ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM TRƯỚC YÊU CẦU, NHIỆM VỤ MỚ

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam (19702010) (Trang 77 - 81)

Trước năm 1986 đất nước gặp nhiều khó khăn thử thách, thậm chí khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Động lực đổi mới đến từ nhiều yếu tố, nhưng tựu trung bởi hai yếu tố khách quan và chủ quan.

Về khách quan, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhưng vừa ra khỏi chiến tranh chống xâm lược, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế - xã hội. Ở miền Nam, hậu quả của chế độ “thực dân kiểu mới” khá nặng nề, nhất là các vùng đô thị lớn. Miền Bắc, nền kinh tế tập trung hóa vốn đã phát huy tác dụng trong chiến tranh, nhưng khi đất nước thống nhất lại trở nên bất cập, lỗi thời, lạc hậu.

Lợi dụng tình hình trên, các thế lực phản động trong, ngoài nước tìm cách gây khó khăn và phá hoại. Chúng ra sức tạo nên những cơn “sốt” hàng hóa nhằm gây nên những bất ổn kinh tế, rối loạn xã hội. Các các cơn “sốt gạo” (1980 - 1982), “Mì chính” (1978 - 1979), “Nhiên liệu” (1977 - 1984), “vấn đề người Hoa” (1978 - 1979), vụ “Tiền giả” ở nhà thờ Vinh Sơn (1976), đưa người thâm nhập bất hợp pháp, những cuộc di tản ồ ạt… một phần do sự yếu kém trong công tác chỉ đạo điều hành, nhưng không thể không có bàn tay của giới đầu cơ, phản động.

Cũng vào thời điểm đó, với ý đồ làm cho Việt Nam chảy máu, bọn phản động Khơ me đỏ gây nên cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và Trung Quốc gây nên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), cùng với đó là sự bao vây cấm vận từ bên ngoài… đất nước vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn, và đẩy nền kinh tế Việt Nam đến khủng hoảng vào những năm 1980 - 1985.

Về chủ quan, với mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách kinh tế, xã hội lớn nhằm phát triển đất nước. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, có một số chủ trương không phù hợp với thực tiễn và quy luật của thời kỳ sau chiến tranh. “Nhìn tổng quát, với cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nền kinh tế Việt Nam kém năng động và hiệu quả. Những mất cân đối và nguy cơ bất ổn định tiềm tàng trong đời sống kinh tế - xã hội bị tích nén lại. Tình trạng thiếu hụt kinh niên làm gia tăng các căng thẳng trong đời sống xã hội” [105]. Những sai lầm trên làm cho tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam thêm khó khăn hơn.

Những tác động khách quan, chủ quan như phân tích đã tác động đến chủ trương đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 15.12 đến 18.12.1986 đã đề ra đường lối đổi mới đất nước với tư tưởng căn bản là đổi mới nhưng không làm thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là thay đổi cách thức để đạt được mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết đại hội chỉ rõ “Trọng tâm trước mắt là đổi mới kinh tế” và cho rằng “giữ vững ổn định chính trị là tiền đề để bảo đảm thực hiện công cuộc đổi mới”. Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ và biện pháp thực hiện những mục tiêu đề ra. Đại hội khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân là tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tinh thần của đổi mới là "Nhìn thẳng vào sự thật" tôn trọng sự thật, coi đó như yếu tố quyết định để đề ra chủ trương chính sách đúng trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội.

Thực tiễn cho thấy, qua mười năm đầu thực hiện chủ trương đổi mới (1986 -1996), tình hình kinh tế xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi theo xu hướng tiến bộ và phát triển. Biểu hiện rõ nhất là lạm phát bị đẩy lui từ 700% (1986) xuống 12% (1995), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5% năm… cơ

chế thị trường đã làm thay đổi căn bản nguyên tắc phân phối nguồn lực và sản phẩm. Sự thay đổi đó đã làm cho xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững [105].

