Về văn chương của nhà báo

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 163)

3. Những vấn đề đặt ra

4.1.3. Về văn chương của nhà báo

Bài báo "Văn chương và văn chương của nhà báo (Đáp lại Đuốc nhà Nam)", đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 787, ngày 27-10-1928 là ý kiến của Phan Khôi trao đổi lại ý kiến với Đuốc nhà Nam về bài xã thuyết

"Thế nào gọi là văn chương có giá trị", trong đó, ông đưa ra những quan điểm về văn chương của nhà báo (hay còn gọi là văn chương báo chí) rất có ý nghĩa.

Trước hết, Phan Khôi bàn về văn chương nói chung: "Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: tín, đạt, mỹ", trong đó,

Tín, nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó. Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó [33].

Theo ông, bất kỳ văn nước nào thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được.

Còn văn chương của nhà báo thì thế nào? Phan Khôi cho rằng: "Về sự chúng ta viết báo bằng chữ quốc ngữ hiện thời đây, chúng tôi muốn cho hẵng "tín" và "thông" đi đã, chớ chưa vội nói đến cái "đẹp". Thật thế, về sự viết văn, chúng tôi chưa hề khi nào nghĩ đến cái đẹp, mà chỉ cầu cho thông là đủ. Chúng tôi tưởng các nhà làm báo ta bây giờ, ai đã thông rồi mà bước lên đến cái đẹp là càng hay, còn ít ra cũng phải lấy mực thông làm hạn" [33].

Phan Khôi cũng chỉ ra những lỗi viết, lỗi diễn đạt trên các số báo của

Đuốc nhà Nam, như sự chứng minh rõ quan điểm, văn chương báo chí trước hết phải đúng, đơn giản, dễ hiểu. Những lỗi rất cụ thể, ông chỉ ra như: "Cả một bài ấy phần nhiều câu không có chủ thể (sujet). Như, thình lình nổi lên nói rằng: "Nay đem hết tâm chí v.v...", và "Lúc nhỏ theo thầy v.v..." thì chúng tôi chỉ có lấy ý mà hiểu, chớ như cứ theo văn pháp thì chẳng biết ai là kẻ hành

động trong những câu nầy. Quý báo đã hô lớn lên rằng văn chương phải cho rõ ràng, mà như vậy thì chẳng biết có rõ ràng không nhỉ?"; Hoặc "Cũng trong bài ấy, "Học rồi, hành sự", dứt ngay làm một câu. Chúng tôi chẳng khi nào tin rằng chỉ như vậy mà đứng làm một câu được, vì nó chỉ có mấy tiếng động từ (verbe) không mà thôi. Chúng tôi chẳng hiểu nói như vậy là có ý nghĩa gì" [33].

Đây là quan điểm quan trọng, hình thành lối diễn đạt mang tính thông tấn của ngôn ngữ báo chí; càng có giá trị, khi ở thời điểm này, sự giao thoa giữa văn chương và văn chương báo chí là rất lớn, thậm chí lối diễn đạt trong văn chương, báo chí còn ảnh hưởng nặng nề của lối văn biền ngẫu, rườm rà.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 163)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w