Các tổ chức tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam (19702010) (Trang 36 - 41)

Quán triệt phương châm “Từng bước, thiết thực, vững chắc, cố gắng làm tốt ngay từ bước đầu”, và “Dựa vào sức mình là chính”, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng Cục Thông tin quyết định các bước đi theo lộ trình: Thành lập các tổ chức tiền thân và đào tạo nhân sự làm truyền hình, tiến tới mua sắm trang thiết bị và hình thành cơ sở đài truyền hình đầu tiên ở 58, phố Quán Sứ, thủ đô Hà Nội.

Theo đề nghị của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng cục Thông tin, ngày 4.1.1968, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký Quyết định 01/TTG-VP thành lập Xưởng phim Vô tuyến truyền hình trực thuộc Tổng cục Thông tin, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Phan Ngọc làm Giám đốc. Trụ sở đầu tiên của Xưởng phim phải ở nhờ Xưởng phim đèn chiếu tại số 5, phố Thi Sách, Hà Nội. Thiết bị đầu tiên là 4 chiếc máy quay phim 16 ly đã cũ và một số hộp phim từ hàng viện trợ của Hội Hữu nghị Xô-Việt, trong đó có bàn dựng phim 16 ly. Khi đó, phim đi quay về phải tráng bằng tay, ngâm thuốc trong một chiếc chậu. Phim 16 ly là hình ảnh đen trắng và không có tiếng động.

Xưởng phim Vô tuyến truyền hình có nhiệm vụ “Trước mắt là sản xuất phim Vô tuyến truyền hình để làm nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta” sau đó “Chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng một xưởng phim Vô tuyến truyền hình hoàn chỉnh và cho việc xây dựng ngành Vô tuyến truyền hình Việt Nam sau này” [61, tr. 22-23].

Thành lập Xưởng phim Vô tuyến truyền hình là bước đi đầu tiên, phù hợp với tình hình Việt Nam lúc đó, bởi miền Bắc chưa có cơ sở chuyên làm truyền hình. Để Xưởng phim Vô tuyến truyền hình có các biên tập, quay phim và đạo diễn thạo nghề có thể sản xuất ngay sản phẩm truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đã lựa chọn các nhà quay phim, biên tập, đạo diễn từ Xưởng phim truyện và các phóng viên chiến trường. Những nhân sự này từng được tu nghiệp ở Hung-ga-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cu Ba. Các ông Bùi Quang Nam, Nguyễn Bích Ngọc, Lê Quý Phát được Đài Tiếng nói Việt Nam biệt phái sang làm nhiệm vụ ở Xưởng phim Vô tuyến truyền hình. Nhiệm vụ chủ yếu của Xưởng phim Vô tuyến truyền hình lúc này là quay những tư liệu quý để lưu trữ, nhất là những tư liệu về cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta dưới làn mưa bom, bão đạn của Mỹ. Mặt khác, qua Sứ quán nước ta tại các

nước gửi đến các Đài Truyền hình Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan và thông qua truyền hình nước bạn để tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam với thế giới, giúp nhân dân thế giới hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng từ tháng 1.1968 đến tháng 2.1969, Xưởng phim Vô tuyến Truyền hình đã sở hữu nhiều hình ảnh tư liệu quý. Đó là cảnh những nhà thờ, trường học, công trình dân sự bị bom Mỹ tàn phá, là những hoạt động sản xuất, chiến đấu, chi viện tiền tuyến của đồng bào chiến sĩ miền Bắc. Hình ảnh các địa phương Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội vv… đang ngày đêm lao động, chiến đấu với máy bay Mỹ, hối hả chi viện tiền phương. Hình ảnh, những F-105 “Thần sấm sét” (Thunderchief), A-4 “Chim Ưng nhà trời” (A.Skyhawk), F-4 “Con ma” (Phantom) … bốc cháy dữ dội trên bầu trời bởi lưới đạn phòng không của bộ đội, dân quân đã gây ấn tượng mạnh với khán giả xem truyền hình. Các nhà làm phim đã đến vùng Khe Hó - Quảng Bình, nơi mở tuyến đường Hồ Chí Minh để quay những thước phim tư liệu về con đường huyền thoại. Tất cả các tác phẩm của các nhà quay phim thuộc Xưởng phim Vô tuyến truyền hình thực hiện đã kịp thời động viên tinh thần của đồng bào chiến sĩ Việt Nam và làm xúc động bạn bè quốc tế. Các ông Nguyễn Anh Dũng, Phan Thế Hùng, Phạm Việt Tùng, Trương Tử Tần, Bích Ngọc, Bùi Quang Nam, Thanh Tùng, Quý Thường… đã không ngại gian khổ, thiếu thốn, hy sinh ở nơi tuyến lửa Khu 4, bằng mọi cách họ đã có những thước phim sinh động, thực sự là những người “ghi chép sử bằng hình ảnh”. Đó là những phản ánh trung thực về hậu phương chiến lược miền Bắc được truyền đi khắp thế giới, là tư liệu quý của đất nước về “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Cùng với các phóng viên báo chí, truyền hình nước ngoài (có cả Mỹ) những nhà làm phim truyền hình đã phản ánh trung thực cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ và chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Dù người Mỹ tìm mọi

cách nhưng không thể bưng bít được thông tin do các nhà làm phim của Xưởng phim Vô tuyến truyền hình thực hiện. [61, tr.23 – 25].

Không chỉ là những phóng sự, phim tài liệu, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình đã dựng thành công hai bộ phim đầu tay “Việt Nam bách chiến bách thắng” “Hai giỏi”. Hai phim này được đưa đi tham dự Liên hoan phim truyền hình Lai Xích (Cộng hòa dân chủ Đức). Năm 1968, phóng viên Phạm Khắc dẫn đầu đoàn quay phim đến thủ đô Paris Cộng hòa Pháp để ghi lại diễn biến của Hội nghị Paris, một cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam và quốc tế (1968 -1973).

