3. Những vấn đề đặt ra
3.2. Phát triển cách diễn đạt hiện đại vào ngôn ngữ báo chí
Cuối năm 1929, trên một số tờ báo ở Sài Gòn đã diễn ra hai cuộc thảo luận đều liên quan đến việc dùng tiếng Việt. Đó là cuộc thảo luận về “vấn đề viết chữ quốc ngữ cho đúng” được bắt đầu từ bài viết của Phan Khôi trên tuần báo Phụ nữ tân văn ngày 07-11-1929, trở thành cuộc tranh luận trên các báo
Lục tỉnh tân văn, Thần chung, Trung lập, kéo dài đến cuối năm 1931 vẫn chưa chấm dứt hẳn. Cuộc thảo luận thứ hai do báo Thần chung đề xướng và
hầu như thu gọn trên nhật báo này từ cuối tháng 12-1929 đến tháng 02-1930, với đề tài sách giáo khoa tiếng Việt.
Từ việc nêu lên “Cảm tưởng trong khi chấm bài luận quốc ngữ” về kỳ thi cấp học bổng của phụ nữ Việt Nam, Phan Khôi nói về sự cần thiết phải viết chữ quốc ngữ cho đúng:
Hết thảy các quyển của người dự thi, về bài luận ấy, quyển nào được nhiều điểm hơn hết, - trong bài kỷ thuật (tường thuật) số trước có nói qua rồi, đây tôi chỉ nói về cái cảm tưởng riêng của tôi. Nhơn dịp này tôi thấy ra người An Nam ta viết chữ quốc ngữ còn sai lầm lắm. Hết thảy là 16 quyển mà chỉ được một vài quyển viết ít lỗi mà thôi, còn bao nhiêu thì nhiều lỗi quá, giá bắt lỗi về nét chữ thì không hơi nào mà bắt [75].
Bài báo đã chỉ rõ các lỗi khi dùng chữ quốc ngữ, như: Sự nhầm lẫn trong sử dụng các chữ c với t; có g với không g; x với s; ch với tr. Trong đó, Trung, Nam kỳ thì hay sai về vần ngược, c, t và có g không g ; Bắc Kỳ hay sai về vần xuôi, x, s và ch, tr; những người ở Nghệ Tĩnh thì mắc lỗi sử dụng dấu đó là dấu hỏi, ngã đều đánh thành dấu nặng.
Còn về lỗi chấm câu, ông cho rằng: Bài văn được xem là trôi chảy hoặc đến mức “hay” đi nữa, mà chấm câu không đúng phép, thì cũng gần như bỏ đi. Có nhiều quyển viết một thôi dài mà cứ phết (virgule) luôn cho đến cuối đoạn, mới có một chấm (point), thành ra mạch lạc không được phân minh. Lại còn có kẻ viết từ đầu đến cuối một mạch, không thèm qua hàng (aller à la ligne) một lần nào, coi vào tựa như đám rau muống bò lan, chẳng biết đường nào mà rờ hết.
Ông cũng không đơn thuần chỉ ra những lỗi sai, mà lồng vào đó sự phân tích làm như thế nào là đúng. Ví dụ, về lỗi sai khi dùng dấu chấm hỏi (?), nhiều người hay dùng sai, chỗ không đáng dùng mà dùng (như những câu “Tôi hỏi nó đã ăn cơm chưa!”, hay là “Tôi tưởng sự ấy là không nên chăng”)
thì không phải đánh dấu chấm hỏi. Câu trên vì có chữ “hỏi” rồi, còn câu dưới, chữ “chăng” đi theo chữ “tưởng” (cũng như trong tiếng Pháp, chữ “ne” đi theo verbe craindre thì không cần đánh dấu chấm hỏi).
Vẫn theo cách đăng các bài báo rà soát, phân tích những hạn chế trong sử dùng chữ quốc ngữ, đồng thời đưa ra những hiểu biết về các nguyên tắc sử dụng chữ quốc ngữ, Phan Khôi đã một mặt nâng cao nhận thức cho công chúng về chữ quốc ngữ, mặt khác cũng là một cách hiện đại hóa cách diễn đạt, văn phong báo chí. Trên Phụ nữ tân văn số 58 (26-6-1930) và số 59 (03-7-1930), Phan Khôi có bài “Theo thuyết chánh danh đính chánh lại cách xưng tên của người Việt Nam”. Trong đó ông cho rằng bất kỳ một cái tên chung (nom commun) hay là một cái tên riêng (nom propre), trong khi dùng nó cũng phải xem xét kỹ, không được cẩu thả. Bài “Theo thuyết chánh danh, soát lại mấy cái danh từ người mình thường dùng” trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 69 (11-9-1930) nói về sự dùng tên chung: Một mặt cắt nghĩa về cái nguyên tắc của sự đặt danh từ là thế nào; mặt khác chỉ rõ ra cái hại của sự dùng danh từ không chính đáng là thế nào.
