Phan Khôi và vấn đề phát triển thể loại tiểu phẩm báo chí

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 167 - 179)

3. Những vấn đề đặt ra

4.2.2. Phan Khôi và vấn đề phát triển thể loại tiểu phẩm báo chí

- Phan Khôi viết tiểu phẩm (hài đàm) trong các tiểu mục "Câu chuyện hằng ngày" và "Những điều nghe thấy".

Đến những năm 30 của thế kỷ XX, nhờ tiếp thu những kinh nghiệm từ báo chí phương Tây và một phần từ báo chí Trung Hoa, những người làm báo tiếng Việt tìm kiếm những phương cách nâng cao chất lượng các tờ báo tiếng Việt nhằm đạt tới sự bình đẳng nghề nghiệp với những tờ báo tiếng Pháp do chính người Pháp thực hiện tại Đông Dương. Có thể nói, sự xuất hiện của tờ

Đông Tây năm 1929 đặt dấu ấn quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hoá nghề báo ở nước ta.

Trong quá trình vận động có ý thức đó, tình trạng không rõ ràng trong phân chia thể loại báo chí (văn - báo bất phân) được cải thiện dần, các thể loại trên báo chí Việt Nam đã có khuynh hướng tách dần khỏi các thể loại văn học, để trở thành những thể loại riêng biệt của báo chí. Nói một cách chung nhất, yếu tố thông tấn đã được đặt ở vị trí hàng đầu trong những thể loại đó. Cụ thể là: Tin tức (càng về sau cách thể hiện tin tức càng trở nên đa dạng; có tin sâu, tin kèm bình luận, tin chuyển thành biếm họa thời sự); phỏng vấn, từ chỗ chỉ có một giọng văn viết của người hỏi và người đáp trên những tờ Lục tỉnh tân văn, Nam Phong... đến sự tách bạch của văn nói giữa phóng viên và nhân vật trên những tờ Thời vụ, Đông Tây...; xã thuyết; bài báo và tiểu phẩm, trong đó hài đàm - một loại tiểu phẩm báo chí ghi dấu ấn về sức lao động cũng như sự đóng góp quan trọng của Phan Khôi trong việc phát triển thể loại này trên các tờ Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Trung Lập nói riêng và

báo chí tiếng Việt thời điểm đó nói chung. Trong việc tìm tòi cách viết hài đàm, Phan Khôi chú trọng kinh nghiệm của hai nhà báo Pháp là Georges de la Fouchardière (1874-1946) và Clément Vautel (1876-1954) trên các tờ Le JournalL’ Oeuvre xuất bản ở Paris đương thời. Theo quan sát của Phan Khôi, trong suốt 15 năm, hai nhà báo này đã viết những bài luận bàn thế sự với giọng hài hước, hóm hỉnh, thu hút đủ loại độc giả đương thời.

Mục Câu chuyện hằng ngày xuất hiện trên Đông Pháp thời báo từ số 673 (ra thứ Năm 19-01-1928). Ở các số đầu (673, 677, 678, 679, 680, 684, 685, 687, 697), tác giả các bài trong mục này ký tên Q.C. (Quán Chi tức Đào Trinh Nhất), của Phiêu Linh Tử (ở các số 705, 707, 709, 710, 712, 713, 747), của B.T.M. (Bùi Thế Mỹ). Đôi khi cuối bài không ký tác giả như các số 675, 676, 681, 683, 691. Ở các số 714, 717, Phan Khôi có bài ký C.D.

Trên tờ Đông Pháp thời báo, Phan Khôi đã bắt đầu viết tiểu phẩm báo chí với bút danh Tân Việt trong tiểu mục "Câu chuyện hằng ngày" do Chủ báo Diệp Văn Kỳ đặt ra, “Phan Khôi trở thành tay bút chính tìm tòi thể nghiệm dạng sáng tác mới mẻ này và nhân đây xây dựng một "mặt nạ tác giả" hay là một kiểu tác giả đặc thù mà sự tồn tại của nó gắn liền với kiểu giao tiếp gián cách giữa tác giả với độc giả thông qua kênh truyền thông báo chí” [4].

