CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
3.1. Cơ sở đề xuất giải pháp
3.1.1 Quan điểm, định hướng của Nhà nước
Trong những năm vừa qua, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của loại hình dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, hay còn gọi là dịch vụ Logistics, các cơ quan Nhà nước đã có những quan điểm và đưa ra định hướng chính của nhà nước là hình thành dịch vụ trọn gói 3PL, phát triển logistics điện tử cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện. Cùng với định hướng trên là những điều chỉnh của Nhà nước về việc thực hiện như sau:
Thứ nhất, chính phủ thực hiện chính sách bình ổn giá đối với các dịch vụ bốc xếp tại cảng và sẽ áp dụng một mức giá chung tại các cảng trong cả nước. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển giảm được các chi phí tại cảng.
Thứ hai, về kết cấu hạ tầng, Việt Nam chủ trương dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển. Về hệ thống cảng biển cũng được đầu tư với quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển cơ cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tính kết nối và tạo thuận lợi cho Logistics, trong đó chú trọng phát triển hệ thống vành đai kinh tế, cải tạo và nâng cấp các tuyến luồng, cảng bến cảng thủy nội địa. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận thuận lợi hơn trong việc chuyên chở hàng hóa, hạn chế các rủi ro phát sinh.
Thứ ba, về những cam kết quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ có liên quan đến logistics: Trong phân loại các ngành/phân ngành dịch vụ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không có khái niệm dịch vụ Logistics. Các hoạt động logistics cụ thể thực tế nằm trong các phân ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải, thuộc ngành dịch vụ
85
vận tải. Gia nhập WTO, liên quan đến dịch vụ logistics, Việt Nam đã cam kết mở cửa các phân ngành sau: dịch vụ xếp dỡ container; dịch vụ thông quan; dịch vụ kho bãi; dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa; các dịch vụ thực hiện thay mặt cho chủ hàng (bao gồm các hoạt động kiểm tra vận đơn; dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa; giám định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; giám định hàng hóa; dịch vụ nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải). Theo các cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết cho phía nước ngoài được thiết lập các doanh nghiệp liên doanh, với tỷ lệ góp vốn 49-51% trong các dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi,... Đến năm 2014, tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài tăng lên 100%. Việc mở rộng các phân ngành và thiết lập các doanh nghiệp liên doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận mở rộng phạm vi hoạt động của mình cũng như phát triển thị trường giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách, chính phủ đã có những điều chỉnh dịch vụ logistics như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Cạnh tranh 2004, Luật Hải quan sửa đổi 2005 và các quy định chuyên ngành khác. Theo như cam kết và lộ trình hội nhập các lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành quản lý cũng đã có ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải, cảng biển, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế... Trong đó đặc biệt các quy hoạch về giao thông vận tải, cảng biển, vận tải biển, vận tải đường bộ, đường thủy..., các cảng cạn, khu logistics... đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã ra đời. Các hành lang pháp lý nêu trên có tác động tích cực đến phát triển thị trường dịch vụ logistics, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh của các công ty giao nhận.
Với những định hướng cũng như những điều chỉnh của Nhà nước như trên, sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là đường biển sẽ có những bước đệm tốt trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Các công ty kinh doanh hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển cần nắm bắt kịp thời những quy định của chính phủ đối với ngành vận tải và giao nhận hàng hóa.
86