Do khởi đầu từ phát thanh, nên truyền hình chưa có cơ sở ổn định, mà cơ sở ban đầu và trong “thời kỳ” quá độ là một địa điểm thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo dự kiến, thời kỳ này có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, và địa điểm của nó được đặt giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, tại 58, phố Quán Sứ.
Sau quyết định lựa chọn địa điểm, vấn đề đầu tiên là kỹ thuật phải đi trước một bước. Ngày 20.1.1970, tại gác 2, nhà M ở 58, phố Quán Sứ, Bộ Biên tập và các cơ quan đầu ngành của Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức một cuộc họp quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề cho giai đoạn phát thử nghiệm đen trắng:
1. Ngày 7.9.1970, kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, có thể tiến hành “phát thử nghiệm truyền hình” được không? 2. Cơ sở vật chất kỹ thuật là “then chốt”, nhưng với thời gian 239 ngày
còn lại (tính từ 20.1.1970 đến 7.9.1970) các trang thiết bị cho một cơ sở phát sóng có thể vào đúng vị trí (như thiết kế) được không ? 3. Giải pháp nào cho những thiết bị quan trọng còn thiếu ?
Hội nghị đưa ra 5 vấn đề cấp bách, trong đó 3 vấn đề vừa là định hướng vừa là giải pháp liên quan đến kỹ thuật:
(1) Không có con đường nào khác ngoài cách phải tự lực lắp thiết bị vì không thể xin (Nhà nước – TG) ngoại tệ mạnh (lúc ấy cực hiếm) để mua thiết bị bên ngoài mang về được.
(2) Anh chị em (kỹ thuật – TG) đã nghiên cứu kỹ sơ đồ, nắm vững lý thuyết, từng học tập ở Cu Ba, có ít nhiều kinh nghiệm thực tế, hy vọng có thể thực hiện thành công việc thử nghiệm.
kiện thiết bị cần thiết, có máy phát sóng công suất 1 KW có thể chuyển thành máy phát hình. Điều duy nhất là không có ống Super Orithicon để làm camera điện tử quay hình … Loại ống này phải mua bằng ngoại tệ mạnh, giá hàng ngàn đôla Mỹ một chiếc. Tổng biên tập đã dự kiến phương án giải quyết [103, tr.18-19]. Vấn đề trang bị, kỹ thuật cho một cơ sở phát sóng cơ bản được giải quyết. Tổ Vô tuyến truyền hình do các ông Chu Doanh và Nguyễn Văn Điểm đứng đầu cùng đội ngũ cán bộ làm việc cả ngày, đêm lao động, sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại. Các trang thiết bị dần dần “tìm thấy chỗ đứng” của nó trong “tổ hợp truyền hình” ở 58, phố Quán Sứ, Hà Nội.
Hội nghị cán bộ chủ chốt ngày 20.7.1970 đã xác định kỹ thuật phải đi trước một bước, chìa khóa của kế hoạch phát thử nghiệm vào ngày 7.9.1970. Thế nhưng, tính đồng bộ của các trang thiết bị ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lắp ráp, kết nối từ thu đến phát. Hầu hết các thiết bị đến Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau. Các tem, nhãn, mác, bảng kỹ thuật tính năng, thông số… không cùng một “Made in…” và xê-ri. Chúng đến 58, phố Quán Sứ từ Liên Xô, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan với nhiều hình thức như mua, tặng, viện trợ, thậm chí có cả việc mua ở “chợ trời”. Sự “hỗn tạp” này buộc phải qua khâu gia công như một tất yếu. Vượt khó, sáng tạo là một điểm sáng nhất trong lịch sử kỹ thuật truyền hình trong những ngày đầu xây dựng cơ sở tại 58, phố Quán Sứ.
