Các giải pháp ở khía cạnh quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 158 - 175)

7. Kết cấu luận án

4.2.2. Các giải pháp ở khía cạnh quản lý nhà nước

Ở khía cạnh quản lý nhà nước dựa tác giả đề xuất hai nhóm giải pháp chính bao gồm (1) Hoàn thiện công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng thương mại và (2) nâng cao công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền địa phương. Trong đó:

4.2.2.1. Hoàn thiện công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng thương mại

Cơ sở hạ tầng thương mại có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động bán lẻ. Tuy nhiên hiện nay công tác quy hoạch về hạ tầng thương mại của thành phố chưa thực sự tốt cần có những cải thiện hơn nữa để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bán lẻ, tạo ra các doanh nghiệp bán lẻ có năng lực cạnh tranh trên thị trường. Để làm được điều này các cơ quan quản lý của thành phố cần chú ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho các hình thức bán lẻ phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Có định hướng quy hoạch chi tiết, phù hợp giữa hệ thống hạ tầng cơ sở như điện, nước, đường giao thông, trường học, hệ thống thông tin liên lạc… với các hình thức bán lẻ cả truyền thống và hiện đại. Quy hoạch chi tiết hệ thống mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng tạp hóa dựa trên đánh giá tiềm năng nhu cầu của thị trường, định hướng phát triển của thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, đảm bảo cạnh tranh công bằng, mỹ quan đô thị, hài hòa lợi ích người tiêu dùng, nhà bán lẻ và các cơ quan chính quyền địa phương. Cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thực hiện rà soát quy hoạch trên cơ sở khoa học để đảm bảo việc phát triển bền vững của ngành bán lẻ và cả thành phố.

Thứ hai, tập trung khuyến khích phát triển mạng lưới bán lẻ theo hướng đa dạng phối hợp công năng của từng loại hình bán lẻ cho từng khu vực của thành phố. Chính quyền các cấp cần quan tâm đến việc phát triển đồng bộ các loại hình bán lẻ khác nhau trong từng khu vực. Cần tập trung vào việc khuyến khích phát triển bằng chất lượng chứ không phải số lượng. Tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các chợ, tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua cũng như các lợi ích cộng đồng. Gắn việc quy hoạch chợ với các hệ thống bán lẻ khác trong một tổng thể dựa trên khảo sát chi tiết về nhu cầu để phối hợp công năng giữa các hình thức bán lẻ bổ trợ cho nhau trên cùng một khu vực.

Thứ ba, khuyến khích phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại. Cùng với xu thế phát triển kinh tế và khoa học công nghệ thành phố cần khuyến khích các hình

149

thức bán lẻ hiện đại. Trong đó tập trung vào phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, kết hợp phát triển các mô hình chuỗi bán hàng, cửa hàng tiện lợi, kết hợp với các phương thức thương mại điện tử. Cần quan tâm đến việc quy hoạch đồng bộ giữa hệ thống bán lẻ với hệ thống hạ tầng giao thông như đường xá, nơi để xe đảm bảo thuận tiện cho người tiêu dùng và sự phát triển của các nhà bán lẻ, của thành phố.

Thứ tư, đảm bảo tốt hạ tầng dịch vụ công cộng như thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp điện, nước. Các dịch vụ hạ tầng công cộng cũng có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các doanh nghiệp bán lẻ. Bởi vậy, thành phố cần tập trung vào việc khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công cộng như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phát triển nhanh hạ tầng, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tiến tới xây dựng thành phố thông minh.

4.2.2.2. Nâng cao công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền địa phương

Một là, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn và mặt bằng cho các doanh nghiệp bán lẻ. Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Với đặc điểm của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là những doanh nghiệp hạn chế về các nguồn lực như vốn, mặt bằng kinh doanh. Với quy mô vốn nhỏ, mặt bằng kinh doanh hạn chế các doanh nghiệp rất khó phát triển thành những chuỗi lớn. Do đó tính mạo hiểm và chủ động trong kinh doanh (định hướng kinh doanh) của các doanh nghiệp hiện tại khá thấp. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét xây dựng các cơ chế về hỗ trợ vốn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề mặt bằng kinh doanh cũng là một vấn đề quan trọng cần hỗ trợ các doanh nghiệp. Thực tế phần lớn các doanh nghiệp hiện tại có mặt bằng kinh doanh khá hạn chế nên không triển khai được những phương thức quản lý hiện đại, tối ưu về dự trữ hàng hóa dẫn đến mức độ cạnh tranh về giá kém hơn. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, xem xét cơ chế về hỗ trợ mặt bằng kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kinh doanh, đặc biệt trước áp lực tham gia thị trường ngày càng lớn từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Hai là, tạo điều kiện và khuyến khích thành lập các hiệp hội theo ngành hàng, thúc đẩy liên kết và hợp tác doanh nghiệp. Để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu

