Về vai trò bảo hộ của Pháp

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 82)

3. Những vấn đề đặt ra

2.1.1. Về vai trò bảo hộ của Pháp

Có thể thấy rất rõ quan điểm chính trị của Phan Khôi gắn với vấn đề dân tộc khi trở lại những bài báo chuyển tải quan điểm của ông về những sự kiện lịch sử của Việt Nam, phản biện những quan điểm trái với sự thật lịch sử, nhất là đối với những quan điểm đi ngược lại những giá trị lịch sử của dân tộc. Trong những năm 1920-1930, ở Sài Gòn, bên cạnh báo chí tiếng Việt, còn có báo chí tiếng Pháp, báo chí chữ Hán, trong đó các báo tiếng Pháp chiếm số lượng không nhỏ. Có một thực tế là trên báo chí tiếng Pháp, có hiện tượng những ký giả, học giả viết bài ảnh hưởng đến lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của nước bản xứ. Trước thực tế đó, một số ký giả người Việt có khả năng đọc được các tờ báo tiếng Pháp đã bằng cách này, cách khác tỏ thái độ trên các báo tiếng Việt để thông tin cho dân mình, trong đó, Phan Khôi là nhà báo lên tiếng rất mạnh mẽ.

Năm 1928, hai tác giả Pháp là Albert de Pouvourville và Jean Bouchot đã viết trên báo chữ Pháp ở Sài Gòn cho rằng tổ tiên người An Nam mời người Pháp sang bảo hộ, rằng người Pháp đã giúp cho người An Nam chinh phục đất Nam Kỳ. Ngay sau khi xuất hiện bài báo này, các ký giả Việt Nam như Đào Trinh Nhất, Nguyễn Phan Long,... đã lên tiếng phản bác trên cả các báo tiếng Việt lẫn báo tiếng Pháp, nhưng, dường như sức lan tỏa là hết sức yếu ớt, như ký giả Tân Việt (Phan Khôi) nhận xét, đó chỉ là những “lý sự giữa sa mạc”. Trước tình hình, một mặt, chính quyền thuộc địa không chấn chỉnh

gì các tác giả người Pháp, mặt khác các tác giả đó không hề đáp lại phản ứng của dư luận từ phía người bản xứ, Phan Khôi cho rằng, cần để sự bàn luận có quy mô và khiến đông đảo công chúng Việt Nam chú ý thì tốt hơn, cụ thể là chuyển thành cuộc trao đổi giữa các tác giả, ký giả người Việt. Chính vì vậy, ngay khi bắt gặp những chi tiết thiếu chính xác về nhận định sử học liên quan đến nội dung bài báo tiếng Pháp nói trên, ông đã tận dụng để biến thành cuộc thảo luận lớn.

Quan điểm của hai ký giả đương thời: Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng và Nam Kiều Trần Huy Liệu được xem là cơ hội để Phan Khôi đưa ra cuộc thảo luận, nhằm làm rõ vấn đề về lịch sử dân tộc. Cụ thể là: Trong bài xã thuyết trên tờ Tiếng dân (xuất bản ở Huế) Mính Viên có viết rằng Gia Long đã nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhất đất nước, còn Nam Kiều trong sách Một bầu tâm sự (mặc dù khi vừa phát hành ở Sài Gòn đã bị cấm) cũng có chỗ nói “Pháp quốc giúp cho vua Gia Long hai cái tàu và một ít súng thần công”.