"Câu chuyện hằng ngày" với bút danh Tân Việt được Phan Khôi tiếp tục trên tờ Thần chung. Nếu Đông Pháp thời báo chỉ ra 3 kỳ/tuần thì Thần chung ra 6 kỳ/tuần, cho nên, lúc này Câu chuyện hằng ngày mới thực sự mang đúng ý nghĩa của tên gọi. Hầu như ngày nào trong tuần trên Thần chung cũng xuất hiện một cột báo giữa trang 1 của Tân Việt. Chỉ do những điệu kiện thật đặc biệt, chủ yếu là bị kiểm duyệt cắt bỏ toàn bài hoặc hầu hết các phần trong bài, Câu chuyện hằng ngày của Tân Việt mới vắng mặt. Con số 337/346 kỳ báo có bài của mục "Câu chuyện hằng ngày" dưới bút danh

Tân Việt đã chứng minh điều đó. So với trên Đông Pháp thời báo, "Câu chuyện hằng ngày" vẫn ở tình trạng "cách nhật" vì báo chỉ ra 3 kỳ mỗi tuần.

Trên nhật báo Thần chung ra tất cả các ngày trong tuần, trừ chủ nhật,

"Câu chuyện hằng ngày" mà Tân Việt góp với người đọc báo mỗi ngày với đủ loại nội dung có thể nói tới, từ các sự việc xảy ra hằng ngày tại đô thị Sài Gòn và các miền trong nước đến các sự việc ở nước ngoài.

Nhờ mục này mà nay đọc lại chúng ta biết các chuyện bầu cử Hội đồng quản hạt, chuyện thiếu nước, chuyện nghiện hút ở Sài Gòn, rồi chuyện thi hào Tagore đến thăm thành phố, chuyện phế đế Phổ Nghi, chuyện các quân phiệt bên Tàu, chuyện thi sắc đẹp bên Tây, v.v..., và nổi bật lên là cái giọng riêng của tác giả, khi cười cợt khi nghiêm chỉnh[4].

Có thể nói, lúc đầu, các bài trong mục này cũng chưa có sự xác định về thể loại. Sau này, cùng với việc ổn định một bút danh Tân Việt, Phan Khôi xây dựng mục này định hình dần về thể loại tiểu phẩm báo chí với tính chất của "hài đàm", nhàn đàm, dùng giọng điệu hài hước, mỉa mai để nói về một vấn đề, đề tài thời sự nào đó. Bút danh Tân Việt xuất hiện trong mục Câu chuyện hằng ngày từ số 723, ra ngày 24-5-1928, trước đó đã xuất hiện dưới dạng viết tắt T.V. ở số 693, ngày 10-3-1928. Từ đó cho đến lúc chấm dứt

Đông Pháp thời báo, Tân Việt trở thành bút danh duy nhất của mục Câu chuyện hằng ngày. Người thực hiện mục này là Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ. "Tân Việt là bút danh mà Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ ký chung ở những bài viết cho mục Câu chuyện hằng ngày trên Đông Pháp thời báo và sau đó trên báo Thần chung" [126].

Ngày 03-5-1930, đánh dấu thời điểm bắt đầu mục mới trên tờ Trung Lập - mục gắn liền với ngòi bút Phan Khôi. Vào ngày này, trên trang 2 báo

Trung lập có nội dung khung quảng cáo: "Trung lập mới chúng tôi mới cậy được ông tú Chương Dân Phan Khôi viết giùm cho mục “Những điều nghe thấy” ký là Tha Sơn. Ông Phan tức là người viết “Câu chuyện hằng ngày” cho

Đông Pháp thời báo khi trước mà ký tên là Tân Việt đó. Vậy chắc rằng mục "Những điều nghe thấy" của T.L. mới sẽ được hoan nghinh một cách xứng đáng”

