0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (170 trang)

Lịch sử kỹ thuật TIPS

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG TĂNG ÁP LỰC TĨNH MẠCH CỬA Ở BỆNH NHÂN XƠ GAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP TẠO SHUNT CỬA - CHỦ TRONG GAN (Trang 45 -48 )

Kỹ thuật tạo shunt cửa-chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh (Transjugular Intrahepatic Portosystemic Shunt - viết tắt là TIPS ) điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa được nghiên cứu và áp dụng trên thế giới từ trên 20 năm nay. Những khái niệm đầu tiên về về TIPS được đưa ra từ cuối những năm 1960 đến 1970 sau những nghiên cứu thực nghiệm tạo shunt cửa-chủ được Rosch công bố năm 1969 và năm 1971 [138], [139].

Năm 1982, Colapinto và CS đã báo cáo kết quả đầu tiên tạo shunt trong gan bằng nong bóng đơn thuần (bóng Gruntzig) trên một bệnh nhân xơ gan có biến chứng chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản - dạ dày. Shunt được tạo giữa nhánh tĩnh mạch cửa trái và nhánh tĩnh mạch gan giữa, bằng cách nong bóng đường kính 9mm, và giữ căng bóng trong 12 giờ liên tục. Áp lực tĩnh mạch cửa trước khi tạo shunt là 45mmHg đã giảm xuống còn 23-30 sau khi shunt hoạt động [42].

Kỹ thuật TIPS hoàn chỉnh lần đầu tiên được Richter và CS công bố tại Freiburg, Đức. Một bệnh nhân xơ gan rượu có biến chứng CMTH do giãn vỡ TMTQ đã được điều trị bằng kỹ thuật TIPS. Các tác giả sử dụng 2 stent đường kính 9 mm, dài 4 cm. Áp lực TMC giảm từ 38 mmHg xuống còn 18 mmHg. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân tử vong do hội chứng ARDS. Tiếp sau đó, nhóm tác giả đã thực hiện thành công kỹ thuật TIPS cho 9 bệnh nhân khác [119], [130].Năm 1992, cũng nhóm tác giả trên đã thông báo kết quả bước đầu của kỹ thuật TIPS trên 24 bệnh nhân vởi tỉ lệ thành công kỹ thuật lên tới 95%, tai biến nặng nhất là chảy máu trong ổ bụng [118]. Với kết quả đó, tác giả hy vọng TIPS có thể sẽ là một giải pháp thay thế cho phẫu thuật phân lưu cửa chủ kinh điển ở những bệnh nhân nguy cơ cao.

Từ sau năm 1990, ứng dụng lâm sàng của TIPS ngày càng được phát triển rộng rãi trên thế giới. Tác giả Martin Rossle đã nghiên cứu trên 100 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật TIPS, thành công kỹ thuật 93 %, giảm trung bình 57% áp lực tĩnh mạch cửa, biến chứng chảy máu xảy ra 13 trường hợp (6 chảy máu trong ổ bụng, 4 chảy máu đường mật và 3 chảy máu dưới bao gan). Hội chứng não gan xuất hiện ở 25% số bệnh nhân. Kết quả lâu dài của nghiên cứu cho thấy 31% bị hẹp hoặc tắc shunt và chỉ có 10% chảy máu tái phát. Tỷ lệ tử vong trong tháng đầu là 3% và tỷ lệ sống sau 1 năm là 85% [143]. Đây là một trong các công trình đầu tiên với số lượng lớn sau khi TIPS được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng, mặc dù tỷ lệ biến chứng còn cao nhưng đó thể hiện được hiệu quả của TIPS trong hạn chế tỷ lệ chảy máu do tăng áp TMC.

Năm 2000, trong một báo cáo tổng quan nhìn lại 10 năm phát triển của TIPS, tác giả Jalan và CS đã nêu bật các vấn đề quan trọng là chỉ định và những biến chứng của kỹ thuật. Ba chỉ định chủ yếu của TIPS là chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng tái diễn và hội chứng Budd-Chiari. Những biến

chứng chính của TIPS là hẹp-tắc shunt và hội chứng não gan [93]. Phân tích 11 nghiên cứu lâm sàng đã áp dụng TIPS để dự phòng chảy máu tái phát, tác giả Angelo Luca và CS đã chỉ ra rằng TIPS có thể làm giảm tỷ lệ chảy máu tái phát nhưng đồng thời cũng làm tăng tỷ lệ bệnh não gan [107].

Nhiều nghiên cứu và khuyến cáo khác trên thế giới từ năm 2000 trở lại đây cũng đã nêu lên giá trị của TIPS trong điều trị và dự phòng chảy máu tái phát do tăng áp lực TMC. Gần đây nhất là khuyến cáo năm 2010 của Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Hoa Kỳ (AASLD) về vai trò của TIPS trong điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa [33] cũng như hướng dẫn của hội nghị Baveno V về điều trị tăng áp lực TMC [52]: TIPS là một giải pháp quan trọng hiện nay trong điều trị biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Chỉ định TIPS cần được đưa ra sau khi có sự thống nhất của bác sỹ tiêu hóa và bác sỹ xquang can thiệp. TIPS có hiệu quả đáng kể trong giảm tỷ lệ chảy máu tái phát, giảm mức độ tràn dich màng phổi và cổ trướng. Mặt khác, bệnh não gan sau TIPS là một hạn chế của phương pháp và không có giá trị cải thiện tỷ lệ sống cho những bệnh nhân thuộc nhóm này. Không nên coi TIPS là lựa chọn đầu tiên cho mọi biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa, ngoại trừ chảy máu thực quản-dạ dày. Trong tất cả các trường hợp khác, TIPS chỉ được chỉ định sau khi các biện pháp bảo tồn thất bại (như dùng thuốc, nội soi, chọc hút màng bụng-màng phổi…)

Năm 2013, Rossle và CS đã báo tổng kết 25 năm kết quả của kỹ thuật TIPS cho thấy hiệu quả tốt trong kiểm soát CMTH ở các bệnh nhân xơ gan tăng áp lực TMC của kỹ thuật TIPS. Các tác giả cũng nhận định rằng hội chứng não gan là biến chứng thường gặp nhất của TIPS. Kỹ thuật TIPS không phải là lựa chọn hàng đầu trong các biến chứng của hội chứng tăng áp lực TMC mà TIPS chỉ được lựa chọn sau khi các phương pháp điều trị nội khoa và nội soi thất bại [141].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG TĂNG ÁP LỰC TĨNH MẠCH CỬA Ở BỆNH NHÂN XƠ GAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP TẠO SHUNT CỬA - CHỦ TRONG GAN (Trang 45 -48 )

×