Quan điểm "vị nữ giới"

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 107)

3. Những vấn đề đặt ra

2.2.2.Quan điểm "vị nữ giới"

Giữa năm 1929, Phan Khôi tham gia từ đầu vào tuần báo Phụ nữ tân văn. Ông là một trong những người gắn bó cùng với Đào Trinh Nhất - trong vai trò chủ bút. Trong sự đa dạng của các đề tài được đề cập, nữ giới là đề tài có vị trí quan trọng, với đủ loại hình: nghị luận xã hội, khảo luận lịch sử, nghiên cứu văn học, sáng tác thơ văn. Có thể nói, việc Phan Khôi và các tác giả khác cùng thời ông đề cập vấn đề phụ nữ, không đơn giản là để viết cho hợp với tên gọi, tôn chỉ, mục đích của tờ báo, mà mục đích lớn hơn là để triển

khai đường lối duy tân vào thực tế đời sống. Khi bàn về nội dung Phan Khôi với vấn đề đấu tranh nữ quyền, Vu Gia viết:

Cách nhìn cách nghĩ của Phan Khôi về vấn đề cách đây hơn 70 năm theo tôi vẫn chưa phải lỗi thời. Nói cho chính xác hơn phần nào đó nó vẫn còn tươi mới. Một người xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình như Phan Khôi mà có những ý nghĩ như vậy vào thời điểm ấy ở xứ ta quả chẳng được mấy người, nếu không muốn nói là quá tiến bộ so với người cùng thời [35, tr.145].

Trong số các lĩnh vực hoạt động, có thể thấy, Phan Khôi dành ưu tiên cho công việc làm báo. Sự lựa chọn ấy thực sự thích đáng, khi ông muốn tìm kiếm một phương tiện hữu hiệu để thực hiện tâm nguyện và lý tưởng của mình, là chung tay với những trí thức thiết tha với tiền đồ đất nước, gây dựng một đời sống xã hội Việt Nam văn minh, tiến hóa. Tiếp cận các bài báo của Phan Khôi đăng từ 1928 đến 1935 trên các tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập, Công luận, Thực nghiệp dân báo, Đông Tây, Phụ nữ thời đàm, Tràng An…, có khoảng trên 100 bài viết trực tiếp đề cập đến vấn đề nữ giới nói chung và các sự kiện trong cộng đồng phụ nữ Việt. Nếu nói rằng một trong những dấu hiệu nhận diện văn chương báo chí của Phan Khôi là chất hiện đại, thì có thể tìm thấy tinh thần hiện đại thể hiện hết sức rõ nét qua mảng báo “vị nữ giới” của ông.

Theo Phan Khôi, “Vấn đề phụ nữ! Bốn chữ rất đơn giản, nghe qua tưởng không có gì, mà kỳ thực nó có một lịch sử sâu xa và rộng rãi. Sâu xa vì cái vấn đề ấy đâm rễ mọc mầm ở hàng mấy ngàn năm; rộng rãi vì nó, hoặc sớm hoặc muộn, đã phát sinh ra hầu khắp trong các dân tộc trên thế giới” (Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 1, ngày 17-9-1933). Ông cho rằng, trước nay, từ đời này, sang đời khác, dần dần, quyền đàn bà suy đi, quyền đàn ông thịnh lên, ở xã hội nào cũng bày ra cái hiện tượng nam tôn nữ ty, rồi trở thành quen với con mắt loài người, đến hàng mấy ngàn năm, ai cũng coi là sự cố nhiên.

Thậm chí, chính giới nữ cũng coi là sự cố nhiên, không hề đặt câu hỏi tại sao. Từ chỗ tái hiện hiện trạng như vậy, Phan Khôi kêu gọi: “Thế thì chúng ta đây, bổn phận là phải hiểu thấu cái ý nghĩa ấy; kẻ có học thức và có lòng với tiền đồ dân tộc, tưởng nên đem những vấn đề ấy ra mà nghiên cứu, giúp cho cuộc tiến hóa của dân ta. Còn về phần chính mình phụ nữ thì bổn phận lại càng trọng đại lắm. Phụ nữ Việt Nam ngày nay cốt phải dưỡng thành một cái tự lực sao cho càng ngày càng sung túc, hầu một ngày kia thực hành được cuộc phụ nữ vận động để giải quyết những vấn đề cần thiết cho mình. Vấn đề phụ nữ ở xứ này đã phát sinh ra rồi; chẳng sớm thì chầy, cuộc phụ nữ vận động một ngày kia đáng phải có”("Cái ý nghĩa thật trong vấn đề phụ nữ ở xứ ta", Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 1, ngày 17-9-1933)

