Phan Khôi viết thể loại bình luận, chuyên luận trên Đông Pháp thời báo và Trung Lập

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 180 - 186)

3. Những vấn đề đặt ra

4.3.2. Phan Khôi viết thể loại bình luận, chuyên luận trên Đông Pháp thời báo và Trung Lập

Pháp thời báo và Trung Lập

Một số bài bình luận thời sự chính trị tiêu biểu của Phan Khôi đăng trên

Đông Pháp thời báo, như “Cái tình thế chánh trị xứ Trung kỳ và Nhân dân đại biểu viện xứ ấy” (Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 761, ngày 28-8-1928) hay “Ít lời lạm bàn về chánh sách của ông Pasquier, quan Toàn quyền mới Đông Pháp” (Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 762 ngày 30-8-1928).

Là người ưa phản biện và khởi nguồn cho những cuộc tranh luận lớn trên báo chí, Phan Khôi đưa ra những lập luận chặt chẽ, bàn luận, trao đổi để tìm ra những câu hỏi cho những vấn đề lớn đang đặt ra trong xã hội, được công chúng quan tâm. Trong đó, có khá nhiều bài thiên về khảo chứng hoặc bình luận sử học. Nổi bật là chùm bài tranh luận phản bác điều mà ông gọi là

"cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII"; các vấn đề về tư tưởng, học thuật, như phản bác "cái thuyết châu Âu sắp tan nát" của học giả Cô Hồng Minh (1856-1928), nhận diện tình hình học thuật tư tưởng ở Trung Hoa đương đại, so sánh đặc điểm tư tưởng phương Đông và phương Tây, khẳng định việc lớn trước mắt phải làm ở phương Đông, ở châu Á là phải "Âu hoá", phải học văn minh phương Tây để đưa xã hội mình lên trình độ của thế giới hiện đại: “Học thuyết cũ với vận mạng mới nước Tàu” [44]; “Mấy lời kết luận về Cô Hồng Minh và cái thuyết Âu châu sắp tan nát” [45]; “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương” [46]; “Bác cái thuyết tân cựu điều hoà” [47] là những bài bình luận sắc sảo.

Về chuyên luận, chỉ hơn một tháng từ ngày ra tờ Trung lập đổi mới, Phan Khôi đã khởi ra cuộc bút chiến giữa hai tờ Trung lập - Đuốc nhà Nam

xoay quanh thái độ đối với các sự biến vừa xảy ra lúc đó ở Nam Kỳ, khi mà nông dân biểu tình bị đàn áp đổ máu, các nhân vật hàng đầu của Đảng Lập hiến dấu mặt im lặng.

Các bài viết tuy ký Trung Lập nhưng tất cả đều do Phan Khôi viết: “Như Phan Khôi ít lâu sau (trên Trung lập, ngày 19-7-1930) nói rõ: Những bài bút chiến với báo Đuốc nhà Nam, những bài phê bình đảng Lập hiến ở Nam Kỳ, tuy ký tên tòa soạn Trung lập nhưng đều do Phan Khôi viết” [3, tr.242]. Ông nói rõ: “Gần nay, trong Trung lập, những bài bút chiến với quý báo và những bài công kích Đảng Lập hiến đều do tay tôi viết ra. Tôi nghĩ rằng theo phép làm báo đúng đắn, khi công kích một cái cơ quan hay một cái đoàn thể nào, ký tên của tờ báo thì có vẻ trịnh trọng hơn là ký tên của người viết, vì vậy nên luôn luôn tôi ký tên Trung lập mà không ký tên tôi, chớ chẳng phải tôi nhút nhát hay là sợ sệt gì”(Trung lập, Sài Gòn, số 6200, ngày 19-7-1930).

Cụ thể là, trên tờ Trung lập từ ngày 20-6-1930, được bắt đầu từ mục “Ý kiến Trung lập”, về sau vượt khỏi mục đó để trở thành những bài báo dài, trong phạm vi bút chiến với Đuốc nhà Nam, sau đó là loạt bài "Về các cuộc

biểu tình ở Nam Kỳ vừa rồi" và loạt bài nói về Đảng Lập Hiến ở Nam Kỳ, xen kẽ còn có thêm các bài nhỏ thể hiện các đối đáp với báo Đuốc nhà Nam, Phan Khôi (bút danh Trung Lập). Những bài chuyên luận này đã đi từ việc bình luận về thái độ của những người được coi là làm chính trị (các nghị viên Hội đồng quản hạt hoặc hội đồng thành phố, tham gia Đảng Lập hiến) trước những sự biến liên quan đến vận mệnh dân chúng.

