3. Những vấn đề đặt ra
4.1.1. Về nghề báo
- Vấn đề đạo đức nghề nghiệp
Trong bài “Cái ác ý bởi nghề nghiệp” (Hà Nội báo, số 23, ngày 10-6- 1936), Phan Khôi khẳng định “ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo”.
Để làm rõ quan điểm đó, ông lý giải những sự ác ý trong nghề nghiệp nói chung, nhất là nghề buôn bán - theo ông, là nghề thường có sự ác ý. Phan Khôi phân biệt rõ: Nói “ác” với nói “ác ý” khác nhau. Người ta làm ra một điều ác có thể bởi vô ý. Nhưng đến nói “ác ý” thì cái ấy rõ ràng bởi người ta hữu ý mà làm hay thậm chí cố ý mà làm. Một ví dụ được đưa ra, đó là, câu chuyện một hiệu thuốc lá toan chuyện cạnh tranh với một cửa hiệu khác đã giở đến cái thủ đoạn xấu xa: “Số là hiệu X, thuốc lá ngon có tiếng, vẫn bán chạy lâu nay. Ra để tranh với hiệu X, hiệu Y bèn dùng một kế rất hiểm độc. Hiệu Y bỏ vốn ra hàng vạn mua lấy thật nhiều thuốc lá của hiệu X rồi dìm lại một vài năm mới bí mật đem ra bán. Trong lúc ấy, hiệu Y cố làm cho thuốc lá của mình ngon lên và quảng cáo thật riết. Tự nhiên công chúng thấy thuốc X quá dở - thuốc để đến hàng năm tài gì chả dở?- rồi đổ xô nhau mua thuốc lá Y mà hút nên nó bán rất chạy. Hiệu X sau cũng biết mình thiệt hại vì hiệu Y, nhưng không kiện được, bởi không đủ tang chứng”.
Hoặc chuyện hai hãng tàu thuỷ tranh nhau:
Hãng Giáp cố cướp quyền lợi của hãng Ất, bèn quyết kế đụng cho chìm tàu hãng Ất trong khi hai chiếc gặp nhau. Vả tàu này đụng chìm tàu kia là một sự có tội trước pháp luật. Nhưng hãng Giáp không kể điều ấy, tính rằng dù có kiện nhau cho ra lẽ cũng phải mất
một vài năm mới xong, bây giờ cứ hẵng triệt nó đi để chuyển cái lợi chạy tàu con đường ấy về phần mình. Quả nhiên sau đó vụ kiện cứ dây dưa hoài cho đến ba bốn năm mới xong. Hãng Giáp có bị bồi thường cho hãng Ất ít nhiều, nhưng nhờ sự độc quyền trong bấy nhiêu năm, nó vẫn còn lời chán [59].
Từ chỗ cử ra một vài ví dụ để chỉ rõ cái ác ý bởi nghề nghiệp, Phan Khôi bàn đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Ông cho rằng:“Làm báo cũng là một nghề nghiệp. Một nửa nghề làm báo hàm có những cái tính chất văn học, xã hội v.v... nhưng một nửa là buôn bán”. Tuy nhiên, ông phân biệt rất rõ: Nếu cho rằng, nghề làm báo cũng là buôn bán đi chăng nữa, thì cũng chỉ một phần về ty quản lý mà thôi, “trong nghề làm báo còn một phần nữa về toà soạn, phần này thì quả không dính dấp gì với việc buôn bán, cho nên nó chẳng dung được cái ác ý nào cả” [59].
Ông phân tích về những biểu hiện của ác ý trong nghề báo, như chuyện báo này dùng áp lực cướp chủ của báo kia hay chuyện về việc ra số Tết, mà báo này lập kế làm cho báo kia trục trặc để mình ra trước. Theo ông “Ai có ác ý trong việc biên tập như đặt điều nói xấu cho kẻ khác, thì có thể bị toà án truy tố mà mắc vào tội phỉ báng. Còn ai không làm hại đến kẻ khác, chỉ lấy phải làm trái, lấy đen làm trắng, dù pháp luật không có quyền hỏi đến chớ cũng bị dư luận khinh rẻ hay là hình phạt bởi lương tâm” [59].
Những phân tích của ông về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Bởi vì, trên thực tế, công việc, nghề nghiệp nào cũng phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, với nghề báo, vấn đề đạo đức nghề nghiệp luôn được xã hội quan tâm và đòi hỏi cao, vì “nghề nghiệp báo chí không chỉ tác động và liên quan đến cộng đồng, đến đông đảo dân cư, mà còn quan trọng là việc tác động vào hệ thống giá trị tinh thần, tư tưởng, những quan niệm giá trị đạo đức và nhân phẩm, giá trị của con người trong mối quan hệ với dư luận xã hội” [19, tr.293]. Và, trong xã hội hiện đại,
khi Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, cùng với vai trò của báo chí đối với xã hội không ngừng tăng, thì vấn đề tăng cường đạo đức nghề nghiệp càng được đặt ra với yêu cầu cao, vì trong điều kiện này, quan hệ đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng đã dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
- Về vấn đề tự do ngôn luận
Trong điều kiện báo chí hoạt động dưới chế độ kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền bảo hộ, việc đề cập đến vấn đề tự do ngôn luận thật không đơn giản. Tuy nhiên, với phông kiến thức dày dặn về lý thuyết và thực tiễn vấn đề và sự tinh tế trong ngòi bút, Phan Khôi vẫn bàn về nội dung này, ngay trên mặt báo.