Đặt vấn đề về thực trạng đời sống tinh thần của giới nữ nói chung một cách trực diện, thẳng thắn, Phan Khôi đã đồng thời khẳng định một cách dứt khoát về việc phụ nữ phải đấu tranh giành lấy cái quyền chính đáng và tự nhiên cho giới của mình “Gần mấy năm gần đây, phụ nữ xứ ta cũng đã thành vấn đề rồi. Mặc dầu ai có dã tâm mà bưng bít hay là không nhìn nhận chăng nữa, là những vấn đề đã mọc lên ở nước khác nó cũng đã và sẽ lù lù mọc lên ở nước này mà thôi. Có chậm chăng là tại khí hậu và hoàn cảnh chứ hễ cái cây phải mọc thì rồi thế nào nó cũng mọc” (“Cái ý nghĩa thật trong vấn đề phụ nữ ở xứ ta”, Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 1, ngày 17-9-1933).

Từ cách nhìn đó, các bài báo với rất nhiều đề tài đã lần lượt phân tích, từ xác định rào cản căn cốt về tư tưởng, tư duy, quan niệm, đến việc cung cấp thông tin về một thế giới mới của nữ giới bên ngoài lũy tre làng, hay đề cập những sự kiện cụ thể, thực tế diễn ra trong đời sống phụ nữ Việt đương thời. Qua việc phân tích, lý giải, nhận định thấu đáo các vấn đề, Phan Khôi một mặt chỉ rõ những nguyên nhân căn bản để từ đó hướng dư luận xóa bỏ thành trì văn hóa, tập quán bảo thủ, tồn cổ, làm phương hại đến quyền lợi giới nữ, cũng như cản trở “cuộc tiến hóa nữ giới”; mặt khác, ông có những bài báo cổ

xúy, động viên, khuyến khích, đề cao một nền nếp mới, văn minh, tiến bộ trong tư duy và hành động của phụ nữ Việt.

Trước hết, trong các tác phẩm báo chí của mình, Phan Khôi đã đã tái hiện các phương diện lý thuyết, quan niệm “truyền thống” đối với các vấn đề nữ giới, Theo Phan Khôi, thân phận và đời sống hiện tại của phụ nữ Việt được quy định bởi luận lý Nho giáo, đặc biệt là Tống Nho, thể hiện trong các bài: “Đôi điều nên biết về Nho giáo”, “Tống Nho với phụ nữ”, “Lại nói về tam cang ngũ luận”... Ở đó, ông cũng tỏ rõ quan điểm phản bác những quan niệm cổ hủ, vốn là cái gông giam hãm người phụ nữ trong bóng tối của sự thiển cận và nhịn nhục, mà vẫn được các bậc thánh hiền truyền giảng là “đức nhu thuận”, là một trong những phẩm chất cần yếu của nữ giới.

Trong bài báo “Bà cố tôi” [79], qua câu chuyện về người phụ nữ mạnh mẽ, giỏi giang, đầy bản lĩnh, đã vượt lên trên mọi nghiệt ngã của số phận, chấp nhận điều tiếng để cải giá mà gây dựng cơ nghiệp cho gia đình, dòng họ, Phan Khôi đã vẽ lại chân thực thân phận của giới nữ nói chung, trong vòng vây khắc nghiệt của thứ lễ giáo thần quyền và phụ quyền phản nhân bản. Ông đã chỉ rõ: “Đại phàm cái chế độ gì trong xã hội mà nó còn có được là nhờ nó dính dấp với cái khác. Như cái luật bạc đãi người đàn bà cải giá đây, là nó nhờ cái thuyết tam cang mà thành lập. Tuy nói tam cang, chớ chỗ cốt yếu là cái cang quân thần. Nhờ cái cang ấy, ông vua mới lập ra mà binh vực hai cái cang kia, để cho người làm cha làm chồng cũng có quyền mà đè đầu con và vợ thế cho mình. Vì vậy, luật cũng chiều theo cái lòng ích kỷ của lũ đàn ông mà cấm đàn bà cải giá; liệu cấm không thể được thì họ ra mặt ngược đãi”.

Nhìn lại cái vết thương dù là quá khứ mà vẫn còn di hại đến thời Phan Khôi, ông đặt câu hỏi:

Tôi hỏi: Giá như không có bà cố tôi thì ai gây dựng nên cái cơ nghiệp cho vừa phú vừa quý, mà con cháu trở đi đoán phạt ông bà?

Tôi hỏi: Giá như bà cố tôi không cải giá thì làm thế nào mà nuôi con cho người nào cũng thành lập, lại nhỏ giọt đến kẻ khác nữa, mà bây giờ cả họ xin nhau truất bỏ một người có công?

Không, không ai dám đâu. Cái đó là vì phải theo lễ thánh hiền, theo luật nhà nước, theo chế độ xã hội [79].