Báo chí, truyền hình là công cụ tuyên truyền của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có ý đặc biệt quan trong trong thời kỳ đổi mới. Thông qua công tác tuyên truyền, Đảng bày tỏ lập trường quan điểm, phương pháp đổi mới, phổ biến những chỉ thị, nghị quyết nhằm chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, truyền hình.

Nhằm “tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí,” ngày 17.10.1997 Bộ Chính trị ra Chỉ thị 22-CT/TW “nhấn mạnh các quan điểm và định hướng lớn trong công tác báo chí, yêu cầu các cơ quan lãnh đạo, quản lý và các cơ quan báo chí nhận rõ và chủ động khắc phục các yếu kém khuyết điểm” [101,tr.38-39]. Các chỉ thị 63-CT/TW ngày 25.7.1990 về tư duy mới, trách nhiệm của cơ quan báo chí trong tình hình mới; Chỉ thị 08-CT/TW ngày 31.12.1992; Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 18.2.1995 … là những văn bản lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền hình. Cũng như Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị, các văn bản này đều chỉ rõ tầm quan trọng của đổi mới báo chí truyền hình và trách nhiệm xã hội của báo chí.

Trong đó định hướng tư duy là “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí, nắm vững và chủ động thực hiện đúng đắn, sáng tạo các định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng” và “coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, tính chiến đấu, tính đa dạng của thông tin. Đề cao nhân tố mới đồng thời với việc phát hiện, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tăng cường công tác thông tin đối ngoại” [101, tr 38-39]. Chủ trương, định hướng trên chỉ đạo, tác động đến tư duy tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình và làm cho truyền hình trở thành diễn đàn của công chúng.

Các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo định hướng, tạo điều kiện tốt nhất cho giới truyền thông hoạt động và nhấn mạnh, đổi mới tư duy sẽ dẫn đến đổi mới

cách thức thông tin, nó góp phần kiến tạo nên bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Hiệu ứng tích cực của nó là, đã “Đóng vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh gìn giữ sự ổn định về chính trị xã hội, góp phần thúc đẩy toàn diện sự nghiệp đổi mới đất nước” [132, tr.21].

Công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo có vai trò quyết định đến quá trình thay đổi quy mô, tầm vóc, vị thế của Đài Truyền hình Việt Nam trong giới truyền thông.

Trong bối cảnh ấy, Đài Truyền hình Việt Nam một mặt có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng, mặt khác bản thân Đài cũng tự đổi mới mình để phát triển và phục vụ công cuộc đổi mới được tốt hơn.

Nội dung đổi mới của Đài Truyền hình Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Đổi mới tổ chức quản lý; đổi mới trang bị kỹ thuật và đổi mới sản xuất nội dung chương trình.

Quá trình đổi mới góp phần tạo nên hiệu ứng xã hội tích cực, tạo ra những chương trình phong phú, đa dạng, đảm bảo dung lượng thông tin, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào thì Đài Truyền hình Việt Nam vẫn giữ vững vai trò chức năng của một kênh truyền thông, báo chí quan trọng của Đảng và Nhà nước trong lộ trình đổi mới. Thấu triệt tinh thần trên, Đài Truyền hình Việt Nam đã tập trung phương tiện, trí tuệ thông qua sóng truyền hình chuyển tải mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mỗi người, mỗi nhà.

Sau một thời gian tập trung khắc phục khó khăn về tổ chức, cơ chế quản lý, kỹ thuật, năm 1986, Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ từng bước ổn định với tư cách là một cơ quan truyền thông quốc gia. Được sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Đài Truyền hình Việt Nam đã trở thành phương tiện truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Với Đài Truyền hình Việt Nam, khoảng thời gian từ năm 1986 - 2010 là thời kỳ vừa tự đổi mới, vừa phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước. Chính khoảng thời gian này, Đài đã có những bước phát triển vượt bậc và bước vào giai đoạn phát triển ổn định, được ghi nhận bằng danh hiệu "Anh hùng lao động".

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam (19702010) (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w