150

nhỏ. Việc thành lập các hiệp hội theo ngành hàng sẽ đảm bảo quyền lợi của các thành viên trong hiệp hội, bảo vệ được các thành viên khi có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài đồng thời các hiệp hội sẽ là nơi điều hòa, giải quyết ban đầu về các xung đột lợi ích giữa các thành viên trong hiệp hội. Thành phố cùng cần khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp để bổ sung cho nhau trong môi trường cạnh tranh ngày càng ngay gắt như hiện nay. Các doanh nghiệp có thể có nhiều hình thức hợp tác, liên kết với nhau để lựa chọn như tham gia góp vốn, nhận nhượng quyền thương mại… Hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, thị trường và phương pháp quản lý của các đối tác. Tăng cường việc liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà cung cấp đầu vào và với khách hàng đầu ra. Việc liên kết cũng thúc đẩy quá trình chia sẻ thông tin về khách hàng, đối thủ làm cơ sở cho việc nghiên cứu cải tiến sản phẩm/dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Giải quyết tốt việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ Hải Phòng tiếp cận được thị trường tốt hơn, tận dụng được các nguồn lực của mình tốt hơn để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Ba là, hỗ trợ các mô hình học tập, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay nhìn chung tình trạng lao động của các doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng còn tương đối thấp. Trình độ thấp lại kéo theo năng suất lao động thấp và năng lực cạnh tranh không cao khi phải đối đầu với các đối thủ nước ngoài nhiều kinh nghiệm và tiềm lực hơn. Để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp điều kiện tiên quyết là phải nâng cao được trình độ người lao động với mục tiêu cải thiện năng suất lao động. Để làm được điều này chính quyền địa phương cần tham khảo xây dựng các mô hình học tập, hỗ trợ các khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua trung tâm xúc tiến thương mại, liên kết với các trường, học viện, các đối tác nước ngoài xây dựng những chương trình huấn luyện về nâng cao trình độ người lao động, cán bộ quản lý, học hỏi các mô hình quản lý, công nghệ, phương thức kinh doanh mới. Mục tiêu của các mô hình học tập, khóa huấn luyện phải hướng tới cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động nhằm mục tiêu cải thiện được năng suất lao động sau các khóa học.

Bốn là, nghiên cứu các phương án ưu đãi nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Chính quyền Hải Phòng cần nghiên cứu các phương án ưu đãi, tạo thuận lợi trong kinh doanh để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí. Bởi chi phí là

151

một chỉ tiêu cơ bản để định giá sản phẩm trong lĩnh vực bán lẻ. Tổng chi phí cho hoạt động bao gồm nhiều hạng mục chi phí khác nhau như chi phí nghiên cứu thị trường, chi phí lưu kho, chi phí quản lý, chi phí vận hành, chi phí bảo hành hàng hóa. Mức giá bán luôn gắn với chi phí, việc tiêt kiệm hay cắt giảm được chi phí sẽ tạo lợi thế lớn để có thể giảm giá sản phẩm/dịch vụ kinh doanh nhưng vẫn giữ được một mức lãi nhất định. Việc giảm được chi phí cao hơn các đối thủ cạnh tranh trong một thị trường có ít khả năng khác biệt hóa về sản phẩm sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá để thu hút khách hàng. Để giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp thành phố có thể xây dựng các chính sách ưu tiên về các loại phí, lệ phí thực hiện các chính sách miễn giảm thuế cho các khu vực đặc biệt cần hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh.

Năm là, xem xét xây dựng các trung tâm hỗ trợ thông tin doanh nghiệp. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng hiện nay tiếp cận các thông tin về thị trường khá chậm, đặc biệt các doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến các biến động kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân là do quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên thiếu các nguồn lực để theo dõi thường xuyên các biến động về kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng tới ngành của mình. Để các doanh nghiệp nắm bắt được nhiều hơn các biến động kinh tế vĩ mô trên thế giới và tại Việt Nam Hải Phòng cần nghiên cứu, xem xét việc xây dựng một trung tâm hỗ trợ thông tin doanh nghiệp. Trung tâm này có chức năng tổ chức nghiên cứu và phổ biến các nghiên cứu về môi trường kinh doanh, các xu thế trong ngành và thực hiện các báo cáo thường niên. Trung tâm hỗ trợ thông tin doanh nghiệp sẽ trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về các thông tin vĩ mô có thể ảnh hưởng đến ngành, doanh nghiệp để từ đó các doanh nghiệp có những phản ứng phù hợp.