Mục “Những điều nghe thấy” (ngày đầu là “Những điều trông thấy”, sau đổi “trông” thành “nghe”) xuất hiện ở Trung lập từ 02-5-1930 và gắn bó với tờ báo cho đến số cuối cùng. Khoảng 10 kỳ đầu tác giả ký là Tha Sơn, sau đó ký là Thông Reo. Với mục “Những điều nghe thấy”, ngòi bút Phan Khôi lại tiếp tục vai trò tương tự như vai trò Tân Việt trong “Câu chuyện hằng ngày” hai năm trước. Đây là loại mục “hài đàm”, tuy không phải lúc nào tác giả mục này cũng đùa cợt, chọc ghẹo thiên hạ, nhưng vai của ký giả viết mục này chính là vai đàm tiếu, mai mỉa, trào lộng. Trong số nhiều thể tài báo chí mà Phan Khôi từng viết, có lẽ hài đàm là chỗ thể hiện rõ nhất phương diện sáng tạo văn chương của ông.

Lượng bài Phan Khôi viết và đăng Trung lập có thể là lớn nhất so với lượng bài của ông đăng bất cứ tờ nào trong số ba tờ báo Sài Gòn. Trước hết là mục hài đàm "Những điều nghe thấy" mà toà soạn dành riêng cho ông viết với bút danh Thông Reo (10 ngày đầu ký là Tha Sơn). Tính từ ngày 2-5-1930 (khi ông bắt đầu viết mục này) đến 30 - 5 - 1933, ngày Trung lập bị đóng cửa, Phan Khôi đã viết trên 600 bài cho mục "Những điều nghe thấy".

- Đặc điểm tiểu phẩm báo chí Phan Khôi

Có thể nói rằng, với sự ra đời và phát triển, tiểu phẩm báo chí khẳng định vai trò là một loại vũ khí sắc bén vạch mặt, đấu tranh với kẻ thù chính trị, là một phương tiện có tác dụng tự phê bình, phê bình, chỉ cho xã hội thấy những khía cạnh chủ yếu của từng sự việc xấu cản trở quá trình tiến triển của xã hội, góp phần bồi dưỡng phát triển cái tốt đẹp và tích cực. Phan Khôi nắm bắt được những đặc điểm cơ bản này, bằng những trải nghiệm cuộc sống và vốn tri thức sâu rộng về văn hóa, xã hội, học thuật, ông đã thể hiện thể loại mới trên báo chí đương thời, với một màu sắc rất riêng:

Thứ nhất, tất cả những đề tài Phan Khôi khai thác để viết tiểu phẩm báo chí đều là những chuyện có thật trong đời sống hàng ngày. Rất nhiều bài thấm đẫm tinh thần đấu tranh mạnh mẽ cho công bằng xã hội, cho quyền sống của con người; đấu tranh không dè dặt với những chuyện chướng tai gai mắt kể cả với những nhân vật tai to, mặt lớn trong xã hội. Ông bàn về sự hợp tác Pháp - Nam, một phương châm đầy tính mị dân mà một số nhà chính trị thực dân Pháp đã từng đề xướng, phương pháp châm biếm, sâu cay.

Trong bối cảnh đương thời, đề cập đề tài về thực dân Pháp trên báo chí thời kỳ đó theo hướng châm biếm, đả kích là không dễ dàng vì hậu quả về tờ báo bị đóng cửa và người viết bị tù đày là nhỡn tiền. Nhưng Phan Khôi không hề lẩn tránh mà vẫn tìm cách viết đề cập một cách trực diện để châm biếm, đả kích. Trong bài "Lý sự giữa sa mạc" phản bác quan điểm về thuyết "nước Pháp giúp nước Nam" và quan điểm cổ súy cho chủ trương "Pháp - Việt đuề huề", Phan Khôi viết: "Cách vài ba tuần lễ nay, một người Pháp tên là M. Bouchot, hiện làm điển bộ (Archiviste - Xin nhớ rằng ông nầy không có làm Hàn lâm viện đâu!) sở thơ viện nhà nước, có viết mấy bài đăng trên báo L'Opinion nói về cái lẽ người Pháp đến chiếm xứ Nam Kỳ nầy.

