- Tái cấu trúc và lành mạnh hóa năng lực tài chính, theo hướng:
KẾT LUẬN CHƯƠNG III.
Chương này tập trung đưa các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị tại NHTM trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam - một lĩnh vực kinh doanh thường xuyên đổi mới trong những năm gân đây, nhằm thích ứng với những điều kiện kinh tế đang diễn ra một cách năng động, thích ứng với những điều chỉnh của luật pháp.
Tuy nhiên hoạt động của NHTM đã xuất hiện những tồn tại hết sức cơ bản, đã gây ra những bức xúc chính đáng, không phải chỉ trong bản thân hệ thống ngân hàng mà là của toàn xã hội, đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục.
Một trong những biện pháp quan trọng nhất là tăng cường công tác quản trị và tìm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản trị. Xuất phát từ đó, ở chương này, tác giả đã tìm kiếm và lần lượt đưa ra tất cả 8 giải pháp thuộc bản thân NHTM, và để hỗ trợ cho việc thực hiện các giải pháp của bản thân NHTM tác giả đã đề cập đến 11 giải pháp thuộc về phía NHNN và Nhà nước.
Những giải pháp mà tác giả đưa ra không chỉ dựa vào cơ sở lý thuyết mà còn căn cứ vào thực tiễn đang diễn ra ở trong nước và thế giới trong những năm gần đây về hoạt động NHTM và quản trị NHTM, với mong muốn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản trị tại NHTM trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
KẾT LUẬN
Trải qua bao thăng trầm cùng những biến cố của lịch sử, theo dòng thời gian, kể từ Cách Mạng Tháng 8 - 1945 đến nay, từ chỗ không có ngân hàng đến khi có một ngân hàng thống nhất và duy nhất trong cả nước, từ chỗ Ngân hàng một cấp chuyển sang Ngân hàng hai cấp : NHNN và NHTM - trong đó, NHNN với chức năng cơ bản của nó là quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng và ngân hàng và NHTM với chức năng chủ yếu của nó là kinh doanh - hệ thống NHTM nước ta đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Nếu trước đây có nhà kinh tế cho rằng, sự xuất hiện của NHTM đầu tiên trên thế giới chính là một bước đột phá quan trọng nhất của hoạt động tiền tệ tín dụng của ngân hàng thì sự xuất hiện và vận hành một hệ thống NHTM ở nước ta, có thể coi như là một bước ngoặc lịch sử đáng ghi nhớ trong sự phát triển có tính logic của quá trình chuyển hóa cách mạng sâu sắc và triệt để của cách mạng do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.
Khác với sự hình thành và phát triển của các hệ thống NHTM trên thế giới, tính từ một NHTM đầu tiên ra đời đến nay vừa đúng 600 năm, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống các NHTM trên thế giới vào giữa thế kỷ thứ 19 đến nay, các NHTM tại các nước phát triển đã và đang đóng vai trò như là bà đỡ cho sự phát triển nhanh chóng chưa từng thấy của CNTB, và luôn đóng vai trò chủ yếu trong hoạt động của thị trường tài chính và các định chế tài chính, thì với ta, NHTM thực sự xuất hiện với đúng nghĩa của nó, chỉ mới gói gọn trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong chừng ấy thời gian, hệ thống NHTM nước ta cũng đã gặt hái được nhiều thành tích hết sức to lớn và là một nhân tố quan trọng góp phần đáng kể vào những thành tựu chung trong đổi mới và phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận được trong hệ thống NHTM - nước ta cũng đã bộc lộ những yếu kém hết sức cơ bản của nó. Dễ thấy nhất đó là tính thiếu ổn định và tính thiếu bền vững của một hệ thống NHTM trước sóng gió của nền kinh tế thị trường. Những yếu kém đó dù cho bắt
nguồn từ đâu, cũng đã và đang làm suy yếu sức mạnh của hệ thống ngân hàng và làm cho hệ thống NHTM khó có thể đóng vai trò là nhân tố - quyết định, nhân tố tham gia và nhân tố điều chỉnh đối với quá trình phát triển nền kinh tế.
