Thế giới thực tại được phản ánh qua định danh của từ

Một phần của tài liệu Đặc điểm từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An (Trang 58 - 60)

- Với nghề làm nước mắm

3.1.2.Thế giới thực tại được phản ánh qua định danh của từ

Định danh, theo G.V.Kolsanxki là Sự cố định (hay gắn) cho một kí hiệu ngôn ngữ, một khái niệm – biểu niệm phản ánh những đặc trưng nhất định của một biểu vật – các thuộc tính, phẩm chất và quan hệ của các đối tượng và quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần, nhờ đó các đơn vị ngôn ngữ tạo thành những yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn từ. Đồng thời tác giả cũng cho rằng Bất kì kí hiệu ngôn ngữ nào cũng biểu thị những thuộc tính đã được trừu tượng hóa của các sự vật cụ thể, và do vậy, bao giờ cũng được gắn với một lớp đối tượng hay một loạt hiện tượng...

Mỗi sự vật hiện tượng của đời sống xã hội đều có một hệ thống thuộc tính và mối liên hệ khác nhau. Chúng tạo thành những biểu tượng khá đa dạng, phức tạp trong ý thức chúng ta, nghĩa là tạo nên những hiểu biết trong chúng ta về đối tượng. Việc định danh một đối tượng nào đó thể hiện trước hết ở việc tìm thấy một đặc trưng nào đó của sự vật làm cơ sở cho việc gọi tên sự vật. Những đặc trưng này thường là những đặc trưng tiêu biểu, dễ khu biệt với những đối tượng khác và đặc trưng ấy đã có tên gọi trong ngôn ngữ.

Vấn đề lựa chọn đặc trưng nào làm cơ sở để định danh, một số nhà ngôn ngữ học cho rằng, thường người ta chỉ lựa chọn một trong những đặc trưng quan trọng, cơ bản để định danh. Đặc trưng có thể được lựa chọn là một trong số đặc trưng cơ bản, quan trọng thuộc bản chất sự vật, mà cũng có thể là thuộc tính không căn bản, miễn là đặc trưng được chọn có gía trị khu biệt sự vật này với sự vật kia.

Hơn nữa, chọn lựa đặc trưng nào phản ánh để khu biệt các sự vật bằng tên gọi không chỉ phụ thuộc vào đặc điểm khách quan của sự vật mà còn do yếu tố chủ quan của con người, như nhận thức, thói quen tâm lí, văn hóa bản ngữ. Trong sự nhận thức, phản ánh thực tại, con người là trung tâm của sự tri nhận thực tại đó. Trong ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ cũng như các phương ngữ đều phản ánh một cách hình dung, một cách chọn lựa về thực tế khách quan của cộng đồng văn hóa dân tộc đó, địa phương đó. Cho nên, phân tích ngôn ngữ không chỉ là phân tích cấu trúc, chức năng của tín hiệu trong hệ thống mà còn có thể phân tích chúng trong quan hệ với thực tại phản ánh. Ta có thể thấy qua một số cách gọi tên sự vật của người Việt:

Để gọi tên một loại cây cảnh cỡ nhỏ, thân có gai, lá kép có răng, hoa màu hồng, hương thơm, quá trình định danh diễn ra như sau: dựa vào đặc trưng được tách ra như trên, người việt quy nó vào khái niệm đã có tên gọi trong ngôn ngữ là hoa (cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm); dựa vào đặc trưng màu sắc đập vào mắt là màu

hồng nên có tên gọi là hoa hồng; nhưng khi thấy màu sắc của loài hoa này còn có nhiều màu khác như trắng, đỏ, vàng nên lại có thêm các tên gọi mới là

hoa hồng bạch, hoa hồng nhung, hoa hồng vàng. Do vậy, hoa hồng trở thành tên goi chung cho một loài hoa.

Để phản ánh một loại cá nước ngọt quen thuộc với người Việt, ngôn ngữ toàn dân gọi là cá quả, nhưng mỗi miền lại có những tên gọi khác nhau: miền Nam gọi là cá lóc, miền Bắc gọi là cá chuối, miền Trung gọi là cá tràu, đặc biệt ở Nghệ An lại dùng bốn tên gọi khác nhau phản ánh bốn giai đoạn phát triển của nó: mới nở gọi là cá ma ma, lớn bằng ngón tay gọi là cá tràu cóc, lớn bằng cán liềm gọi là cá tràu đô, ở thời kì phát triển cao nhất, ổn định về kích thước gọi là cá tràu.

Qua tên gọi của các từ phái sinh có ý nghĩa định danh loại biệt, chỉ các loại nhỏ trong một loại lớn như vậy, ta thấy sự phân cắt thế giới thành những mảnh đoạn cụ thể, tỉ mỉ như thế là phản ánh thực tế phong phú của đối tượng

sự vật, phản ánh tính chất gần gũi gắn bó quen thuộc của hiện thực nghề cá đối với đời sống con người. Và đằng sau sự phản ánh đó phải chăng ẩn chứa cách nhìn, cách tư duy cụ thể tỉ mỉ của người Nghệ?

Khi nghiên cứu phương ngữ Nghệ Tĩnh, ở phương diện cụ thể, chúng ta có thể đi vào các trường từ vựng, các lớp từ, bằng cách đối chiếu với ngôn ngữ toàn dân hoặc phương ngữ khác ở góc độ định danh, xét từ ngữ trong quan hệ với phản ánh thực tại để thấy được đặc điểm chung và những nét riêng về ngữ nghĩa, văn hóa, phương thức định danh. Từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An mà chúng tôi khảo sát sau đây là một áp dụng cụ thể theo hướng này.

Một phần của tài liệu Đặc điểm từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An (Trang 58 - 60)