Thực hiện dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hộ

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam (Trang 104 - 110)

Thực hiện dân chủ là một trong những nội dung cơ bản của nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Đảng ta coi dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng đất nước. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là biện pháp không thể thiếu được trong quá trình tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đại hội đảng X đã ghi nhận “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân” [10, tr.44].

Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, đây là sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Hiến pháp thể hiện những nội dung mới quan trọng nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); quy định đầy đủ, rõ nét về chủ thể là Nhân dân trong Hiến pháp, về quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân. Ngay Lời nói đầu Hiến pháp 2013 thể hiện: "... Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đã thể hiện rõ trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: "1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của nhân dân trong Hiến pháp là nhà nước

100

của dân, do dân và vì dân, đồng thời thể hiện đất nước Việt Nam là do chính nhân dân làm chủ, nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước [2]. Để cụ thể hóa những điều đó, theo tôi cần phải nắm vững một số vấn đề có tính giải pháp sau đây:

Trước tiên, phải luôn luôn quán triệt quan điểm dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Quyền lực chính trị của nhân dân không được bảo đảm sẽ dẫn tới tình trạng người dân thờ ơ, lãnh đạm đối với xã hội, suy giảm tính tích cực chính trị - đó chính là đầu mối làm suy giảm và đánh mất tiềm năng sáng tạo, mất động lực để phát triển. Khi dân chủ được bảo đảm, con người và các quan hệ xã hội sẽ trở nên cởi mở và năng động hơn. Động lực sâu xa cho mọi sự phát triển chính là nhân tố con người.

Thứ hai, phải thực hiện dân chủ trong Ðảng, trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể xã hội; đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả vận hành của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình dân chủ hóa, trước hết phải tiến hành dân chủ hóa trong Ðảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình. Các tổ chức Ðảng, cũng như từng đảng viên, đều phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Nếu trong nội bộ đảng không có dân chủ thì không thể nói đến dân chủ ngoài xã hội. Phải thực hiện dân chủ hóa và xóa bỏ bệnh hình thức ngay từ khâu bầu cử các cơ quan lãnh đạo các cấp của Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội. Hoạt động của các thành viên trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng cùng nhau tạo ra một sức mạnh tổng hợp để nhằm đạt mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, khẳng định trên thực tế quyền lực chính trị thật sự thuộc về nhân dân lao động.

Thứ ba, các thể chế dân chủ phải được bảo đảm bằng pháp luật. Ngay từ hoạt động xây dựng luật cần phải dân chủ hóa, minh bạch hóa, thu hút nhân dân tham gia sâu rộng vào quá trình soạn thảo các dự án luật. Cần nhận thức sâu sắc rằng, nhân dân là chủ thể sáng tạo pháp luật, từ đó phải tạo ra năng

101

lực chủ thể sáng tạo pháp luật cho nhân dân, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho nhân dân. Khẩn trương xây dựng một số luật mới nhằm mở rộng hành lang pháp lý để nhân dân tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội như Luật trưng cầu ý dân và Luật phản biện xã hội. Quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân cùng các quyền chính trị cơ bản khác là biểu hiện trực tiếp cao nhất nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Cơ quan nhà nước các cấp mở rộng các hình thức tham khảo ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách pháp luật. Cần cải tiến việc lấy ý kiến nhân dân về các văn bản pháp luật theo hướng thiết thực và không mang tính hình thức. Các cơ quan nhà nước cần tổ chức hội nghị nhân dân hoặc đại biểu nhân dân các cấp cơ sở để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trên địa bàn dân cư, tổng hợp dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết để nâng cao công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước, để nhân dân tham gia rộng rãi vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân cần được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển, nhằm đảm bảo cho nhân dân thực sự là chủ đất nước; mọi chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước đều xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của con người. Mở rộng dân chủ phải gắn liền với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế của Nhà nước. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các luận điệu về dân chủ của các thế lực phản động bên ngoài cũng như của các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn ở trong nước; cần nâng cao trình độ dân chủ cho nhân dân, phải tiếp tục đổi mới cơ chế để nhân dân phát huy quyền làm chủ.

Thứ năm, phải đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở. Việc bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở và từ cơ sở là vấn đề rất quan trọng. Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, là nơi sinh sống, lao động sản xuất, công tác, nơi diễn ra tiếp xúc và mối quan hệ nhiều mặt

102

giữa các tầng lớp nhân dân với đảng bộ chính quyền, công chức điều hành xử lý công việc thường ngày... Do vậy, cần phải xây dựng chế độ dân chủ bắt đầu từ cơ sở, từ nền tảng của hành chính với sự tham gia thật sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước.

