Việc tiếp quản, vận hành trở lại các Đài phía Nam, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã có dự kiến từ trước đó khá lâu. Tuy nhiên về kỹ thuật, dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng các đoàn tiếp quản của Đài đã phải đối mặt với nhiều tình huống bất cập, không dễ khắc phục trong một thời gian ngắn. Đó là hệ thống thiết bị truyền hình của đài phía Nam rất hiện đại, khác hẳn với thiết bị truyền hình thiếu đồng bộ ở miền Bắc. Bằng sự cố gắng của các nhà kỹ
thuật đến từ miền Bắc và một số công chức dưới chế độ cũ, các đài truyền hình phía Nam lần lượt hoạt động trở lại phục vụ nhân dân.
Tiếp quản vận hành Đài Truyền hình Sài Gòn: Trước diễn biến của tình hình cuối năm 1974, đầu năm 1975, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam dự kiến tình hình “nhất định sẽ có chuyển biến mới có lợi cho cách mạng” và thời cơ giải phóng miền Nam đã đến gần. Lãnh đạo Đài chủ động cử một đoàn cán bộ “đi B” do ông Lê Minh Hiếu làm Trưởng đoàn với mục đích ban đầu là chuẩn bị xây dựng Đài Truyền hình Giải phóng trực thuộc Trung ương Cục miền Nam. Đồng thời Đoàn có nhiệm vụ chuẩn bị tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn. Nhưng sau sự kiện Buôn Ma Thuột, Huế và Đà Nẵng (tháng 3.1975), Đoàn chuyển hẳn sang nhiệm vụ mới là sẵn sàng tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn.
Cũng sau các sự kiện quân sự trên, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam nhận thấy thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, Đài quyết định cử liên tiếp hai đoàn cán bộ theo chân các chiến sĩ giải phóng đi thẳng từ Hà Nội, qua Huế vào Đà Nẵng đến Sài Gòn. Hai đoàn này do các ông Đặng Trung Hiếu, Huỳnh Văn Tiểng phụ trách. Thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975 Sài Gòn được giải phóng, thì sáng ngày 01.5.1975, ba đoàn cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam đã kịp hội quân trong thành phố. Trước đó, lúc 12 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, nhà báo Hồ Vĩnh Thuận và một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Đài Phát thanh Giải phóng đã nhận sự “bàn giao” Đài Truyền hình Sài Gòn. Trung tá, kỹ sư Quân đội Việt Nam Cộng hòa Lê Vĩnh Hòa và nhiều nhân viên kỹ thuật đã thực hiện sự kiện này. Không thể không thừa nhận “một hình ảnh đẹp trong giờ phút ta tiếp nhận từ người quản lý đài và các nhân viên kỹ thuật, tất cả đều có mặt và bảo vệ đài nguyên vẹn” [104]. Sáng 1.5.1975, ông Huỳnh Văn Tiểng chủ trì cuộc họp quan trọng, thành phần gồm cả 3 đoàn và những người tiếp quản, tất cả đều nhất trí cùng với đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng (do ta đã tiếp quản và thực hiện ngay
chương trình), khẩn trương thực hiện chương trình truyền hình. Thời gian lên sóng là tối 1.5.1975, thời lượng khoảng 2h00. Ngoài nội dung thời sự, bình luận, văn nghệ … công bố đổi tên Đài Truyền hình Sài Gòn (cũ) thành Đài Truyền hình Giải phóng.
Quyết tâm không để gián đoạn sóng truyền hình, tối ngày mùng 1.5.1975, chương trình truyền hình mới của Đài đã được thực hiện thành công. Người dân Sài Gòn được chứng kiến buổi phát hình đầu tiên của “Truyền hình Cách mạng” ngay trên hệ thống truyền hình của chế độ Sài Gòn. Nhưng bất ngờ hơn khi họ được chứng kiến cuộc sống, chiến đấu của nhân dân Thủ đô Hà Nội, của miền Bắc qua bộ phim “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” và những ngày sau là phóng sự “Hà Nội ngày 30.4 và 1.5.1975”. Với những người tổ chức sản xuất chương trình ngày 1.5.1975 và những ngày tiếp đó, họ đã hoàn toàn chủ động, tự tin, bắt kịp diễn biến tình hình và làm việc với quyết tâm “một ngày bằng 20 năm”. Trên đài truyền hình tràn ngập những tin tức về cuộc sống của nhân dân miền Bắc, những phút giây chiến thắng của người miền Nam…Những người dân ở thành phố vừa giải phóng trước đó đã quen với truyền hình của chế độ cũ, nay được tận mắt chứng kiến những người từ “R” về làm truyền hình họ rất thán phục và tin tưởng, sự hoài nghi của họ về cách mạng, về chế độ mới, phần nào được giải tỏa. Thành công buổi phát hình tối 1.5.1975 của Đài Truyền hình Giải phóng như một chiến công trên mặt trận văn hóa tư tưởng của những người làm truyền hình thuở ấy.