Phan Khôi châm ngòi thảo luận bằng bài “Mấy cái quái trong sách và báo ta” [23]. Ông nêu lại những sự kiện lịch sử có liên quan đến những chi tiết sai trong bài xã thuyết trên Tiếng dân rằng, bản điều ước ký khi hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc được phái sang Pháp cầu viện, rốt cuộc đã không được phía Pháp thực hiện. Thậm chí, việc Bá Đa Lộc mộ được vài mươi người Pháp sang giúp Gia Long, “song đó chẳng qua là người riêng của nước Pháp giúp chứ không phải chính nước Pháp giúp”; với tác giả Một bầu tâm sự về chuyện nước Pháp tặng tàu và súng là chuyện xảy ra ở thời Tự Đức, sau khi hòa ước Pháp-Nam đã ký, chứ không phải thời nội chiến Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, ông viết: “Đọc báo Tiếng dân số 68, ra ngày 7 Avril mới rồi, trong bài xã thuyết cột thứ nhì, có một câu rằng: “... Đương thời kỳ Gia Long bôn ba, đã phái người sang đến Âu châu cầu viện, sau nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhứt” [23].

Về nội dung mà bài xã thuyết cho rằng “Gia Long sai hoàng tử Cảnh đi cầu cứu Pháp quốc để về đánh nhau với Tây Sơn, Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công, về sau tàu thì bỏ chìm ở ngoài cửa bể, còn súng thần công thì chôn ở cửa thành...”, Phan Khôi không đồng tình, cụ thể là ông không công nhận quan điểm về sự kiện lịch sử được phản ánh trong bài báo đó. Ông kết luận:

Nhiều người Pháp đã kể công với ta rằng nước Pháp đã giúp cho nước Nam trước đây một trăm năm, song họ nói vậy chớ không có bằng cớ gì cả. Bây giờ có ông Trần Huy Liệu viết rõ chuyện ấy vào trong sách để dựng chứng lên! Nếu sách của ông Trần mà không bị cấm, được lưu hành tự do, chắc sau này sẽ có người Pháp khác viện chứng ở sách của ông mà cho sự nước Pháp giúp nước Nam là có thật, làm cho lịch sử Việt Nam rối loạn là ngần nào! Cho nên sách ông bị cấm mà chúng ta cực chẳng đã phải lấy làm hân hạnh... [23].

Sau bài châm ngòi thảo luận của Phan Khôi, hai học giả Trần Huy Liệu và Mính Viên đã có ý kiến phản hồi. Trong đó, Trần Huy Liệu gửi đến tòa soạn Đông Pháp thời báo bài “Trả lời ông C.D.” (Đông Pháp thời báo, 12-5- 1928), bảo vệ ý kiến của mình bằng việc dẫn cuốn Đại Nam sử ký, có ghi “cuối năm 1784 Gia Long giao hoàng tử Cảnh cho cố đạo Bá Đa Lộc sang cầu cứu bên Pháp”, và một vài chi tiết khác khẳng định trong năm 1789, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh đi tàu về, có vài chiếc tàu chở về súng đạn, và kể tên mươi người Pháp sang giúp việc trong quân Nguyễn Ánh. Còn tác giả Mính Viên trong bài Nói điều lỗi của ta là sự may cho ta (Tiếng dân số 79,

Đông Pháp thời báo đăng lại 24-5-1928) vẫn cho rằng “dầu thế nào mặc lòng, người nước mình hồi đó cũng có cầu cứu nước Pháp, nước Pháp cũng có hứa lời, trong cuộc chinh chiến cũng có tàu Pháp súng Pháp và người Pháp”.

Tuy nhiên, Phan Khôi đã không chú trọng việc trả lời ý kiến phản hồi của Trần Huy Liệu và Mính Viên. Mà, ông muốn nhân dịp này làm rõ một số

tình tiết lịch sử quan trọng và nhất là để công chúng hiểu đúng ý nghĩa của các sự kiện lịch sử dân tộc.

