Sau buổi phát sóng thử nghiệm ngày 7.9.1970, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện giai đoạn phát sóng thử nghiệm. Đây là thời kỳ chuẩn bị để trả lời câu hỏi Việt Nam làm truyền hình như thế nào và làm thế nào để
phát triển truyền hình? Theo kế hoạch, từ ngày 27.1.1971 đến tháng 16.6.1976, là giai đoạn truyền hình Việt Nam chính thức phát sóng thử nghiệm.
Trong khoảng thời gian đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển về mặt tổ chức, xây dựng cơ chế hoạt động, từng bước nâng cao năng lực sản xuất chương trình, nâng cấp kỹ thuật và công suất phát sóng. Đây là giai đoạn lịch sử đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của truyền hình Việt Nam về sau này.
Chương trình phát sóng thử nghiệm mỗi tuần hai buổi vào thứ bảy và chủ nhật, sau đó phát thêm thứ tư, thời gian từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ. Ngày 1.4.1972, Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, chương trình tạm thời gián đoạn để sơ tán người và thiết bị. Đến ngày 5.2.1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27.1.1973) chương trình tiếp tục phát sóng trở lại và kéo dài đến tháng 6.1976 thì bước sang giai đoạn mới.
Trong giai đoạn phát sóng thử nghiệm xuất hiện tình huống mới, đó là miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tình huống này xảy ra đúng như dự kiến từ những năm 1966-1970, tức là sẵn sàng tiếp quản các đài phía Nam do Mỹ xây dựng. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam lên đường vào tiếp quản các đài phát thanh, truyền hình phía Nam.
Để “chính thức hóa” nhiệm vụ cho truyền hình, ngày 18.5.1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 94/CP, (do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị xây dựng ngành Vô tuyến truyền hình Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm góp phần xứng đáng của mình vào công tác tuyên truyền với nhân dân theo đường lối của Đảng, chính sách luật pháp của Nhà nước.
2. Trong điều kiện nước ta, việc xây dựng ngành Vô tuyến truyền hình phải theo phương châm:
a. Từng bước thiết thực vững chắc, cố gắng làm tốt ngay từ bước đầu và sẵn sàng mở rộng phạm vi hoạt động khi tình hình cho phép.
b. Dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em; bảo đảm sử dụng tiết kiệm các thiết bị, vật tư, tiền vốn và lao động với hiệu quả cao. 3. Thành lập Ban Biên tập Vô tuyến truyền hình trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam
4. Chuyển xưởng phim Vô tuyến truyền hình từ Tổng cục thông tin sang cho Đài Tiếng nói Việt Nam quản lý [61, tr. 42-43]. Quyết định trên khẳng định sự đánh giá của Đảng, Chính phủ về thành công và cố gắng của đội ngũ cán bộ truyền hình Việt Nam đi tiên phong. Quyết định chỉ ra tương lai phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam. Đài Truyền hình Việt Nam có thể sánh vai với đài các nước trong khu vực và thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam chính thức trở thành cơ quan đầu ngành của truyền hình cả nước. Quyết định 94/CP đã cơ bản hình thành về tổ chức, hành lang pháp lý cho sự lớn mạnh tất yếu của ngành truyền thông “báo hình” ở Việt Nam.
Ban Biên tập Vô tuyến truyền hình trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập theo Quyết định 94/CP. Theo cơ cấu, Ban tương đương với các Ban biên tập khác trong Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là cơ quan chuyên trách về sản xuất chương trình truyền hình đầu tiên hình thành trong giai đoạn phát sóng thử nghiệm. Quân số của Ban, đến cuối năm 1971 lên đến 150 người.
Trưởng Ban Vô tuyến truyền hình lúc đầu là ông Lê Quý (Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam), sau đó là ông Huỳnh Văn Tiểng. Các Phó trưởng ban, ông Nguyễn Văn Hán, Trịnh Lê Thản (sau ông Đặng Văn Hiếu thay). Về cán bộ,“Chủ yếu rút từ các ban biên tập và Cục Kỹ thuật phát
thanh của Đài, đồng thời tiếp nhận một số cán bộ từ xưởng phim Vô tuyến truyền hình (thuộc Tổng cục Thông tin) chuyển sang; ngoài ra còn một số cán bộ từ các cơ quan chuyển về” [61, tr.44].