Tiếp quản Đài Truyền hình Huế: Ngày 25.3.1975, thành phố Huế được giải phóng. Không lâu sau đó, Tổng biên tập Đài tiếng nói Việt Nam đã cử nhóm cán bộ gồm PTS Nguyễn Ngọc Ngoạn, PTS Hoàng Ninh (Trường Đại học Bách khoa), kỹ sư Lưu Hữu Bảo, Lê Tự Thái vào Huế phối hợp với nhóm kỹ thuật viên của chế độ cũ, tiến hành khắc phục sự cố, đầu tháng 5.1975, Đài Truyền hình Huế phát sóng trở lại phục vụ đồng bào.
Tiếp quản Đài Truyền hình Quy Nhơn: Đây là đài truyền hình có quy mô lớn hơn đài Huế. Khi lắp đặt trạm chuyển tiếp truyền hình này người Mỹ muốn biến nó thành một đài khu vực cho Trung Bộ và Tây Nguyên. Tháng 4.1975 thành phố Quy Nhơn được giải phóng. Sau đó không lâu, Ban Vô tuyến truyền hình do ông Chu Doanh làm Trưởng đoàn tiến hành khắc phục, sửa chữa. Đến ngày 27.12.1975, Đài Truyền hình Quy Nhơn phát sóng trở lại.
Tiếp quản Đài Truyền hình Nha Trang: Trạm phát lại truyền hình này được xây dựng từ năm 1973, sau các đài Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn, Cần Thơ. Cái khác là đài Nha Trang do chuyên viên kỹ thuật Việt Nam tự thiết kế xây lắp, từ những trang thiết bị viện trợ và sử dụng một số thiết bị tự chế tạo trong nước nên thiếu tính đồng bộ. Đài phát sóng vào 12.1973 thì đến 12.4.1975 Nha Trang giải phóng. Tất cả số nhân viên kỹ thuật, điều hành quản lý đài bỏ chạy vào Sài Gòn, trong lúc máy móc bị hư hỏng nặng. Ủy ban Cách mạng tích cực kêu gọi sự cộng tác trở lại với nhân viên chế độ cũ nhưng chỉ được một người quay trở lại. Đài Truyền hình Việt Nam đã điều các nhân viên kỹ thuật lành nghề và tận dụng trang thiết bị ở các đài khác để khắc phục, nhưng phải đến ngày 14.12.1976, tức là sau hơn một năm thì đài Truyền hình Nha Trang mới hoạt động trở lại.
Tiếp quản Đài Truyền hình Cần Thơ: Thành phố Cần Thơ giải phóng hồi 14 giờ ngày 30.4.1975, cũng vào giờ này, đoàn cán bộ Tuyên huấn do ông Lưu Thành Tâm tiếp quản, kịp thời tập hợp nhân viên cũ của Đài trở lại làm việc và chuẩn bị phát sóng.
Điều đáng ghi nhận là nhiều nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ đã dũng cảm vượt qua những mặc cảm ban đầu, họ tự nguyện cộng tác và làm việc bên cạnh những cán bộ phát thanh, truyền hình từ miền Bắc vào, hay từ “R” xuống cùng nhau làm sống lại các cơ sở truyền hình phục vụ nhân dân.
thanh - Truyền hình Việt Nam đã là “con một nhà”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu thì nhiều bất cập mới phát sinh, mà thử thách lớn nhất là sự khác nhau về hệ thống kỹ thuật, tiêu chuẩn phát sóng trắng đen FCC (miền Nam) và tiêu chuẩn OIRT (miền Bắc).
Thời kỳ phát sóng thử nghiệm là thời kỳ truyền hình Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, song cũng là thời kỳ có lịch sử đặc biệt bởi sự cá biệt, đặc thù mà không có lịch sử của một đài truyền hình nào trên thế giới có được. Đáng trân trọng và ghi nhận nhất là những người làm truyền hình thế hệ đầu tiên đó đã đặt nền móng và có nhiều đóng góp đáng kể cho sự nghiệp Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng và xây dựng ngành truyền hình ở Việt Nam. Việc tiếp quản và vận hành thành công các đài truyền hình phía Nam, Truyền hình Việt Nam đã “hình thành một hệ thống phát chương trình từ Bắc đến Nam gồm 8 đài lớn là Đài Truyền hình Trung ương, các Đài Truyền hình Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ và nhiều trạm phát lại, đài địa phương…”[ 89, tr 14].