Về kỹ năng làm báo

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 158 - 163)

3. Những vấn đề đặt ra

4.1.2. Về kỹ năng làm báo

- Cách tiếp cận và phản ánh cuộc sống của báo chí:

Nếu như đọc các tác phẩm báo chí của Phan Khôi trên các báo khác nhau, người đọc cảm nhận được một cách đầy đủ phong cách viết báo của ông, thì nghiên cứu một tờ báo ông làm chủ bút, sẽ thấy những đóng góp quan trọng của ông làm rõ nét đặc trưng của hoạt động báo chí, từ phương pháp thu thập, xử lý đến chuyển tải thông tin.

Phan Khôi làm chủ bút Tràng An báo liên tục từ số 1 (01-3-1935) đến số 94 (31-01-1936). Trong vai trò chủ bút Tràng An báo năm 1935, trong điều kiện giữa đất Huế những năm 1930, nơi vẫn đang là dinh lũy của thế lực quân chủ chuyên chế Việt Nam thì việc tạo ra một tiếng nói độc lập về chính kiến như công việc mà trên thực tế Phan Khôi đã làm, là một sự dấn thân rất đáng kể trong đời làm báo của ông. Đây là tờ báo rất chú trọng đến người dân, đặc biệt khi họ là nạn nhân của sự chà đạp, cướp bóc bởi hệ thống quan chức, nha lại. Những phóng sự đăng nhiều kỳ về vụ án điền thổ ở Phú Yên, về vụ xử ly hôn của vợ chồng Tham Ân ở Hội An, về vụ kiện bị lấn chiếm mặt nước của dân làng chài Thủy Tú ngay “bên chân đền vua” đương thời (tức thành Huế)... là loạt bài sát cánh hỗ trợ dân oan trong các cuộc khiếu kiện dài ngày của họ. Những trường hợp nạn nhân như “người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai”, người hành khách xe lửa bị nhà đoan bắt giam vì tình nghi buôn lậu thuốc phiện, hay ông Cử họ Hồ bị viên tri phủ Quỳnh Lưu hành hung... thường được Tràng An báo

đề cập như những hồ sơ để ngỏ, thỉnh thoảng lại bổ sung, cập nhật những tình tiết mới, phản ánh những khía cạnh xã hội phức tạp liên quan đến mỗi vụ việc, đồng thời cho thấy khả năng xử lý các vụ việc trong những tương quan đương thời. Đó có thể được xem như những mẫu mực về nghề làm nhật báo, đó là bám sát, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng sự kiện, chi tiết theo dòng thời sự, khác với cách tiếp cận sự thực bao quát, phiếm chỉ, theo kiểu các phóng sự văn học.

Làm theo cách bố trí trang mục của các tờ nhật báo trong Nam, Tràng An của chủ bút Phan Khôi cũng đặt ra rất nhiều mục thường xuyên cho từng thể tài hoặc cho từng cây bút đảm nhiệm, chẳng hạn, mục “Tiếng oanh” cho đề tài phụ nữ, “Tiểu phóng sự” cho những bài ký dài (ví dụ Cái xã hội của người hành khất của Đoàn Văn Phương, Một giờ nói chuyện với cụ Ngáo của Bùi Ái, v.v…), hay những mục tạp trở, hài đàm mang những tên “Nhớ đâu nói đó”, “Có có không không”, “Chuyện rông”, “Văn nghệ tạp đàm”, … Đây

là đóng góp rất đáng kể của Phan Khôi đưa hình thức, cách thức làm báo đến gần hơn với báo chí hiện đại.

- Yêu cầu về đọc, để nâng cao nhận thức, hiểu biết

Không đi vào bàn trực tiếp về kỹ năng này, ông thông qua vai trò của thư viện đối với người làm báo, để chuyển tải thông điệp về việc cần thiết lắm, việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu đối với người làm báo để có thể viết đúng. Quan điểm này được thể hiện trong bài “Thơ viện với nhà làm báo”, với bút danh Tân Việt, đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 768, ngày 13-9-1928. Khi Phan Khôi đọc trên tờ báo ở Sài Gòn, có nội dung: “Ông Lê Văn Duyệt và ông Phan Thanh Giản là hai vị danh thần ở đời Gia Long”. Trong khi theo kiến thức lịch sử, ông nắm được, thì ông Lê Văn Duyệt là một vị tướng tài giúp vua Gia Long đánh Tây Sơn; còn ông Phan Thanh Giản là một nhà nho học đậu cử nhân triều Minh Mạng, làm quan lớn triều Tự Đức, có đi sứ sang Pháp và sau lại chết theo ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Phan Khôi thấy cần phải vào thư viện để kiểm tra lại sách. Tuy nhiên, giờ mở cửa của thư viện ở Sài Gòn rất hạn chế, sáng 9h-11h; chiều 15h-17h. Do đó ông không thể tìm được những nội dung cần làm rõ, sau khi đọc bài báo trên. Ông cho rằng: “Thơ viện ở Sài Gòn đây thật khí hà tiện thì giờ quá! Nhớ lại ngày nào ở Hà Nội mà thèm! Thơ viện ở Hà Nội, người ta mở cửa luôn từ tám giờ mai cho đến mười giờ đêm. Tha hồ cho những người ham học mà chỉ có thì giờ rảnh trong buổi trưa và buổi tối thì đến đó mà đọc sách” [92].

