Đổi mới quan niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp và khu chế xuất Việt Nam trong tương quan so sánh với pháp luật một số quốc gia (Trang 132 - 135)

ngoài trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

Từ khi đất nước ta tiến hành đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, Nhà nước đã tích cực thay đổi những chính sách sao cho phù hợp nhằm đổi mới quan niệm về đối tượng này. Từ việc chỉ coi trọng sở hữu nhà nước, không khuyến khích các ngành kinh tế tư nhân phát triển, hiện nay Nhà nước ta đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động của mọi ngành kinh tế. Năm 2006, Việt Nam chính thức là thành viên WTO, cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cho Việt Nam, chúng ta thực hiện chuyển đổi theo nền kinh tế thị trường. Việc đổi mới quan niệm và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và Việt Nam là một xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập. Do đó, việc thay đổi quan niệm từ chỗ phân biệt nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đến chỗ nhất quán điều chỉnh hai hoạt động đầu tư này trong Luật Đầu tư là sự tiến bộ thấy rõ nhất.

Tuy nhiên, thực tế việc đổi mới quan niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế quan trọng mà từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng này lại xuất phát từ chính khái niệm thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư 2005 quy định: "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại" [42]. Như vậy, theo khái niệm của Luật Đầu tư, ta có thể hiểu chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài góp vốn 1% vào doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp đó cũng được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư chưa đưa ra một giới hạn nhất định về tỷ lệ phần trăm vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu thì được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây tưởng là vấn đề đơn giản, nhưng từ vấn đề này lại nảy sinh những khó khăn, phức tạp

126

trong hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của những doanh nghiệp này. Về vấn đề này, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, quốc gia này đã ghi nhận rõ ràng với mốc phân định là 49%.

Khó khăn đầu tiên của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến việc đăng ký kinh doanh. Nếu như Luật Đầu tư chỉ đưa ra khái niệm chung về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà không có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp là bao nhiêu thì được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì trong thủ tục đầu tư và thành lập doanh nghiệp quy định tại Nghị định 139/2007/NĐ- CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp lại có sự phân biệt về tỷ lệ sở hữu này. Cụ thể, đối với nhà đầu tư dự định thành lập doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hơn 49% vốn điều lệ thì phải thực hiện thủ tục đầu tư như dự án 100% vốn nước ngoài khác, tức là thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư; khi tỷ lệ này từ 49% trở xuống thì nhà đầu tư chỉ cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh như đối với doanh nghiệp trong nước. Ta có thể thấy rõ độ vênh nhất định trong hai quy định này, phải chăng theo như Nghị định này, doanh nghiệp có trên 49% vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù có được ngầm hiểu như vậy thì quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này chưa rõ ràng. Thêm vào đó, quy định này còn làm khó cho những nhà đầu tư khi muốn mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp trong nước. Vấn đề nảy sinh ở chỗ, nếu trước đó, doanh nghiệp là doanh nghiệp trong nước, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua trên 49% vốn của doanh nghiệp thì chiếu theo Nghị định 139/2007/NĐ-CP, doanh nghiệp này phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư (do tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 49%). Vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp phải làm thế nào để đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành giấy chứng nhận đầu tư khi mà chưa có quy định nào nhắc đến thủ tục để thực hiện. Đây cũng là vấn đề

127

cần được xem xét, sửa đổi bổ sung trong lần sửa đổi Nghị định 139/2007/NĐ- CP lần tới.

Khó khăn tiếp theo thể hiện ở chỗ, xuất phát từ việc không có quy định rõ ràng về khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dẫn tới việc áp dụng điều kiện đầu tư cũng trở lên rối rắm. Theo khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2005 "nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên" [42]. Tuy nhiên, trên thực tế, quan niệm này lại chưa thực sự được áp dụng thống nhất giữa các cơ quan.

Ví dụ, với Bộ Công thương, doanh nghiệp dù chỉ có 1% vốn của nhà đầu tư nước ngoài và phải bị ràng buộc về hạn chế tiếp cận thị trường thông qua biểu cam kết về dịch vụ thương mại với WTO. Nếu như vậy thì nhiều công ty đại chúng sau khi bán một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải đăng ký kinh doanh lại đối với những ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế. Đặc biệt, đối với một số ngành nghề như dịch vụ thuế, phân phối (khi việc xin phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ)…doanh nghiệp còn phải làm thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP trước đây. Nghị định này đã giải quyết được một số lúng túng trong việc xác định điều kiện đầu tư. Cụ thể, khoản 3, 4 Điều 11 quy định:

3. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước.

128

4. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư nước ngoài [22].

Quy định này đã giúp giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn chung đây mới chỉ là quy định trong một Nghị định, mà chưa được quy định trong Luật. Thêm vào đó, Nghị định này vẫn chưa đưa ra khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà chỉ đưa ra quy định mang tính tình thế để giải quyết quyền lợi trước mắt cho những doanh nghiệp này. Về lâu dài, vẫn cần một quy định trong luật thống nhất quan điểm thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng, trong trường hợp này, từ một vấn đề đơn giản là khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được giải quyết triệt để mà nảy sinh biết bao hệ lụy, vướng mắc làm khó cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đổi mới quan niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài càng trở lên cấp bách để từ đó hoàn thiện địa vị pháp lý của những doanh nghiệp này, rộng đường cho họ tiếp cận với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việc làm này nên bắt đầu từ những vấn đề cốt lõi như quy định rõ ràng thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo quan điểm của tác giả, Nhà nước nên ban hành quy định sửa đổi, bổ sung khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm sao giải quyết tận gốc vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng quy định rõ ràng tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp là bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp và khu chế xuất Việt Nam trong tương quan so sánh với pháp luật một số quốc gia (Trang 132 - 135)