Sở dĩ có những yếu kém đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không đề cập đến các nguyên nhân bắt nguồn từ trình độ, năng lực quản lý, điều hành và tác nghiệp, từ việc nhận thức không đầy đủ về vai trò và chức năng cực kỳ lợi hại của nó, từ việc vấp váp khó tránh khỏi khi từ bỏ nền kinh tế tập trung để đến với nền kinh tế thị trường, về tính không đồng bộ trong các hoạt động kinh tế - nền tảng của hoạt động ngân hàng cần phải dựa vào.v.v...
Những tồn tại và yếu kém được lần lượt đề cập đến bao gồm : 6 tồn tại và yếu kém thuộc bản thân NHTM và 5 tồn tại yếu kém thuộc về NHNN và Nhà nước. Nguyên nhân của những tồn tại đó chắc là có nhiều, nhưng tập trung vào 5 nguyên nhân cơ bản như đã trình bày ở chương II. Những tồn tại, yếu kém cùng những nguyên nhân của nó xuất phát chủ yếu từ sự yếu kém của cả NHTM và NHNN, nhưng như thế không có nghĩa là không đề cập đến sự không đồng bộ và sự yếu kém trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.
Trên cơ sở tìm ra những tồn tại và yếu kém cùng những nguyên nhân của những tồn tại đó, tác giả đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của NHTM, bao gồm 8 giải pháp thuộc về bản thân NHTM, 11 giải pháp thuộc về Nhà nước và NHNN.
Những giải pháp vừa nêu trên, chúng tôi cho rằng, không phải là tất cả nhưng nếu việc thực thi có hiệu quả các giải pháp đó, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải thiện có hiệu quả quản trị NHTM và do đó, nâng cao hiệu quả của các hoạt động nói chung của NHTM.
Thực tế, hiện trạng của NHTM nước ta nói chung đã và đang làm cho nhiều người có lương tâm và trách nhiệm lo lắng. Điều đó không có gì khó hiểu đến nỗi không giải thích được. Tuy nhiên, mỗi khi đã nhận thức được thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm cải biến thực trạng, thì không có lý do gì mà chúng ta không tin tưởng ở sự thành công của nó. Một câu danh ngôn : "Điều quan trọng không phải là vị trí ta đang đứng mà chính là hướng ta đang đi" có ý nghĩa ứng dụng trong bối cảnh này của chúng ta hôm nay.
Do tính giới hạn của đề tài, luận án chỉ tìm kiếm và đề cập đến "những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị tại NHTM trong cơ chế thị trường ở Việt Nam" mà không trực tiếp nghiên cứu các nội dung và kỹ thuật của quản trị. Bởi lẽ những gì thuộc về nội dung và kỹ thuật quản trị NHTM những người đi trước - những nhà kinh tế ở trong nước và đặc biệt là ở nước ngoài - đã dày công tìm kiếm mà chúng tôi đã đề cập khá chi tiết ở chương I. Vấn đề còn lại mà trách nhiệm của người nghiên cứu đề tài này là hướng vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của nó - của quản trị - mà thôi.
Dĩ nhiên vì trình độ có hạn và tác giả không tự cho mình là đã hoàn toàn đầy đủ trong việc phát hiện thực trạng, cũng không hoàn toàn đầy đủ trong việc đưa ra các giải pháp xử lý thực trạng. Luận án kết thúc nhưng đồng thời lại mở ra những hướng nghiên cứu mới cho chính tác giả và cho những ai có tâm huyết về một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt này, bởi lẽ đổi mới toàn diện và sâu sắc hoạt động Ngân hàng không bao giờ có điểm dừng, do vậy, về mặt lý luận và thực tiễn còn có biết bao nhiêu điều chưa được đề cập tới, còn biết bao nhiêu điều rộng lớn và sâu xa mà những nhà hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn còn phải tiếp tục nghiên cứu.
Nhận thức được điều đó, tôi sẽ là người chịu ơn đối với thầy cô, những bạn đồng nghiệp giúp tôi trong việc chỉ ra những gì cần bổ khuyết.