Chuỗi bài này được bắt đầu từ bài Ý kiến Trung lập: “Phải nói minh bạch” (Trung lập, Sài Gòn, ngày 20-6-1930), qua một loạt bài: “Trung lập xin nói cho Đuốc nhà Nam nghe thế nào là cái nhã độ quân tử?” [111]; “Trung lập lại nói cho Đuốc nhà Nam nghe: Theo cái nhã độ quân tử, hễ có lỗi thì phải chịu” [112]; “Sự khởi hấn giữa Đuốc nhà NamTrung lập nếu trở thành cuộc bút chiến thì phải thế nào?” [113]; và 4 bài nhỏ đều đăng trên Trung lập ngày 25 - 6 - 1930: “Ai nói dối?”; “Bây giờ chúng tôi mới biết cái văn và cái người của ông Nguyễn Phan Long”; “Trung lập giành lại cái nhân cách cho quốc dân dưới bàn chưn kẻ vô lễ”; "Kiến hiền tư tề yên"… Tiếp đó, đến loạt bài về các cuộc biểu tình ở Nam Kỳ vừa rồi (kỳ I - IV) từ 26-6- 930 đến 30-6-1930), chuyển sang bình luận về các vấn đề của Đảng Lập hiến Nam Kỳ (Nói về đảng Lập hiến ở Nam Kỳ, từ kỳ I, 2-7-1930, đến kỳ XIII, 25-7-1930, với những tiểu mục từng kỳ như: Cái chủ nghĩa của đảng Lập hiến; Đảng Lập hiến có thế lực mà không biết dùng; Cái sai lầm của đảng ấy trong đường chánh trị; Đảng viên và cơ quan của đảng ấy; Đảng Lập hiến với thanh niên; Hiệp quần với phân đảng; Ý kiến chúng tôi về đảng Lập hiến nay sắp sau,...).

Năm 1929, trên báo Thần chung, Phan Khôi đã có bài luận về bút chiến. Đối thủ của ngòi bút ông lần này là chủ nhiệm Đuốc nhà Nam Nguyễn Phan Long. Khi Nguyễn Phan Long trả đũa bằng thủ đoạn bôi nhọ cá nhân người viết bút chiến với báo mình (cho đăng trên báo Đuốc nhà Nam 12 - 7 - 1930 một bài bình thơ ký tên Đức Kỉnh, bàn về bài "Viếng mộ ông Lê Chất" của Phan Khôi rồi viết rằng "người mình có cái tật "vì người mà bỏ lời nói"

nên chi bài thi nầy hay thật nhưng không mấy ai truyền tụng đến", tức là mượn một câu ở sách Luận ngữ để thoá mạ nhân cách Phan Khôi). Phan Khôi đã thẳng thắn công khai nguồn dư luận mờ ám, đồn ông là mật thám của khâm sứ Trung Kỳ, ông buộc tội Nguyễn Phan Long khơi ra chuyện vô bằng cứ đó là "đã bôi lọ cái tên của ông trong làng báo", "làm xấu trong trường ngôn luận" (Trung lập, Sài Gòn, ngày 19-7-1930); "Một sự buồn trong báo giới” (Trung lập, ngày 21-7; 24-7; 01-8-1930).

Một bài bình luận cũng rất quan trọng nữa là bài báo đăng 4 kỳ, có nhan đề "Vấn đề cải cách" (Trung lập các số ra ngày 9-8; 12-8; 13-8; 18-8- 1930), trong đó Phan Khôi nêu kinh nghiệm Nhật Bản và Trung Hoa để khẳng định ý kiến mình: "muốn duy tân cải cách thì phải bắt từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước", đó là một chủ kiến có không ít căn cứ. Ngay trong "Phụ trương văn chương" vào mỗi thứ bảy hằng tuần của tờ Trung lập, ngoài những mục như "Văn uyển" đăng sáng tác thơ, mục "Giấy thừa mực vụn" đăng tạp văn hoặc chuyện làng văn và lượng khá lớn bài vở trong đó bước đầu giới thiệu những khái quát văn học sử Việt Nam, Phan Khôi cũng có những bài chuyên luận, bàn thảo để nhận diện những hiện tượng như "đạo văn". Cụ thể là, trên Phụ trương văn chương số 41, ngày 13-2-1932Cao Minh Chiếm đã "tố giác cái án đạo văn" nhưng lầm lẫn một loạt trường hợp thuộc loại phóng tác của Hồ Biểu Chánh và nhiều tác giả khác. Tác giả Mai Lan Quế nhận thấy sự vô lý này, trên Phụ trương văn chương số 47, ngày 26- 3-1932, đã đề nghị Phan Khôi giải giúp; Phan Khôi trên Phụ trương văn chương số 48, ngày 02-4-1932 giải rõ thế nào là "đạo văn" và xác định những trường hợp ấy không phải là "đạo văn", hiện tượng nhà văn bị cáo giác là có những sáng tác gây tổn thương phong hoá.

