt. Trong đó, nguyên tắc về sự vận động và phát triển của tiếng Việt cùng với sự vận động và phát triển của xã hội; một số quy tắc về cấu trúc chữ, từ, câu; các biện pháp tu từ và những đặc điểm riêng biệt của tiếng Việt…, có những nội dung Phan Khôi đã kết luận, có những hiện tượng ông mới chỉ phân tích, phát hiện hoặc cảm nhận, nhưng đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, khi mà chữ quốc ngữ mới ra đời thì đây là những kiến thức quý giá. Có những phân tích, phát hiện về quy luật tiếng Việt vẫn còn nguyên giá trị và là những vấn đề hiện nay đang được tiếp tục nghiên cứu trong Việt ngữ học.
Hai là, thông qua sự phân tích, bàn luận về vấn đề viết chữ quốc ngữ cho đúng, Phan Khôi đặt ra những yêu cầu về sự phát triển cách diễn đạt hiện
đại vào ngôn ngữ báo chí. Đóng góp này có ý nghĩa quan trọng để đưa hoạt động báo chí vào chuyên nghiệp. Trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi mới ra đời, đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam là thiếu chuyên nghiệp, ở đó, vẫn là sự hòa trộn của các sản phẩm văn chương - báo chí. Những bài báo của Phan Khôi, đặc biệt là loạt bài trên Phụ nữ tân văn, trong cuộc thảo luận “vấn đề viết chữ quốc ngữ cho đúng” là những đóng góp quan trọng trong việc phát triển văn phong báo chí theo hướng chuyên nghiệp, khắc phục những hạn chế của cách hành văn cũ, theo lối văn biền ngẫu trước đó.
Ba là, với vốn kiến thức xã hội uyên thâm, Phan Khôi đặt ngôn ngữ trong mối quan hệ của văn hóa, xã hôi, và ông hiểu sâu sắc rằng, xã hội muốn phát triển, người dân phải có thông tin, có tri thức. Do đó, việc phổ biến và phát triển tiếng Việt luôn đau đáu trong ông. Suốt cuộc đời gắn bó với nghiệp viết, ông viết tiếng Việt, gắn bó với tiếng Việt để tìm tòi, phát hiện và đúc kết thành những quy tắc, quy luật, những đặc điểm của tiếng Việt, và quan trọng hơn là thông qua báo chí, khẳng định yêu cầu như một tất yếu để đất nước phát triển, đó là phổ biến và phát triển tiếng Việt trong nhân dân, trong xã hội.