Giai đoạn trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 44)

3. Những vấn đề đặt ra

1.2.1. Giai đoạn trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất

1.2.1.1. Bối cảnh

Đây là thời kỳ phát triển các phong trào dân tộc như Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục và cũng là thời điểm xuất hiện nền văn học yêu nước và cách mạng. Giai đoạn này, mặc dù báo chí hoàn toàn nằm trong tay chính quyền thực dân, nhưng những người cầm bút yêu nước vẫn tìm mọi cách để có thể đưa tiếng nói của mình ngay trên mặt báo của kẻ thù. Những bài báo của một số nhà nho yêu nước trên các tờ Lục Tỉnh Tân văn, Nông Cổ Mín Đàm hay Đăng Cổ Tùng Báo tuy ít ỏi, tiếng nói phản kháng còn yếu ớt nhưng có thể được xem là sự khởi đầu cho những tiếng nói mạnh mẽ vào thời kỳ tiếp theo.

Ở hải ngoại, Phan Bội Châu dùng báo chí để tuyên truyền yêu nước. Trong tay không có báo chí, Cụ đã mượn báo chí cách mạng Trung Hoa như các tờ Binh Sự Tạp chí (Hàng Châu), Vân Nam Tạp chí, Tân Dân Tùng báo

làm phương tiện vận động cách mạng và coi đó là sự viện trợ về phần văn tự của bạn.

Trước tình hình này, bên cạnh việc huy động quân đội và nhà tù để đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng của dân tộc ta, thực dân Pháp còn tiến hành tập hợp lực lượng để phản kích lại các lực lượng cách mạng và yêu nước trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong đó có báo chí. Mục tiêu của chúng là giành lại sự thống trị tuyệt đối về mặt tinh thần.

Đối với báo chí, chính quyền thực dân áp đặt chế độ kiểm duyệt gắt gao hòng ngăn chặn những tư tưởng tiến bộ, sách báo cách mạng từ ngoài gửi về. Trong điều kiện đó, báo chí Bắc Kỳ hầu như không hoạt động, chỉ có duy nhất tờ Công báo của phủ Toàn quyền. Mặt khác, chính quyền thực dân khẩn trương vạch ra và thực hiện một đường lối báo chí có hiệu lực nhằm chống lại những tư tưởng yêu nước.

1.2.1.2. Một số tờ báo tiêu biểu:

Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo và Đại Việt Tân Báo: Ra đời vào khoảng năm 1891, do chủ nhà in Scheider sáng lập, nhưng thực tế là do Nha Kinh lược chủ trì với hai cây bút chính là Đào Nguyên Phổ và Hàn Thái Dương. Báo được phát hành khắp Bắc và Trung Kỳ. Đây là công cụ ngôn luận của nhà nước bảo hộ, trực tiếp là Nha Kinh lược Bắc Kỳ (Lúc này do Hoàng Cao Khải nắm giữ). Đối tượng chính là các nhà nho và chỉ phát hành trong giới quan lại.

Đại Việt Tân báo ra mỗi tuần 2 số, in cả bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Đây được xem là một bước tiến về mặt ngôn ngữ để báo chí có thể xâm nhập sâu rộng hơn trong giới quan lại người bản xứ. Về danh nghĩa, đây là tờ báo tư nhân, nhưng thực chất là được chính quyền bảo hộ đỡ đầu.

Đăng Cổ Tùng báo: Số 793 của tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật báo chính là số đầu tiên của tờ Đăng Cổ Tùng báo (số 01). Đăng Cổ được tách ra gắn với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. “Mang hơi thở của phòng trào Đông kinh Nghĩa Thục tờ báo có những lời hô hào thực nghiệp, chống những thói hủ tục, mê tín dị đoan, kêu gọi hợp tác. Đó là nét mới của tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội” [40, tr.45]. Về nghệ thuật báo chí, Đăng Cổ Tùng báo là một bước tiến đáng kể trong nghề làm báo.

Trong 9 tháng liền, Đăng Cổ Tùng báo ra được 34 số. Phát hành qua số 826, ngày 14-11-1907 thì tiếng trống Đông Cổ đột nhiên ngừng bặt. Đó cũng chính là lúc Đông Kinh Nghĩa Thục đang trải qua cơn khủng bố. Các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... lần lượt bị bỏ ngục. Tờ báo không thể tồn tại cũng như cơ sở xuất bản (Ban Tu thư) của Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, sách vở bị tịch thu... [40, tr.47].

Đông Dương Tạp chí: tuần báo ra số đầu tiên vào ngày 15-5-1913, ở Hà Nội. Đây là tờ báo quan trọng bậc nhất trong việc tuyên truyền cho văn minh phương Tây, văn minh Pháp. Đông Dương Tạp chí luôn có chuyên mục dạy, phổ biến chữ quốc ngữ, dịch (“diễn nôm”) các văn phẩm nổi tiếng, chủ yếu là văn học Pháp, đăng tải các diễn văn, tin tức quan trọng của Phủ toàn quyền (bằng cả hai thứ tiếng Pháp - Việt) và quảng cáo rao vặt... Trong suốt những năm Chiến tranh thế giới thứ Nhất, đây thực sự là tờ báo quan trọng bậc nhất của giới thực dân. Mặt khác, tờ báo này với nghệ thuật báo chí tiên tiến đã trở thành cơ quan báo chí đi đầu trong việc truyền bá văn minh phương Tây, phê bình lối sống phong kiến, các hủ tục còn rơi rớt lại.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w