Các nhà quay phim đã ghi được nhiều hình ảnh về Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc đó và hoạt động của họ gắn với các sự kiện lớn trong nước và quốc tế. Đây là những thước phim tư liệu quý do Xưởng phim Vô tuyến truyền hình thực hiện.

Ngày 1.5.1968, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp các quan khách quốc tế, Bác Hồ đã hỏi nhà quay phim Phan Thế Hùng:“Bao giờ các chú cho dân ta được xem truyền hình?”. Câu hỏi vừa thể hiện khát vọng của Bác, của đồng bào về việc Việt Nam sớm có truyền hình, vừa là thông điệp cho những người có trách nhiệm xây dựng Truyền hình, thúc giục họ nung nấu quyết tâm sớm đưa truyền hình đến Việt Nam.

Qua một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, khi các điều kiện đã sẵn sàng, Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định thành lập Tổ vô tuyến truyền hình thuộc phòng Nghiên cứu kỹ thuật. Tổ vô tuyến truyền hình có 5 người do ông Nguyễn Văn Điểm làm Tổ trưởng với nhiệm vụ nghiên cứu sâu về thiết bị, lắp ráp các mạch, tiến tới tạo thiết bị hoàn chỉnh. Đây là bộ phận chuyên trách về kỹ thuật truyền hình, là những người đặt nền móng cho cơ sở truyền hình ở 58, phố Quán Sứ, thủ đô Hà Nội [63, tr.49].

Sau 3 năm tiến hành công tác chuẩn bị, đến cuối năm 1969 về cơ bản đã hội tụ đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất. Lãnh đạo Đài Tiếng

nói Việt Nam quyết định chọn địa điểm số 58, phố Quán Sứ làm nơi đặt Đài phát truyền hình cho thời kỳ “quá độ” (thử nghiệm). Ngày 20.1.1970, Lãnh đạo Đài triệu tập Hội nghị các cán bộ chủ chốt để thống nhất một số việc về truyền hình. Hội nghị nhất trí:“Phát huy truyền thống tự lực cánh sinh và tinh thần sáng tạo để lắp ráp các thiết bị truyền hình chuẩn bị cho chương trình phát sóng thử nghiệm đầu tiên đúng ngày 7.9.1970, nhân kỷ niệm 25 năm Đài Tiếng nói Việt Nam” [63, tr. 48-50].

Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam công bố quyết định thành lập Ban chuẩn bị làm Truyền hình và giao cho ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Tổng biên tập làm Trưởng ban (sau đó ông Huỳnh Văn Tiểng thay). Ban Chuẩn bị làm Truyền hình được xem như là cơ quan lâm thời của Đài Truyền hình Việt Nam, với nhiệm vụ trước mắt thực hiện kế hoạch toàn diện, chuẩn bị cho buổi phát sóng thử nghiệm đầu tiên ngày 7.9.1970.

Như vậy về mặt tổ chức, Ban Chuẩn bị làm Truyền hình là tổ chức tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam. Ban chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đài gấp rút tiến hành các công tác chuẩn bị điều kiện kỹ thuật, lên kế hoạch hiệp đồng sản xuất và thực hiện chương trình cho lần “thử nghiệm phát sóng” đầu tiên tại 58, phố Quán Sứ.

Khi các tổ chức đầu tiên làm truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập, để có một đội ngũ những người làm báo hình chuyên nghiệp đảm đương nhiệm vụ phát sóng thử nghiệm và chính thức sau này, ngày 18.5.1971, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 94/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký thành lập Ban Biên tập Vô tuyến truyền hình trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ban do Ông Lê Quý - Phó Tổng biên tập phụ trách đối ngoại của Đài làm Trưởng Ban. Ông Trịnh Lý Thản làm Phó trưởng Ban. Sau đó ông Huỳnh Văn Tiểng - Phó Tổng biên tập phụ trách đối nội thay ông Lê Quý; Ông Nguyễn Văn Hán làm Phó Ban phụ trách chương trình và ông Đặng Trung Hiếu làm Phó Ban phụ trách kỹ thuật. Nhân sự của Ban được

điều chuyển từ các ban biên tập, Cục Kỹ thuật Phát thanh và Xưởng phim Vô tuyến truyền hình. Đây là thế hệ những người làm truyền hình đầu tiên gây dựng nền móng vững chắc cho Đài Truyền hình Việt Nam sau này. Ra đời trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thế hệ đầu tiên còn có trách nhiệm nặng nề gánh vác sứ mệnh truyền hình trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đồng hành những chặng đường tiếp theo cùng lịch sử dân tộc.

Như vậy, cùng với Xưởng phim Vô tuyến truyền hình (theo Quyết định 01/TTG-VP ngày 4.1.1968), Tổ vô tuyến truyền hình (tháng 9.1969) và

Ban Chuẩn bị làm Truyền hình (tháng 1.1970), thì Ban Biên tập Vô tuyến truyền hình được thành lập (theo Quyết định 94/CP ngày 18.5.1971) cho thấy sự phát triển nhanh chóng, lớn mạnh về tổ chức của Truyền hình Việt Nam. Các quyết định của Chính phủ được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho sự lớn mạnh tất yếu của ngành truyền thông “Báo hình” ở Việt Nam. Chính những tổ chức tiền thân này đã làm nên kỳ tích trong lịch sử truyền hình, góp phần xứng đáng để Đài Truyền hình Việt Nam ra đời, phát sóng thử nghiệm và sau đó là bước vào giai đoạn phát sóng chính thức hằng ngày.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam (19702010) (Trang 36 - 41)