Khi tìm hiểu mục đích việc làm này của Phan Khôi và cách thức nêu, phân tích vấn đề của ông và tham chiếu với lý thuyết truyền thông hiện đại, về chức năng xã hội của truyền thông đại chúng, rằng, “để hình thành dư luận xã hội đúng đắn và tích cực, yêu cầu đặt ra đối với truyền thông đại chúng là phải đầy đủ, kịp thời, phong phú và chân thực về những sự kiện, hiện tượng, những vấn đề thời sự. Hơn thế nữa, truyền thông đại chúng còn phải phân tích, lý giải, chỉ ra bản chất, tính quy luật của các sự kiện, biến cố thời sự, giúp nhân dân nhận thức và ứng xử hợp lý, tích cực” [34, tr.34], chúng ta sẽ càng hiểu sâu sắc thêm cách Phan Khôi tiếp cận, lý giải thấu đáo để công chúng có thể hiểu vấn đề bản chất về “thuyết nước Pháp giúp nước Nam” cuối thế kỷ XVIII. Ở đó, thể hiện sự am hiểu rộng về kiến thức lịch sử, sự sâu sắc trong nghiên cứu, học thuật và hơn hết, đó là đặt ý nghĩa chính trị của vấn đề trong tinh thần dân tộc cao cả.

Rất cặn kẽ, ông đã lần lượt cho đăng các bài:

- “Bác cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII”, trên Đông Pháp thời báo, hai kỳ: 15-5 và 19-5-1928

- “Trở lại việc nước Pháp giúp nước Nam: Sách Tàu nói bướng. Các nhà Hán học ta mở mắt ra mà coi”, trên Đông Pháp thời báo ngày 10-7-1928

- “Nói một lần nầy nữa thôi, về việc nước Pháp giúp nước Nam. Một cuốn sách Tàu minh oan cho chúng ta”, trên Đông Pháp thời báo, ngày 04-8-1928.

Đối tượng tranh cãi của Phan Khôi trong loạt bài này không phải là Minh Viên hay Nam Kiều mà là “cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam”, cái thuyết mà những tác gia đầu tiên có lẽ là một số học giả thực dân, cái thuyết mà giới quan chức nho sĩ Việt Nam tuy không muốn nhưng vì thiếu một nhận thức rạch ròi, họ đã ngấm ngầm cam chịu thừa nhận, cái thuyết mà tính đến những năm 20 của thế kỷ XX

đã phổ biến khá rộng, đã thâm nhập không ít đầu óc trí thức người Việt, thâm nhập cả vào một số thư tịch sử học Trung Hoa, tóm lại đã thành một thảm họa nhận thức[10, tr.393].

Để dư luận xã hội có cách nhìn nhận thấu đáo, Phan Khôi cho rằng phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến cách hiểu không chính xác về lịch sử của học giả Viêt Nam, ảnh hưởng đến nhận thức chung của xã hội, đồng thời ngăn chặn sự lợi dụng, lạm dụng cách hiểu này của sách, báo nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam.

Một là, Phan Khôi thấy cần giải thích với công chúng về cái gọi là thuyết “nước Pháp giúp nước Nam” hồi cuối thế kỷ XVIII. Tinh thần dân tộc của ông thấm đẫm trong sự công phu, tỉ mỉ của quá trình tìm hiểu, phân tích, đồng thời cũng thể hiện sự say sưa trong cách tìm đến bản chất của những sự kiện lịch sử dân tộc. Trong quá trình tập hợp sử liệu, Phan Khôi ưu tiên lấy sử sách của người Nam chép ra làm chủ yếu (Đông Pháp thời báo, 15-5-1928): Đoạn sách Đại Nam chínhbiên liệt truyện chép truyện Bá Đa Lộc, sách Quốc triều chính biên toát yếu chép việc các năm Quý Mão 1783, Giáp Thìn 1784, Bính Ngọ 1786, Kỷ Dậu 1789 trong đó có ghi việc Nguyễn Ánh giao con trai là Cảnh cho Bá Đa Lộc làm con tin, nhờ Bá Đa Lộc sang thuyết phục vua Pháp đem binh sang giúp mình; Bá Đa Lộc và Cảnh lưu lại Pháp hai năm, “song nhân vì trong nước có việc”, “người Tây không thể giúp được”. Phan Khôi cho rằng, sách chính thống của triều Nguyễn chép về việc này, tuy còn rất sơ lược, nhưng đã nói rõ phía nước Pháp trên thực tế chưa giúp gì cho Nguyễn Ánh. Sau đó, ông chọn sách sử Việt Nam do soạn giả Pháp viết để làm rõ hơn sự kiện này. Ông nghiên cứu và nhận thấy sách Histoire moderne du Pays d’Annam của tiến sĩ văn khoa Charles B.Maybon viết khá dài và kỹ về sự kiện này nên đã tóm tắt lại cho công chúng. Sách này cho biết Nguyễn Ánh có giao cho giám mục d Adran (tức Bá Đa Lộc) một bức thư gồm 14 khoản, đại ý là nhờ nước Pháp giúp cho 1500 quân và tàu bè, súng ống, thuốc đạn thì Ánh sẽ nhường cho nước Pháp cửa Hàn, đảo Côn Lôn và cho Pháp