Đầu quân về Ban Vô tuyến truyền hình thời kỳ này là những cán bộ từng trải như Khương Mễ, Xuân Phượng, Lê Minh Hiền, Phạm Khắc và một số quay phim, đạo diễn từ Xưởng phim Giải phóng chuyển sang. Bí thư Trung ương Đảng, Ông Tố Hữu rất quan tâm và ưu tiên cho công tác điều động cán bộ về Ban Biên tập Vô tuyến truyền hình. Họ là sinh viên văn khoa, ngôn ngữ, lịch sử từng tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, những kỹ sư điện tử từ Đại học Bách Khoa hoặc Đại học Nông nghiệp, Kinh tế đến nhận nhiệm vụ ở Ban Biên tập truyền hình theo yêu cầu của chuyên môn.
Với Quyết định 94/CP, Chính phủ không chỉ quyết định về tổ chức mà còn quy định cụ thể nhiệm vụ cho Ban Biên tập truyền hình trong giai đoạn phát sóng thử nghiệm. Nhiệm vụ đó được quy định một số điểm sau:
1. Duy trì các chương trình phát sóng thử nghiệm.
2. Thông qua việc phát sóng chương trình thử nghiệm để rút kinh nghiệm xây dựng, phát triển các chương trình và đào tạo đội ngũ cán bộ biên tập, đạo diễn, quay phim và các bộ phận, khâu, công đoạn trong sản xuất chương trình.
3. Chuẩn bị, sẵn sàng tiếp quản, vận hành các đài truyền hình phía Nam khi miền Nam giải phóng.
4. Chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc xây dựng trung tâm truyền hình mới ở khu vực Giảng Võ [103, tr.34].
Trong thời gian này, Ban Biên tập truyền hình luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các đồng chí lãnh đạo như Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng (sau này là Tổng bí thư) Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng… lần lượt đến thăm Đài. Các nhà lãnh đạo rất bất ngờ trước thành công bước đầu và khen ngợi tinh thần
dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo của những người làm truyền hình. Trong một lần đến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh nói “anh chị em làm truyền hình theo phương châm mà Bác Hồ thường dạy, đó là làm theo cách của con nhà nghèo” [61, tr 45].
Theo kế hoạch, Truyền hình Việt Nam phát sóng thử nghiệm liên tục từ ngày 27.1.1971 đến 16.6.1976, nhưng đến ngày 4.12.1972 Mỹ tuyên bố tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 thì kế hoạch trên phải có điều chỉnh. Đó là tạm dừng phát sóng, sơ tán trang thiết bị, bám sát thực tiễn, kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội với không quân Mỹ.
Bằng chiến dịch Liner backker I (từ ngày 6.4.1972 đến 22.10.1972) Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai lên miền Bắc, với ý đồ đàm phán trên thế mạnh ở Hội nghị Paris. Ngày 12.12.1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Liner backker II đánh phá Hà Nội, Hải Phòng với cường độ ác liệt chưa từng thấy. Trong chiến dịch 12 ngày đêm này “Mỹ đã huy động 740 lần chiếc máy bay B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật (có F111), sử dụng các khí tài điện tử gây nhiễu hiện đại, đánh tập trung ồ ạt (gần 20.000 tấn bom) xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên” [30, tr.19]. Trong hoàn cảnh ấy, Đài Truyền hình Việt Nam buộc phải thực hiện sơ tán để bảo toàn con người và trang thiết bị.
Căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã đề ra chủ trương sơ tán bảo vệ con người và trang bị theo phương châm “Phòng tránh là đánh trả”, quyết không coi nhẹ việc sơ tán bảo vệ con người và trang bị. Về việc này, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ ra:
“Với phát thanh vẫn tiếp tục phát các chương trình nhờ mạng lưới cơ sở dự phòng bố trí hết sức khoa học và chu đáo”. Nhưng với truyền hình thì “vốn liếng chỉ một xe truyền hình lưu động Ba Lan, một máy phát sóng và cột ăng-ten ở giữa Thủ đô Hà Nội thì bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo toàn thiết bị máy móc”
[103, tr 42].
