Vốn từ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An xét về phương diện phản ánh

Một phần của tài liệu Đặc điểm từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An (Trang 30 - 33)

- Với nghề làm nước mắm

2.1. Vốn từ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An xét về phương diện phản ánh

Từ chỉ nghề là kết quả sáng tạo, tích lũy về ngôn ngữ của nhân dân lao động trong quá trình sản xuất của một nghề nào đó để chỉ toàn bộ những hoạt động, công cụ, sản phẩm của một nghề nhất định. Từ chỉ nghề vừa mang tính đặc trưng của nghề vừa mang dấu ấn, tiếng nói của một vùng địa phương, lại vừa là những yếu tố có khả năng tham gia vào vốn từ toàn dân cùng với quá trình mở rộng, phát triển của nghề trong sự phát triển của xã hội. Nghề đánh cá, làm muối, làm nước mắm mà chúng tôi đang tiến hành điều tra, khảo sát ngôn ngữ là những nghề tuy vất vả nhưng đó là những nghề lớn có tính truyền thống lâu đời nhất, vì thế nó góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước cũng như làm giàu vốn từ vựng tiếng Việt. Dưới đây là bảng 2.1 thể hiện kết quả khảo sát bước đầu về vốn từ vựng chỉ nghề của cư dân vùng biển tỉnh Nghệ An:

Bảng 2.1. Vốn từ vựng chỉ nghề biển của cư dân vùng biển tỉnh Nghệ An Từ Nghề Chỉ công cụ, phương tiện Chỉ quy trình hoạt động Chỉ sản phẩm Tổng Nghề cá 236 (33.38%) 41 (5.80%) 430 (60.82%) 707 (74,0%) Nghề làm nước mắm 58 (37.90%) 55 (35,94%); 40 (26.16%) 153 (16,1%) Nghề làm muối 42 (44.21%) 32 (33,68%) 21 (22.11%) 95 (9,9%) Tổng 336 (35,2%) 128 (13,4%) 491 (51,4%) 955 (100%) Qua thống kê ta thấy rằng vốn từ chỉ nghề cá, làm nước mắm và làm muối tương đối phong phú và đa dạng, biểu hiện cụ thể qua từ chỉ công cụ, phương tiện, từ chỉ quy trình hoạt động, từ chỉ sản phẩm với tổng số từ điều tra là 955 từ. Tuy nhiên con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ từ chỉ nghề so với thực tế. Chẳng hạn, các loài cá ở trong lòng biển thì ta không thể nào biết

hết được tên gọi của chúng, một số loài đánh bắt được nhưng chính bản thân người dân vùng biển cũng không rõ tên gọi của chúng. Còn các từ chỉ công cụ, quy trình sản xuất mà chúng tôi thống kê ở đây chủ yếu là những từ thông dụng, hơn nữa ngoài phương thức điều tra trực tiếp “tai nghe mắt thấy” còn nhiều đối tượng được tiếp cận gián tiếp qua miêu tả của nhân dân nên sự phản ánh có thể chưa thật sự chính xác và đầy đủ.

Qua các từ thống kê được, ta thấy từ ngữ chỉ nghề có nội dung phản ánh hẹp, tập trung ở 3 mảng hiện thực hản ánh là công cụ phương tiện, quy trình hoạt động và sản phẩm. Nguyên nhân cơ bản là do vốn từ ấy gắn liền với những đặc trưng riêng của nghề truyền thống. Vì thế lớp từ này mang nội dung phản ánh hẹp, chủ yếu chỉ quen dùng với người trong nghề, trong vùng. Khi ta gọi lưới văng, lưới vó, lưới rút, lưới rùng... rõ ràng là rất khó hiểu với người ngoài nghề. Hay người ngoài nghề có thể biết cá cháo, cá chình nhưng khó phân biệt được cá cháo cơm, cá cháo đỏ, cá cháo khoai, cá cháo trắng, cá chình cơm, cá chình hoa, cá chình xương, cá chình máu... Đối với người làm nghề muối thì rất quen với các loại muối nhưng chúng ta khó biết được đâu là muối nam, đâu là muối nồm... Với nội dung phản ánh hẹp như thế nên hoạt động ngôn ngữ của nó trong giao tiếp cũng hạn chế, tùy thuộc vào phạm vi địa lí và đối tượng sử dụng. Song vì vốn từ này phản ánh đặc trưng của nghề, gắn với đời sống của những người làm nghề nên chúng đã phản ánh một nét văn hóa riêng của cư dân biển.

