3. Những vấn đề đặt ra
2.2.1. Những quan điểm học thuật
Một trong những nét vẽ quan trọng để khắc họa chân dung nhà báo Phan Khôi chính là tinh thần học thuật sâu sắc trong ngòi bút của ông, những
đóng góp trong nghiên cứu những vấn đề học thuật của ông trên báo chí tạo nên một phần diện mạo báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đây là thời kỳ báo chí dành một phần nội dung không nhỏ làm diễn đàn cho các cuộc thảo luận về học thuật của các học giả. Đây cũng là kênh thông tin qua trọng nâng cao nhận thức của nhân dân, của công chúng báo chí bấy giờ. Như đã đề cập ở phần trên, với loạt bài thảo luận về tư tưởng học thuật, Phan Khôi đã làm cho tờ Phụ nữ tân văn nổi tiếng, được cả những độc giả có học vấn cao tìm đọc và trực tiếp tham gia vào quá trình thảo luận đó. Từ việc nêu lên một vài bài ông đề nghị trao đổi hoặc chất vấn về nội dung học thuật và về học phong như “Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim”, đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 54, ngày 19-5-1930; “Cảnh cáo các nhà học phiệt”, đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 62, ngày 24-7-1930 Phan Khôi đã khiến những cây bút hàng đầu của học thuật đương thời như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh,... lên tiếng trên tuần báo Phụ nữ tân văn phúc đáp và thảo luận về những vấn đề ông nêu ra. Cuộc tranh biện giữa những đầu óc uyên thâm, được đông đảo người đọc chờ đợi, vì dường như đây là dịp khá hiếm hoi để lắng nghe những người hiểu biết nhất trong nước bàn luận về những điều không hề dễ hiểu như các khái niệm và phạm trù của Nho giáo, nhận định về hoạt động tư tưởng văn hoá ở Việt Nam, về học phong của giới học giả... Không khí tranh biện nghiêm túc, chất hàn lâm kinh viện của những thảo luận này khiến ta có thể nghĩ rằng đây là những thời khắc thăng hoa không dễ lặp lại trong hoạt động tư tưởng học thuật ở Việt Nam. Phải chăng, chính không khí ấy cũng đã hỗ trợ nâng bước cho Phan Khôi, khiến ông minh mẫn khác thường.
Với tinh thần học thuật nghiêm túc, ông đem những hiểu biết của mình để chia sẻ với công chúng về Nho giáo, bằng cách đặt vấn đề bình dị nhưng nghiêm túc và khoa học. Thực ra, trong suy nghĩ và mong muốn, ông định viết một cuốn sách với chủ đề Nho giáo nguyên lưu, để phục vụ độc giả những tri thức về Nho giáo. Trong đó, sẽ nêu rõ lịch sử của Nho giáo từ
Khổng Tử đến các nho nhà Thanh: Từ sự sáng lập thế nào đến biến thiên ra sao và cuối cùng là vị trí của Nho giáo trong thời điểm hiện tại lúc bấy giờ. Quan điểm của ông là dựa vào chứng cứ khách quan để bàn về vấn đề này, chính vì vậy, khi cảm thấy chưa đủ chắc chắn, chưa thực sự thấu đáo, ông chưa viết.
Loạt bài về Khổng giáo, Nho giáo chính là những nội dung Phan Khôi cho rằng ông đã hiểu thấu đáo, ông viết ra vừa cung cấp tri thức về các vấn đề này với công chúng, vừa để thảo luận, trao đổi với các học giả đương thời.