Theo Phan Khôi, nghề viết, nhất là viết báo, việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu để đảm bảo viết đúng, tôn trọng sự thật khách quan là rất quan trọng. Và, chính các bài viết của Phan Khôi, cũng thể hiện, ông đọc rất nhiều. Hầu như bài báo nào, Phan Khôi cũng đặt những nội dung cần bàn trong khung lý thuyết, và những ví dụ thực tế sinh động có liên quan của cả hoặc trong nước, hoặc ngoài nước để làm sáng tỏ. Đây là cách viết phù hợp, đầy hiệu quả trong quá trình báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn đầu ra đời và phát triển. Báo

chí bắt đầu thực hiện vai trò xã hội, nâng cao nhận thức của công chúng và hướng dẫn dư luận xã hội. Theo ông, việc đọc đối với người làm báo, để nâng cao hiểu biết quan trọng đến mức “về phương diện khác chẳng nói làm chi; riêng về phương diện học vấn, chỉ một cái thì giờ mở cửa đóng cửa của thơ viện cũng đủ làm cho bọn mình dốt rồi” [92].

Rồi, với cách viết châm biếm, ông kết thúc bài viết về việc cần mở của thư viện với thời gian nhiều hơn trong ngày, để nhà báo có điều kiện đọc, nghiên cứu được nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn việc thông tin chính xác, đồng thời, nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, để báo chí phản ánh sai sự thật - đem lại nhận thức sai cho công chúng và xã hội:

Thơ viện cứ mở cửa từ 8 giờ ban mai cho đến mười giờ đêm đi, rồi thì ông Lê Văn Duyệt sẽ ở yên với vua Gia Long và ông Phan Thanh Giản sẽ ở yên với vua Tự Đức. Bằng chẳng vậy, hai ông ấy cứ lộn xộn hoài, cứ xạo xự hoài! Lần nầy nhà làm báo họ đem ông Phan Thanh Giản lên đời Gia Long, còn chưa đến nỗi hề chi; chớ lần sau họ đem ông Lê Văn Duyệt xuống đời Tự Đức thì bao nhiêu sự tích và bia chí của Lăng Ông trong Bà Chiểu đều phải sửa lại cả, rối lắm! rối lắm! [92].

- Về cách ghi tên tác giả

Có thể, đây là vấn đề rất đơn giản, nhưng trong bối cảnh báo chí ở giai đoạn đầu, tính không chuyên là phổ biến, thì việc Phan Khôi đề cập đến cách ghi tên tác giả trên báo là cần thiết. Theo ông “Sự xưng tên trên báo chỉ có hai cách mà thôi, là xưng tên thiệt của người viết bài cùng là xưng biệt hiệu (hoặc kêu là bút tự) của người ấy” (“Triết học và nhân sanh quan: Nói chuyện tầm thường ở đời” - Tên xưng trên báo và tạp chí)

Theo Phan Khôi, tác giả ghi tên thật trên báo khi người viết muốn đưa ra ý kiến của mình mà cần cho độc giả nói chung hoặc những độc giả cụ thể biết là của mình để thể hiện chính kiến. Ông phân tích: “Thật vậy, trên báo và

tạp chí, có khi đồng một bài đó, đồng một ý kiến đó, giá đem ký một cái tên bông lông vào thì người đọc xem khinh xem thường, mà ký một cái tên của người có danh vọng trong xã hội, thiên hạ phục sẵn, thì tự nhiên cái bài thành ra có giá trị. Gặp khi như vậy, các nhà viết báo thường ký tên thiệt của mình” (“Triết học và nhân sanh quan: Nói chuyện tầm thường ở đời” - Tên xưng trên báo và tạp chí).