Chiếc camera điện tử đầu tiên của trường quay được cán bộ kỹ thuật dựa vào kiến thức học ở Cu Ba kết hợp với tự nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp phần cơ khí và phần điện tử trên cơ sở các linh kiện mua ngoài thị trường. Ông Lê Quý giao cho tổ kỹ thuật tháo gỡ hai ống kính Zess IKON của hai chiếc máy ảnh do truyền hình Đức tặng để lắp vào ống kính camera.
Mặc dù cố gắng, nhưng bộ phận quan trọng nhất của camera là ống tạo hình Super Othicon và hai ống quét lái tia vẫn chưa có. Tổng biên tập Trần
Lâm đã viết thư cho Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Phát thanh và Truyền hình Liên Xô phụ trách kỹ thuật đề nghị cấp miễn phí cho Việt Nam hai thiết bị Super Othicon cũ, loại 4,5 inch, nhưng còn dùng được (đề nghị được phía Bạn nhất trí).
Ông Lê Võ, một thực tập sinh ở Liên Xô được Bạn cho phép vào kho đồ cũ, tìm chọn lấy hai thiết bị mà nước bạn loại ra khỏi danh sách sử dụng. Khi có Super Othicon, ông Lê Tiến trên đường công tác từ Cu Ba qua Liên Xô “xách tay” hai ống Super Othicon cũ, loại 4,5 inch về nước.
Tháng 8.1970, hai linh kiện quý giá đó được kết nối với hai chiếc camera như hai chiếc “hòm thợ cạo” với bộ giá đỡ lênh khênh mà lúc bấy giờ anh em kỹ thuật đặt tên cho nó là NT1, NT2 (nghĩa là “Ngựa trời 1”, “Ngựa trời 2”). Cách đặt tên ấy với ngụ ý mượn tên gọi của một loại vũ khí tự tạo “Ngựa trời” của du kích, bộ đội địa phương Bến Tre dùng chống càn trong những ngày “Đồng Khởi” năm 1960. Bà Nguyễn Thị Định nguyên Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từng là một lãnh đạo của phong trào Đồng khởi Bến Tre, đến thăm Đài (năm 1972), khi nghe anh em giới thiệu về những chiếc “Súng ngựa trời truyền hình” (NT1, NT2) đã rất xúc động và nói: “Đồng khởi không chỉ có ở Bến Tre” [61, tr.29-31].
Những sự việc tương tự từng diễn ra ở các bộ phận khác, như lắp máy phát sóng của các ông Quản Ngọc Sơn, Phạm Văn Hữu, lắp ăng-ten của ông Ngô Mạnh Hùng, thiết kế lắp đặt, kết nối thiết bị phòng thu M. Từ lắp đặt kỹ thuật, đến chuẩn bị chương trình, các khâu đều có sự hiệp đồng giống như sự hiệp đồng của một trận đánh trên chiến trường liên quan đến xương máu vì vậy rất cần đến tính chủ động, sáng tạo.
Ngày 1.9.1970, mọi công tác chuẩn bị hoàn thành. Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định tổ chức buổi tổng diễn tập trước khi ra mắt phát sóng thử nghiệm. Ngày 3.9.1970, với đội hình là bộ phận sản xuất chương trình, kỹ thuật, phục vụ… đều “vào trận”, buổi diễn tập thành công, tất cả đã
sẵn sàng cho ngày thử nghiệm phát sóng. Đó là một điều thần kỳ, bởi “Mọi tài năng được phát huy, sáng kiến nở rộ như hoa mùa xuân, dù đang là những ngày hè nóng nực. Thật là một trận chiến đấu “Vô tiền khoáng hậu” để quyết giành cho kỳ được thắng lợi” [103, tr.19-20].
Để đảm bảo duy trì làn sóng và từng bước chinh phục truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục mời một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đến 58, phố Quán Sứ dự xem và chứng kiến sự kiện “Việt Nam có truyền hình”. Theo Tổng Biên tập Trần Lâm là “Để khuyếch trương thắng lợi, và với dụng ý là để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ (của họ -TG) để Đài tiếp tục thực hiện kế hoạch truyền hình” [103, tr.18 -19].