Theo kế hoạch sơ tán, các bộ phận tham gia được hình thành và phân công cụ thể để tránh bị động trong khâu tác chiến chuyên môn. Đó là: Một số cán bộ, nhân viên (không phải là phóng viên, quay phim) nhanh chóng sơ tán đến vùng Chợ Dầu thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Những trang thiết bị được di chuyển đến khu vực Nông trường Thanh Hà (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Đi cùng trang bị là những nhân viên kỹ thuật, họ vừa có nhiệm vụ bảo dưỡng, vừa có nhiệm vụ bảo vệ và sẵn sàng cơ động. Bộ phận quay phim tiếp tục bám sát hiện trường để chiến đấu với không quân Mỹ, kịp thời ghi lại những hình ảnh về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội với Không quân Mỹ.
Quá trình tác nghiệp lãnh đạo, Đài đã nghĩ ra phương pháp “hiệp đồng” có một không hai trong lịch sử truyền hình, đó là quy định thời hạn hoàn thành nhiệm vụ theo ngày. N (quy định là Ngày; N+ tức là ngày tiếp theo; N- là ngày trước đó kể từ thời điểm chính thức bắt đầu). Với việc sơ tán này, hiệp đồng là N+14 [63, tr.69].
Ngày N là ngày Mỹ chấm dứt ném bom Hà Nội cũng là ngày các bộ phận bắt đầu từ nơi sơ tán trở về 58, phố Quán Sứ. Ngày N+14, tức 14 ngày sau đó phải hoàn thành công việc lắp đặt trang thiết bị, bộ phận sản xuất chương trình tiếp tục lên sóng, thực hiện tiếp chương trình thử nghiệm.
Những ngày cuối tháng 12.1972, cuộc “chuyển quân sơ tán” diễn ra mau lẹ và an toàn trong thời tiết giá rét và mưa dầm. Đường cơ động từ Hà Nội lên Chợ Dầu, huyện Ứng Hòa rất khó khăn, có bộ phận phải di chuyển ban đêm như xe truyền hình lưu động của Ba Lan (tài sản quý nhất của truyền hình lúc ấy). Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày (từ khi phát lệnh) các bộ phận đã có mặt ở nơi sơ tán.
Với bộ phận quay phim, họ ở lại tiếp tục “chiến đấu” với thứ vũ khí là những chiếc máy quay phim. Quay phim chiến tranh và là chiến tranh phá hoại của đối phương bằng không quân thì tình huống diễn ra chớp nhoáng, mau lẹ,
những thử thách hy sinh chỉ trong gang tấc nhưng cũng là cơ hội “lập công” với những người yêu nghề và dũng cảm. 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972, những ngày bom đạn ác liệt là cơ hội để có những thước phim chiến tranh sinh động. Các phóng viên truyền hình Việt Nam tuy không trực tiếp bắn rơi B-52, F-111, F-105, F- 4… của Mỹ, nhưng những thước phim mà họ ghi lại được là những tư liệu hình ảnh quý giá. Trận địa của phóng viên truyền hình Việt Nam là những tòa nhà cao tầng, tháp nước, trạm cảnh giới máy bay, trận địa phòng không…, Từ những vị trí đầy mạo hiểm, các phóng viên đã ghi lại hình ảnh các tù binh phi công Mỹ bị áp giải đi qua những đống đổ nát, chết chóc, bên cạnh những hố bom còn nghi ngút khói. Hình ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên bị tàn phá, thăm hỏi đồng bào chiến sĩ. Trong chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, các phóng viên quay phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam đã góp phần làm nên “thiên lịch sử truyền hình” về thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm ác liệt nhưng đầy vẻ vang tự hào… tất cả đều phản ánh hiện thực cuộc chiến tranh. Đạo diễn Trần Duy Nghĩa thuộc Tổ Thời sự chính trị Đài Truyền hình Việt Nam nhớ về ký ức 12 ngày đêm ác liệt của “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” năm 1972:
“Lúc ấy, lực lượng quay phim chỉ vẻn vẹn 12 người, lại phải rải đều khắp các trận tuyến ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Chúng tôi phân công an hem đi chốt từng điểm để cố gắng ghi lại những hình ảnh chân thực nhất ở đấy. Anh nào ở trận địa tên lửa phải ghi được những hình ảnh của các chiến sĩ tên lửa chuẩn bị bắn, hình ảnh ra-đa, người trực chiến, phải làm sao quay được cảnh máy bay chiến đấu cất cánh…một số người khác sẵn sàng trực trên điểm cao để ghi lại những hình ảnh máy bay Mỹ có thể bắn rơi”[121,tr.37].
