Ngày 7.9.1970, từ “trong lòng” Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời” [71]. Để có ngày “khai sinh” này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trải qua nhiều gian khó, tự tìm tòi, mò mẫm để có những buổi tổng diễn tập và cuối cùng là quyết tâm cho buổi phát sóng truyền hình thử nghiệm đầu tiên tại trụ sở 58, phố Quán Sứ, thủ đô Hà Nội.
Buổi phát sóng thử nghiệm khi đó cần phải có hai máy thu hình. Một máy dùng để thu tín hiệu qua ăng-ten, được đặt ở phòng bên cạnh phòng thu M với khoảng cách khoảng 30 mét đến 50 mét. Một máy đặt ngay trong phòng Studio M, nơi bộ phận tác nghiệp và quan khách tham dự. Do khó khăn
thiếu thốn trang thiết bị, Ban chuẩn bị làm truyền hình phải mượn một máy thu của gia đình ông Phan Đình Thanh (công tác ở Bộ Giao thông) và một của gia đình bà Nguyễn Thị Yến (cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam).
Tại phòng thu Studio M chứng kiến sự có mặt của Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Hoàng Tùng, Bộ trưởng Ngoại thương Phan Anh, các đại diện của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa và một số cán bộ thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là buổi xem truyền hình đặc biệt, đặc biệt ở chỗ người xem truyền hình vừa được trực tiếp “xem người” (ở phòng thu), lại vừa trực tiếp “xem bóng” (qua chiếc máy thu hình đặt ngay trong phòng M).
Chương trình truyền hình bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút ngày 7.9.1970. Từ giây đầu tiên, xuất hiện hình ảnh tấm bản đồ Việt Nam trên nền trống đồng với dòng chữ Vô tuyến Truyền hình Việt Nam trong tiếng nhạc khải hoàn, đây là hình hiệu đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam. Hình hiệu này được họa sĩ Hoàng Sùng thiết kế ẩn chứa nhiều sự sáng tạo, nó đã làm mọi người xúc động. Tiếp theo, phát thanh viên giới thiệu chương trình, Tổng Biên tập Trần Lâm trực tiếp trình bày khái quát quá trình chuẩn bị từ buổi khởi đầu đến hôm nay (7.9.1970). Chương trình chính gồm Những bông hoa nhỏ (dành cho thiếu nhi 10 phút); Thời sự (15 phút); Bình luận về tình hình quân sự chính trị ở miền Nam (15 phút); Chương trình Ca nhạc 45 phút được thực hiện bằng phương pháp Playback với sự tham gia của các ca sĩ Thanh Huyền, Bích Liên, Thúy Hà, Quý Dương… Dẫn chương trình và đọc bản tin là phát thanh viên Nguyễn Thơ nói giọng miền Bắc và nữ phát thanh viên Lan Hương (Phạm Thị Như Sương) giọng Sài Gòn - Nam Bộ, chị là phát thanh viên của chương trình phát thanh “Thành thị miền Nam” và chương trình “Dành cho binh sĩ, sĩ quan quân đội Sài Gòn” được nhiều người yêu thích.
những người có mặt và cả những người làm truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như thế. Những người làm truyền hình, đứng đầu là Tổng biên tập Trần Lâm đã viết thêm trang sử mới của nền báo chí cách mạng. Dù chỉ là bước khởi đầu, nhưng thành công của buổi phát hình thử nghiệm đầu tiên đã khẳng định sự nghiệp truyền hình Việt Nam nhất định thắng lợi và chính thức từ thời điểm đó, Việt Nam đã hội đủ thể loại báo chí như các nước trên thế giới. Mặc dù còn phải trải qua giai đoạn phát sóng thử nghiệm và dần ổn định về tổ chức, nhưng từ đây, Truyền hình Việt Nam ra đời, trưởng thành cùng với báo viết, báo ảnh và phát thanh đã tăng thêm sức sống mãnh liệt, hợp thành binh chủng thông tin dưới sự lãnh đạo của Đảng gánh vác nhiệm vụ phản ánh đời sống xã hội, phục vụ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ, vì mục tiêu thống nhất đất nước, giành độc lập, tự do của dân tộc.