Sau những điều chỉnh về nội dung và kỹ thuật từ lần phát sóng ngày 7.9.1970, 4 tháng sau, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định chính thức giai đoạn phát sóng thử nghiệm. Đợt phát sóng này bắt đầu từ ngày 27.1.1971 đến ngày 1.2.1971, (nhằm đúng ngày 30, mồng 1 và mồng 2 tết Tân Hợi).
Thời lượng phát sóng mỗi buổi là 2 giờ 30 phút, thời gian từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ hàng ngày. Chương trình gồm: Những bông hoa nhỏ, Thời sự, Kinh tế văn hóa xã hội, Ca nhạc mừng xuân. Tuy vẫn là chương trình phát thử nghiệm nhưng thực hiện trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc nên công tác chuẩn bị hết sức cẩn trọng, chu đáo. Để chương trình được thông suốt, giảm tối thiểu sai sót, công tác hiệp đồng giữa bộ phận sản xuất chương trình với kỹ thuật tiến hành chặt chẽ chu đáo. Ông Trần Quang Sự, phóng viên thời kỳ đầu, nguyên phó Phòng Thời sự - Chính trị (Ban Thời sự) Đài Truyền hình Việt Nam cho biết về cách thức thu thập thông tin để làm chương trình:
“Những ngày đầu tiên để có nội dung và hình ảnh phát sóng, chúng tôi phải tìm từ rất nhiều nguồn khác nhau, nguồn từ các phóng viên đi cơ sở, nguồn tìm trên báo chí và báo cáo của các ban, ngành…Còn hình ảnh thì cũng được
lấy trên báo, hoặc tự chụp ảnh rồi trám hình và phát sóng”. Ông Trần Đức, Phóng viên thời kỳ đầu, nguyên Giám đốc Kênh truyền hình VTV2 nói về đạo diễn trực tiếp các bản tin khi đó: “Nguồn nội dung chúng tôi tự biên tập, còn hình ảnh do chúng tôi chụp hoặc lấy trên báo, sau đó dán hình vào một tấm bìa cứng để các quay phim bắt hình và bấm máy, rồi phát thanh viên nhìn và đọc trực tiếp. Các chương trình chúng tôi đều làm trực tiếp, chứ thời kỳ đó không có băng từ ghi lại như bây giờ”. Các phát thanh viên khi đó là Hồng Trang, Lan Hương, Nguyễn Thơ, Kiều Oanh, Việt Khoa … bằng chất giọng tốt, kỹ năng thể hiện nghiêm túc, chu đáo, họ đã gây ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Sau sự kiện này, Bộ Ngoại thương đã quyết định nhập 1.000 máy thu hình hiệu Beryl của Ba Lan để “phân phối” cho các cơ quan và bán ở Hà Nội. Ngoài số máy thu nhập về thì một số máy thu gia đình theo đường thủy, đường bộ đến Việt Nam; đây là những món quà của con em các gia đình ở nước ngoài gửi về vì thế số máy thu ở Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Thành công bước đầu đã tạo tiếng vang, nó truyền đi rất nhanh.
Sự kiện 7.9.1970 không chỉ thỏa mãn ước mong của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn tạo nên niềm tin sự nghiệp truyền hình nhất định thành công ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị sau khi trực tiếp chứng kiến chương trình phát sóng tại trường quay ở 58, phố Quán Sứ đã khẳng định sự nghiệp phát triển truyền hình nhất định thành công, Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa tiếp theo có truyền hình. Thay mặt Chính Phủ, ông đã quyết định cấp ngay cho Đài Tiếng nói Việt Nam 400.000 rúp (tiền Liên Xô) để mua sắm thiết bị, nâng cấp kỹ thuật và giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục chương trình phát thử nghiệm.