Trong khi miền Bắc đang xây dựng phương án truyền hình thì ở miền Nam, từ đầu năm 1966, nằm trong chiến lược “chiến tranh tâm lý”, Mỹ đã đầu tư, xây dựng ở Sài Gòn một Trung tâm Truyền hình hiện đại. Tác giả Lê Minh Quốc, trong cuốn “Hỏi đáp báo chí Việt Nam”, NXB Trẻ xuất bản năm 2001 miêu tả như sau:
“Tại Sài Gòn, ngày 26.4.1966 công binh hải quân Hoa Kỳ và Hãng thầu RMK-BRJ đã khởi công xây cất trụ phát tuyến và các cơ sở cần thiết cho đài vô tuyến truyền hình tại góc đường Hồng Thập Tự - Cường Để (nay là Nguyễn Thị Minh Khai- Đinh Tiên Hoàng). Trụ phát tuyến cao 92 mét, trên chóp lại có một sợi dây trời cao 26 mét, tổng cộng 118 mét- được xem là cao thứ nhì tại Sài Gòn lúc bấy giờ sau trụ viba của Tổng nha Bưu điện cao 130 mét. Cơ sở của đài gồm có một tòa nhà thâu hình, rộng gần 1.000 m2, một phòng phát tuyến rộng khoảng 200m2 , và một nhà máy phát điện rộng 155m2. Phí tổn xây dựng là 640.000 Mỹ kim (tương đương 75.520.000 đồng Việt Nam lúc ấy) và các dụng cụ vô tuyến hình trang bị trị giá 650.000 Mỹ kim (tương đương 77 triệu đồng Việt Nam lúc ấy). Công trình này hoàn thành vào tháng 10.1966” [126, tr.91-92].
Thời gian đầu khi chưa thiết lập cơ sở trên mặt đất trong thành phố, Truyền hình Việt Nam Cộng hòa phát thực nghiệm từ không trung bằng kỹ thuật Stratosvision, hai chiếc máy bay mang thiết bị truyền sóng bay trên độ cao 3-6 km trong một quỹ đạo ổn định quanh thành phố. Dưới mặt đất, 1000 máy thu hình đặt ở các vị trí công cộng bắt sóng chương trình truyền hình đầu tiên này. Tác giả Lưu Hoàng Vân, trên trang điện tử E-info miêu tả khá tỷ mỉ về buổi phát hình đầu tiên của Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn như sau:
“Ngày 7.12.1966, lần đầu tiên người dân Sài Gòn được trực tiếp xem truyền hình đen trắng do Đài Truyền hình Sài Gòn phát lúc 19 giờ, truyền qua máy bay trực thăng. Đài phát sóng có công suất 225kw, bán kính hữu hiệu 75-90 dăm anh (120-140km). Chiếc máy bay trực thăng dùng để phát sóng có tên là Blue Eagle (Đại Bàng Xanh) của quân đội Mỹ. Trên máy bay có một chiếc máy phát truyền hình, công suất 1kw do Hãng RCA (Mỹ) chế tạo, một studio đọc tin với một camera, một máy Film chaine (hệ thống chiếu phim) và một máy video tape recorder từ, dùng băng lớn 2 inchs (0mm). Thời lượng phát sóng trung bình từ máy bay là 2 giờ/đêm, bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 21 giờ. Trong giờ phát sóng, máy bay Blue Eagle bay trên không phận Sài Gòn và vùng lân cận. Sóng phát đi từ ăng-ten Dipole đặt dưới bụng máy bay. Với tốc độ cao phát sóng vài ngàn mét, vùng thẩm hình khi đó rất rộng, gồm hầu hết các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Từ Phan Thiết đến Cần Thơ đều có thể thu rõ. Tuy nhiên, kiểu phát hình như vậy hết sức tốn kém, một đêm phát hình tối thiểu tốn 1.000 USD. Có lẽ phát hình bằng máy bay như đã sử dụng ở Sài Gòn cũng là trường hợp hiếm có trên thế giới”.
Trong hai năm 1966-1967, người Mỹ hoàn thành việc xây dựng lắp và vận hành 2 đài phát ở Sài Gòn. Một đài phát chủ yếu các chương trình truyền
hình tiếng Việt gọi là “Đài vô tuyến Việt Nam” viết tắt VTVN. Thời lượng phát sóng năm 1972 là 6 tiếng. Đài khác, có các hệ thống truyền sóng gồm A, B, C, D, trong đó: A: phát phổ quát tiếng Anh ở các băng tần: 870, 9775, 6166 và 4810; B: dành cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa ở băng tần: 7260, 610; C: phát tiếng Pháp; D: phát tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Khơ me.
Đài này do Bộ Thông tin, Bộ Chiêu hồi, Nha chiến tranh tâm lý Quân đội Việt Nam Cộng hòa điều hành quản lý, nhưng trên danh nghĩa của Nha Vô tuyến truyền hình thuộc Bộ Thông tin quản lý. Đài hoạt động được nhờ hoàn toàn từ nguồn ngân sách viện trợ của Mỹ, (chỉ riêng năm 1970, tiêu thụ 1,7 triệu đôla).
Đài phát tiếng Anh A (Đài của Quân đội Mỹ), lúc đầu gọi là AFRTS (Armed Forces Radio Television Service – Truyền hình, truyền thanh phục vụ lực lượng vũ trang), đến năm 1967 thì đổi là AFVN (Armed Forces Vietnam Network – mạng Việt Nam phục vụ lực lượng vũ trang) để phục vụ quân đội Mỹ và đồng minh của họ ở chiến trường Nam Việt Nam.
Để truyền hình đến được các thành phố lớn và khu vực, người Mỹ còn đầu tư xây dựng các trạm chuyển tiếp truyền hình ở Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn và Huế. Về bản chất, truyền hình ở miền Nam hoàn toàn do Mỹ đầu tư xây dựng và phục vụ cho bộ máy chiến tranh tâm lý của họ. Các Đài truyền hình của Việt Nam Cộng hòa được thành lập từ năm 1966 và chấm dứt hoạt động vào ngày 30.4.1975.