độc quyền buôn bán ở nước mình. Đoàn của Bá Đa Lộc rời Việt Nam tháng 12-1785, đến Pondichéry (đất Ấn Độ lúc đó thuộc Pháp) tháng 02-1786, Bá Đa Lộc xin viên Tổng đốc Pháp ở đây đem quân sang giúp, nhưng không được hưởng ứng, chỉ được họ cho tàu chở sang Pháp. Tháng 02-1787 đoàn của Bá Đa Lộc tới Pháp, gặp được vua Pháp Louis XVI. Tờ giao ước Pháp - Việt được ký kết tại Véc - xay. Vua Pháp giao cho Tổng đốc Pháp ở 5 tỉnh Ấn Độ thuộc Pháp lúc đó thực hiện. Tuy được Vua Pháp cắt cho ngân khoản 2 vạn đồng (tiền Pháp đương thời) dự chi cho việc can thiệp này, nhưng Bộ Ngoại giao Pháp lại có thư riêng nhắc viên Tổng đốc đương nhiệm (ở 5 tỉnh Ấn Độ thuộc Pháp lúc ấy) là De Conway thận trọng, có lợi thì mới cử binh, không được tiêu phí khoản tiền trên vì Vua Pháp đang rất khó khăn về tài chính. Vì vậy, khi đoàn của Bá Đa Lộc từ Paris trở về đến Pondichéry, mọi đề nghị của giám mục đều bị De Conway bác bỏ. Ông ta không cử binh sang Nam Kỳ, không cấp dù chỉ một chiếc tàu nhỏ đi báo tin cho Nguyễn Ánh, thậm chí không cấp tiền chi tiêu cho Bá Đa Lộc cùng Hoàng tử Cảnh. Tháng 3-1789, Bá Đa Lộc được liên lạc từ Nam Kỳ cho biết Nguyễn Ánh đã chiếm lại được 5 tỉnh phía Nam, có nhiều tàu thuyền, nhưng vẫn mong có đạo quân lớn đến làm thanh viện. Một lần nữa Bá Đa Lộc xin De Conway phái một số tàu, một trăm lính pháo thủ sang Nam Kỳ và phía Nguyễn Ánh xin chịu phí tổn. Nhưng De Conway vẫn không nghe, thậm chí còn viết thư về Bộ Ngoại giao Pháp xin bác bỏ đề nghị của Bá Đa Lộc và Bộ Ngoại giao Pháp đã đồng ý với chủ trương không can thiệp của De Conway. Bá Đa Lộc đành một mặt nhờ tiền của một số nhà buôn Pháp ở Pondichéry và Ile de France, mặt khác dùng tiền Nguyễn Ánh gửi sang, mua một số tàu thuyền, súng ống, đạn dược, và rủ được vài chục người Pháp, kể cả một số người đang là sĩ quan trong hải quân Pháp bỏ ngũ đi với mình sang đầu quân giúp Nguyễn Ánh. Rốt cuộc Nguyễn Ánh đã thắng trong cuộc nội chiến, lập nên triều Nguyễn, xác lập nền thống trị khắp Đàng trong, Đàng ngoài.