Đại ý ông nói rằng: 1. Người An Nam tiếng rằng mất xứ Nam Kỳ, kỳ thiệt không mất chi cả; 2. Người Pháp đã giúp cho người An Nam chinh phục đất nầy; 3. Người An Nam là thứ dân không ưa sự đồng cảm.

Ông muốn nói cho cái sự chiếm đất của người Pháp ở đây thành ra có nghĩa, song những cái luận chứng của ông vu vơ quá, mỏng manh quá, chỉ búng một cái là ngã.

Nực cười thay cho ông Tây nói chuyện An Nam! ấy thế mà là một "ông mọt" ở từ trong kho sách nhà nước mà ra!" [23].

Tinh thần này cũng được thể hiện rất rõ, trong các bài "Một người Tây bằng bốn trăm người An Nam" (Thần Chung, Sài Gòn, số 174, ngày 18 và 19- 8-1929); "Khổng Tử với quan Toàn quyền" [23].

Viết về thực dân Pháp - một đối tượng khó, phức tạp và nguy hiểm mà khai thác được nhiều yếu tố, từ ý tưởng đến hình tượng, tiến hành phê phán từ nhiều mặt là một thành công đáng kể của tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi. Mặt khác, ông cũng thể hiện tinh thần phê phán mạnh mẽ đối với bọn bù nhìn tay sai, trước hết là những tổ chức mị dân núp dưới chiêu bài dân cử. Với lối viết châm biếm, ông tinh tế trong đả kích, phê phán sự tồn tại vô nghĩa của đảng phái đương thời (ở đây cụ thể là Đảng Lập hiến - Đảng về bản chất là tay sai cho Pháp), trong bài "Ghandhi và Trần Văn Khá":

"- Nè Tân Việt, anh nghĩ đó mà coi. Chuyện cụ Bùi đi du lịch bên Ấn Độ không ích lối gì cho mình hết. Tốn bạc ngàn thì thấy chớ không thấy điều gì hay.

- Sao lại không hay?

- Mua về ba cái khăn lông với ba tấm trải bàn là chuyện hay của anh đó phải không?

- Ây, anh ở xa không rõ chớ Tân Việt ở gần xóm Lagrandière, Tân Việt rõ hết. Cụ Bùi đi Ấn Độ chuyến nầy có phải đi như Cô ba... chi chi đó và Đỗ Văn... chi chi đó đâu. Ổng đi chuyến này cốt để hỏi ông thánh Gandhi nhiều chuyện bí mật và thứ nhứt là hỏi coi nên cổ động cho ai ra Hội đồng quản hạt.

- Sao anh biết?

- Sao lại không biết. Người ta biết tới ông Gandhi khuyên Đảng Lập hiến phải cổ động cho ông Trần Văn Khá nữa chớ.

- Anh nói gì lạ vậy?

- Có cái gì lạ. Ông Gandhi là thánh. Mà thường thường các thánh thần như đức Cao Đài Lý Thái Bạch, họ nói mí nói xa chớ bao giờ mà họ nói sát đề. Ông thánh Gandhi khuyên cụ Bùi dùng nội hóa là biểu cụ phải cổ động cho ông Khá đó" (Thần chung, Sài Gòn, số 69, ngày 12-4-1929).

Hoặc trong bài khác, ông gọi Đảng Lập hiến là "Một cái Đảng có đầu mà không có đuôi" (Thần chung, Sài Gòn, số 76, ngày 20-4-1929), và đi đến kết luận: Hèn chi mà tờ báo cơ quan của đảng họ là một tờ báo hai mặt!...