Về nguyên tắc của sự đặt danh từ, bằng những kiến thức phong phú, lập luận chặt chẽ cùng với những ví dụ trực quan, sinh động, ông phân tích, làm rõ: Quan niệm về danh từ trong luận lý học và trong văn pháp, trong đó, cơ bản nhất là khi gọi tên sự vật gì, phải hiểu được đặc tính của sự vật ấy, để phân biệt với sự vật khác. Biết được nguyên tắc này rồi, cần phải biết trong những danh từ chung mà ta thường dùng, được chia thành hai loại: danh từ nguyên hữu, và thứ danh từ duyên khởi. Ông cho rằng, mục đích việc tìm ra những chỗ sai khi công chúng sử dụng cốt là để ông làm rõ thêm nguyên tắc và khẳng định: “Nếu nó là phải, thì ai cũng có thể cứ theo đó mà soát lại như tôi. Có làm như vậy rồi dùng danh từ mới được đúng, và tiếng Việt Nam ta sau nầy mới mong trở nên một thứ tiếng hoàn thiện” [78].
Về cái hại của sự dùng danh từ không đúng: Để công chúng hiểu sâu sắc vấn đề này, Phan Khôi đã phân tích bằng sự kiện lịch sử của Trung Quốc,
hệ lụy từ việc dùng danh từ không đúng, dẫn tới cách hiểu sai hoặc ảnh hưởng đến cả những việc quốc gia trọng đại. Cụ thể là, ông viết về thời kỳ nước Tàu lập nên nước dân chủ, đặt tên là Trung Hoa dân quốc, song trong bản lâm thời ước pháp (convention provisoire) thì lại có một điều nói rằng quốc thể là “cộng hòa” (chữ dùng của Phan Khôi là “cọng hòa”). Ông phân tích, bấy giờ người Tàu coi hai chữ “cọng hòa” cũng như hai chữ “dân chủ”, cho nên trong bản ước pháp mới nói như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, hai từ này tồn tại độc lập, không phải là một, mà chỉ là do cách hiểu, do thói quen của mọi người. Đây chính là kẽ hở gây nên sự rắc rối, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình xưng vương hoàng đế của Viên Cao Khải.
Để đi đến kết luận, Phan Khôi tiếp tục phân tích những dẫn chứng những lỗi trong tiếng Việt “dùng danh từ không chánh đáng, có hại là thế đó. Tuy vậy, chữ “cọng hòa” trong ước pháp Trung Hoa làm cớ lót miệng cho cuộc vận động đế chế của Viên Thế Khải đó, cái hại còn là dễ thấy; lại có cái hại khó thấy nữa kia, vì nó không xảy ra việc gì trực tiếp, mà cứ ngấm ngầm làm hại hoài”[78]. Đó là, Phan Khôi muốn đề cập đến ví dụ người Nam kỳ dùng danh từ “tân triều” (chữ dùng của Phan Khôi là "tân trào") để chỉ cơ quan đại biểu cho nước Pháp. Theo ông, cách sử dụng danh từ này là không chính xác. Phan Khôi chỉ rõ: “Trào” nghĩa là “trào đình”, duy nước nào có vua thì mới xưng là “trào” được. Nước Pháp là nước dân chủ, mà xưng “trào”, thế là danh bất chính. Ông cho rằng, dù nước Pháp là nước quân chủ, có vua đi nữa, thì triều đình của hoàng đế nước Pháp cũng chỉ ở Paris mà thôi; còn tại thuộc địa, chính phủ Pháp phái một vài ông đại thần qua cai trị, có dời cả triều đình qua đây đâu mà ta gọi là “trào” được? Và, hệ lụy của cách dùng từ không đúng là khi nước Pháp tới chinh phục xứ này, nhân dân không phục tùng triều Nguyễn nữa mà theo quyền nước Pháp, thì họ tưởng rằng cũng như trước đó Nam Kỳ từng ở trong tay triều Nguyễn, rồi lại thuộc về triều Tây Sơn thế thôi, hay cũng như triều Nguyễn đã thay cho triều Lê, triều Lê thay
cho triều Trần. Tóm lại là, cứ một cơ quan chính trị mới nổi lên, thay cho cái cũ, thì đều gọi là “tân trào”. Và, cũng từ cách hiểu này, “thấm vào trong óc mọi người làm cho cái quan niệm của mọi người cũng không chơn xác. Sự hại bởi đó mà ra, mà cái hại ngầm ngấm khó thấy” [78]. Người dân xác định rằng nước Pháp là một “trào đình”, thì cũng nhận luôn rằng chính thể nước Pháp chẳng khác nào cái chính thể chuyên chế của triều đình An Nam ngày xưa. Do đó người ta cũng coi các quan lại là cha mẹ dân, mà chẳng hề biết tới cái nghĩa “dân chi công bộc” theo như ở dưới chế độ dân chủ; người ta cũng coi sự đóng thuế là cái phận làm tôi con đối với trào đình phải vậy, chứ không nghĩ đó là nghĩa vụ của công dân. Bằng những lập luận chặt chẽ về những tác hại khôn lường từ cách dùng danh từ không đúng, Phan Khôi kết luận" “Rốt bài, tôi có lời xin đồng bào ta rày về sau nên thận trọng trong sự dùng danh từ, chẳng những vì muốn làm cho hoàn thiện tiếng Việt Nam, mà cũng vì sự lợi ích trên đường chánh trị nữa” [78].