Trong bài “Bác cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII”, trên Đông Pháp thời báo, hai kỳ: 15-5 và 19-5-1928, sau khi tóm tắt đoạn sách của Maybon, Phan Khôi đặt câu hỏi: “Vậy thì, nhơn thấy giám mục Bá Đa Lộc nhờ tiền của mấy nhà buôn Pháp hoặc lấy tiền của Gia Long gởi sang mà mua tàu súng và mộ người Pháp về giúp Vua để đánh lại Tây Sơn, rồi nói rằng đó là nước Pháp giúp, có được không?” Và ông trả lời như một sự khẳng định: “Không được, vì đó là mấy mươi người riêng của nước Pháp giúp, chứ không phải chính nước Pháp giúp. Mấy mươi người ấy hoặc có vì lòng háo nghĩa chăng nữa, song đã không phụng mạng bổn quốc mình, ăn lương của vua Cao hoàng (ý nói Nguyễn Ánh) mà đi đánh giặc mướn, thì người ta chỉ coi như một bọn lính thuê mà thôi”. Làm sâu sắc hơn, Phan Khôi khẳng định:

Nói rằng nước Pháp giúp đi chăng nữa, thì sự giúp ấy cũng chỉ giúp vua Gia Long mà thôi, nào có giúp gì cho nước An Nam mà hòng kể công với dân An Nam? Vì bấy giờ, cuộc loạn trong nước Nam chỉ là một cuộc nội tranh, bên nào thắng thì làm vua đó thôi; còn dân An Nam vẫn cứ làm dân, và nước An Nam cũng không hề bị mất mà! [27].

Cách trình bày và lý giải của Phan Khôi đã giành được sự tán thưởng của khá đông độc giả Đông Pháp thời báo. Có nhiều ý kiến gửi về tòa soạn cho rằng, qua những lý giải của Phan Khôi, họ đã có được cách hiểu mới, không hồ đồ nghĩ rằng “Tây giúp vua Gia Long”, mà phải phân biệt việc nước Pháp tức là chính phủ Pháp giúp Gia Long với việc vài mươi người Pháp ăn lương của Gia Long mà giúp Gia Long.

Hai là, Phan Khôi thấy cần phải làm rõ về cái thuyết “nước Pháp giúp nước Nam” trong thư tịch Trung Hoa, đây là nguồn thư tịch mà các giới sử học, văn hóa học Việt Nam xưa nay tin cậy. Ông khảo cuốn Thanh giám dị tri lục của Hứa Quốc Anh soạn dưới thời Thanh (trước 1911) và sách Bách khoa toàn thư của Thương Vụ ấn thư quán ở Thượng Hải soạn dưới thời Dân quốc (sau 1911). Thanh giám dị tri lục viết rằng khoảng ngang thời Gia Khánh

(1796-1821) ở Việt Nam chúa Nguyễn cũ dấy lên ở Nam Kỳ giành nước với Nguyễn mới (Tây Sơn), mượn binh của Pháp, hẹn trả bằng tiền nhưng về sau chỉ trả được phân nửa, lại vì việc giết cố đạo nên bị Pháp đánh chiếm lấy Nam Kỳ. Bách khoa toàn thư thì viết rằng Phước Ánh thuộc dòng Nguyễn cũ muốn chống Nguyễn mới (Tây Sơn) và thống nhất cả nước, bèn cầu cứu nước Pháp, hứa cho tự do giảng đạo và cắt cho cù lao Hóa Nam; sau Nguyễn cũ thống nhất được cả nước, nhưng bội lời ước; người Pháp giận, đánh các pháo đài ven biển miền Trung rồi chiếm Nam Kỳ.

Hiểu rõ điểm sai của cả hai cuốn sách Tàu này, Phan Khôi cũng tìm

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w