Từ ngày 12.12.1972 đến ngày 29.12.1972, ngày cũng như đêm, các phóng viên truyền hình Việt Nam có mặt hầu khắp các nơi xảy ra sự kiện và kịp thời thu vào ống kính những hình ảnh sinh động. Cảnh quay của phóng viên Phạm Việt Tùng về chiếc “Pháo đài bay” B-52 của Không lực Hoa Kỳ
như một bó đuốc lớn, lạng chao trên bầu trời Hà Nội đêm 23.12.1972 trước khi cắm đầu xuống, như biểu tượng bất hủ về “Rồng lửa Thăng Long”, về ý chí quật cường của nhân dân Thủ đô. Đoạn phim là “tư liệu, là vật chứng vô giá không những cho lịch sử truyền hình Việt Nam mà cho cả lịch sử chiến thắng B-52 của nhân dân ta trên bầu trời thủ đô Hà Nội” [103, tr.43].
Từ những tư liệu quý “có một không hai” trong lịch sử truyền hình Việt Nam và thế giới đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã cho ra đời hàng loạt bộ phim phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân và dân miền Bắc: “Cuộc đọ sức năm ngày”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và phim “Tiếng trống trường”. Phim “Cuộc đọ sức năm ngày” được gửi đi tham dự Liên hoan phim quốc tế tại Pra-ha (Tiệp Khắc), phim đoạt giải đặc biệt về báo chí và nghệ thuật. Phim“Tiếng trống trường”, biên kịch Bành Châu, đạo diễn Thanh Huyền, quay phim Phạm Việt Tùng, tham dự liên hoan phim Leipzig Cộng hòa Dân chủ Đức (1973) và đoạt giải “Bồ câu vàng”, là giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim.
“Kế hoạch N+14” luôn được các phóng viên, đạo diễn và quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam bám sát. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, Quân dân Thủ đô Hà Nội giành thắng lợi trong chiến dịch “Phòng không Hà Nội - Hải Phòng” (từ ngày 18.12 đến ngày 29.12.1972) đập tan cái gọi là “Chiến dịch tập kích đường không Opretion Linebacker II” của Mỹ, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Lực lượng vũ trang Hà Nội - Hải Phòng “bắn rơi 81 máy bay (có 34 B52, 5 F111) diệt và bắt nhiều phi công. Thất bại trong chiến dịch tập kích đường không Linebacker II, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc Vĩ tuyến 20, đề nghị nối lại đàm phán tại hội nghị Paris”[30, tr.19] và đến ngày 27.1.1973 phải ký kết Hiệp định Paris công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và cam kết rút quân về nước.
N, là ngày Mỹ kết thúc hoàn toàn việc ném bom phá hoại miền Bắc. Ngày N + 14 tức là mười bốn ngày sau đó hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị và tiến hành phát sóng thử nghiệm trở lại.
Cuộc “chuyển quân” trở lại được khởi động, chỉ 3 ngày sau, toàn bộ con người, trang thiết bị ở nơi sơ tán đã có mặt ở 58, phố Quán Sứ, các bộ phận bắt tay vào thực hiện chỉ lệnh “N+14”, nghĩa là 14 ngày (so với ngày 27.1.1973) các thiết bị phải vào đúng quy định, để có thể tiếp tục lên sóng. Thế nhưng, chỉ đến ngày N + 9, tức là chỉ sau 9 ngày tất cả đã vào đúng vị trí thiết kế, vượt kế hoạch 5 ngày. Bộ phận sản xuất chương trình cũng hoàn thành các công việc cần thiết. Ngày 31.1.1973, chương trình thử nghiệm phát sóng trở lại.
Như đã phân tích ở trên, ngày 7.9.1970, là ngày Đài Tiếng nói Việt Nam tiến hành “thử nghiệm phát sóng” để khẳng định tính khả thi của việc phát triển truyền hình ở Việt Nam. Sự kiện này chỉ mang tính “nội bộ”; như là “thí nghiệm”. Thời gian, thời điểm chính thức phát sóng thử nghiệm rộng rãi bắt đầu được thực hiện từ ngày 27.1.1971 (4 tháng sau ngày 7.9.1970) và kéo