Sáu là, thực hiện nghiêm ngặt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Để đảm bảo tính công bằng và khuyến khích cạnh tranh một cách lành mạnh các cơ quan chuyên ngành cần thực hiện nghiêm ngặt công tác thanh, tra kiểm tra theo luật định để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, của các doanh nghiệp trong ngành và cả nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần tăng cường công tác quản lý thuế, hạn chế và xử lý hiệu quả các hành vi chuyển giá, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

152

KẾT LUẬN

Trong xu thế nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia có nhiều tiềm lực hơn. Để cạnh tranh và phát triển được các doanh nghiệp bán lẻ không thể dựa vào những lợi thế nguồn lực hữu hình bởi nó không phải là lợi thế của doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, những lợi thế về các nguồn lực hữu hình thường không tồn tại lâu dài. Do đó, để cạnh tranh thành công và phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng nói riêng phải tìm ra những nguồn lực vô hình tạo ra những lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn. Bởi vậy nghiên cứu đã được thiết kế để kiểm chứng các nhân tố tạo ra năng lực cạnh tranh ảnh hưởng như thế nào tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng. Luận án đã giải quyết được các nội dung cơ bản đặt ra như sau: Luận án đã tổng hợp, hệ thống hóa và làm rõ các vấn đề lý luận về bán lẻ, doanh nghiệp bán lẻ, năng lực cạnh tranh và đánh giá năng lực cạnh tranh, các nhân tố hình thành và các tiêu chí đánh giá. Lý thuyết tiếp cận chính của luận án dựa trên lý thuyết năng lực động doanh nghiệp.

Luận án đã thiết kế một nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận của lý thuyết năng lực động để kiểm chứng một số nhóm nhân tố tạo ra năng lực cạnh tranh ảnh hưởng như thế nào tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng. Luận án đã thiết lập được mô hình gồm bốn nhân tố chính có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh bao gồm các nhân tố (1) năng lực marketing; (2) năng lực thích nghi; (3) năng lực sáng tạo và (4) định hướng kinh doanh. Thông qua nghiên cứu sơ bộ cho thấy tất cả các nhân tố đưa vào mô hình xây dựng được đều đạt tính tin cậy.

Kết quả nghiên cứu chính thức của luận án cho thấy có hai nhân tố tạo ra năng lực cạnh tranh có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh là định hướng kinh doanh và năng lực sáng tạo, hai nhân tố có ảnh hưởng gián tiếp là năng lực marketing và năng lực thích nghi. Từ nguồn dữ liệu thứ cấp về tình hình hoạt động bán lẻ trên địa bàn thành phố Hải Phòng, luận án cũng đã khái quát thực trạng hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố tính đến năm 2015.

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra những gợi ý về định hướng phát triển các doanh nghiệp bán lẻ và những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh động của các doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng. Mặc dù đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu

153

ban đầu đặt ra tuy nhiên nghiên cứu này cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Thứ nhất, nghiên cứu này mới được thực hiện ở các doanh nghiệp bán lẻ tại Hải Phòng. Do đó, các kết luận của nghiên cứu có thể không hoàn toàn phù hợp với những địa phương khác. Thứ hai, nghiên cứu mới chỉ tập trung đánh giá được một số nhóm nhân tố tạo ra năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, còn có nhiều nhân tố khác có thể tạo ra năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà nghiên cứu chưa xét đến như năng lực học hỏi, năng lực tích hợp, danh tiếng doanh nghiệp…Thứ ba, quy mô mẫu nghiên cứu không phải là lớn cũng có thể ảnh hưởng đến tính khái quát của nghiên cứu. Bởi vậy, các nghiên cứu tiếp theo nên khắc phục những hạn chế này bằng cách. Một là, mở rộng quy mô nghiên cứu cho nhiều địa phương khác nhau để có cái nhìn toàn cảnh hơn về các yếu tố tạo ra năng lực động cho doanh nghiệp, có thể so sánh sự khác biệt giữa các địa phương khác nhau. Hai là, bổ sung thêm những nhân tố khác vào mô hình nghiên cứu để tăng khả năng giải thích của mô hình. Những nhân tố có thể xem xét đưa vào mô hình nghiên cứu như năng lực học hỏi, danh tiếng doanh nghiệp, kỳ vọng hội nhập. Ba là, các nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng quy mô mẫu nghiên cứu để tăng tính đại diện cho nghiên cứu, tăng khả năng khái quát hóa từ kết quả nghiên cứu.

154

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu Tiếng Việt

1. Nguyễn Thanh Bình (2012), Luận án Tiến sĩ kinh tế: Hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ ở Việt Nam trong thời kì hội nhập, Viện nghiên cứu thương mại.

2. Hoàng Bảo (2016), Thị trường bán lẻ Việt: 50% nằm trong tay người Thái,

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 158 - 175)