Sau đó, trong bài “Ân và Tình”, nhân liên hệ với câu chuyện về cái chết của nàng Viên Thục Tú ở Trung Hoa (nhân vật trong một bài thơ dịch), Phan Khôi lại một lần nữa bày tỏ sự phản đối về vấn đề này: “Cấm đàn bà tái giá, tức là thiệt hành cái luật “tùng nhứt nhi chung” mà còn nghiêm khốc hơn. Bởi vì trong Lễ tuy có nói tùng nhứt nhi chung, nhưng theo trường hợp chánh đáng cũng không cấm đàn bà cải tiết. Nay nhứt luật bảo rằng hễ chết chồng rồi thì không được lấy chồng nữa, thế chẳng khác nào chỉ định một người đàn bà nào đó của riêng của một người đàn ông nào đó, hễ người chủ mất rồi thì thôi, không được thuộc về tay ai. Nếu vậy thì đã thành “cái vật” rồi, chớ không còn phải là “con người”. Vả chăng, con người có ý chí tự do, khác với cái vật mà" (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 116, ngày 14-1-1932).

Đúng như những nhận định, phân tích của Phan Khôi, những hủ tục đè nặng lên cuộc sống giới nữ không chỉ được thực thi trong thời của những ông cố bà tổ, vốn chưa có điều kiện mở mang về nhận thức. Điều nguy hại là ngay cả các trí thức ở thời đại văn minh cũng một mực níu kéo và nuôi dưỡng chúng. Nhân xuất hiện bài “Thiên chức của đàn bà” của Hoàng Tăng Bí trên

Trung Bắc tân văn, Phan Khôi đã viết “Phản đối bài Thiên chức của đàn bà”, trong đó, ông thẳng thắn tranh luận:“Rút lại, cái thiên chức của đàn bà ở đâu? Tác giả chỉ vào trong bếp, trong buồng, trong nhà trong, bảo rằng thiên chức đàn bà ở đó”, và “Bài Thiên chức của đàn bà”, tác giả lập luận chẳng có dựa vào lý do gì vững chãi hết; chỉ có, một điều nói người ngoại quốc khen ngợi phong hóa nước ta, hai điều nói người ngoại quốc khâm phục cách tổ chức gia đình và xã hội nước ta. Cái khẩu khí này chẳng riêng gì một mình ông H.T.B.

mới có; hầu hết thức giả nước Việt Nam thỉnh thoảng cũng thở ra những câu như vậy. Rõ thật làm đau lòng tôi quá, tôi chẳng buồn nghe!

Nếu quả phong hóa nước ta là tốt, cách tổ chức gia đình xã hội của ta là tốt, thì ít nữa ta cũng đã lên được cái địa vị thế nào rồi, sao lại còn phải nghèo yếu như ngày nay? Nếu quả họ nhận cho của ta là tốt thật, thì sao họ lại không bỏ phăng hết thảy của họ để đi theo ta, lại cứ đứng một bên mà ca tụng tán dương làm gì thế ấy?” Và tác giả dứt khoát kết luận: “Tôi xin khuyên anh em chị em chớ nên nghe lời nói xằng ấy” (Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 5, ngày 15-10-1933)

Cũng trong chủ đề sự áp bức tinh thần đối với nữ giới, Phan Khôi viết bài “Chữ trinh: cái tiết với cái nết”, ông cực lực lên án sự áp đặt, trói buộc người phụ nữ bởi tư tưởng thủ lợi các thế lực phụ quyền:

Chữ trinh, như là một cái tín điều của một tôn giáo riêng cho đàn bà. Làm sao không buộc đàn ông phải trinh mà chỉ nội đàn bà thôi? Xưa nay chừng như chưa hề có câu hỏi kỳ khôi ấy; vì người ta đã cho đứt đi rằng cứ hễ đàn bà là phải trinh, không cần hỏi gì lôi thôi nữa. Mà có hỏi, người ta sẽ dẫn những kinh thánh hiền truyện ra mà trả lời; rút lại, trinh là cái thiên kinh địa nghĩa mà đàn bà phải theo, ở trong dường như có cái nghĩa huyền bí của tôn giáo [76].

Sau khi phân giải về sự khác nhau giữa cách hiểu “trinh” là cái tiết hay cái nết, tác giả nhận định:

Trinh mà chuộng về nết thì một người đàn bà chết chồng có thể lấy chồng khác, không gọi là trinh được, miễn là trong khi có chồng khác đó cũng vẫn đoan chánh và chánh chuyên. Nhưng chuộng về tiết thì chết chồng mà lấy chồng khác là thất tiết. Cái luật nghiêm khắc ấy là do lòng tham lam và thói ích kỷ của bọn đàn ông bày ra, rất là không công bình [76].