Tiểu kết chương 4

Trong thời gian đầu khá dài, tính không chuyên nghiệp là một đặc điểm lớn đã chi phối tất cả mọi hoạt động của nền báo chí non trẻ nước ta. Chúng ta chưa có một đội ngũ nhà báo thực thụ, phần lớn các nhà báo xuất thân từ nhà

văn, họ viết báo bằng những kinh nghiệm của viết văn và hầu như không có khái niệm rõ ràng về các thể loại báo chí. Qua hoạt động báo chí của mình, Phan Khôi đã có những đóng góp quan trọng trọng phát triển thể loại tác phẩm báo chí và kỹ năng làm báo:

Một là, những năm đầu thế kỷ XX diễn ra sự chuyển dịch từ văn học sang báo chí, chính là các thể loại vốn có ranh giới mong manh giữa hai loại hình lấy văn tự làm phương tiện này: tiểu phẩm, ký sự, phóng sự, phóng sự điều tra, thường được "rút gọn" thành hai thể loại tiểu phẩm và phóng sự. Đến cuối những năm 20 và những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, trong đó có hài đàm (một loại tiểu phẩm báo chí). Tiểu phẩm có gốc gác từ thể loại tạp văn của văn học, một thể loại vốn được các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn phương Đông ưa chuộng. Các thể loại "nhỏ" của văn học thường được xếp vào khu vực này: nhàn đàm, nhàn tưởng, thư từ, sổ tay... với đặc điểm chung là dung lượng nhỏ và có yếu tố ngẫu hứng. Đặc điểm này ngay lập tức được phát huy trên báo chí để đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin của xã hội. Chỉ cần nhìn vào tên của các chuyên mục dành cho tiểu phẩm trên mặt báo sẽ thấy ngay điều này: Nói hay đừng, Guồng trần xoay máy, Câu chuyện hàng ngày, Câu chuyện hàng tuần... Cùng với việc diễn ra các cuộc tranh luận về các vấn đề về học thuật, về đời sống xã hội (như đề cập trong chương 3), là sự xuất hiện của các bài báo thuộc thể loại bình luận, chuyên luận nhằm làm sáng tỏ những nội dung tranh luận. Bằng lao động sáng tạo của mình, trong vai trò người viết chính của chuyên mục Câu chuyện hàng ngày trên Thần chung, Trung lập và vai trò trung tâm của các cuộc tranh luận trên báo chí đầu thế kỷ XX, Phan Khôi đã có những đóng góp quan trọng trong việc định vị và phát triển thể loại tiểu phẩm báo chí, bình luận, chuyên luận nói riêng và

phát triển thể loại tác phẩm báo chí nói chung trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Đây chính là một trong những bước tiến, đưa hoạt động báo chí nói riêng, diện mạo báo chí Việt Nam mang tính chuyên nghiệp, đến gần hơn với những tiêu chí phát triển của báo chí thế giới.

Hai là, tinh thần “nhập cuộc”, sự trau dồi kiến thức uyên thâm, sự phong phú trong ý tưởng, sự sắc sảo của ngòi bút, ý thức sâu sắc về đạo đức nghề nghiệp, về vai trò và trách nhiệm của nhà báo trong việc tác động vào xã hội thông qua hoạt động nghề nghiệp đã tạo nên một phong cách Phan Khôi của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cuộc đời hoạt động báo chí của Phan Khôi đã để lại những bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị mang tính thời sự đối với những người làm công tác nghiên cứu cũng như hoạt động thực tiễn báo chí ngày nay.

KẾT LUẬN

Phan Khôi là một trong những người đầu tiên thuộc thế hệ đa tài giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, thế hệ được sinh ra và sống trong thời kỳ lịch sử mang tính bản lề quan trọng trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. Có thể nói, đây chính là giai đoạn quyết định chiều hướng phát triển của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo, tạo ra những tiền đề tư tưởng, tổ chức và lực lượng cho sự phát triển của các phong trào giải phóng dân tộc và thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây cũng là thời kỳ nền văn hóa Nho học và Tây học cùng lúc ảnh hưởng đến nền văn hóa Việt nam. Trong điều kiện lịch sử ấy, Phan Khôi đã lựa chọn cho mình con đường để cống hiến, đó là tham gia hoạt động báo chí: quản lý cơ quan báo chí khi ông sáng lập và làm chủ nhiệm tờ Sông Hương; là cây bút chính của nhiều tờ báo, nhất là thời gian ông tham gia hoạt động báo chí ở Sài Gòn; cộng tác, viết bài cho hàng chục tờ báo khắp hai miền Nam - Bắc.

Qua nghiên cứu di sản khổng lồ các tác phẩm cũng như cuộc đời hoạt động báo chí của Phan Khôi, trong bối cảnh xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cùng với kế thừa những đánh giá, nghiên cứu về ông, có thể thấy, trong suốt cuộc đời làm báo của mình, Phan Khôi đã có những đóng góp to lớn thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX:

Một phần của tài liệu Những đóng góp của phan khôi đối với báo chí việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 180 - 186)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w