Về chức năng định danh của từ

Một phần của tài liệu Đặc điểm từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An (Trang 55 - 58)

- Với nghề làm nước mắm

3.1.1. Về chức năng định danh của từ

Nếu thừa nhận rằng, xét về mặt chức năng, từ là những đơn vị định danh – tức là những đơn vị dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, quá trình... thì vốn từ là hệ thống của các đơn vị định danh.

Lâu nay trong nghiên cứu ngôn ngữ, nói về chức năng của các đơn vị, người ta thường cho rằng từ có chức năng định danh, câu có chức năng thông báo.

Ví dụ:

- Từ cày (cái cày) có chức năng định danh: “dụng cụ để lật đất chuẩn bị trồng trọt”. Câu Tôi đi cày có chức năng thông báo về “hoạt động của con người sử dụng công cụ là cày”.

- Từ nhà (cái nhà) có chức năng định danh: “công trình xây dựng, có mái, có tường vách, dùng để ở hay dùng vào một việc gì đó”. Câu Cái nhà này cao có chức năng thông báo về “độ cao của cái nhà này so với độ cao của các nhà phổ biến hoặc so với cái nhà thấp hơn”.

Thực ra cần phải thấy rằng, đó chỉ là chức năng chủ đạo của các đơn vị này. Bên cạnh đó chúng còn có các chức năng khác.

Ví dụ: Đầu (là từ trong chải đầu) có chức năng định danh là “bộ phận trên hết của cơ thể người, trước hết của vật, có chữa não”; đầu (là câu trong

Đầu! Mày là đứa bã đậu) có chức năng thông báo, có thể hiểu nghĩa là “người kém cỏi”.

Cần thấy, về chức năng của các đơn vị, không có sự đối lập tuyệt đối hóa. Từ là đơn vị kiêm bậc, cũng như câu, chúng đều là những đơn vị đa diện. Do vậy, bên cạnh chức năng định danh là cơ bản, từ còn có chức năng thông báo. Cũng như vậy, bên cạnh chức năng thông báo là cơ bản, câu còn có chức năng định danh. Tuy nhiên, về định danh, từ có chức năng định danh sự vật còn câu có chức năng định danh cảnh huống. Như vậy, chức năng định danh của câu và từ hoàn toàn khác nhau.

Về định danh của từ, xét về mặt hình thái cũng cần thấy có nhiều loại. Khi nói tới đơn vị định danh, người ta phân biệt đơn vị định danh gốc (bậc 1) và đơn vị định danh phái sinh (bậc 2).

- Đơn vị định danh gốc là những từ tối giản về hình thái cấu trúc, mang nghĩa đen, được dùng làm cơ sở để tạo ra những đơn vị định danh khác.

- Đơn vị định danh phái sinh là những đơn vị thường có đặc trưng hình thái cấu trúc phức tạp hơn đơn vị gốc, mang nghĩa biểu trưng (dưới hình thức ẩn dụ hay hoán dụ).

Với chức năng định danh, từ đồng thời cũng là một thành tố văn hóa. Vì vậy, từ mang trong mình những nét đặc trưng về văn hóa. Nói cách khác, ở phương diện này, từ và các cụm từ cố định được coi như là một thực thể văn hóa, trong đó yếu tố làm bộc lộ các biểu hiện về văn hóa là các đặc trưng ngữ nghĩa. Tìm hiểu từ vựng từ góc độ định danh là tìm hiểu lớp văn hóa ẩn sau từng con chữ - đó là phong tục tập quán, lối sống nếp nghĩ, phép ứng xử của mỗi tộc người.

Giáo sư Đỗ Hữu Châu trong Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb GD, H.1999, khi bàn về “chức năng định danh của các ngôn ngữ” cũng cho biết “trong những luận điểm ngôn ngữ học của trường phái Praha viết: Từ theo quan điểm chức năng, là kết quả của hoạt động định danh của ngôn ngữ đôi khi có liên hệ mật thiết với hoạt động ngữ đoạn ... Nhờ hoạt động gọi tên, ngôn ngữ phân chia thực tế (không kể là thực tế bên trong hoặc bên ngoài, cụ thể hay trừu tượng) thành những yếu tố được xác định bởi ngôn ngữ”. Ông còn khẳng định thêm: Tên gọi xuất hiện là do nhu cầu phân biệt các sự vật ở ngoại giới với nhau. Chúng vừa là kết quả của sự phân biệt, đồng thời cũng là phương tiện để củng cố sự phân biệt. Mà phân biệt được là nhận thức được, phân biệt là bước đầu của nhận thức, của tư duy. Nhờ các tên gọi con người có những bàn đạp để từ những nhận thức cũ tiến lên những nhận thúc cao hơn. Như vậy, Đỗ Hữu Châu cho rằng định danh liên quan đến tư duy văn

hóa của con người, nói cách khác, nó phản ánh tư duy và nhận thức của con người trong đó. Đó là sự tri nhận, là góc nhìn của chủ thể gọi tên.

Trong vốn từ tiếng Việt, lớp từ nghề nghiệp mang bản sắc văn hóa rất rõ nét của từng vùng miền. Vì thế, khảo sát từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An dưới góc độ định danh chính là phần nào phản ánh được những nét văn hóa biển của cộng đồng cư dân sống bằng nghề chài lưới.

Một phần của tài liệu Đặc điểm từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w