Trong tổng số 955 từ thống kê được thì vốn từ chỉ nghề cá chiếm số lượng lớn nhất, với 707 từ, chiếm 74 % vốn từ chung nghề biển. Trước hết, điều này xuất phát từ nguyên nhân cơ bản là do sự phong phú của đối tượng gọi tên. Sản phẩm đánh bắt từ biển phong phú và đa dạng vì thế mà có nhiều tên gọi, thậm chí là nhiều cách gọi khác nhau giữa các vùng miền, theo cách tri nhận, phân cắt đối tượng khác nhau. Ví dụ như một loài tôm sắt nhưng lại có tôm sắt đen, tôm sắt đỏ; cùng một loài ghẹ nhưng ở Quỳnh Lưu gọi ghẹ

hỏa, ở Diễn Châu và Nghi Lộc gọi là ghẹ đỏ, ghẹ lửa; cùng một loài cá nhưng khi nhỏ gọi là cá đù, hơi lớn một chút gọi cá đen tai, phát triển đến độ lớn nhất gọi là cá xóc... Chính vì sự dồi dào, đa dạng về số lượng sản phẩm với những đặc điểm, môi trường sống, khả năng thích nghi khác nhau nên đòi hỏi ngư dân phải sáng tạo ra nhiều công cụ, phương tiên với nhiều quy trình hoạt động khác nhau để đem lại hiệu quả đánh bắt cao nhất. Ví dụ như để đánh bắt cá nhỏ, ăn nổi (như cá cơm, cá kiến,...) người ta dùng lái te, khi đánh bắt cá to họ lại dùng lái rê bay; hay mỗi loại công cụ, phương tiện gắn liền với tên gọi một loài sản phẩm biển như lưới mực, lưới cá cháo, lưới cá bơn, lưới cá đối, lưới te ruốc... gắn liền với các quy trình như buông lưới, buông câu, dò cá, dò mực... Do đó vốn từ chỉ nghề cá có xu hướng tăng lên. Ngoài nguyên nhân cơ bản đó thì sự đa dạng, phong phú của từ chỉ nghề cá còn phản ánh một thực tế nghề cá là nghề cơ bản nhất trong ba nghề. Hầu hết đời sống của cư dân biển đều dựa chủ yếu vào nghề đánh cá, còn nghề làm muối và làm nước mắm thì chỉ xuất hiện ở một số làng nghề, không mang tính chất phổ biến như nghề đánh cá. Nghề đánh cá đồng thời cũng là nghề làm cơ sở cho nghề làm nước mắm và làm muối. Có sản phẩm của nghề đánh cá mới có nguyên liệu để làm nước mắm, và nghề muối cũng chủ yếu dùng cho hoạt động chế biến sản phẩm từ nghề đánh cá. Ba nghề có mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với nhau nhưng nghề cá vẫn là nghề chủ đạo của cư dân biển. Những nguyên nhân trên đã khiến cho vốn từ vựng chỉ nghề cá chiếm số lượng lớn nhất trong ba nghề.

Vốn từ vựng chỉ nghề cá, nghề làm nước mắm, nghề làm muối là công cụ giao tiếp thường xuyên của cư dân biển, góp phần làm cho phương ngữ Nghệ Tĩnh nói riêng, ngôn ngữ Việt nói chung ngày càng thêm giàu. Lớp từ vựng này như là một lẽ tất yếu đã được bổ sung, bồi đắp thêm qua năm tháng, đặc biệt la khi nghề truyền thống được áp dụng khoa học công nghệ với những phương tiện, kĩ thuật hiện đại thì vốn từ sẽ càng được mở rộng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm từ ngữ chỉ nghề biển của cư dân Nghệ An (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w