Trước tiên, bằng những hiểu biết của mình, ông đề cập quyền tự do ngôn luận ở nước văn minh (ở đây, ông lấy ví dụ ở nước Nhật). Trên tờ Đông tây, Hà Nội, số 125 (ngày 21-11-1931), Phan Khôi viết bài “Quyền ngôn luận tự do ở nước văn minh”. Bài báo bàn về ý kiến của một người Nhật về vụ xâm lược Mãn Châu: “Trong số báo của trường Đại học ấy ra ngày 5 Octobre mới đây, giáo thụ Hoành Điền có đăng một bài, đề là Vụ Mãn Châu với Vạn quốc hội, đại ý không phục cái cử chỉ của Chánh phủ Nhật trong vụ xuất binh Mãn Châu này, theo con mắt của nhà pháp luật học mà cải chánh lại, vì ông ấy là một nhà pháp luật học”. Ông phân tích, trong khi cả nước Nhật đồng tâm muốn chiếm Mãn Châu, thì việc có một người dám đứng ra, viết lên trên báo mà phản đối việc xâm lược ấy chắc chắn độc giả sẽ lấy làm lạ. Bởi vì, lẽ ra luận điệu ấy phải miệng người Tàu, không nữa thì cũng từ miệng người một nước trung lập nào mới phải. Sao một người ở trong đất nước, chung chịu một cái số phận với 50 triệu người kia, mà lại biểu đồng tình với bên địch, trở dáo đâm lại Chánh phủ mình, là lẽ gì?
Ông cũng giả định: “Con người ấy nếu ở trong đất Đại Nam này, hẳn là phải bị chúng dẫm lên mà chết bẹp cho đáng kiếp!” [57], và giải thích
nhưng mà không, ở nước văn minh như Nhật Bản, người ta không hẹp hòi đến thế. Người ta biết dùng dư luận. Người ta chịu cho cái lẽ phải đi trước luôn luôn. Tuy có cái dã tâm muốn tranh quyền lợi mặc lòng, cái quyền lợi sẽ tranh được ấy cả nước cùng hưởng mặc lòng, cũng không hề vì đó mà làm lu mờ cái lẽ phải. Ấy là cái quyền ngôn luận tự do của họ. Cái quyền ấy không những đối với Chánh phủ họ mà nhất là đối với xã hội họ, vì xã hội họ biết dung [57]. Bàn chuyện tự do ngôn luận ở nước văn minh như vậy, chính là để Phan Khôi đem ra so sánh với nước nhà “Trong nước Việt Nam ta, cái sự xã hội kiềm chế dư luận thật quá là nghiêm khắc. Cái xã hội này, không phải nói thừa, thật là không biết dung dư luận” [57]. Rất thẳng thắn, ông đưa ra quan điểm:
trong nước Nam ngày nay, đừng nói sự ngôn luận không được tự do, dầu cho Chánh phủ có cho tự do đi nữa là cũng chưa có thể nẩy ra cái dư luận chánh đáng được. Hỏi tại cớ gì? Thưa rằng tại xã hội hay nể mích lòng, hay vị tình diện, không chịu để cho cái lẽ phải nó đi trước, thì nhà ngôn luận phải chiều theo xã hội mà bợ hót, còn không chiều thì giữ mực làm thinh, chớ có dám nói thẳng đâu mà hòng mong cái dư luận chánh đáng sinh sản ra? [57].
Ông khẳng định, nước văn minh không hề như vậy. Nhà ngôn luận của họ không hùa theo phần đông để vê tròn bóp bẹp lẽ phải, sự thật khách quan được tôn trọng. Ông phân tích: “Cái xã hội Nhật là cái xã hội ăn ở với nhau bằng lý trí, cũng như xã hội Pháp hay là xã hội Anh; thành ra ai thấy điều gì phải, được đem ý kiến riêng phô bầy ra, dầu phản đối với cả nước cũng không sợ họ xúm nhau mà công kích. Vì họ chịu suy xét, họ biết phán đoán, chỉ coi cái điều người ấy phô bầy ra đó có thật là phải hay không, chứ họ không có thói cảm tình tác dụng, hễ thấy nói nghịch cùng mình một cái, ấy là hè nhau ô lên mà công kích rồi”. Ông bày tỏ nguyện vọng, cũng là thể hiện quan điểm về vấn đề tự do ngôn luận nước nhà: “Văn minh thay cái xã hội ấy! Tôi thấy nó mà thèm, ước gì bưng được nó mà để vào giữa chúng ta!” [57].
