0
Tải bản đầy đủ (.doc) (129 trang)

Từ chỉ nghề biển là từ thuần Việt

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TỪ NGỮ CHỈ NGHỀ BIỂN CỦA CƯ DÂN NGHỆ AN (Trang 44 -46 )

- Với nghề làm nước mắm

2.3.1. Từ chỉ nghề biển là từ thuần Việt

“Từ thuần Việt” là một khái niệm chưa được hiểu thống nhất trong giới nghiên cứu. Nếu cho rằng từ thuần Việt là những từ do người Việt tạo ra và sử dụng thì cách hiểu này không chính xác về khoa học (vì ngôn ngữ có trước, khái niệm dân tộc có sau, nhiều dân tộc ở Nam Á, trong đó có Việt trước đây cùng nói một thứ tiếng), đồng thời trong thực tế cũng không có căn cứ để xác định đâu là từ thuần Việt.

Xu hướng chung hiện nay cho rằng, ngoài những từ có thể xác định là tiếng Việt vay mượn của tiếng Hán và các ngôn ngữ Ấn – Âu, tất cả các trường hợp còn lại thường được gọi là từ thuần Việt. Như vậy, từ thuần Việt được quan niệm là những từ người Việt dùng quen thuộc, dễ hiểu. Từ thuần Việt thường trùng với bộ phận từ vựng gốc của tiếng Việt, chúng biểu thị những sự vật, hiện tượng cơ bản nhất, tồn tại từ rất lâu đời. Từ thuần Việt có một bộ phận khá lớn các từ có sự tương ứng với tiếng Mường, Tày – Thái, Môn – Khơme.

Như vậy, theo cách hiểu trên thì việc khảo sát tìm hiểu vốn từ thuần Việt cũng gặp không ít khó khăn, bởi có những từ người Việt dùng quen thuộc, dễ hiểu nhưng đó lại là những từ vay mượn đã được Việt hóa. Ở đây, khi khảo sát từ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An về nguồn gốc, chúng tôi cũng dựa vào cách nhận diện cơ bản ấy (phương pháp loại trừ: trừ những từ có nguồn gốc vay mượn từ tiếng Hán và Ấn – Âu, còn lại là từ thuần Việt). Đối với nghề đánh cá, qua khảo sát, chúng tôi thống kê được 696 từ thuần Việt trên tống số 707 từ, chiếm 98.45%.; nghề làm muối và làm nước mắm, 100% là từ thuần Việt.

Như vậy trong vốn từ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An, từ thuần Việt chiếm một tỉ lệ cao, gần tuyệt đối (trong khi vốn từ thuần Việt trong tiếng Việt từ chỉ chiếm chưa đầy 40%). Nguyên nhân cơ bản là do vốn từ chỉ nghề biển mang đặc trưng ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời của cha ông, nó ra đời khi chưa có sự tác động mạnh mẽ của tiếng Hán, nghề này cũng như cư dân làm nghề biển ít chịu sự tác động của các yếu tố Hán Việt và yếu tố

gốc Ấn –Âu. Thói quen sinh hoạt, giao tiếp gắn bó đóng khung trong làng nghề là thứ vô hình làm cho vốn từ nghề biển ít có sự tiếp nhận đơn vị mới. Khi mà tiếng Hán bắt đầu có sự tác động mạnh đến tiếng Việt, khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển với những công cụ, phương tiện hiện đại thì việc giao lưu ngôn ngữ với quá trình vay mượn từ của các ngôn ngữ khác là một tất yếu. Song do nghề biển với những đặc riêng của ngành nghề truyền thống luôn mang tính ổn định, bền vững, ít chịu sự chi phối, tác động của lịch sử xã hội nên cơ bản vốn từ vẫn được lưu giữ, ít xảy ra hiện tượng vay mượn từ ngữ.

Thực tế trên càng khẳng định rõ hơn lớp từ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An là vốn quý của bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần dân tộc, vì thế cần được lưu giữ và phục hồi, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, trước xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa như vũ bão đã có nhiều nghề thủ công truyền thống mất đi, kéo theo nguy cơ biến mất của từ nghề nghiệp. Đó chính là biểu hiện tinh thần, ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TỪ NGỮ CHỈ NGHỀ BIỂN CỦA CƯ DÂN NGHỆ AN (Trang 44 -46 )

×