trong giai đoạn phát sóng thử nghiệm
Việc tổ chức tiếp quản các đài truyền hình ở miền Nam và nhanh chóng đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân cho thấy tầm nhìn, tinh thần phục vụ nhân dân và thử thách trên lĩnh vực quản lý và sáng tạo kỹ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngay từ khi đất nước chưa thống nhất, trong phương án phát triển truyền hình của Chính phủ đã sớm đề cập đến việc tiếp quản các đài Truyền hình phía Nam. Tháng 7.1966, ở miền Nam, người Mỹ đã thử nghiệm thành công và xây dựng các trạm phát lại truyền hình ở một số thành phố, với kỹ thuật công nghệ truyền hình tiên tiến và hiện đại. Trong phương án phát triển, Đài Truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ đã xác định rõ: “trong rất nhiều công việc phải chuẩn bị để đón thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có việc phải xây dựng ngành truyền hình để sẵn sàng tiếp quản các đài truyền hình ở miền Nam và phát triển ngành truyền hình của một nước Việt Nam thống nhất” [61, tr.19]. Đoàn cán bộ đầu tiên gồm 16 người đi tu nghiệp truyền hình đã được gửi sang Cu Ba, một quốc gia sử dụng hệ kỹ thuật FCC (đen trắng) giống như truyền hình ở miền Nam khi đó. Sự lựa chọn này là một sự tính toán có chủ định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp quản, vận hành ngay các đài truyền hình ở phía Nam sau khi nước nhà thống nhất. Ngày 30.4.1975, Sài Gòn được giải phóng. Tối ngày 1.5.1975, (nghĩa là chỉ sau 1 ngày) dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng “Đài Truyền hình Sài Gòn” của chế độ “Việt Nam cộng hòa” được đổi tên là “Đài Truyền hình Giải phóng” và chính thức phát sóng phục vụ nhân dân khu vực Đông Nam Bộ và vùng Cực Nam Trung Bộ.
Đài Truyền hình Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực khắc phục những bất cập về kỹ thuật, sớm vận hành trở lại các đài và trạm phát chuyển tiếp truyền hình ở miền Nam sau giải phóng. Trong thời gian này, mặc dù Đài Truyền hình Việt Nam đang thực hiện công đoạn phát sóng thử nghiệm nhưng
đã “chia” cán bộ sản xuất nội dung chương trình và kỹ thuật để quản lý, khôi phục, vận hành các đài phía Nam. Trừ Đài Nha Trang, các đài khác như: Huế, Quy Nhơn đều phải sửa chữa lớn (do trước khi tháo chạy, đội ngũ vận hành Đài của Việt Nam Cộng hòa đã phá hỏng hầu như toàn bộ) nhưng đã sớm phát sóng trở lại trong vòng 2 tháng đến 1 năm và gia nhập hệ thống quản lý của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là một thành công lớn vì nó đã khẳng định được sự thống nhất không chỉ lãnh thổ, chế độ chính trị mà trên cả lĩnh vực văn hóa tư tưởng.
Ưu tiên hàng đầu của Đài Truyền hình Việt Nam lúc này là nhanh chóng ổn định bộ máy quản lý, quản trị nội dung, chương trình truyền hình trong cả nước. Đây là mục tiêu của một nền truyền hình thống nhất. Rào cản kỹ thuật đã tạo nên sự ngăn cách nhất định mà Đài Truyền hình Việt Nam phải san lấp, đó là sự chuẩn bị và tiến tới Hội nghị thống nhất hệ thống kỹ thuật truyền hình cả nước lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8.1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vượt qua những bất cập về nhận thức, ngay sau khi các đài phía Nam phát sóng trở lại, các đài trong cả nước đã thống nhất về nội dung, chương trình phát sóng. Mặc dù đang trong thời gian phát thử nghiệm, nhưng Đài Truyền hình Việt Nam vẫn luôn giữ vai trò đầu tàu của Ngành truyền hình và vẫn thống nhất với các đài trong cả nước cách đưa tin tức thời sự, văn hóa văn nghệ, khai thác đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh của nhân dân.