bối cảnh hiện nay
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức, sự tác động của KH- CN đã làm cho thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc và thường xuyên. Cùng với sự bùng nổ của CNTT, việc tiếp cận với tri thức nhân loại hiện nay rất thuận tiện, nhanh chóng và khối lượng lớn. Để thích ứng với thực tế đó, xu hướng của giáo dục phổ thông phải chuyển từ việc truyền thụ tri thức sang việc dạy cho HS khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề và hợp tác với nhau. Để làm được điều đó, bản thân người GV phải tự thay đổi, tự rèn luyện, bồi dưỡng để đáp ứng kịp với những đòi hỏi của nền giáo dục hiện đại. Đây chính là những thách thức rất lớn đối với người GV nói chung và GV THPT Chuyên nói riêng, cụ thể là:
(1) GV phải có kĩ năng tự học, tự nghiên cứu: Cuộc cách mạng KH-CN đang bùng nổ cùng với khối lượng tri thức khổng lồ của nhân loại đang có những tác động sâu sắc đến toàn bộ các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của máy vi tính và CNTT, cơ hội tiếp cận tri thức của mỗi GV đều bình đẳng với nhau. Điểm khác nhau cơ bản là khả năng tiếp cận, phát hiện và giải quyết vấn đề. Những kỹ năng đó một phần được bồi dưỡng nhờ vào quá trình tự học. Tự học cần được xem là một phẩm chất quan trọng của giáo viên. Do vậy, giáo viên trước hết phải là người biết tự học.
(2) GV phải có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin: Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc học của HS đã có nhiều thay đổi. Thói quen học thuộc một cách thụ động nhường chỗ cho việc tự tìm tòi, khám phá. GV không thể bằng lòng với những thông tin có sẵn trong sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Internet là nguồn thông tin không thể thiếu được của người làm nghề dạy học.
(3) GV phải có kĩ năng hợp tác trong dạy học: Một trong 4 trụ cột của giáo dục thế kỉ 21 do UNESCO đề xướng là “học để sống cùng nhau”. Thế giới đòi hỏi sự liên kết toàn cầu trong nhiều lĩnh vực do sự thu hẹp khoảng cách không gian nhờ vào CNTT; nhiều giá trị nhân bản phổ biến đã trở thành nét chung của nhiều dân tộc. Trong phạm vi cụ thể, sự hợp tác tạo nên nhiều thành
tựu quan trọng đối với mỗi cá nhân. Kĩ năng hợp tác cần được rèn luyện ở mỗi GV, GV lại dạy cho HS cách hợp tác trong học tập và cuộc sống.
(4) GV phải luôn tự bồi dưỡng kĩ năng giải quyết vấn đề: Cuộc sống của con người, suy cho cùng, là một chuỗi liên tục giải quyết vấn đề. Càng giải quyết tốt các vấn đề bao nhiêu, chất lượng cuộc sống của con người càng có nhiều cơ hội được nâng cao bấy nhiêu. Giải quyết các vấn đề trong các bài học ở nhà trường cũng nên xem như giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Để làm được điều đó, GV cần phải luôn tự rèn luyện và bồi dưỡng kĩ năng giải quyết vấn đề, làm nền tảng tổ chức, hướng dẫn HS thực hành tốt kĩ năng giải quyết vấn đề cho bản thân.
(5) GV phải sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ trong giao tiếp: trong xu thế hội nhập quốc tế, nhất là khi cuối năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập mà Việt Nam là một thành viên tích cực. Vấn đề giao lưu, hợp tác trong hội nhập quốc tế là điều tất yếu và ngoại ngữ là phương tiện để thực hiện điều đó. Thông qua quá trình trình giao lưu, hợp tác, GV và HS sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận được với các nguồn tài trợ quốc tế cho học tập, nghiên cứu và phát huy năng lực sáng tạo. Do vậy, GV phải là người có kỹ năng sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ thông dụng (tiếng Anh), đồng thời cũng là nguồn động viên, khuyến khích HS noi theo trong học tập và trau dồi kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.
Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với đội ngũ GV trường THPT Chuyên. Nhìn từ góc độ xã hội thì phần lớn vấn đề dừng ở mức khó khăn và có thể từng bước khắc phục. Nhưng với 5 vấn đề nêu trên, thực sự đây là những thách thức rất lớn đối với trường THPT Chuyên nói riêng. Để vượt qua được những thách thức này, cần phải có sự nổ lực rất lớn của bản thân mỗi GV và sự hỗ trợ, giúp sức của nhà trường và các cơ quan, Ban, Ngành liên quan thông qua việc ban hành những chính sách hợp lý, kịp thời và hiệu quả.