Các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 41 - 44)

3. Những vấn đề đặt ra

1.1.3.Các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương

Đảng Cộng sản Đông Dương

Sự phân hóa sâu sắc bên trong xã hội Việt Nam, trong cơ cấu nền kinh tế cũng như cơ cấu xã hội đã ảnh hưởng lớn đến phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Những biến đổi đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin - vũ khí cách mạng của giai cấp vô sản quốc tế, cũng như những ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới thắng lợi, mở ra một thời đại mới cho lịch sử loài người - thời đại phong trào giải phóng dân tộc chuyển hẳn sang phạm trù vô sản. Sự ra đời của các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc và các nước trên thế

giới vừa là nguồn cổ vũ động viên các chiến sĩ cộng sản Việt Nam, vừa tạo ra những thuận lợi cho sự du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin và những tư tưởng tiến bộ vào Việt Nam. Phong trào cách mạng Việt Nam hội nhập và trở thành một bộ phận không thể tách rời của phong trào cộng sản thế giới, dưới sự lãnh đạo chung của Quốc tế cộng sản.

Đây là thời kỳ phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân ta diễn ra sôi nổi cả ở trong và ngoài nước, dưới những hình thức khác nhau, in đậm dấu ấn của những giai cấp, những tầng lớp xã hội tiến hành những cuộc đấu tranh đó.

Ở nước ngoài, đó là những hoạt động xuất sắc và công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp, tại Liên xô cũng như tại các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Miên, Xiêm... Người tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin - lý luận cách mạng tiên tiến truyền bá về Việt Nam và chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập một đảng cộng sản chân chính ở Việt Nam cũng như đưa phong trào cách mạng Việt Nam hội nhập và trở thành một bộ phận không thể tách rời của phong trào cộng sản thế giới, dưới sự lãnh đạo chung của Quốc tế cộng sản.

Bên cạnh đó, là những hoạt động rất đa dạng tại nhiều quốc gia của các cá nhân cũng như những nhóm người Việt Nam yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Mai Lão Bạng, Nguyễn Thượng Hiền...; hoạt động sôi nổi đầy nhiệt huyết trong nhóm Tâm Tâm xã ở Quảng Châu mà tiêu biểu là tấm gương hy sinh lẫm liệt của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, trong các tổ chức yêu nước của người Việt Nam ở Pháp (Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền....), cũng như ở trong nước của các trí thức tiểu tư sản: Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu...

Đó cũng còn là phong trào do giai cấp tư sản chủ trương, đòi những quyền lợi cụ thể về kinh tế, chính trị. Phong trào do giai cấp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên tiến hành đòi những quyền tự do dân chủ: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi được bình đẳng với các viên chức và trí thức Pháp về đãi ngộ cũng như về bằng cấp...

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lan rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng: Từ những đòi hỏi quyền lợi hàng ngày về kinh tế, tiến tới đòi hỏi đáp ứng những khẩu hiệu về chính trị. Từ sự cố gắng của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức Công đoàn đã được thành lập.

Phong trào đấu tranh của thanh niên cũng phát triển rầm rộ ở khắp nơi, chống địa chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính.

Tuy nhiên, giai đoạn này, mặc dù, phong trào dân tộc diễn ra sôi nổi, nhưng vẫn chưa thống nhất được lực lượng, chưa có đường lối đấu tranh chung, tức là vẫn khủng hoảng về lãnh đạo.

Giai cấp địa chủ phong kiến đã hết vai trò lịch sử, chủ nghĩa cải lương Pháp - Việt đề huề đã nhanh chóng bị giới thực dân phản đối cũng như bị các trào lưu cách mạng lấn át.

Giai cấp tư sản non yếu không thể trở thành giai cấp lãnh đạo phong trào. Giai cấp tư sản không kiên định, không có đường lối cách mạng rõ ràng nên không thành lập được một chính đảng riêng, có đủ khả năng tập hợp quần chúng để làm cách mạng.

Từ 1925 đến năm 1927, các tổ chức cách mạng, đại diện cho các giai cấp, tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, trí thức lần lượt ra đời ở Việt Nam, nhưng cuối cùng thì hoặc là tan rã, hoặc là bị phân hóa.

Trong các giai cấp cần lao, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu của phong trào dân tộc, bị bóc lột nhiều, nhưng chưa bao giờ là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Trong khi đó, là con đẻ của nền kinh tế hiện đại, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất. Đây cũng là giai cấp chịu nhiều ách áp bức bóc lột nhất, đói khổ nhất, vì vậy là giai cấp kiên định nhất. Với những lý do đó, giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có thể lãnh đạo được phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Được sự dìu dắt của Quốc tế Cộng sản, của các chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc, giai cấp công nhân Việt Nam dần dần trưởng thành và vào những năm cuối thập niên

20 thế kỷ XX đã sẵn sàng thực hiện sứ mạng chính trị của mình. Đó là khi tất cả các tổ chức đảng phái của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội bị thất bại hoặc bị phân hóa triệt để theo hướng vô sản thì các tổ chức cộng sản ra đời và Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1930, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng của phong trào yêu nước của nhân dân ta trong những năm đầu thế kỷ đó. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo bị thất bại, giai cấp công nhân độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thông qua chính đảng của mình.

Có thể nói, 30 năm đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử mang tính bản lề quan trọng trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. Đây chính là giai đoạn quyết định chiều hướng phát triển của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo, tạo ra những tiền đề tư tưởng, tổ chưc và lực lượng cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở những giai đoạn sau, mà sớm nhất là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo [134, tr.11].

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 41 - 44)