Năm 1929, trên 21 số báo Thần chung (213, 214, 216, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 225, 227, 229, 232, 235, 236, 239, 241, 242, 247, 248, 249), ông có bài nói về “cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta”, gồm 13 chương: I- Mấy lời nói đầu; II - Cái chơn tướng của Khổng giáo; III - Người ta theo Khổng giáo cách nào; IV - Cái kết quả sự theo Khổng giáo dưới quyền nhà vua; V - Cái óc phán đoán của kẻ học đời nay; VI - Cái vấn đề sanh tử của chúng ta ngày nay - Âu hóa với Khổng giáo; VII - Về cái thuyết minh đức tân dân; VIII - Về cái thuyết trung dung; IX - Cái chủ nghĩa làm quan; X - Về cái thuyết khinh nông; XI - Về sự bao biếm của sách Xuân Thu; XII - Sự phân biệt nghĩa và lợi; XIII - Khổng giáo đã cùng Âu hóa gặp nhau. Đây là nhóm vấn đề ông dự định đưa vào cuối cuốn sách với chủ đề Nho giáo nguyên lưu sau này. “Về Nho giáo, trong đó còn có nhiều điều nên biết mà tự hồ như ở ta đây số người biết hãy còn ít lắm. Bởi vậy, về vấn đề này, tôi định viết nhiều bài, mà lấy chung một cái đầu bài là Đôi điều nên biết về Nho giáo. Và, hôm nay bài thứ nhất, tôi xin phô bày cái thâm ý, sở dĩ tôi định đem những điều ấy cống hiến cho học giới ta là thế nào” (“Đôi điều nên biết về Nho giáo”, Đông Tây, Hà Nội, số 100, ngày 26-8-1931).
Với mong muốn cống hiến, chia sẻ học thuật ấy, Phan Khôi đã lần lượt phân tích về “Cái thuyết đạo thống đã bị đánh đổ”, “Cái lý học của Tống Nho đã bị trọng thương” rồi đi đến phần kết là “Gỡ cái lầm cho hai ông Lê Dư và
Trần Trọng Kim”: “Trong sách Thanh đại học thuật khái luận của ông Lương Khải Siêu, có nói về cuốn sách này mà cho là một cuộc cách mạng lớn về tư tưởng lúc bấy giờ. Bởi vì cái học của Tống nho có một phần ở dịch lý của họ, nhân đó họ chiếm lãnh lấy cái đạo thống, làm như của riêng thuộc về mình. Nhờ có cuốn sách Hồ Vị ra, lấy Kinh Dịch đem trả cho Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, lấy những đồ thư tượng số đem trả cho Tống nho. Như thế, làm cho kẻ học biết rằng Tống nho tự Tống nho, mà Khổng Tử tự Khổng Tự, không cần gì nương theo Tống nho mới tìm” (“Đôi điều nên biết về Nho giáo”, Đông Tây, Hà Nội, số 100, ngày 26-8-1931).
Phan Khôi căn cứ vào cuốn sách của ông Lương, cuốn Đối đông nguyên đích triết học của Hồ Thích và văn tập Cố Viêm Vũ để có thể hiểu sâu sắc những nội dung nói trên. Ông cho rằng, hiểu được như vậy rất có ích cho các học giả trong nghiên cứu nói riêng và cho sự học của nước nhà nói chung. Trước đó, những thuyết âm dương ngũ hành dựa vào Dịch học mà làm mê hoặc lòng người, thì lúc này cần phải xem xét lại. Thậm chí, các học giả như Lê Dư, Trần Trọng Kim cũng có chỗ lầm như ông Lê (trong sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim, ông đã đem cái vô cực của Chu Liêm Khê mà gán vào cho Khổng Tử).
Đọc Phan Khôi, chúng ta cảm nhận được sự nhất quán trong tinh thần học thuật của ông - luôn lấy chữ lý làm trọng. Với ông, tình nằm trong lý. Ưa nhập thế, thích tranh luận để làm sáng tỏ chân lý, vì vậy, trong những cuộc tranh luận, từ những cuộc do ông khởi xướng đến những cuộc ông là người tham gia, ông đều rất say sưa. Cũng chính trong những cuộc bút chiến này, độ sắc sảo của ngòi bút Phan Khôi được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Tinh thần nhập thế và ý thức luôn tìm đến cái mới đã tạo nên tính cách Phan Khôi, tạo nên nguồn cảm hứng tranh luận trong ngòi bút của ông. Có thể nói, nhắc đến Phan Khôi là nhắc đến môn luận lý học. Theo ông, “luận lý học cai trị cả mọi sự ở đời” [116].