Cuối cùng, Phan Khôi kết luận đầy trách nhiệm: “Ông Nguyễn Du nói “Chữ trinh có ba bảy đường”; nhưng tôi nói: Chữ trinh có hai đường, là nết và tiết. Nết thì hay mà tiết thì dở. Chuộng nết thì có ích mà chuộng tiết thì có hại. Huống chi đương thời buổi này, cái thói dâm ô tràn ngập cả thiên hạ, đàn bà nước Nam ta nếu muốn giữ lấy nhân cách mình trên nền tự do độc lập thì hãy phản đối cái tiết trinh, mà nhứt là cần phải trau dồi lấy cái nết trinh” [76]. Có thể thấy, trong giai đoạn lịch sử đương thời, quan điểm của Phan Khôi mang đậm dấu ấn của tư tưởng tiến bộ, và, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Để từng bước xóa bỏ những quan niệm hủ tục trong tư tưởng về thân phận người phụ nữ trong xã hội, cần phải thay đổi nhận thức của chính giới nữ, Phan Khôi viết những bài cung cấp thông tin về giáo dục nữ giới. Trong bài “Tư cách phụ nữ xưa nay khác nhau: làm vợ, làm mẹ, với làm người", ông chỉ ra cái tệ trạng đối xử phân biệt giữa nam và nữ: “Từ xưa đến nay, người ta cho con trai đi học, trừ cái học để làm quan ra không kể, còn thì ai cũng kỳ vọng cho học để làm người. Nhưng đến lúc dạy con gái phải nhớ rằng con gái được dạy là sự ít có lắm thì lại chỉ mong cho học để làm vợ và làm mẹ.

Ủa hay, sao lại có sự phân biệt như thế? Con trai đi học, sao chẳng chỉ mong cho chúng nó biết đạo làm chồng và làm cha mà thôi?

Coi một chút đó đủ thấy thói thường trọng nam khinh nữ là thế nào. Con trai mới là “người” thật, cho nên phải học làm người. Còn con gái, tiếng là “người” nhưng là “người phụ thuộc”, thôi thì chỉ học cho biết làm vợ làm mẹ là đủ, vì hai điều ấy là sự cần cho bên nam, tự nhiên phải nhận là cái nghĩa vụ của bên nữ!”

Từ thực tế bất cập ấy, Phan Khôi khẳng định: “Cái mục đích của sự nữ học hiếm có ở xứ ta xưa nay, chỉ ở bốn chữ “lương thê hiền mẫu”. Dạy cho họ như thế hằng ngàn năm nay, mà các công hiệu ra sao cũng đã thấy rồi. Bây giờ tưởng nên đổi cái mục đích ấy đi, dạy cho họ làm người đi. Ấy là vài lời

chúng tôi muốn đem hiến cho nhà đương đạo mới vừa cầm lấy quyển giáo dục trong xứ ta”(Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 2, ngày 24-9-1933).

Tệ phân định nam nữ, trong sự quan sát của Phan Khôi, ngoài chế độ giáo dưỡng, đã ăn sâu vào cả cách nghĩ trong cuộc sống thường nhật, ví như việc con cái gần gũi cha mẹ, anh chị em ruột thịt thân mật trong gia đình cũng bị dị nghị (sự phân cách nam nữ và sự tỵ hiềm). Những thực tế như vậy, và còn rất nhiều tồn đọng từ các thứ nguyên tắc đạo đức làm đời sống vật chất lẫn tinh thần của nữ giới bị tổn hại, Phan Khôi cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi triệt để. Nhiệm vụ đặt ra là tìm phương án để giải quyết tình trạng lạc hậu trong cách nhìn và thực thi các vấn đề nữ giới. Thực hiện nhiệm vụ này trong vai trò của người làm báo, Phan Khôi có nhiều bài viết, tập trung vào các chủ đề đấu tranh cho không khí tự do, tự chủ của phụ nữ Việt, trả lại cho họ quyền được làm người bình đẳng bên cạnh nam giới, như Vấn đề cải cách cho phụ nữ, Giải phóng phụ nữ, Thế nào là phụ nữ giải phóng, Vấn đề phụ nữ giải phóng với nhân sanh quan... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phan Khôi đã rất cấp tiến trong cách diễn giải khái niệm về giải phóng phụ nữ:

Phụ nữ ta ngày xưa chỉ lo việc tề gia nội trợ, làm mẹ, làm vợ, có hai cái bổn phận ấy mà thôi, mà muốn làm cho tròn hai cái bổn phận ấy, cũng không cần học nữa. Phụ nữ thuở xưa không được dự biết đến việc nhà ngoài, chớ đừng nói quốc gia xã hội, đừng nói ra mà làm một

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 107)