Qua một thời gian thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chúng ta đã thấy rõ được những hiệu quả thiết thực. Quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm trên thực tế ở những lĩnh vực cần thiết. Nhiều vụ việc ở cơ sở được nhân dân đấu tranh làm sáng rõ; cán bộ, đảng viên được theo dõi, nhắc nhở, do đó đã hạn chế đáng kể các hành vi tiêu cực. Hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều nơi được củng cố; nhân dân phấn khởi, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng, đòi hỏi phải thường xuyên nghiên cứu và tổng kết các mô hình thực tiễn để đổi mới và vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện nhằm đưa Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống một cách vững chắc. Trong giai đoạn hiện nay, đây là việc làm có ý nghĩa quyết định những thắng lợi tiếp theo của công cuộc đổi mới.

Thứ sáu, phải không ngừng nâng văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ và năng lực thực hành dân chủ của quần chúng nhân dân lao động. Mọi quyền lực thuộc về nhân dân, phải do nhân dân tự tay mình thực hiện, đó là nguyên lý và nội dung của nền dân chủ XHCN. Nền dân chủ đó vì vậy, sẽ phụ thuộc vào nền tảng xã hội sâu, ý thức chính trị của nhân dân và khả năng của nhân dân tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Các yếu tố bảo đảm đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi mà trình độ văn hóa chính trị của nhân dân đạt được ở những mức độ nhất định và ngày càng được nâng cao. Thực tế là, chỉ khi nào người dân tự giác nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, tự giác tham gia công việc nhà nước, công việc xã hội, hoạt động với tư cách là người chủ lúc đó mới có điều kiện thực hiện dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh

103

đưa ra một nguyên tắc hoạt động chính trị: "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Không có tri thức người dân sẽ không bảo vệ được lợi ích của mình, sẽ hành động một cách tự phát và sẽ bị mất phương hướng trong đời sống chính trị, lúc đó dân chủ chỉ còn là một thứ dân chủ hình thức [25].

Thứ bảy, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Xem xét, nghiên cứu lập trang web về khiếu nại, tố cáo, nhằm tránh tình trạng quá tải đơn thư khiếu nại hoặc tụ tập khiếu nại tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ tám, cải tiến chế độ tiếp xúc, báo cáo của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân với cử tri, tạo điều kiện cho nhân dân không chỉ phản ánh nguyện vọng của mình mà còn tham gia nhận xét, đánh giá hoạt động của đại biểu dân cử, của cơ quan nhà nước, Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tóm lại, dân chủ là điều kiện, tiền đề và cũng là một nội dung trong nội hàm của khái niệm nhà nước pháp quyền. Chính vì lẽ đó, để xây dựng nhà nước pháp quyền, cần phải mở rộng nền dân chủ. Dân chủ hóa xã hội là điều kiện tiên quyết để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện đại. Đối với nước ta, dân chủ hoá xã hội còn là biện pháp quan trọng để đẩy nhanh sự phát triển của đất nước, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với thế giới.

3.2.6. Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những

hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã hao tâm, tổn trí rất nhiều vào việc tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, đưa ra những tuyên bố cứng rắn và mở những chiến dịch rộng rãi để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, song hiệu quả còn xa so với yêu cầu của sự phát triển và đòi hỏi của nhân loại tiến bộ. Bởi vậy, phòng, chống tham nhũng luôn được coi là nhiệm vụ cấp bách của mọi nhà nước. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

104

3.2.6.1.Nhận thức đúng tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống

quan liêu, tham nhũng và những tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp và trầm trọng của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, việc tăng cường phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một trọng trách cấp bách, to lớn và nặng nề. Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã thông qua Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện quyết tâm chính trị không thể lay chuyển, một quyết sách mạnh mẽ và triệt để của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vì sự phát triển phồn vinh và bền vững của đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Tệ tham nhũng làm tha hóa phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, phức tạp, khiến cho nhân dân lo lắng, bất bình và nguy hiểm hơn, nó làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta; làm xấu đi hình ảnh, uy tín của Đảng ta, đất nước ta trên trường quốc tế... Hiện nay, tham nhũng, lãng phí không những là thách thức lớn trên con đường phát triển của đất nước mà còn thật sự là nguy cơ lớn đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội và sự sống còn của chế độ xã hội ta.

Trọng trách trước hết và có ý nghĩa đột phá, đi trước mở đường thắng lợi của cuộc đấu tranh này là, chúng ta cần thấu triệt trong nhận thức thật sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, lãng phí; tính chất cam go, quyết liệt, lâu dài và sống còn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với sự ổn định và phát triển đất nước, đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Phải gắn chặt việc phòng, chống tham nhũng với sự tích cực và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Nếu không, tất sẽ rơi vào thảm trạng "chỗ hà ra chỗ hổng", "gió thổi vào nhà trống". Tất cả chúng ta, không trừ một ai, một cấp, một ngành, một tổ chức nào, từ trong

105

Đảng, Nhà nước tới toàn xã hội phải ý thức một cách sâu sắc rằng, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí, không thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, càng không thể tận dụng được thời cơ, vượt qua được những thách thức to lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác cũng không thể giữ vững ổn định chính trị - xã hội, không thể củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng ta, chế độ xã hội ta. Hơn lúc nào hết, đó phải là phương châm chỉ đạo về nhận thức tư tưởng và hành động chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam (Trang 104 - 110)