Với Phan Khôi, báo chí là phương tiện quan trọng để ông bày tỏ, thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình. Ông hiểu sâu sắc vai trò xã hội quan trọng cũng như hiệu quả thực tế của báo chí đối với xã hội, cùng với việc thúc đẩy quá trình sử dụng lối diễn đạt hiện đại trên báo, ông khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chữ quốc ngữ. Bài “Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ" trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 28 (07-11-1929) thể hiện rất rõ quan điểm này của ông. Trong bài này, ông bắt đầu bằng việc nói về khởi nguồn của chữ quốc ngữ, rồi quá trình phát triển ở 3 miền Bắc - Trung - Nam (lúc đầu là rất tốt, nhất là ở Nam Kỳ, nơi có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huỳnh Tịnh Trai). Ông khẳng định: “Không những hai ông đại sư ấy, lúc bấy giờ người Nam Kỳ hễ đã viết quốc ngữ thì ai cũng phải viết đúng. Vì hồi đó người ta học quốc ngữ một cách nghiêm. Bây giờ thử tìm một vài cuốn sách xuất bản thời ấy ra mà coi, cuốn nào in cũng hẳn hoi, cho đến
dấu ngã dấu hỏi cũng phân minh” [77]. Sau đó, ông nói về các lỗi sai trong sử dụng chữ quốc ngữ của người dân Nam Kỳ thời gian sau đó “chữ quốc ngữ Nam Kỳ ngày nay, thôi, không còn chỗ nói nữa! Ai muốn viết thế nào đó thì viết, tuồng như họ muốn nổi cách mạng nghịch cùng Huỳnh Tịnh Trai và Trương Vĩnh Ký! Bỏ hết thảy, đừng nói; chỉ nói một chữ dịch (traduire) mà viết ra chữ vịt trong một quyển luật đã in và bán chạy như ngựa rồi kia, cũng đủ cho các ông đương khóc mà phải bật cười” [77].
Rồi ông thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của kết cục này “chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ mà viết sai bậy bạ hết là bắt đầu từ các ông làm báo bậc tiền bối. Phần nhiều các ông làm báo thuở xưa là nhà nho sót lại, chắc các ổng không học quốc ngữ đúng đắn, chỉ học vần sơ rồi ráp lại mà viết, thành ra viết sai mà không hay. Người mình lại có cái tánh hay “sợ chữ in”, hễ thấy tờ báo cuốn sách, thì cho là mực thước rồi cứ theo đó mà bắt chước, bắt chước thét lại càng sai nhiều hơn các ổng nữa”. Cùng với việc khẳng định lại: Cách viết quốc ngữ “loạn xị” ấy di hại cho đến ngày nay. Ngày nay ai cũng cho sự viết bậy viết bạ là thường, không cần phải viết cho đúng, không cần theo tự vị của Huỳnh Tịnh Trai và Trương Vĩnh Ký, là lỗi ở hết thảy các ông làm báo tiền bối; Phan Khôi nêu lên trách nhiệm của báo chí trong việc khắc phục lỗi sử dụng ngôn ngữ này: “Tôi không có quyền sửa đổi trong một tờ báo cho trở nên đúng. Song tôi mong rằng có một tờ báo nào ở Sài Gòn đây sẽ làm tiên phong mà sửa đổi cho đúng đi. Tôi thiệt mong ở Phụ nữ tân văn” [77].
Quan điểm này của ông tiếp tục được nhấn mạnh trong bài “Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng” trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 31 (05-12-1929) và bài “Tại làm sao chúng ta không nên bỏ qua chữ quốc ngữ và phải viết cho đúng?” đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 341 (20-3-1930) và Trung lập, Sài Gòn, số 6105 (22-3-1930).