Ông khẳng định: “Nước Việt Nam ta từ xưa đến nay chưa có cái nền học thuật đáng gọi là học thuật, có chăng họa là bắt đầu từ ngày nay; mà ngày nay muốn bắt đầu lập cho nước ta một nền học thuật vững vàng thì phải lấy luận lý học làm trụ cốt. Vì trong các khoa học nếu chẳng hết thảy lấy luận lý học làm gốc, thì hết thảy đều là cẩu thả mà thôi, chẳng có giá trị gì hết” [116]. Hơn thế nữa, ông cho rằng chẳng những về học thuật, suy ra cho đến trăm sự ở đời, việc nào cũng phải cần đến luận lý học. Ông nêu ví dụ:
Nói về “đời”, nghĩa là sẽ có mối quan hệ giữa con người với con người; về lời nói và việc làm: Lời nói việc làm đều gốc ở tư tưởng mà ra. Luận lý học là một khoa học dạy cho ta tư tưởng theo đường chính đáng. Vì lẽ đó, ông nói: Trăm sự ở đời cũng phải cần đến luận lý học; luận lý học cai trị cả mọi sự ở đời.
Thuở trước, ta theo Nho giáo, mọi sự đều thiên trọng về cảm tình mà không kể đến lý trí. Nhưng, khi đã mở rộng mối quan hệ với nhiều nước trên thế giới, nhất là với người Pháp - họ sống cùng với ta, họ đã đạt đến trình độ dân trí rất cao, nếu ta vẫn giữ cách cũ, mọi sự không theo lý trí mà phán đoán, thì rất nguy hiểm. Thấu hiểu điều đó, Phan Khôi “quyết đem những ngôn luận của mình mà mở mang cho đồng bào được phát đạt về lý trí. Ấy là tôi đã đề xướng cái khoa cần yếu là luận lý học trong bất kỳ việc gì. Luận lý học là một phần trong triết học, song le nó chẳng phải cao xa chi, đem mà ghép vào mọi việc xảy ra hằng ngày đều được hết. Nếu làm như vậy thì nó thành ra dễ dàng lắm, ai lại chẳng hiểu ? [116].
Tuy nhiên, có thể thấy, điểm mạnh trong tinh thần học thuật duy lý nhất quán ấy cũng bộc lộ những nhược điểm trong lý giải, cắt nghĩa một số sự việc, hiện tượng của Phan Khôi, đó là tính duy lý cực đoan, thiếu biện chứng. Ông tỏ ra lúng túng, thậm chí bất lực khi nhận thức, lý giải những hiện tượng phức tạp, nghĩa là vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất. Ông chỉ thấy mặt đối lập
mà không thấy yếu tố có thể hòa hợp giữa văn hóa Đông và Tây, giữa cựu học và tân học, giữa truyền thống và cách tân, giữa văn chương bình dân và văn chương bác học, giữa nhận thức trực giác và tư duy khoa học… Ông đặc biệt tỏ ra lúng túng trước quy luật tinh vi, phức tạp của tình cảm con người. Ông đem quy tắc luận lý học để phản bác một bài thơ “khóc cha” của một tác giả nào đó: “Đương khi cha chết mà làm thơ khóc cha là hai sự trái ngược không dung nhau, luận lý không cho phép như vậy” [118], ông lập luận nhạc, nhạc để vui, cha chết sao lại vui! Có thể nói, lối suy nghĩ có phần đơn giản, máy móc, luận lý học như vậy là không thích hợp. Ông không thấy chỗ khác biệt, đồng thời có chỗ hòa hợp giữa lý trí và tình cảm trong sáng tạo thơ ca, nên đồng nhất nữ tính với tài năng nghệ thuật. Ông cho rằng Trường can hành và Cung oán ngâm nếu đàn bà làm sẽ hay hơn Lý Bạch và Nguyễn Gia Thiều…[74] và, ông tỏ ra bất lực khi đề cập đến quy luật của ái tình. Về vấn đề này ông đành thú nhận là người thủ cựu hơn ai hết: “Tôi bình sinh, cái gì thì tôi khuynh hướng về mới, duy có ái tình thì tôi thủ cựu rất mực. Tôi hết sức phản đối cái thuyết “luyến ái tự do”, tôi cho là đem ái tình ra dùng tầm bậy. Tôi nhận cái chơn ái tình duy có ở chỗ vợ chồng mà thôi”. Ai chê mặc, “tôi vẫn sống một cách êm đềm trong cái thú ái tình cũ rích của tôi”[127].