3. Những vấn đề đặt ra
1.1.1. Bối cảnh chung
Năm 1918, Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất kết thúc. Hậu quả để lại đối với tất cả các nước tham chiến, cả nước thắng trận và bại trận là sự thiệt hại nặng nề về người và của “10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương và 208 tỷ đô la bị ngốn vào chi phí quân sự” [105, tr.152]. Sau chiến tranh, một cục diện thế giới mới với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ra đời sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga.
Tình hình này làm cho các nước đế quốc lúng túng. Trên thực tế, mặc dù nội bộ rất mâu thuẫn, nhưng các nước đế quốc vẫn phải liên kết để hạn chế và đàn áp các trào lưu cách mạng nói trên. Mặt khác, để khôi phục nền kinh tế nhằm tạo đà cho cuộc chạy đua trong nội bộ giới tư bản và với một hệ thống mới - hệ thống xã hội chủ nghĩa, vừa ra đời từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, các nước đế quốc tăng cường khai thác nguồn tài nguyên và nhân công giá rẻ của các nước thuộc địa.
Trong bối cảnh chung đó, đế quốc Pháp vừa ra sức bóc lột nhân dân chính quốc, vừa đẩy mạnh khai thác các thuộc địa cả cũ và mới. Thêm vào đó, Pháp còn có những điều chỉnh trong chính sách thuộc địa để cho việc khai thác hiệu quả hơn, trong đó Đông Dương được Pháp đặt vào kế hoạch khai thác trước hết vì đây được coi là thuộc địa mà “về mọi phương diện là quan trọng nhất, phát triển nhất và giàu có nhất” [134, tr.24].
Cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng được Pháp tiến hành hết sức gấp rút, bằng những chương trình lớn: 5
năm (1918 - 1923 và 1924 - 1930) với những chính sách nhiều chiều về kinh tế, tài chính, chính trị, văn hóa xã hội... và những biện pháp đa dạng về hành chính, pháp lý... để cụ thể hóa những chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc khai thác thuộc địa. Trong đó, chính sách “hợp tác với người bản xứ” được sử dụng triệt để. Mục đích của chính sách này nhằm lôi kéo người Việt về phía Pháp, tránh ảnh hưởng của những luồng tư tưởng mới, nhất là ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đang tác động mạnh mẽ đến phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung. Trên tờ l’Annam, số 121 (ngày 03-12-1926), Hồ Từ Hải đã viết: “Mục đích ích kỷ của những người Pháp khi họ kêu gọi hợp tác, thì không cần chứng minh cũng thấy rõ lắm rồi. Họ cần nhân công bản xứ dể khai thác tài nguyên xứ ta làm giàu cho họ; họ cần chúng ta để bán hàng hóa của họ, thương mại của họ sẽ sụp đổ nếu chúng ta tẩy chay; mộng đế quốc của họ sẽ tan vỡ nếu chúng ta bất hợp tác toàn diện. Bằng lời lẽ quỷ quyệt, họ yêu cầu chúng ta giúp họ để bóc lột chúng ta. Bằng cớ chứng minh rõ nhất rằng họ dối trá chính là ở chỗ họ không bao giờ xác định đến mức rõ ràng cần thiết thế nào là sự “hợp tác”, chỉ dùng những từ như: “chân thành”, “không mưu mô thầm kín” mà họ hiểu theo một cách khác” [134, tr.45]. Về tác hại của “chính sách hợp tác” này, Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng:
Dù sao ảnh hưởng của những bài diễn văn của Sarraut khá rộng rãi và khá lâu dài, một lúc nào đó nó đánh lừa được nhiều người, kể cả nhiều người yêu nước chân thật, nó là một nguồn cảm hứng lý luận cho bọn truyền bá chủ nghĩa dân tộc cải lương ngoài Bắc và trong Nam suốt thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới [37, tr.507].
Có thể nói cuộc khai thác thuộc địa bằng chính sách “hợp tác với người bản xứ” đã tác động đến xã hội Việt Nam trong những năm 20 - 30 thế kỷ XX với những thay đổi trong kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là những biến động trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam thời kỳ đó.