Để bàn sâu hơn nữa về quyền tự do ngôn luận ở nước ta, ông viết bài “Quyền ngôn luận của ta nếu có chăng, sẽ sản sinh sau khi lập hiến”, đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 131, ngày 12-12-1931.
Bài báo bàn về sự kiện chính quyền bảo hộ cho phép bỏ sở kiểm duyệt, “các báo Tây, Nam ở xứ này đều đã đồn vang lên rằng rồi đây người Việt Nam ngôn luận sẽ được tự do”. Ông khẳng định: “như vậy, chưa phải là ngôn luận tự do đâu; chúng ta chưa có được cái quyền ấy đâu. Chớ vội tưởng mà lầm. Thậm chí nếu thi hành luôn một lần hai việc: Sở kiểm duyệt đã bỏ, sự lập báo lại không cần xin phép nữa, là chúng ta cũng chưa được quyền ngôn luận tự do đâu vậy” [58].
Bằng những lập luận chặt chẽ, ông làm rõ sự khẳng định của mình, để trả lời cho những băn khoăn, rằng khi Chính phủ (chính quyền bảo hộ) cho phép, báo chí muốn nói gì thì nói, tại sao vẫn không được cho là tự do ngôn luận? Theo ông, quyền tự do như vậy là không có gốc. Cụ thể là “chớ tưởng rằng sau khi quan Toàn quyền ra một cái nghị định, bãi sở kiểm duyệt, ấy là nhà ngôn luận Việt Nam được quyền tự do, chớ tưởng vậy mà lầm. Quyền ngôn luận tự do không hề bởi một ông quan thủ hiến ban cho mà có được, nó không khi nào sản sinh ra bởi một cái nghị định” [58]. Ông nêu tư tưởng tiến bộ của các nước phát triển về vấn đề này: Ở các nước văn minh, quyền ngôn luận tự do cho đến các quyền tự do khác nữa cũng đều sản sinh ra bởi hiến pháp. Hiến pháp quy định nhân dân có quyền đó thì nhân dân có quyền đó, chứ không phải bởi một người nào ban cho. Hiến pháp đã sản sinh ra quyền ngôn luận tự do được rồi, nhưng nếu nó không được thực hiện đúng thì sao? Vì lẽ đó nên còn phải có pháp luật để bảo hộ nó nữa. “Hiến pháp Nhật Bản, điều thứ 20, nói rằng: Thần dân Nhật Bản, ở trong phạm vi pháp luật, có quyền tự do được ngôn luận, xuất bản, v.v.”. Và mở rộng hơn thế nữa “Mà chẳng những Nhật Bản, trong hiến pháp nước nào cũng vậy, cũng có một điều nói riêng về quyền ngôn luận tự do từa tựa như thế (Xem điều thứ 10 và 11 trong bản tuyên bố nhân quyền của nước Pháp).
Từ những phân tích, lập luận trên, ông một lần nữa khẳng định: “Về quyền ngôn luận tự do, hiến pháp đã nhìn nhận cho nhân dân có quyền ấy rồi; nếu nhân dân ở trong phạm vi pháp luật mà ngôn luận, thì không ai được xâm phạm tới. Như vậy là còn có pháp luật nữa để bảo hộ cho cái quyền mà hiến pháp đã nhận nhìn cho. Hiện nay xứ ta chưa có hiến pháp, cái quyền tự do ấy không ai nhìn nhận cho, nó đã không từ đâu sản sinh ra được; mà cũng chưa có luật riêng về việc làm báo, thì dầu có quyền ấy chăng nữa, nó cũng chẳng có cái gì bảo hộ cho. Thế thôi, còn nói chuyện gì! Cái quyền ngôn luận Việt Nam có hay không, không ở trong thời kỳ phế kiểm duyệt này mà ở trong thời kỳ lập hiến sẽ tới”.
Ngay từ khi nền báo chí Việt Nam vừa ra đời, mọi vấn đề liên quan đến báo chí và hoạt động báo chí còn quá mới mẻ trong xã hội, trong công chúng, mà Phan Khôi đã có những phân tích thấu đáo, mang tính bản chất của nghề báo, của hoạt động báo chí như trên, có thể nói, đó là những tư tưởng xuất chúng. Và, quan trọng hơn, những quan điểm của ông về tự do ngôn luận, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Những quan điểm này rất gần với những tổng kết trong phát triển lý luận báo chí, đó là những vấn đề lý thuyết về tự do và tự do báo chí: “Không thể và không bao giờ có tự do tuyệt đối. Trong hoạt động xã hội, tự do chỉ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và hệ thống giá trị văn hóa, do pháp luật và hệ giá trị ấy quy định. Đối với hoạt động báo chí, tự do báo chí phải tuân thủ trật tự của pháp luật, do pháp luật quy định - tối thượng là hiến pháp”[19, tr.243].