Phan Khôi đã phân tích khách quan những sự kiện, vấn đề có thực trong cuộc sống để phản ánh trong các tác phẩm với mục đích - đây cũng là tính mục đích nói chung của tiểu phẩm báo chí, đó là phê phán kẻ thù.

Thứ hai, tiểu phẩm báo chí Phan Khôi thể hiện rõ nét đặc trưng cơ bản của tiểu phẩm báo chí, đó là tính châm biếm sâu sắc.

Vẫn bàn về quan điểm chính trị mị dân của Đảng Lập hiến, Phan Khôi viết bài "Vì nước vì dân", bằng giọng văn đậm chất châm biếm:" Mấy bữa rày

Thần chung có công kích sao mấy ông Lập hiến lại tiến dẫn ông Trần Văn Khá và ông Nguyễn Văn Sâm mà nói rằng đó là vì dân vì nước.

Song hôm nay tôi nghĩ lại e khi họ lộn chớ không có lỗi chi hết.

Anh thử nghĩ coi. Nếu súc hai chai lit cho thiệt sạch, rồi một bên đổ nước, một bên đổ rượu công-xi thứ thượng hạng thì đố ai phân biệt được. Trừ ra những bợm rượu thật sành nghề như ông Nguyễn Khắc Hiếu họa may.

Vì lộn, nên mấy người kia thấy rượu mà hô là nước. Còn dân?

Say ai nhớ được. Huống chi như tuồng mấy ngài cũng đã có nghĩ tới rồi. Rượu dầu độc đến đâu mà đã có bỏ Sâm vô, thì cũng phải thành ra rượu thuốc.

Vả cụ Bùi có dạy năm nay quyết tình phấn đấu mà cụ nhìn anh em mình còn khiếp nhược quá nên cụ định đem ông Khá mà trộn với ông Sâm cho thành ra rượu thuốc đặng trước khi phất cờ thì cụ sẽ mời anh em mình một người một ly cối"(Thần chung, Sài Gòn, số 67, ngày 10-4-1929).

Phan Khôi đã khai thác triệt để cách viết châm biếm để tạo nên tiếng cười trong tiểu phẩm. Ở đây là tiếng cười sâu cay, tiếng cười phê phán đối với kẻ thù xâm lược và đảng phái chính trị thân Pháp, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Có thể kể đến hàng loạt tiểu phẩm trong mục "Câu chuyện hằng ngày" trên

Đông Pháp thời báoThần chung như :"Nhơn chánh của nhà nước bảo hộ"; "Toàn Pháp với tòa án An Nam"; "Ai muốn làm Président?", hoặc trong mục

"Những điều nghe thấy" trên Trung lập: "Mật thám, lính kín hay công an?"; "Cuộc trị an của chánh phủ và cuộc trị an của nhơn dân"; "Trung - Bắc Kỳ sẽ có Đảng Lập hiến"; "Buổi nhóm họp hội đồng quản hạt vừa rồi"; "Chuyện vặt trong kỳ tuyển cử nầy"...

Đây cũng chính là nghệ thuật mang tính đặc trưng của tiểu phẩm báo chí: Đối với kẻ thù, cười trong tiểu phẩm thuộc về những cung bậc khác. Ngọn đòn của tiểu phẩm phơi trần bản chất kẻ thù ở những khía cạnh xấu xa nhất, phản động nhất qua những sự kiện, vấn đề thời sự sinh động không thể chối cãi. Tiếng cười khi cất lên chứa đựng sự khinh bỉ, dấy lên sự phẫn nộ, căm thù, lúc lại lắng xuống châm biếm sâu cay, chứng minh sự diệt vong tất yếu của kẻ thù [100, tr.48].

Thứ ba, Phan Khôi đã rất thành công nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong các tiểu phẩm báo chí của mình.

Có thể nói, người đọc bị lôi cuốn vào những câu chuyện, những cảnh ngộ để rồi có cùng một thái độ với tác giả trước những đề tài, sự kiện mà tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi đề cập. Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 167 - 179)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w