Bài “Tại làm sao chúng ta không nên bỏ qua chữ quốc ngữ và phải viết cho đúng?” đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 341 (20-3-1930) và Trung lập,
Sài Gòn, số 6105 (22-3-1930), Phan Khôi trao đổi lại với ông Hồ Quý Kiên, do trước đó, trên Trung lập, ông Hồ Quý Kiên đưa ra quan điểm “nên dẹp chữ quốc ngữ lại, ngõ lấy chữ Pháp làm quốc văn Việt Nam”, được hiểu là, người Việt Nam nên chuyên học chữ Pháp, còn chữ quốc ngữ viết ra miễn sao có thể đọc được thôi, không cần phải thật đúng.
Phan Khôi cho rằng, quan điểm của của ông Hồ Quý Kiên dựa vào các luận điểm: Tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học, ta muốn theo văn minh Âu Mỹ thì phải dùng nó; mặt khác, ta ở dưới quyền cai trị của người Pháp, phải học theo tiếng Pháp và tiếng An Nam khuyết điểm nhiều quá, không thể nào bồi bổ được.
Theo Phan Khôi, việc ông Hồ Quý Kiên khẳng định tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học, ta nên dùng thứ tiếng đó mà trực tiếp với văn minh Âu Mỹ hơn là dùng tiếng quốc ngữ như đi con đường quanh, điều đó đúng, nhưng nếu nghĩ như vậy thì mới thấy một mặt của vấn đề. Nói rằng trong một nước được văn minh tiến bộ, nghĩa là hết thảy cả người trong nước đều văn minh tiến bộ chứ không phải một số ít người. Văn minh đời nay là văn minh cho cả quần chúng chứ không phải văn minh cho nội giới quý tộc. Để có nền văn minh thì hết thảy mọi người trong nước đều phải biết chữ, đều có tri thức. Vậy thì đặt vấn đề hết thảy người An Nam có thể học chữ Pháp cho biết chữ là không khả thi? Theo Phan Khôi, phải dùng chữ quốc ngữ để làm lợi khí cho sự giáo dục xã hội, để rải khắp hạt giống văn minh cho quần chúng. Bởi vì có thể học quốc ngữ mà hết thảy người An Nam biết chữ được, chứ không thể học tiếng Pháp mà hết thảy người An Nam biết chữ được. Đó là lý do không bỏ chữ quốc ngữ. Vậy, tại sao phải viết quốc ngữ cho đúng? Phan Khôi nhận định: Bản thân chữ quốc ngữ nước ta thời điểm đó chưa gọi là một thứ chữ thành văn được.Trong khi đó, người mình viết quốc ngữ hiện thời thì lại viết sai, tùy tiện, không thành ra chữ nữa. Một thứ chữ đã lộn xộn, lại còn thêm viết sai đi thì làm sao có thể còn đem ra học được? Bởi vậy, cần phải
sửa sang bồi bổ nó cho một ngày kia nó thành văn, hầu làm cái lợi khí tốt cho chúng ta.
Cuối cùng, Phan Khôi mượn chính ý của ông Hồ Quý Kiên để kết luận: “Mình đã trầm trồ khen tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học thì mình cũng phải chịu khó làm cho tiếng mình trở nên khoa học. Muốn như vậy, trước hết là phải viết cho đúng, viết đúng tự vị” [109].
Từ bề dày vốn kiến thức về văn hóa, xã hội của các nước phát triển, Phan Khôi ý thức sâu sắc rằng, đất nước muốn có nền văn minh, thì người dân phải biết chữ, có tri thức. Đối với người An Nam, đó là chữ quốc ngữ - tiếng Việt! Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, ông đã dành một phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của công chúng xã hội đối với việc sử dụng đúng chữ quốc ngữ; đúc kết những quy tắc, nguyên tắc trong sử dụng tiếng Việt: Từ tìm ra nguyên tắc về sự vận động của ngôn ngữ, sự phát triển của ngôn ngữ cùng với sự phát triển của xã hội, đến những đặc điểm cơ bản của các cấu trúc từ, ngữ, câu trong tiếng Việt (từ láy, từ ghép, từ mượn Hán, Nôm với biến đổi của ngữ âm tiếng Việt…). Đây là những kiến thức cơ bản, khi chữ quốc ngữ ở chặng đường đầu ra đời và phát triển, đặt nền móng cho những nghiên cứu Việt ngữ sau này.
Có thể thấy, nửa đầu thế kỷ XX, sự phát triển mạnh mẽ của chữ quốc