Vậy, khi nào nên xưng biệt hiệu (bút danh)? Phan Khôi còn phân biệt giữa biệt hiệu và hiệu, ví dụ như ông Tùng Thiện Vương, tên là Miên Thẩm, tự là Thận Minh, hiệu là Thương Sơn, biệt hiệu là Bạch Hào Tử. Biệt hiệu tùy ý mình muốn đặt, không có quy tắc. Phan Khôi phân tích:“Biệt hiệu ở xứ ta và Tàu ngày xưa chỉ các nhà thi sĩ mới có mà thôi; trong khi làm một bài thơ có ý trào hước hay là xúc phạm sao đó, xưng tên, tự, hiệu thiệt của mình không tiện, thì họ mới dùng biệt hiệu mà xưng trong báo. Cái biệt hiệu đã dùng mà xưng trên báo thì chỉ dùng mà xưng trên báo, không khi nào dùng mà xưng nơi khác; bởi vậy nên cũng gọi là bút tự, theo tiếng Pháp thì là nom de plume. Đã biết cái nghĩa và cách dùng của biệt hiệu rồi, khắc biết rằng khi dùng nó mà xưng trên báo là có ý thế nào (”Triết học và nhân sanh quan: Nói chuyện tầm thường ở đời” - Tên xưng trên báo và tạp chí).

Phan Khôi đã không phải không có lý, khi ông phân tích rất kỹ cách dùng tên thật và bút danh trên báo, bởi vì trong thực tiễn báo chí bấy giờ, nếu những nhà văn, các tác giả cựu trào làm báo không quan tâm đến nâng cao nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp, ngay trong đội ngũ những người làm báo trong giai đoạn nền báo chí Việt Nam non trẻ mới ra đời, thiếu chuyên nghiệp, thì sẽ dẫn đến lối làm tùy tiện, sai. Điều này ảnh hưởng xấu tới bức tranh chung của báo chí, vì vai trò quan trọng của báo chí, của ngôn luận trong xã hội. Mục đích ông hướng đến là "chỉ để cho biết rằng sự ứng dụng của cái tên và cái biệt hiệu trên báo chí là khác nhau, không thể nhận làm một được; cho nên hễ ký tên thì đừng ký biệt hiệu, còn đã ký biệt hiệu thì đừng ký

tên. Nếu có ai ký vừa tên vừa biệt hiệu vô một lần, thì tôi cho người ấy đã làm một sự vô ý thức, vô nghĩa lý"

Ông đưa ra ví dụ của chính mình: Tên tôi là Phan Khôi, biệt hiệu tôi là Chương Dân, khi nào tôi ký bằng cái nầy thì tôi phải bỏ cái kia. Có một lần, tại Hà Nội, tôi cũng ở ngoài viết bài cho nhà báo kia, sau khi báo ra, tôi thấy người ta thiện tiện ký cả tên tôi và biệt hiệu, thì tôi liền phải viết thơ mà trách ông chủ nhiệm báo ấy, vì tôi tưởng cho sự họ làm đó là có ý làm tôi ra trò cười (Car je crois qu’en ce faisant, on a l’intention de me tourner en ridicule). Ông thấy trách nhiệm cần đưa nội dung này ra bàn công khai trên báo, vì trong thực tiễn báo chí bấy giờ, Phan Khôi thấy trên rất nhiều tờ báo trên các tập tạp chí quốc ngữ, người ta cứ ký cái biệt hiệu trước rồi cái tên sau. Ông cũng kết thúc bài viết bằng ý kiến rất gay gắt, nhưng có lẽ, sẽ là bài học về một trong những kỹ năng đơn giản, nhưng cần có ý thức làm đúng ngay từ đầu của những người làm báo chuyên nghiệp: "Sao người ta không chịu coi trong báo Tây, báo Tàu đã có ai ký tên cách vô ý thức như vậy không? Mà cho đến các nhà viết báo thiện nghệ và kỳ cựu ở xứ ta như ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cũng chẳng hề có ai làm như vậy, sao người ta không để mắt coi mà cứ lằm lằm lùi lụi làm ra những điều vô ý thức, vô nghĩa lý"? Bởi có sự vô ý thức, vô nghĩa lý đó, trong báo Trung Bắc tân văn, nơi mục hài đàm, mới thường có cái tên ký là “Hi đình, Nguyễn Văn Tôi”. Đó là ông Nguyễn Văn Vĩnh muốn chế nhạo những người quê mùa, không biết cách ký tên trên mặt báo, đã ký biệt hiệu còn ký tên, nên ông làm ra như vậy đó, tội nghiệp, có ai biết cho chăng?"("Triết học và nhân sanh quan: Nói chuyện tầm thường ở đời" - Tên xưng trên báo và tạp chí).

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 158 - 163)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w