Các nhân tố nội bộ doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 53 - 57)

7. Kết cấu luận án

2.3.3. Các nhân tố nội bộ doanh nghiệp

Các nhân tố thuộc về nội bộ doanh nghiệp là những nguồn lực doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho mình. Các nguồn lực thông thường được chia thành ba nhóm (1) các nguồn lực hữu hình như tài sản, tiền; (2) nguồn lực vô hình như khả năng quản trị, danh tiếng và (3) nguồn nhân lực [65]. Các nhân tố thuộc về nội bộ doanh nghiệp có thể được hình thành ở nhiều dạng khác nhau. Dưới đây, tác giả liệt kê một số nhóm nhân tố phổ biến:

2.3.3.1. Giá trị doanh nghiệp

Giá trị doanh nghiệp thường được đánh giá bằng mức doanh thu của doanh nghiệp [88]. Mô hình chuỗi giá trị là một mô hình phân tích phổ biến đánh giá quá trình tạo ra giá trị của doanh nghiệp [88]. (Hình 2.3)

Theo mô hình chuỗi giá trị của Porter các hoạt động của một doanh nghiệp bao gồm các hoạt động trực tiếp và các hoạt động hỗ trợ. Các hoạt động trực tiếp bao gồm hoạt động marketing, hoạt động bán hàng, hoạt động sản xuất, cung ứng nội bộ và các dịch vụ; các hoạt động gián tiếp bao gồm hoạt động về cơ sở hạ tầng, các hoạt động về quản trị nhân lực, các hoạt động về phát triển công nghệ và mua sắm.

44

Giá trị gia tăng của một doanh nghiệp thường được tính bằng cách lấy tổng doanh thu của doanh nghiệp trừ đi tổng chi phí của doanh nghiệp, phản ánh lượng giá trị mà doanh nghiệp tạo ra được trong một thời gian nhất định. Để lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp phải tìm mọi phương pháp để tạo ra giá trị gia tăng với chi phí thấp hơn các đối thủ của mình trong cùng một giới hạn về chất lượng hoặc tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn thông qua cách làm khác biệt hóa sản phẩm của mình, quá trình tạo ra giá trị gia tăng của một doanh nghiệp được mô tả như mô hình trên.

Nguồn: [20]

Hình 2.3 Mô hình chuỗi giá trị doanh nghiệp Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp

Quản trị nguồn nhân lực Phát triển công nghệ Mua sắm Cung ứng nội bộ Cung ứng bên ngoài Marketing và Bán hàng Dich vụ Giá trị gia tăng Giá trị gia tăng

45

2.3.3.2. Chiến lược kinh doanh

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là định hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong dài hạn, bao gồm chiến lược về sản phẩm, vật tư, thị trường, đổi mới công nghệ và đầu tư dài hạn. Chiến lược kinh doanh bao gồm các mục tiêu và các biện pháp để doanh nghiệp đạt được mục tiêu. Một chiến lược tốt phải khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài doanh nghiệp, thể hiện những định huớng nhất định mà doanh nghiệp cần tập trung khai thác để phát triển sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường. Chính vì thế, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hiện tại mà còn quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn.

2.3.3.3. Chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa to lớn trong việc sáng tạo nên giá trị khác biệt của sản phẩm, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức như hiện nay. Chất lượng nguồn nhân lực bao gồm trình độ lãnh đạo doanh nghiệp, kiến thức, kỹ năng và tính chuyên nghiệp của cả đội ngũ công nhân viên của doanh nghiệp. Khả năng quản lý và điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp quyết định đến hiệu quả sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp và của xã hội, quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và như vậy sẽ quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trình độ quản lý giỏi của doanh nhân được xem như một tài sản lớn đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một đội ngũ lao động lành nghề, kỷ luật lao động cao, có trình độ chuyên môn sẽ là cơ sở cho doanh nghiệp có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng (có hàm lượng chất xám cao).

2.3.3.4. Trình độ công nghệ

Đây là nhân tố quan trọng tạo tiền đề nâng cao năng suất lao động. Trong điều kiện nền kinh tế tri thức, khi mà hàm lượng tri thức được vật chất hóa thành kỹ thuật công nghệ thì công nghệ, kỹ thuật sản xuất trở thành yếu tố then chốt trong việc tăng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, do tốc độ tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ ngày càng cao nên trình độ công nghệ của một doanh nghiệp được đánh giá không chỉ dựa trên việc sử dụng thành thạo những kỹ thuật công nghệ sẵn có mà còn bao gồm cả khả năng tiếp nhận các công nghệ hiện đại được chuyển giao và việc đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R & D). Điều này giúp đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong tương lai.

46

2.3.3.5. Tiềm lực tài chính

Trong nền kinh tế thị trường, hầu hết mọi yếu tố đầu vào của sản xuất đều phải đi mua hoặc phải đầu tư ứng trước. Do vậy, tất nhiên doanh nghiệp phải có vốn. Vốn chính là tiền đề cho doanh nghiệp có được lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mình. Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp không chỉ là số vốn hiện có mà còn thể hiện ở khả năng khai thác và sử dụng các nguồn lực tài chính trong và ngoài doanh nghiệp nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển của chính doanh nghiệp. Tiềm lực tài chính còn thể hiện quy mô của doanh nghiệp. Nó cho phép doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện sản xuất hàng loạt, tối thiểu hóa chi phí để tận dụng lợi thế theo quy mô. Nó cũng cho phép doanh nghiệp đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đa dạng hóa thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận và san sẻ rủi ro.

2.3.3.6. Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần mang đặc trưng riêng biệt của doanh nghiệp, tác động đến tình cảm, lý trí và hành vi của tất các thành viên trong doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống tư duy, hành động của con người trong doanh nghiệp và đã được nâng lên thành phong cách chung của mỗi thành viên. Vì thế, văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra một nét riêng, hướng mọi người tới một mục tiêu chung, đồng bộ trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh. Do đó, nó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

Như vậy, nhìn chung có nhiều nhân tố thuộc về nội bộ doanh nghiệp có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, một số nhân tố không giúp doanh nghiệp duy trì được lợi thế trong dài hạn do sự bắt chước của doanh nghiệp khác, khả năng sở hữu nguồn lực thông qua thị trường các yếu tố sản xuất. Do đó, lý thuyết về năng lực động cho rằng chỉ có những nhân tố tạo ra giá trị, hiếm, khó bắt chước, khó thay thế mới tạo ra năng lực cạnh tranh bền vững. Trong luận án này tác giả sử dụng lý thuyết về năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp làm cơ sở chính để thiết lập mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.

47

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 53 - 57)